Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 17 đến ngày 23-3-2014
Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Đây là chỉ số đánh giá mức độ tạo điều kiện về thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp ở các địa phương do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố hằng năm.
Điểm tích cực trong bảng xếp hạng PCI năm nay là các trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước đều tăng hạng. TP. Hồ Chí Minh tăng 3 hạng, nằm trong top 10 tỉnh có PCI cao nhất. Thủ đô Hà Nội tăng 19 hạng, từ vị trí 51 lên vị trí 33. Nhóm tỉnh có chỉ số PCI thấp nhất vẫn là khu vực miền núi phía Bắc.
Thành phố Đà Nẵng đã trở lại dẫn đầu trong bảng xếp hạng năm nay (đạt 66,45 điểm). Để lấy lại ngôi đầu bảng này, thời gian qua, lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp mạnh, khắc phục những hạn chế dẫn đến sự tụt hạng PCI. Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc nâng cao hiệu quả điều hành, hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện tốt hơn cải cách hành chính, giảm bớt thanh tra, kiểm tra kéo dài ở doanh nghiệp. Để được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, Đà Nẵng đã cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, doanh nghiệp không còn bị phiền toái khi xin cấp giấy kinh doanh có điều kiện. Cải cách hành chính trong cấp giấy phép xây dựng được công khai trên mạng về quy trình cấp phép và minh bạch về thủ tục đất đai.
Đối với Hà Nội dù tăng 18 bậc từ vị trí 51 (năm 2012) lên vị trí 33 (năm 2013), nhưng một số chuyên gia đánh giá thứ hạng này chưa xứng đáng với vị trí và tiềm năng của thủ đô. Vấn đề chính ảnh hưởng đến chỉ số PCI của Hà Nội, đó là tính minh bạch, ngân sách và quy hoạch thành phố nên được công bố công khai trên mạng để người dân được tiếp cận; tiếp cận đất đai, xây dựng và chỉ số về chi phí không chính thức, tiền lót tay và “chi phí bôi trơn” ngày càng trầm trọng. Trong khi chỉ số này tại các thành phố khác trên cả nước đều được cải thiện, thì chỉ số của Hà Nội liên tục suy giảm, xuống chỉ còn 4,63 điểm trong năm 2013.
Chính phủ họp chuyên đề xây dựng pháp luật
Tại phiên họp chuyên đề ngày 20-3, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, trực tiếp là các bộ trưởng, cần đề cao tinh thần trách nhiệm; thực hiện tốt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để tạo chuyển biến thực sự.
Nhìn lại công tác xây dựng dự thảo luật và pháp lệnh trong quý I, Thủ tướng đánh giá các bộ, ngành đã tích cực thực hiện. Tuy nhiên, đối với việc ban hành văn bản dưới luật, dù có nhiều tiến bộ (năm 2013 số văn bản nợ đọng thấp nhất từ trước tới nay), nhưng vẫn còn nợ lại 58 văn bản hướng dẫn. Thủ tướng nhắc nhở: Chúng ta làm vẫn “chậm quá”, số văn bản “nợ đọng” còn nhiều. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh việc bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật. Việc xây dựng văn bản quy phạm phải đảm bảo tính khả thi, tránh tình trạng soạn thảo văn bản không bảo đảm chất lượng, bị “dư luận phản ứng ầm ầm” khi lấy ý kiến.
“Cán bộ, công chức dở là phải cho nghỉ!”
Sáng 21-3, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã có buổi làm việc với TP. Đà Nẵng xoay quanh các nội dung về việc tinh giản biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách hành chính.
Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình lưu ý thành phố cần chấn chỉnh mạnh mẽ và siết kỷ cương trong công tác quản lý cán bộ; “Đối với các cán bộ, công chức hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì phải cho thôi việc. Các công chức bị đánh giá năng lực còn hạn chế cũng phải điều chuyển công tác khác”.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn biên chế trong thời gian qua mới chỉ đạt 50% so với yêu cầu đặt ra và điều đáng lo ngại của việc tinh gọn biên chế hiện nay là giảm chỗ này lại “thò” thêm chỗ khác. “Nên nói là tinh giản mà thực tế chỉ là chuyển đổi”. Bộ trưởng đưa ra ví dụ như khi thực hiện tinh giảm các văn phòng đại diện khu vực của các bộ, ngành trung ương thì lại sinh ra các vụ, các cục phụ trách. “Vì vậy, cấp bộ thì ổn định nhưng cấp cục, tổng cục lại cứ xin tăng lên”.
Bộ trưởng cho biết thêm, thực tế bộ máy cán bộ, công chức nước ta hiện nay chưa phải là lớn; nguyên do gây ra cồng kềnh thực sự là ở đội ngũ viên chức. Hiện tại cả nước có khoảng 393.000 cán bộ, công chức (mới rà soát đến cấp huyện, chưa tính xã, phường); trong khi đó, có đến 2,2 triệu viên chức.
Bắc Giang: Nhân rộng mô hình một cửa điện tử liên thông hiện đại
Năm 2014, tỉnh Bắc Giang phấn đấu mỗi huyện, thành phố có từ 25% - 30% UBND cấp xã ứng dụng mô hình "Một cửa điện tử liên thông hiện đại" liên thông với cấp huyện; 6 sở, ngành áp dụng mô hình một cửa điện tử hiện đại, trong đó 2 sở liên thông với UBND cấp huyện để bảo đảm tỷ lệ thủ tục hành chính giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông các cấp đạt từ 80% trở lên, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn ngày một tốt hơn.
Tỉnh chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận một cửa các sở, UBND cấp huyện, cấp xã; nhân rộng mô hình một cửa điện tử liên thông từ cấp huyện đến cấp xã, phấn đấu năm 2014 hoàn thành mô hình này ở 139 đơn vị cấp xã trong tỉnh.
Đến nay, Bắc Giang đã có 10/10 huyện, thành phố và 13 sở, ngành đã triển khai một cửa điện tử; 15 cơ quan đã sử dụng phần mềm mã nguồn mở trong thực hiện một cửa điện tử. Năm 2013, bộ phận một cửa điện tử trong toàn tỉnh đã tiếp nhận trên 108.000 hồ sơ và đã giải quyết đúng và trước hạn được trên 102.000 hồ sơ các loại (đạt tỷ lệ 94,5%).
Hải Phòng: Sẽ xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành, quận, huyện
UBND thành phố vừa có Quyết định ban hành Đề án “Xác định chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện giai đoạn 2013-2020”; Bộ chỉ số cải cách hành chính đối với sở, ban, ngành và Bộ chỉ số cải cách hành chính đối với UBND quận, huyện.
Đây là công cụ quan trọng, là cơ sở đánh giá thực chất, khách quan, khoa học việc thực hiện công tác cải cách hành chính hằng năm của các đơn vị; xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành, quận, huyện; đánh giá trách nhiệm người đứng đầu trong công tác này.
Chỉ số cải cách hành chính được xác định dựa trên các tiêu chí thuộc 8 lĩnh vực: chỉ đạo điều hành; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Việc công bố xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành, quận, huyện sẽ được thực hiện hàng năm, từ năm 2013.
Cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư
Là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh chú trọng cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của các sở, ngành nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết: Chương trình cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao trách nhiệm của các sở, ngành chức năng được lãnh đạo tỉnh xem là một vấn đề quan trọng trong thu hút đầu tư. Chính vì thế, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động về “Cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2015” tại Quyết định số 679/QĐ-UBND ngày 29-3-2011.
Tỉnh triển khai đơn giản hóa các thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế “một cửa”, liên thông giữa các cơ quan hành chính cùng cấp trong các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, thuế...; công khai, minh bạch các quy định về thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức; mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với người dân và tổ chức được cải thiện đáng kể, ngày càng giảm thiểu sự phiền hà cho công dân, tổ chức và doanh nghiệp. Điều này góp phần đáng kể trong việc thu hút và kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh./.
Hội thảo “Nâng cao chất lượng chi bộ - những vấn đề đặt ra”  (27/03/2014)
Hội thảo “Nâng cao chất lượng chi bộ - những vấn đề đặt ra”  (27/03/2014)
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, những kết quả đạt được và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2015  (26/03/2014)
Trung ương Đoàn tổ chức gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt - Trung 2014  (26/03/2014)
Kiến nghị giao Mặt trận Tổ quốc chủ trì phong trào thi đua  (26/03/2014)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên