Chủ tịch nước kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Nhật Bản
TCCSĐT - Chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước đã mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước: “Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng”.
Nhật Hoàng và Hoàng hậu Nhật Bản tiễn Chủ tịch nước
Sáng 19-3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã rời Tô-ki-ô (Tokyo) để đến thăm thành phố Ô-xa-ca (Osaka) trước khi lên đường về nước. Nhật Hoàng và Hoàng hậu Nhật Bản đã đến Nhà khách Quốc gia để tiễn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân.
Tại buổi tiễn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi lời cám ơn đến Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản vì sự tiếp đón trọng thị đối với Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng quan hệ Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Trước đó, cũng trong sáng nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và có buổi nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán cùng đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định chuyến thăm cấp nhà nước đến Nhật Bản lần này đã thành công tốt đẹp. Biểu hiện sinh động cho kết quả chuyến thăm là việc hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới: quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
Chủ tịch nước nhấn mạnh điểm nhấn quan trọng nhất trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là sự tin cậy về chính trị rất cao giữa hai nước trong những năm qua. Kết quả này có được không chỉ nhờ nỗ lực của chính phủ mà còn nhờ sự chung sức của mỗi người dân Việt Nam, trong đó có vai trò to lớn của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản. Chủ tịch nước yêu cầu mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân cần nỗ lực hơn nữa để hiện thực hóa các thỏa thuận đã đạt được.
Việt Nam coi trọng hợp tác với các địa phương của Nhật Bản
Chiều cùng ngày, trong khuôn khổ chuyến thăm tới thành phố Ô-xa-ca, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với lãnh đạo Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản vùng Can-xai (Kansai) cùng 7 lãnh đạo Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản của các thành phố: Ô-xa-ca, Ki-ô-tô (Kyoto), Cô-be (Kobe), Xa-cai (Sakai), Hi-rô-xi-ma (Hirosima).
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ lãnh đạo các tổ chức hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Chủ tịch nước cho rằng, bên cạnh tăng cường quan hệ giữa hai Chính phủ, Việt Nam rất coi trọng việc mở rộng giao lưu hợp tác giữa các địa phương hai nước, coi đây là một bộ phận quan trọng của mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Bày tỏ hài lòng về quan hệ nhiều mặt giữa khu vực Can-xai với các địa phương của Việt Nam sẽ là những viên gạch đặt nền móng vững chắc cho quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển sâu rộng trong thời gian tới, Chủ tịch nước khẳng định sự gắn bó và hợp tác ngày càng sâu sắc giữa Việt Nam và Nhật Bản là kết quả nỗ lực không ngừng của Chính phủ và nhân dân hai nước. Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp to lớn của các tổ chức và cá nhân Nhật Bản vào việc vun đắp cho tình hữu nghị hai nước, trong đó có sự đóng góp của Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản vùng Can-xai và Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản các thành phố.
Thay mặt Đảng và Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước đã trao Huân chương Hữu nghị - phần thưởng cao quý nhất của Việt Nam dành tặng cho những cá nhân và tổ chức nước ngoài có nhiều đóng góp, cống hiến trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giúp Việt Nam phát triển kinh tế, xã hội cho Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản vùng Can-xai và 5 cá nhân.
Cũng trong tối 19-3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ rời Ô-xa-ca về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản.
Việt Nam và Nhật Bản trước ngưỡng cửa mới
Theo tờ Quan sát phương Đông của Nga số ra ngày 19-3 có bài bình luận về chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Bài báo viết: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã kết thúc chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước đến Nhật Bản. Chuyến công du đầu Xuân của nhà lãnh đạo Việt Nam đến xứ sở hoa anh đào nhằm tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ nhiều mặt trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác nhân văn giữa hai nước đã đạt được kết quả tích cực, mở ra trang mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Tại đất nước mặt trời mọc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được đón tiếp bằng niềm vui và sự trọng thị hiếm thấy. Các nhà phân tích ghi nhận sự nồng ấm và hữu nghị đặc biệt trong khuôn khổ chuyến thăm này. Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê (Shinzo Abe) chọn Việt Nam làm quốc gia thăm viếng đầu tiên sau khi tái nhậm chức Thủ tướng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là nguyên thủ đầu tiên Nhật Bản đón tiếp trong năm mới 2014.
Trong khi đó, giới phóng viên báo chí cho rằng chuyến thăm là bước củng cố và thúc đẩy những kết quả tốt đẹp làm nền tảng cho quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã đạt được trong chuyến thăm Nhật Bản của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2007. Trong đó phải kể đến Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc quan hệ Việt Nam - Nhật Bản và Chương trình hợp tác phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Trong 7 năm qua, hai nước đã đi qua chặng đường khá dài trong việc phát triển các mối quan hệ song phương, có đóng góp không nhỏ vào việc củng cố an ninh quốc tế, ổn định trong khu vực và lòng tin giữa các dân tộc. Những kết quả này đã được phản ánh đầy đủ trong các văn kiện tổng kết 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản vào năm 2013. Hai bên đánh giá những thành tựu đã đạt được là cơ sở thuận lợi để nâng hợp tác và hữu nghị giữa hai nước lên tầm cao mới, phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước.
Về kinh tế, Nhật Bản hiện giữ vị trí thứ nhất về khối lượng đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn lên đến 35 tỷ USD, dẫn trước Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ. Giới doanh nhân Nhật đánh giá cao môi trường chính trị ổn định và nguồn nhân lực phong phú ở Việt Nam. Hiện đầu tư ở Việt Nam là một trong những nguồn mang lại lợi tức lớn nhất về Nhật Bản, nhất là từ các lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm, bán buôn, bán lẻ và y tế.
Tính đến hết năm 2013, Nhật Bản có hơn 1.990 dự án đang thực hiện ở Việt nam. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng tích cực nhập khẩu từ Việt Nam dầu thô, phụ tùng cho ngành chế tạo máy, các sản phẩm nông nghiệp và giày da với khối lượng nhập khẩu 15 tỷ USD.
Song song với các vấn đề kinh tế, hai nước chú trọng thúc đẩy chính sách láng giềng thân thiện, hiểu biết và hợp tác nhằm củng cố lòng tin chính trị và nâng cao hiệu quả phối hợp hành động trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực. Điều này thể hiện qua việc trong hàng chục năm trở lại đây tất cả các Thủ tướng Nhật Bản đều có chuyến thăm Việt Nam nhằm thể hiện sự quan tâm đến việc củng cố quan hệ với một đối tác chiến lược ở Đông Nam Á.
Đáp lại thiện chí này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự kiến cũng sẽ có chuyến thăm Nhật Bản trong thời gian tới theo lời mời của Thủ tướng Sin-dô A-bê nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập đối thoại giữa ASEAN và Nhật Bản.
Bên cạnh đó, sự nồng ấm của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thu hút sự chú ý của cộng đồng khu vực và quốc tế còn có thể do những diễn biến mới đây trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là các sự kiện trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Với sự tương đồng về vấn đề lãnh thổ, Việt Nam và Nhật Bản đang có lập trường khá gần gũi và sự đoàn kết nhất định trong một số phương hướng đối ngoại./.
Quốc hội Việt Nam - Lào - Campuchia tăng giám sát ngân sách  (19/03/2014)
Quan hệ Việt Nam và Argentina đang trên đà phát triển  (19/03/2014)
Ông Nghè xưa và nay  (19/03/2014)
ASEAN thúc đẩy cải thiện điều kiện sống ở nông thôn  (19/03/2014)
Thủ tướng làm việc với Ban Kinh tế Trung ương  (19/03/2014)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên