Tiếp cận văn hóa trong xây dựng chính sách phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

TS. Lâm Thành Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội
17:11, ngày 15-03-2014

TCCSĐT - “Bình đẳng về văn hóa” là mục tiêu quan trọng trong chính sách dân tộc cho sự phát triển của một quốc gia có nhiều dân tộc, hướng tới sự phát triển bền vững. Vì vậy, thực tiễn đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, điều tra một cách tổng thể về đời sống kinh tế - xã hội cộng đồng, tri thức bản địa và nhằm phục vụ cho mục đích phát triển.



Về tiếp cận văn hóa trong xây dựng chính sách, chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số


Trên thế giới, có hơn 400 khái niệm về văn hóa theo những cách tiếp cận khác nhau. Năm 2002, Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) đã đưa ra định nghĩa: “Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”(1). Dưới góc độ xã hội học, văn hóa không chỉ là sản phẩm sáng tạo của con người, mà luôn xem xét với tư cách là một quá trình, một trạng thái động, tiếp biến.

Trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các thành tựu chung về nhận thức văn hóa, Đảng, Nhà nước ta đã xây dựng chính sách văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII và nhất là Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5, Khóa VIII (tháng 7-1998) đã xác định quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ và chính sách nhằm triển khai xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tinh thần này luôn được khẳng định trong các văn kiện Đại hội Đảng IX, X, XI. 

Việt Nam là một quốc gia có nhiều dân tộc thiểu số nên chính sách dân tộc luôn được quan tâm, chú trọng. Chính sách dân tộc là hệ thống những quyết sách của Đảng, Nhà nước được thực thi thông qua bộ máy hành pháp nhằm quản lý và phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội đối với các dân tộc và vùng đồng bào dân tộc nhằm thiết lập sự bình đẳng và hòa nhập phát triển, củng cố, tăng cường sự đoàn kết thống nhất của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Chính sách dân tộc được quy định bởi quan điểm về vấn đề dân tộc, xử lý vấn đề dân tộc và cách thức thực hiện công tác dân tộc. Nó cũng bao hàm nhiều lĩnh vực, nhiều nội dung trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - chính trị, văn hoá.

Chính sách văn hóa dân tộc là một bộ phận cấu thành trong hệ thống chính sách dân tộc, một trong những mục tiêu, nội dung phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc và đối với các dân tộc thiểu số. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả cần bám sát đặc điểm tình hình thực tiễn cụ thể, như Nghị quyết 22 - NQ/TW ngày 29-11-1989 của Bộ Chính trị, Khóa VI đã yêu cầu: “phải tính đầy đủ đến những đặc điểm về tự nhiên, lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hoá, phong tục, tập quán của miền núi nói chung và riêng của từng vùng, từng dân tộc”(2).

Rõ ràng, yếu tố đặc điểm xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán được nhấn mạnh, bên cạnh đó là yếu tố đặc điểm tự nhiên, lịch sử và kinh tế đặt trong bối cảnh miền núi nói chung và từng vùng, từng dân tộc nói riêng. Việc xây dựng chính sách dân tộc và các chương trình dự án phát triển vùng dân tộc thiểu số cần thiết phải được xem xét, tính tới các yếu tố, đặc điểm văn hóa vốn có của nó, như một điều kiện để bảo đảm cho tính phù hợp của chính sách.

Xây dựng chính sách, chương trình, dự án phát triển vùng dân tộc thiểu số tiếp cận dưới góc độ “văn hóa” được xem xét ở một số khía cạnh sau:

Từ nội hàm của khái niệm văn hóa

Văn hóa trong cách nhìn hệ thống văn hóa là phản ảnh “điểm nhìn” của một cộng đồng dân tộc về thế giới vật chất, nhận thức điều kiện tự nhiên, môi trường sống xung quanh và những quy tắc ứng xử của cộng đồng tương ứng với nó. Trong một không gian sinh tồn, các dân tộc, các cộng đồng người phải vượt qua sự cản trở của các thế lực tự nhiên và cả xã hội để tồn tại và phát triển, có cả những thích ứng, thích nghi, biến đổi để hòa nhập. Chính quá trình thích nghi này tạo nên những nét đặc thù, điểm khác biệt, hình thành bản sắc của cộng đồng, tổ chức xã hội ở phạm vi hẹp hay ở phạm vi quốc gia dân tộc. 

Tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng các dân tộc bắt nguồn từ thế giới quan về trời đất, vũ trụ, thần lửa, quan niệm về rừng ma, rừng thiêng, với nhiều dạng biểu đạt khác nhau. Văn hóa còn tồn tại trong tri thức bản địa về sản xuất, đời sống, ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội cộng đồng. Đó là những kinh nghiệm được thử thách và đúc rút qua nhiều thế hệ ở các cộng đồng cư dân qua thực tiễn đời sống, trở thành giá trị phổ biến. Nhiều giá trị đã trở thành văn hóa tồn tại trong tập quán, lối sống hoặc cao hơn là loại hình như dân ca, dân vũ, sử thi và âm nhạc. Từ nhận thức về thế giới quan tạo nên nhân sinh quan trong đời sống cộng đồng các dân tộc, mà nó chính là chiến lược thích nghi của các cộng đồng này. 

