Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, những kết quả đạt được và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2015

Vũ Văn Ninh Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ
23:32, ngày 26-03-2014

TCCS - Công tác sắp xếp, cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện cùng với quá trình đổi mới của đất nước. Qua hơn 20 năm sắp xếp và đổi mới, cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được điều chỉnh hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, hiệu quả hoạt động được nâng cao, góp phần không nhỏ vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, trong tình hình thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã được hoàn thiện một bước, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nền kinh tế nhiều thành phần ngày càng năng động, đa dạng hơn, đòi hỏi doanh nghiệp nhà nước với vai trò của mình cần được sắp xếp, tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả mạnh mẽ hơn.

Những kết quả đạt được

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng về tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng phương án tái cơ cấu trên tập trung vào 3 lĩnh vực đầu tư công, tài chính - ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). 

Ngay từ năm 2011, công tác sắp xếp, cổ phần hóa và tái cơ cấu DNNN đã được triển khai khẩn trương, quyết liệt. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện và nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Việc triển khai Đề án được thực hiện đồng bộ từ hoàn thiện thể chế, khung pháp lý, cơ chế, chính sách đến xác định nội dung tái cơ cấu của từng doanh nghiệp và cụ thể hóa kế hoạch triển khai thực hiện. Đến nay, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp đã triển khai được nhiều nội dung quan trọng mà Đề án đặt ra. 

1- Về việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách

Thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thúc đẩy tái cơ cấu DNNN và đổi mới cơ chế quản lý của chủ sở hữu đã được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ. Những cơ chế, chính sách quan trọng cho việc đổi mới tổ chức quản lý, giám sát đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được ban hành, như quy định về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, quy chế quản lý tài chính, quy chế giám sát, quy chế hoạt động của kiểm soát viên tại công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên 100% vốn nhà nước; thành lập mới, tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung Nghị định về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần;... 

Thể chế, cơ chế quản lý của chủ sở hữu đã được hoàn thiện một bước sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2012/NĐ-CP, ngày 15-11-2013, về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp ra đời. Theo đó, đã phân định rõ hơn quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. 

Xác định rõ bộ quản lý ngành là cơ quan đầu mối thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN, đặc biệt là đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc tổ chức, hoạt động, giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển; quản lý, sử dụng, bảo toàn, phát triển vốn, đánh giá cán bộ quản lý và hiệu quả hoạt động của DNNN.

2- Triển khai sắp xếp, cổ phần hóa DNNN và Đề án tái cơ cấu tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước 

Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 được duyệt đã đề ra một số định hướng quan trọng:

- Phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện có theo các nhóm, trong đó Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực độc quyền nhà nước, quốc phòng, an ninh; nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực khai thác, chế biến tài nguyên, khoáng sản; bán buôn lương thực, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; những lĩnh vực nhà nước mà các thành phần kinh tế ngoài nhà nước có thể đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, Nhà nước không cần nắm giữ thì cổ phần hóa và Nhà nước rút hết vốn... Đối với các DNNN thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục sẽ thực hiện bán, chuyển nhượng doanh nghiệp; tái cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ phần, công ty TNHH nhiều thành viên; giải thể, phá sản.

- Thực hiện theo nguyên tắc thị trường việc thoái vốn nhà nước đã đầu tư vào ngành không phải kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành kinh doanh chính; vốn nhà nước ở công ty cổ phần mà Nhà nước không cần chi phối.

- Tái cơ cấu doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý nhằm thu gọn đầu mối quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản, tránh dàn trải, lãng phí... 

- Tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước một cách toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư đến thị trường và sản phẩm. Tổ chức lại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cho phù hợp với thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ.

Đến nay, Chính phủ đã hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 - 2015 của tất cả các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, trong đó xác định rõ các DNNN nắm giữ 100% vốn, các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa với tỷ lệ nắm giữ cổ phần cụ thể (chi phối, không chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần), các doanh nghiệp thực hiện sáp nhập, giao bán, chuyển nhượng, giải thể, phá sản... 

Chính phủ cũng đã phê duyệt gần 70% số đề án tái cơ cấu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo các mục tiêu, định hướng đã đề ra (69/109 đề án), trong đó Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án của 20/21 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; quyết định dừng thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế đối với 2 tập đoàn trong ngành xây dựng và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Các bộ đã phê duyệt 39 đề án, các địa phương phê duyệt 10 đề án của các tổng công ty nhà nước trực thuộc.

Trên cơ sở các phương án, đề án đã được phê duyệt, hiện các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đang tích cực triển khai thực hiện với mục tiêu đến năm 2015 đưa số DNNN hiện có từ 1.254 doanh nghiệp xuống còn 692 doanh nghiệp, tiến tới năm 2020 cơ bản các DNNN sẽ được cổ phần hóa, Nhà nước chỉ còn giữ lại khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước, công ích, an ninh quốc phòng. Đồng thời, tạo ra những DNNN có cơ cấu hợp lý, có sức cạnh tranh cao, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

3- Xây dựng và phê duyệt Điều lệ Tổ chức và hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước 

Căn cứ các quy định mới được ban hành về tổ chức quản lý, phân công phân cấp thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, cơ chế kiểm tra, giám sát... các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã chủ động triển khai xây dựng điều lệ tổ chức và hoạt động. Đã có 12/14 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đặc biệt quan trọng trình Chính phủ Nghị định về Điều lệ; Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành 06 Nghị định Điều lệ Tổ chức và hoạt động; hiện nay, các cơ quan đang tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Nghị định Điều lệ còn lại để Chính phủ sớm phê duyệt trong năm 2013. Các bộ, ngành, địa phương cũng đang triển khai phê duyệt Điều lệ Tổ chức và hoạt động của các tổng công ty nhà nước trực thuộc. 

4- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã triển khai tái cơ cấu theo các nội dung được phê duyệt. Kết quả bước đầu như sau: 

- Đã tập trung xác định lại mục tiêu, nhiệm vụ, làm rõ vai trò, vị trí của từng tập đoàn, tổng công ty trong nền kinh tế; rà soát, xác định lại ngành, nghề kinh doanh, loại bỏ các ngành, nghề ít hoặc không liên quan để tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tập trung vào 5 ngành, nghề chính, trong đó lĩnh vực kinh doanh chính là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tập trung vào ngành sản xuất chính gồm than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí mỏ. Tổng Công ty Cà phê Việt Nam xác định lĩnh vực kinh doanh chính là trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê. Tổng Công ty Hàng hải tập trung vào 3 lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải....

- Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên theo hướng chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không dàn trải, tránh cạnh tranh nội bộ, sáp nhập, hợp nhất các doanh nghiệp thành viên kinh doanh cùng ngành, nghề. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tiếp nhận 6 công ty con sản xuất than và chuyển đổi thành chi nhánh của Tập đoàn, cổ phần hóa 3 công ty thành viên. Tổng Công ty Giấy Việt Nam cổ phần hóa 4 công ty phụ thuộc, chuyển viện nghiên cứu thành doanh nghiệp khoa học công nghệ, chuyển Trường Cao đẳng thuộc Tổng Công ty về trực thuộc Bộ Công Thương. Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện đã hoàn thành sáp nhập 3 công ty con vào Công ty mẹ. Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đang chuyển 01 công ty con thành chi nhánh Tổng Công ty... 

- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã xây dựng phương án tài chính để triển khai ngành, nghề kinh doanh chính, đồng thời cũng xây dựng các phương án phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp để xử lý tồn tại về tài chính. 

Các tập đoàn, tổng công ty chủ động bán vốn, chuyển vốn hoặc tìm kiếm đối tác để thoái vốn phù hợp với đặc điểm, điều kiện và tình hình của doanh nghiệp. Tính đến ngày 30-09-2013, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái hơn 4.164 tỷ đồng trên tổng số vốn đầu tư ra ngoài ngành, nghề kinh doanh chính là 21.796,8 tỷ đồng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tái cơ cấu Tổng Công ty Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam theo hướng hợp nhất với Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Tây và thoái vốn theo lộ trình. Một số doanh nghiệp, như Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng Công ty Rau quả nông sản... phối hợp với Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp để xử lý các khoản nợ tồn đọng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước chưa có dấu hiệu hồi phục, việc tái cơ cấu về tài chính và thoái vốn đầu tư ngoài ngành còn khó khăn. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã hai lần tổ chức đấu giá bán cổ phần nhưng chưa thành công; Tập đoàn Hoá chất Việt Nam chưa thoái được vốn đầu tư ngoài ngành do giá thị trường của cổ phiếu thấp hơn so với giá tối thiểu được phê duyệt....

- Các tập đoàn, tổng công ty cũng đã và đang triển khai các giải pháp nhằm sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ; rà soát việc xây dựng, triển khai thực hiện các quy chế, quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá hiệu quả; áp dụng các chính sách quản trị nhân sự hiện đại; sắp xếp lại lao động, giải quyết lao động dôi dư trong quá trình tái cơ cấu.

