TCCSĐT - Ngày 10-3-2014 tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức Hội thảo “Công bố số liệu đánh giá bổ sung ô nhiễm đi-ô-xin tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và khuyến nghị kế hoạch sử dụng đất”.
Các nghiên cứu mới nhất do Dự án “Xử lý đi-ô-xin tại các điểm nóng ô nhiễm nặng tại Việt Nam” do GEF/UNDP thuộc Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 (Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam) tài trợ, được thực hiện trong năm 2013 ở bên ngoài, về phía Tây sân bay và các hồ trong sân bay Biên Hòa, đã phát hiện thêm một số điểm ô nhiễm mới và khẳng định quy mô, tính chất phức tạp về tình trạng ô nhiễm tại đây.

Việc đánh giá bổ sung về phía Tây ở bên ngoài sân bay thuộc địa bàn phường Bửu Long nhằm xác định mức độ lan tỏa của chất độc da cam/đi-ô-xin từ khu vực phía Tây Nam sân bay (khu Pacer Ivy) ra khu dân cư lân cận, từ đó ra sông Đồng Nai. Khoảng 110 mẫu đất và trầm tích được lấy theo các hướng thoát nước từ sân bay và theo chiều sâu trung bình 30 cm, từ các kênh dẫn nước hay tại nhà dân.

Kết quả cho thấy, 55 mẫu đất lấy ở trong sân bay và gần các hồ có nồng độ đi-ô-xin dưới ngưỡng cho phép, 20 mẫu trầm tích lấy trong cùng khu vực có nồng độ ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép. Trong số 28 hồ được khảo sát, có đến 16 hồ có nồng độ đi-ô-xin vượt ngưỡng cho phép, mẫu cao nhất vượt đến hơn 8,000 ppt. Đặc biệt, các hồ mới đào hoặc hồ ở vị trí cao trong sân bay cũng bị phát hiện ô nhiễm. Ngoài ra, tỷ lệ 2,3,7,8-TCDD/TEQ ở trong 53/55 mẫu đất và mẫu trầm tích lấy trong sân bay, gần các hồ ở khu vực phía Bắc và Đông sân bay Biên Hòa chiếm từ 60-98,5%, cho thấy, nguồn gốc chính ô nhiễm đi-ô-xin là từ chất độc hóa học được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu sức khỏe con người tại sân bay Biên Hòa và các vùng phụ cận vào tháng 4-2011 của Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 cho thấy, nguồn gốc phơi nhiễm đi-ô-xin từ chất da cam là tương đối cao.

Từ năm 2009, tỉnh Đồng Nai đã tiến hành quan trắc đi-ô-xin ở khu vực xung quanh sân bay Biên Hòa để đánh giá mức độ lan truyền ô nhiễm đi-ô-xin. Kết quả cho thấy, trong giai đoạn 2009 - 2010, đã phát hiện 03/10 điểm ô nhiễm. Năm 2011, phát hiện thêm 07/23 điểm có hàm lượng đi-ô-xin vượt ngưỡng giới hạn cho phép, nâng tổng số lên 10/23 điểm ô nhiễm đi-ô-xin. Năm 2012, số vị trí phát hiện ô nhiễm là 06/25 điểm, giảm 04 điểm so với năm 2011. Trong đó, có 04 điểm đã phát hiện trong năm 2011 và có 02 điểm mới phát hiện ô nhiễm trong năm 2012. Năm 2013, đã phát hiện 06/22 điểm ô nhiễm đi-ô-xin.

Từ kết quả quan trắc ô nhiễm đi-ô-xin đã xác định được các hướng lan truyền ô nhiễm như sau: hướng Đông Nam sân bay; hướng Nam sân bay (qua khu phố 6 phường Trung Dũng ra hồ Cổng 2); hướng Tây sân bay (qua phường Bửu Long).

Các nhà khoa học tham gia Hội thảo “Công bố số liệu đánh giá bổ sung ô nhiễm đi-ô-xin tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và khuyến nghị kế hoạch sử dụng đất” đề nghị tiếp tục mở rộng phạm vi quan trắc tại các khu vực phát hiện ô nhiễm; tiến hành điều tra sự phơi nhiễm đi-ô-xin khu vực dân cư xung quanh sân bay Biên Hòa, đồng thời, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ tỉnh Đồng Nai trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng người dân sống xung quanh sân bay Biên Hòa để tránh phơi nhiễm đi-ô-xin./.