Văn hóa trở thành tâm lý xã hội của một cộng đồng, ý thức hệ của một dân tộc. Văn hóa tạo nên sự cấu kết giữa các cá nhân và cộng đồng xã hội chính vì tính thống nhất và phổ biến của nó. Từ nhận thức chung về thế giới quan, và chịu ràng buộc bởi các quy định của luật tục, phong tục, tập quán đã ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ, hành vi của mỗi con người, quy định lại những suy nghĩ, hành vi của họ. Từ đó, tạo nên tâm lý xã hội cộng đồng và chuyển hóa cao hơn thành ý thức hệ của một dân tộc, thành thượng tầng kiến trúc của một dân tộc, đó là tư tưởng. Trong một cộng đồng xã hội mà cấp độ và quy mô hẹp như ở các vùng dân tộc thiểu số miền núi nước ta với nhiều yếu tố biệt lập thì tính liên kết nội tại và sự khác biệt với cái chung của quốc gia càng lớn. Một cộng đồng quốc gia 54 dân tộc anh em với hàng trăm phân loại ngành khác nhau, cư trú ở những vùng điều kiện sinh thái khác nhau thì tính đa dạng càng nổi trội. Chính vì vậy, mỗi chính sách can thiệp phải phù hợp với thực tiễn đời sống và tình cảm, tâm lý người dân và cộng đồng, định hướng và chuyển hóa từng bước những yếu tố văn hóa đó trong từng bối cảnh cụ thể.

Tiếp cận từ sự thay đổi, tiếp biến văn hóa trong sự phát triển đương đại

Quá trình phát triển của quốc gia và thế giới hiện nay đã tạo ra sự thay đổi hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa như một sự vận động tất yếu, nhất là văn hóa các dân tộc thiểu số. Thứ nhất, phải kể đến các dòng văn hóa vật chất lan tỏa trong quá trình toàn cầu hóa làm thay đổi quan niệm, ý thức của người dân, từ tập quán tiêu dùng đến lối sống, từ suy nghĩ đến hành động, từ phạm vi cá nhân đến cộng đồng. Sự đan xen của giá trị, bản sắc văn hóa với sự mất mát vốn di sản văn hóa có thể diễn ra từng ngày trong nếp nghĩ, ứng xử. Rõ ràng, nếu ý thức tộc người không được củng cố thì văn hóa vật chất sẽ làm thay đổi hoặc biến dạng văn hóa tinh thần, dễ mất đi cái văn hóa gốc căn bản. Thứ hai, quá trình chuyển dịch dân cư, đan xen ngày càng trở nên phổ biến, ngày càng hình thành nhiều các cộng đồng dân cư hỗn hợp nhiều dân tộc nảy sinh nhiều thứ bậc và cấp độ quan hệ giữa các dân tộc. Thực tế này dẫn đến quá trình hòa trộn, giao thoa văn hóa, tiếp biến văn hóa. Thường thì một cộng đồng có số dân đông hơn và kinh tế phát triển hơn sẽ chiếm ưu thế trội, ảnh hưởng đến văn hóa các cộng đồng còn lại. Sự hòa trộn đó tạo nên một bức tranh đa sắc màu. Chính sách dân tộc phải được xử lý làm sao để không làm mất đi những yếu tố chủ đạo đó là tính “thống nhất trong đa dạng”, được quy định bởi mối quan hệ giữa các dân tộc dựa trên nguyên tắc bình đẳng.

Tiếp cận từ thực tiễn đặc điểm của các dân tộc Việt Nam

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số với trên 12,5 triệu người, chiếm khoảng 14% dân số, phân bố trên địa bàn 58/64 tỉnh, thành cả nước. Các dân tộc có số dân không đồng đều, quần cư xen kẽ và cũng không đồng đều cả về trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Sự cách biệt về không gian địa lý làm giảm khả năng tiếp cận các nguồn lực phát triển của quốc gia. Kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật nghèo nàn, thấp kém hơn các vùng khác. Kinh tế nông nghiệp mang nặng tính tự nhiên, tự túc, tự cấp với sức sản xuất thấp, nhiều nơi sản xuất hàng hoá chưa phát triển, một số nhóm dân tộc ít người còn sử dụng loại hình kinh tế “chiếm đoạt” là chủ yếu với phương thức canh tác còn sơ khai. 

Lịch sử tồn tại và phát triển đã tạo nên sự đan xen nhiều chiều trong quan hệ giữa các dân tộc. Quan hệ kinh tế là nền tảng chi phối quan hệ xã hội và thúc đẩy giao lưu văn hoá. Quan hệ giao lưu văn hoá thúc đẩy quan hệ kinh tế, quan hệ dân tộc. Một số dân tộc có mối quan hệ quốc tế về cộng đồng dân tộc do lịch sử quá trình tồn tại và phát triển. Sự đa dạng về văn hoá và các sắc thái văn hoá thể hiện rõ nét trong từng dân tộc, nhóm dân tộc và vùng, miền. Sự phát triển kinh tế tạo nên “sự giao thoa văn hoá” giữa các cộng đồng dân tộc, làm phong phú hơn giá trị văn hoá mà các dân tộc vốn có. 

