TCCSĐT - Những năm qua, trong nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, huyện miền núi Chiêm Hóa (Tuyên Quang) luôn xác định phổ cập giáo dục bậc học mầm non cho trẻ 5 tuổi là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tạo tiền đề và tâm thế mới cho trẻ 5 tuổi bước vào lớp 1, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của huyện phát triển bền vững. Trong đó, Minh Quang là một xã điển hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đã quyết tâm và về đích sớm trong việc phổ cập giáo dục bậc học mầm non.

Minh Quang là xã vùng cao ở phía bắc huyện Chiêm Hóa, có diện tích tự nhiên 5.575,92 ha, với 1.449 hộ, dân số có 6.265 người gồm 8 dân tộc cùng chung sống trên 18 thôn, trong đó dân tộc Tày chiếm trên 84% tổng số dân. Thu nhập của người dân trong xã còn thấp, vì chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước và chăn nuôi. Năm học 2012 - 2013, cả xã có 4 đơn vị trường học, trong đó 1 trường mầm non với 23 nhóm lớp, thu nhận 447 cháu, trong đó, trẻ 5 tuổi có 5 lớp gồm 108 cháu,… 

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là quyết tâm lớn của ngành Giáo dục - Đào tạo nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TU, ngày 17-6-2012, về phổ cập giáo dục bậc học mầm non cho trẻ 5 tuổi và coi đây là một trong những khâu đột phá trong đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chiêm Hóa đã bắt nhịp Nghị quyết và triển khai xây dựng Chương trình hành động số 15-Ctr/HU để thực hiện Nghị quyết này; Ủy ban nhân dân xã Minh Quang là địa phương đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch và tổ chức các bước thực hiện công tác phổ cập giáo dục bậc học mầm non cho trẻ 5 tuổi trong toàn xã. Tiếp thu sự chỉ đạo và giúp đỡ trực tiếp của huyện, các trường học ở xã Minh Quang đã có nhiều cố gắng huy động nguồn lực tổng hợp ở địa phương để nâng cao chất lượng dạy và học, rút ngắn thời gian hoàn thành chỉ tiêu phổ cập giáo dục bậc học mầm non. Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục xã đã làm tốt công tác tuyên truyền tới cộng đồng, vận động được học sinh trong độ tuổi đến lớp và không để học sinh bỏ học,… Công tác xã hội hóa giáo dục được triển khai sâu rộng toàn dân và tạo được sự đồng thuận tham gia ủng hộ đóng góp bằng nhiều hình thức để sớm về đích phổ cập giáo dục các bậc học trên địa bàn xã, trọng tâm là phổ cập bậc học giáo dục mầm non,… Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục cùng các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong xã đã huy động đa dạng các nguồn lực từ ủng hộ tiền mặt, ngày công đến nguyên vật liệu để xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất các lớp học cho trẻ 5 tuổi. Chỉ trong một thời gian ngắn, Minh Quang đã huy động được 256.970.000đ và 40 ngày công cùng nhiều sự đóng góp vốn xã hội khác cho sự nghiệp giáo dục.

Nhờ bắt nhịp nhanh và có bước đi phù hợp, thận trọng, Minh Quang coi mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi không chỉ là công việc riêng của ngành giáo dục, mà còn là vấn đề chính trị quan trọng của địa phương nên xã đã nhanh chóng đạt được kết quả khả quan. Cuối năm 2012, Ủy ban nhân dân huyện Chiêm Hóa đã kiểm tra và công nhận xã Minh Quang đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đây là tiền đề để việc thực hiện có hiệu quả kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi của các xã còn lại trong toàn huyện vào năm 2013. Trong chỉ đạo, lãnh đạo công tác này, việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, Minh Quang được huyện đặc biệt quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Các nhà trường trong huyện nói chung và ở tại xã Minh Quang đã rà soát, sắp xếp bố trí giáo viên có năng lực, có trách nhiệm, đạt trình độ chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ để dạy các lớp cho trẻ 5 tuổi. Cùng với nâng cao chất lượng chuyên môn là thường xuyên quan tâm đến việc nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống và lương tâm nghề nghiệp.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chiêm Hóa đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực giảng dạy cho cán bộ, giáo viên, hội thảo về chương trình mới về giáo dục bậc học mầm non và công tác đánh giá trẻ theo bộ chuẩn trẻ 5 tuổi... Nhờ đó, nhiều cán bộ, giáo viên đã biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, đáp ứng yêu cầu về nâng cao chất lượng giáo dục trẻ. Công tác tuyên truyền và xã hội hóa giáo dục được coi trọng, phát huy tích cực vai trò của các ban, ngành, đoàn thể xã hội trong việc chung tay phát triển sự nghiệp giáo dục. Huyện Chiêm Hóa còn phối hợp tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với giáo dục; đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục bậc học mầm non. 