Cùng với quá trình tái cơ cấu từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc cổ phần hóa DNNN. Nhiều doanh nghiệp đang thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, xây dựng phương án cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, như Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, các tổng công ty trực thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,... Năm 2013, kết quả sắp xếp, cổ phần hóa DNNN có xu hướng tăng trở lại; 9 tháng cả nước đã sắp xếp lại 49 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 41 doanh nghiệp, bằng 150% số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa của cả năm 2011 và 2012. Một số đơn vị triển khai tích cực, hiệu quả, như Bộ Giao thông Vận tải (25 doanh nghiệp), Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng (3 doanh nghiệp),…

5- Về đổi mới, sắp xếp nông, lâm trường quốc doanh

Việc sắp xếp các nông, lâm trường quốc doanh đã được triển khai mạnh mẽ từ năm 2003 theo tinh thần Nghị quyết số 28/NQ-TW, ngày 16-6-2003, của Bộ Chính trị. Năm 2013, Chính phủ đã tổ chức tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-TW để đánh giá việc thực hiện sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường, việc thí điểm cổ phần hóa vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc gắn với cổ phần hóa cơ sở chế biến, mô hình hoạt động của các nông, lâm trường sau khi chuyển đổi ở một số địa phương, đơn vị cũng như việc quản lý sử dụng đất trong các nông, lâm trường quốc doanh. 

Bộ Chính trị đã đồng tình với những nhận định, đánh giá về thực trạng, kết quả sắp xếp, phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo và nhất trí ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 28/NQ-TW tiếp tục sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả hơn việc sắp xếp các doanh nghiệp thuộc khu vực này. 

Tổng quát lại, sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị, Quyết định về tái cơ cấu DNNN, các bộ, ngành đã tập trung triển khai quyết liệt. Trong thời gian ngắn, một khối lượng lớn cơ chế, chính sách về tổ chức, quản lý, tái cơ cấu DNNN đã được ban hành, từng bước tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp... Các cơ chế, chính sách còn lại hoặc phát sinh trong quá trình thực hiện, nhất là cơ chế, chính sách liên quan đến tái cơ cấu, thoái vốn đầu tư ngoài ngành cần tiếp tục được thúc đẩy để ban hành đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tế. Kết quả sắp xếp, cổ phần hóa DNNN có chuyển biến tích cực, số doanh nghiệp cổ phần hóa 9 tháng năm 2013 bằng 3,3 lần năm 2012. Việc thoái vốn tuy đã đạt một số kết quả rõ rệt nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do thị trường không thuận lợi, cơ chế, chính sách còn có mặt bất cập, một số bộ, ngành, địa phương còn chưa tích cực, chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện. 

Nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2015

Kết quả thực hiện tái cơ cấu DNNN đạt được trong thời gian qua cho thấy sự cố gắng rất lớn của các ngành, các cấp từ Trung ương tới địa phương và doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần phải làm để thực hiện có kết quả các nội dung mà Đề án tái cơ cấu đề ra, nhất là những vấn đề sau:

- Khẩn trương hoàn thành những cơ chế, chính sách quan trọng phục vụ công tác tái cơ cấu DNNN, như tổ chức, quản lý, hoạt động và giám sát đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; Điều lệ mẫu của Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; quy định về thoái vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính;...Việc chậm trễ tạo lập hành lang pháp lý, có những chính sách kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện sẽ cản trở nỗ lực tái cơ cấu, sắp xếp, thoái vốn doanh nghiệp.

- Trong năm 2013, hoàn thành việc phê duyệt Điều lệ Tổ chức và hoạt động, Đề án tái cơ cấu của từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước để các doanh nghiệp có căn cứ triển khai, thực hiện trong năm 2014 - 2015.

- Đẩy nhanh việc sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại DNNN theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong thực hiện tái cơ cấu, phương án sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được phê duyệt.

- Phê duyệt đề án sắp xếp DNNN theo ngành, lĩnh vực, không phân biệt cấp cơ quan quản lý do các bộ quản lý ngành trình. 

- Ngay sau khi Bộ Chính trị có Nghị quyết về tiếp tục sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp, tổ chức quán triệt việc triển khai thực hiện Nghị quyết và xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ, trong đó có việc xây dựng cơ chế, chính sách về sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp; phê duyệt phương án tổng thể về “sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp” làm cơ sở để các đơn vị triển khai thực hiện.

- Tăng cường việc kiểm tra, giám sát các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong chỉ đạo và triển khai thực hiện các công việc đã đề ra, nghiêm túc thực hiện công tác báo cáo theo định kỳ để kịp thời có giải pháp khắc phục những tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong quá tŕnh tái cơ cấu./.