Cải tổ và điều chỉnh

Quách Quỳnh
23:24, ngày 24-03-2014
TCCSĐT - Kế hạch cải tổ quân đội là dấu ấn nổi bật nhất đến nay của cá nhân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chắc Hây-gơ (Chuck Hagel). Kế hoạch này không chỉ phản ánh những khó khăn tài chính chung của nước Mỹ và những gì liên quan đến ngân sách quốc phòng mà còn bao gồm cả những định hướng lớn trong chiến lược quân sự của Mỹ.
Theo những gì đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chắc Hây-gơ công bố thì ngân sách quốc phòng Mỹ sẽ bị cắt giảm 31 tỷ USD trong năm 2014 và 45 tỷ USD trong năm 2015, như vậy chỉ còn 496 tỷ USD trong năm 2015, tức là gần tương đương với mức độ ngân sách quốc phòng thường niên của Mỹ trong thời kỳ trước sự việc ngày 11-9-2001 ở Niu Oóc.

Điều đáng chú ý trong những nội dung của kế hoạch này là nước Mỹ sẽ giảm từ 70.000 đến 80.000 binh lính, tức là từ mức độ hiện tại gồm 520.000 quân sĩ xuống còn 450.000 hoặc 440.000, loại bỏ một số chủng loại máy bay trinh sát và tiêm kích đặc thù cho thời chiến tranh lạnh như máy bay trinh sát U-2 hay máy bay tiêm kích A-10. Nếu cuộc cải tổ quân đội này được thực hiện theo đúng dự định thì về số lượng binh lính, quân đội Mỹ sẽ "nhỏ" gần như bằng thời trước cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 trong thế kỷ trước.

Thay vào đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chắc Hây-gơ chủ trương tập trung đầu tư chi ngân sách cho những hệ thống vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại như loại máy bay tiêm kích F-35, máy bay không người lái trinh sát cũng như trang bị vũ khí tấn công, vũ khí laser, hải quân và thiết bị tiến hành chiến tranh qua mạng Internet.

Cắt giảm chi tiêu ngân sách là chuyện bắt buộc đối với Chính phủ Mỹ nói chung và đối với Bộ quốc phòng Mỹ nói riêng vì Quốc hội Mỹ đã quyết định như vậy cũng như đã luật hóa quyết định này. Bởi những khó khăn về tài chính và ngân sách hiện tại của nước Mỹ đã trầm trọng đến mức Chính phủ Mỹ sẽ còn bị áp đặt tiết kiệm chi tiêu trong nhiều năm tới. Vì thế, việc cải tổ quân đội để thích ứng với mức độ ngân sách mới trở thành chuyện không thể tránh khỏi hay trì hoãn được nữa đối với Bộ Quốc phòng Mỹ. Do vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chắc Hây-gơ buộc phải điều chỉnh lại ưu tiên chi tiêu ngân sách.

Nhưng điều chỉnh như thế nào thì lại phụ thuộc hay xuất phát từ điều chỉnh chiến lược quân sự chung. Kế hoạch cải tổ quân đội của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chắc Hây-gơ vì thế đã phản ánh sự điều chỉnh chiến lược quân sự của Mỹ. Qua đó có thể thấy được trước hết chủ định của Chính phủ Mỹ là không sẵn sàng tiến hành đồng thời nhiều cuộc chiến tranh ở bên ngoài nước Mỹ. Chủ định ấy cũng là kết quả đánh giá sau 2 cuộc chiến tranh của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc khi cường quốc số 1 thế giới vẫn chưa thấy trong thời gian tới cần phải tiến hành thêm cuộc chiến tranh tương tự ở đâu đó trên thế giới như đã tiến hành ở hai quốc gia này. Mỹ đã chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng cả ở đây cũng như cuộc chiến chống khủng bố ở châu Phi, Mỹ cũng không thể dùng bộ binh làm tác nhân quyết định chiến tranh mà phải tăng cường sử dụng hải quân, biệt động và máy bay không người lái.

Việc cải tổ quân đội và điều chỉnh chiến lược quân sự như thế không có nghĩa là Mỹ hạn chế can thiệp quân sự ở bên ngoài, không có nghĩa là Mỹ không còn cần quân đội mạnh mà chẳng qua chỉ là với cách thức khác và bằng những công cụ khác, kiềm chế hơn trong việc duy trì ưu thế về quân sự cũng như khả năng sẵn sàng triển khai hoạt động quân sự ở bên ngoài nước Mỹ. Ở đây có thể thấy, Chính phủ Mỹ đang tìm cách thoát ra khỏi tình trạng khó khăn và khó xử giữa nhu cầu cải tổ quân đội và điều chỉnh chiến lược, giữa cải tổ quân đội phục vụ cho việc điều chỉnh chiến lược quân sự và điều chỉnh chiến lược quân sự phục vụ cải tổ quân đội. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ chắc sẽ còn tận dụng cuộc cải tổ quân đội này để thúc ép những đồng minh trong NATO tăng ngân sách quốc phòng và cùng gánh chịu chi phí cho những hoạt động can thiệp quân sự của họ ở đâu đó trên thế giới./.