Tiếp cận tài chính cho tăng trưởng xanh

Lan Hương
23:49, ngày 14-03-2014
TCCSĐT - Trong ba ngày, từ ngày 12 đến ngày 14-3-2014, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Tiếp cận tài chính cho tăng trưởng xanh và chiến lược phát triển ít phát thải”, do Hiệp hội Diễn đàn Đối tác chiến lược phát triển các-bon thấp châu Á phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Quỹ mạng lưới SWITCH - châu Á, Ngân hàng Thế giới (WB), Mạng lưới kiến thức về phát triển khí hậu và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức.
Các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia về biến đổi khí hậu đến từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (Cam-pu-chia, In-đô-xê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan và Việt Nam) cùng đại diện các quỹ tài trợ biến đổi khí hậu toàn cầu, các ngân hàng nhà nước và tư nhân, các doanh nghiệp đã thảo luận về phương án tài trợ cho đầu tư xanh trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, nông nghiệp và sản xuất; tìm kiếm các giải pháp, cách thức tài trợ cho “tăng trưởng xanh” với phát thải các-bon thấp.

Các phiên hội thảo tập trung bàn về cơ chế tài chính cho các quỹ đầu tư khí hậu công, các chương trình cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời chia sẻ các mô hình, quy trình hiệu quả thúc đẩy quy mô, nhân rộng các sáng kiến phát thải các-bon thấp. Các chủ đề đề cập tới việc xác định nhu cầu tài chính, cách thức khuyến khích đầu tư tư nhân, các phương pháp tiếp cận, lập kế hoạch đầu tư toàn diện, giám sát và đánh giá nguồn tài chính riêng cho tăng trưởng xanh.

Là quốc gia chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu nên tăng trưởng xanh luôn là mối quan tâm của Chính phủ Việt Nam. Hiện Việt Nam đã có định nghĩa tài chính cho tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu cũng như huy động mọi nguồn lực tài chính cho hoạt động này. Theo đó, mỗi năm Chính phủ dành khoảng 1 tỷ USD cho các chương trình và dự án biến đổi khí hậu, trong đó có tăng trưởng xanh thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, chương trình liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, từ năm 1993 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã dành khoảng 2 tỷ USD vốn ODA cho các dự án, chương trình liên quan đến tăng trưởng xanh. Ngoài ra, các tổ chức, các quỹ quốc tế cũng tham gia cung cấp tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật, như Chương trình giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển (REDD+), Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, cơ chế phát triển sạch (CDM)…

Tuy nhiên, nguồn tài chính còn phân bổ rải rác và chưa tập trung, trong khi để giảm phát thải khí nhà kính 8% đến 10% như mục tiêu đề ra, từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần 30 tỷ USD. Đây là khoản kinh phí không nhỏ đối với Việt Nam và để huy động được nguồn lực này cần tích hợp nhu cầu tăng trưởng xanh và bền vững vào khung phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, 10 năm, và sử dụng cơ chế thích hợp để huy động vốn, nhất là từ khu vực tư nhân và các đối tác quốc tế. Việt Nam đặt mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8% đến 10% so với mức năm 2010 và giảm lượng tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP từ 1% đến 1,5% mỗi năm giai đoạn 2011 - 2020.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh: “Việt Nam đã xây dựng và đang triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với mục tiêu góp phần cải thiện đời sống nhân dân thông qua tạo việc làm trong các ngành công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh và dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển kết cấu hạ tầng xanh. Tất cả các khoản đầu tư này cần tài trợ từ chính phủ, khu vực ngoài nhà nước và cộng đồng quốc tế”

Ông O. A-na-ta-xi-a (Orestes Anastasia), đồng Chủ tịch Diễn đàn Đối tác chiến lược phát triển các-bon thấp châu Á nhấn mạnh: “Đầu tư vào các công nghệ, các ngành kinh doanh và kết cấu hạ tầng ít phát thải các-bon là trọng tâm để đạt được “tăng trưởng xanh”, đồng thời có thể giúp xóa đói, giảm nghèo, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và an ninh năng lượng, cũng như giảm lượng phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu”. Chia sẻ quan điểm này, các diễn giả nhất trí cho rằng, để đạt được tăng trưởng xanh đòi hỏi phải có sự thay đổi đáng kể trong đầu tư, nhận diện và tiếp cận các nguồn tài trợ biến đổi khí hậu mới cũng như lồng ghép vấn đề môi trường, khí hậu vào các chiến lược tài chính doanh nghiệp. Song hiện nay, điều này vẫn là thách thức lớn đối với các chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức.

Các chuyên gia cho rằng, để kết nối giữa nhu cầu và nguồn vốn sẵn có, Việt Nam cần xây dựng kịch bản kinh doanh, triển khai các dự án thương mại hơn là hỗ trợ hay tài trợ thì sẽ hiệu quả và bền vững hơn. Những lĩnh vực cụ thể là đầu tư vào các công nghệ, các ngành kinh doanh và kết cấu hạ tầng ít phát thải các-bon. Bởi đây là những trọng tâm để đạt được tăng trưởng xanh, đồng thời có thể giúp xóa đói, giảm nghèo, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và an ninh năng lượng, cũng như giảm lượng phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu.

Đại diện mạng lưới tri thức khí hậu và phát triển (CDKN), ông A. Hu-ta-la (Ari Huhtala), khẳng định: “Đây là thời gian cần thiết để cân nhắc về sự cần thiết tham gia của các bên mà trọng tâm là tăng cường thu hút tài chính từ khu vực tư nhân cho tăng trưởng xanh. Biến đổi khí hậu có rủi ro nhưng cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư tư nhân và các chính phủ cần sẵn sàng tạo cơ chế thích hợp để khu vực tư nhân thay đổi nhận thức về hiệu quả đầu tư vào tăng trưởng xanh”./.