TCCSĐT - Ngày 21-3-2014, sau khi đã được hai viện Quốc hội phê chuẩn, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã ký luật hoàn tất thủ tục sáp nhập Crưm vào Nga.

UNESCO kêu gọi nâng cao trình độ học vấn cho nữ giới

 

70% số người mù chữ trên thế giới là phụ nữ. Ảnh: unesco.org

Ngày 17-3-2014, phát biểu tại Diễn đàn Giáo dục và kỹ năng toàn cầu lần thứ hai tổ chức tại thành phố Đu-bai của Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) I-ri-na Bô-cô-va (Irina Bokova) cho biết, trong năm 2011, trên toàn thế giới có khoảng 31 triệu bé gái không được đến trường. Ngoài ra, phụ nữ cũng chiếm tới 70% trong tổng số 774 triệu người lớn mù chữ trên phạm vi toàn cầu. Bà I. Bô-cô-va cảnh báo đây là sự lãng phí tài năng và nguồn nhân lực nghiêm trọng. Giáo dục bé gái là một trong những động lực chuyển đổi mạnh mẽ nhất để xây dựng hòa bình và xã hội toàn diện. Bé gái được giáo dục sau này sẽ tạo nền tảng bền vững cho một gia đình ổn định, có thu nhập cao hơn và đóng góp cho tăng trưởng quốc gia. Người đứng đầu UNESCO quan ngại rằng một thế hệ phụ nữ trẻ có thể bị bỏ rơi nếu không có nỗ lực toàn cầu và ở mọi tầng lớp xã hội nhằm thay đổi tình trạng hiện nay.

Tại phiên thảo luận về những sáng kiến mới cho giáo dục phụ nữ và các bé gái, Tổng Giám đốc UNESCO cũng kêu gọi lãnh đạo giới doanh nghiệp cùng tham gia Sáng kiến Đối tác toàn cầu cho việc giáo dục các bé gái của UNESCO. Được phát động năm 2011, sáng kiến hướng đến các mắt xích yếu nhất trong giáo dục đó là bước chuyển đổi lên giáo dục trung học. Sáng kiến này đã thu hút sự đóng góp của các chính phủ, tổ chức phi chính phủ và lãnh đạo khu vực tư nhân nhằm tạo cơ hội được đến trường và nâng cao trình độ học vấn cho các bé gái, phụ nữ ở khu vực nông thôn, ngoại ô tại các nước châu Phi, châu Á.

EU đạt thỏa thuận thành lập Liên minh ngân hàng

Ngày 20-3-2014, sau một đêm đàm phán liên tục, Nghị viện châu Âu (EP) và đại diện các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về việc thành lập Liên minh ngân hàng ngay trước khi Hội nghị thượng đỉnh của khối này diễn ra tại Brúc-xen (Bỉ). Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Hô-xê Ma-nu-en Ba-rô-xô (José Manuel Barroso) cho rằng “thỏa thuận đạt được đã góp phần củng cố sự ổn định, lòng tin trên thị trường tài chính; đồng thời tái phục hồi các khoản tín dụng cho nền kinh tế”. Trên thực tế, đại diện các quốc gia thành viên EU đã chấp nhận nhượng bộ một phần trước những đòi hỏi của EP. Theo đó, thời hạn để Quỹ bình ổn trị giá 55 tỷ ơ-rô có thể vận hành toàn diện sẽ rút xuống 8 năm thay vì 10 năm như đề xuất trước đây. Liên quan đến cơ chế quyết định một ngân hàng phá sản, quy trình cũng được đơn giản hóa tối đa. Trong trường hợp khẩn cấp, thủ tục sẽ được hoàn tất trong vòng chỉ hai ngày nghỉ cuối tuần. Vấn đề nhạy cảm còn lại hiện nay là cách thức tính toán cụ thể phần đóng góp tài chính của các bên; trong đó, có Pháp và Đức là hai quốc gia có nhiều ngân hàng liên quan nhất. Theo dự kiến, thỏa thuận này sẽ được Nghị viện châu Âu chính thức thông qua trong phiên họp toàn thể vào ngày 18-4 tới đây.

Kế hoạch về một Liên minh ngân hàng châu Âu được xây dựng với mục đích chuyển trách nhiệm tài chính giải quyết các ngân hàng phá sản sang ngành ngân hàng chứ không phải khách hàng như đã từng xảy ra tại cuộc khủng hoảng năm 2008. Cũng trong dịp này, đại diện các nước thành viên EU đã thống nhất sẽ tăng cường các biện pháp chống gian lận, trốn thuế áp cho các khoản tiết kiệm ở nước ngoài. Theo thỏa thuận mới này, EU sẽ đòi hỏi các quốc gia thành viên mở rộng hệ thống trao đổi thông tin tự động về việc chuyển khoản.

Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 130

Ngày 20-3-2014, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 130 đã bầu ông Mác-tin Chun-gong (Martin Chungong), ứng cử viên Ca-mê-run, làm tân Tổng Thư ký IPU với nhiệm kỳ 4 năm. Ông M. Chun-gong sẽ kế nhiệm Tổng Thư ký An-đơ B. Giôn-xơn (Anders B. Johnsson), người đã giữ cương vị này 16 năm, vào tháng 6 tới. Ông M. Chun-gong là đại diện châu Phi đầu tiên giữ chức vụ này trong lịch sử 125 năm kể từ khi IPU được thành lập năm 1889, với sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước đang phát triển cũng như các nước thế giới thứ ba. Ông M. Chun-gong, giữ chức Phó Tổng thư ký IPU từ năm 2012, đã tham gia hoạt động tại IPU được 20 năm. Trước khi tham gia IPU năm 1993, ông M. Chun-gong từng làm việc trong Quốc hội Ca-mê-run khoảng 14 năm.

Cũng trong phiên họp lần này, Đại hội đồng IPU đã kết nạp Tôn-ga trở thành thành viên mới, đưa tổng số nghị viện thành viên IPU lên 164. Bên cạnh việc bàn thảo các biện pháp và nỗ lực nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân để hướng tới một thế giới an toàn hơn, Đại hội đồng IPU còn đề cập đến nhiều vấn đề như các cam kết giúp quốc hội các nước đáp ứng các thách thức mới, bảo đảm quyền đại diện chính trị trong quốc hội của các nữ nghị sĩ, trao đổi kinh nghiệm giữa nghị viện các nước, góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới.

Crưm chính thức sát nhập Nga

 

Tổng thống V. Pu-tin tại buổi lễ ở Mát-xcơ-va. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 21-3-2014, trong buổi lễ tại Điện Krem-lin được truyền hình trực tiếp trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã ký luật về việc phê chuẩn Hiệp ước sáp nhập Crưm vào Liên bang Nga, cũng như luật thành lập hai chủ thể hành chính mới của nước này là Crưm và thành phố cảng Xê-va-xtô-pôn để hoàn tất thủ tục sáp nhập Crưm vào Nga. Điện Krem-lin cho biết, sẽ coi Crưm là một phần của Liên bang Nga kể từ khi hiệp ước được ký kết.

Cũng trong ngày 21-3, Tổng thống V. Pu-tin tuyên bố Mát-xcơ-va trước mắt sẽ không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt trả đũa Mỹ, sau khi Oa-sinh-tơn tuyên bố trừng phạt các trợ lý thân cận của nhà lãnh đạo Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại U-crai-na.

Phần lớn người nghèo trên thế giới không được sử dụng nước sạch

Theo thông cáo báo chí của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) được công bố nhân Ngày Nước thế giới (22-3), hiện nay trên thế giới có hơn 768 triệu người không được sử dụng nước sạch, khiến cho hàng trăm nghìn trẻ em bị ốm hoặc chết mỗi năm. Mỗi ngày có 1.400 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do các bệnh về tiêu chảy liên quan tới tình trạng thiếu nước sạch, các hệ thống bảo vệ sức khỏe và vệ sinh. Phần lớn những người không được sử dụng nước sạch là những người nghèo và sống tại các khu vực nông thôn hẻo lánh hoặc các khu nhà ổ chuột tại những vùng đô thị. 10 nước chiếm 2/3 dân số toàn cầu có tình trạng khó khăn trong tiếp cận với các nguồn nước sạch bao gồm Ấn Độ, Ni-giê-ri-a, Ê-ti-ô-pi-a, In-đô-nê-xi-a, Cộng hòa Dân chủ Côn-gô, Băng-la-đét, Tan-da-ni-a, Kê-ni-a và Pa-ki-xtan.

Người phụ trách các chương trình nước toàn cầu, bảo vệ sức khỏe và vệ sinh của UNICEF, ông Xan-giay Uy-giê-xê-kê-ra (Sanjay Wijesekera) nhấn mạnh “mọi trẻ em dù nghèo hay giàu đều có quyền được sống sót, được bảo vệ sức khỏe và có tương lai. Thế giới không nên dừng lại cho tới khi mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, được tiếp cận nước sạch, hệ thống bảo vệ sức khỏe và vệ sinh”. Cũng theo ông X. Uy-giê-xê-kê-ra, vấn đề đang thu hút sự chú ý và thậm chí có thể gây sốc, đó là có hàng triệu người nghèo không được uống nước sạch tại những nước có mức thu nhập trung bình./.