Tiếp cận từ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước

Chính sách dân tộc ở Việt Nam mang tính chính trị sâu sắc, là sự thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà n¬ước. Nguyên tắc bao trùm lớn nhất là thể hiện một cách đầy đủ các quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội và đoàn kết giữa các dân tộc, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển. Tại Điều 5, Hiếp pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 có ghi: “1. Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. 

2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.

3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình.

4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”(3). 

Có thể nhận thấy, quy luật phát triển không đồng đều, làm cho đời sống kinh tế - xã hội giữa các dân tộc chênh lệch nhau cũng gây nên sự mặc cảm, tự ti, làm giảm yếu tố động lực phát triển ở các cộng đồng dân tộc. Điều này gây bất lợi trong việc xây dựng đoàn kết các dân tộc, nhất là khi mối quan hệ dân tộc trở nên phức tạp và dễ vượt ra khỏi phạm vi dân tộc trở thành quan hệ quốc gia và quốc tế khi bị các thế lực thù địch lợi dụng. Phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân, thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các vùng, các dân tộc là một mục tiêu lớn đặt ra cho công tác dân tộc nói riêng và công tác quản lý nhà nước quốc gia nói chung. 

Đây cũng là cơ sở quan trọng để thực hiện các hoạt động văn hóa và chính sách bình đẳng về văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.

Một số kiến nghị về tiếp cận văn hóa trong xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm vừa qua, văn hoá ở vùng dân tộc thiểu số nước ta đã được quan tâm và đầu tư đáng kể nhằm nâng cao mức độ hưởng thụ cho người dân. Cụ thể như Chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình cho vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo; Chương trình bảo tồn văn hoá các dân tộc thiểu số Tây Nguyên và gần đây là Chương trình mục tiêu quốc gia “Đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo” theo Quyết định số 2331/QĐ-TTg ngày 20-12-2011 và Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” theo Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình triển khai, nhiều hoạt động đã lồng ghép các nội dung phổ biến khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, kế hoạch hoá gia đình, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, để xoá đói giảm nghèo và đã có những tác động tích cực. Thiết chế văn hoá ở vùng dân tộc được tăng cường một cách đáng kể, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho người dân trên nhiều mặt, nắm bắt được sự phát triển chung của đất nước và đường lối chủ trương, chính sách của Đảng. 

Để góp phần hoàn thiện hơn hệ thống chính sách phát triển vùng miền núi và đồng bào dân tộc, các nội dung chính sách cần được xem xét và bảo đảm các khía cạnh sau:

- Bảo đảm sự phù hợp một cách tương đối với điều kiện, hoàn cảnh, môi trường sống của khu vực miền núi, dân tộc, cộng đồng các dân tộc thiểu số, nơi cái gốc để sản sinh văn hóa và nuôi dưỡng văn hóa truyền thống. 

- Bảo đảm phù hợp với trình độ hiểu biết, nhận thức của người dân hay chính là điểm thực tại của bối cảnh văn hóa của một cộng đồng và nó được quy định bởi yếu tố nền tảng là mặt bằng trình độ phát triển, nhất là về giáo dục và kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật hiện có, cũng như quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa đang diễn ra.

- Đánh giá, phát hiện các vấn đề thuận lợi để khai thác, hạn chế để điều chỉnh, khắc phục, tránh trở ngại, hoặc định hướng, dẫn dắt sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo chiều thuận mà không tạo nên những xung đột văn hóa, tâm lý xã hội. Xử lý, loại trừ những tập tục không phù hợp trong đời sống cũng như tiếp nhận những yếu tố văn minh của văn hóa mới.

- Tôn trọng tính đa dạng văn hóa, đồng nghĩa với việc phải tăng cường quảng bá, giới thiệu đầy đủ hơn bản sắc của từng dân tộc, đồng thời khắc phục tâm lý tự ti dân tộc, khắc phục tư tưởng định kiến dân tộc từ quá trình giao lưu văn hóa. Vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, suy cho cùng là giải quyết một cách hài hoà mối quan hệ giữa con người với văn hóa, bao gồm cả văn hóa bên trong và văn hóa bên ngoài. Đề cao chủ thể văn hóa các dân tộc, đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng tri thức địa phương trong các hoạt động phát triển. Xử lý hài hoà các nhu cầu và lợi ích, giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa kinh tế và văn hoá trong sự biến đổi kinh tế - văn hoá, quan hệ dân tộc đang là nhu cầu bức thiết, đòi hỏi khả năng giải quyết tình hình thực tiễn nhạy bén, linh hoạt đang là thách thức đối với các cấp, các ngành, địa phương vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay./.

---------------------------------

(1 ) Tuyên bố chung của UNESCO về tính đa dạng của văn hóa

(2) Văn kiện Nghị quyết 22 - NQ/TW, Bộ Chính trị ngày 29-11-1989

(3) Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 1992