Mặc dù là xã vùng cao còn nhiều khó khăn, địa bàn xã rộng, đường giao thông một số thôn bản chưa được làm mới, việc đi lại vất vả, dân số tương đối đông, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán sinh hoạt của nhân dân của dân tộc khác nhau,… nhưng nhờ sáng tạo trong cách làm, xã Minh Quang không thua kém các xã vùng thấp, vùng thuận lợi về tỷ lệ huy động trẻ ra lớp. Minh Quang được đánh giá là một trong những xã đạt tỷ lệ 100% trẻ từ 3 - 5 tuổi ra lớp (360/360); tất cả các lớp mẫu giáo đều được học 2 buổi/ngày và học theo chương trình giáo dục bậc học mầm non mới; 100% trẻ học sinh dân tộc thiểu số được học tiếng phổ thông. Đến thời điểm hiện tại, xã Minh Quang đã đạt cả 5/5 tiêu chuẩn cùng các tiêu chí về phổ cập giáo dục bậc học mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Chỉ sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 36 - NQ/TU, ngày 17-6-2012, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XV) về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, trường học mầm non ở Minh Quang đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực, từ xây dựng mở rộng khuôn viên, tăng cường cơ sở vật chất đến xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cả về năng lực quản lý, thực hành đứng lớp, đặc biệt là nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, tạo nền tảng cho các năm học tiếp theo và xây dựng được niềm tin trong nhân dân.

Để duy trì bền vững và phát huy những kết quả đạt được, trong những năm tới, huyện Chiêm Hóa đang chỉ đạo các xã trong toàn huyện, trong đó có điển hình Minh Quang tiếp tục thực hiện mở rộng quy mô mạng lưới trường, lớp phù hợp với đặc điểm về địa lý tự nhiên và xã hội ở từng thôn, bản; củng cố đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về kiến thức, nghiệp vụ, đáp ứng việc giảng dạy theo chương trình giáo dục bậc học mầm non mới; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các điểm trường, đáp ứng nhu cầu về phòng học, các công trình phụ trợ,… từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ... các giải pháp thực hiện được xác định:

Một là, tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các cơ quan đơn vị, mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể xã hội duy trì thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi theo kinh nghiệm thực tiễn ở xã Minh Quang.

Hai là, mở các lớp, nhóm trẻ đến tất cả các thôn, bản, tạo điều kiện để trẻ trong độ tuổi nhà trẻ được đến lớp với chất lượng nuôi dạy chăm sóc tốt để duy trì phổ cập trong những năm tiếp theo. Huy động 100% trẻ từ 3 đến 5 tuổi ra lớp; 100% trẻ 5 tuổi người dân tộc thiểu số được học tiếng Việt trước khi vào lớp 1.

Ba là, sắp xếp giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng dạy các lớp mầm non 5 tuổi; tích cực đổi mới phương pháp dạy học; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên; tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục trong công tác phổ cập giáo dục bậc học mầm non cho trẻ 5 tuổi; xây dựng khuôn viên nhà trường bảo đảm “xanh, sạch, đẹp”, an toàn và thân thiện; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bếp ăn bán trú, các phòng học đạt tiêu chuẩn tới các thôn, bản…/.