Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 09-12 đến ngày 15-12-2013)
1. Công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 08 Luật, 01 Pháp lệnh
Ngày 09-12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị quyết của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 28-11 vừa qua.
Ngày 12-12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố 08 Luật và 01 Pháp lệnh vừa được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Một trong những Luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này có tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị và xã hội của đất nước là Luật Đất đai. Luật Đất đai có nhiều nội dung đổi mới quan trọng về chế độ sở hữu đất đai, quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai; về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở; về tài chính đất đai và giá đất,...
2. Các địa phương xác định nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2014
Hội đồng nhân dân nhiều địa phương trong cả nước đã họp đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và thông qua kế hoạch năm 2014.
* Hà Nội: phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng từ 8,5 - 9%; trong đó dịch vụ tăng 9,4 - 9,8%, công nghiệp - xây dựng tăng 8 - 8,8%, nông nghiệp tăng 2 - 2,5%. GRDP bình quân đầu người đạt 57,5 - 58 triệu đồng. Vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tăng 12 - 13%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 6 - 7%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm so với năm 2013 là 0,8% và tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn 4,8%,... Thành phố Hà Nội đã đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, rà soát sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân sản xuất kinh doanh,…
* Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội năm 2014 của thành phố Hồ Chí Minh có 28 chỉ tiêu cụ thể, như: Tổng sản phẩm trong nước (GRDP) trên địa bàn dự kiến tăng 9,5 - 10%; Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 31% GRDP; Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu là 10%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn bình quân chung cả nước; Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của thành phố (thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm) là 6,8%,..
* Bắc Ninh: Từ ngày 09 đến 10-12, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa XVII tổ chức kỳ họp thứ 10 đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2013, thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, trong đó đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 26 tỷ USD.
* An Giang: Một số chỉ tiêu cụ thể được Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang đề ra trong năm 2014 như: Kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ đô la, tăng 6,38% so với năm 2013; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 28.269 tỷ đồng; tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn là 5.710 tỷ đồng; tạo việc làm cho 35.000 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,2 đến 1,4%,...
* Hà Nam: Ngày 10-12, kết thúc kỳ họp thứ 7 khóa XVII, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Theo đó, tổng sản phẩm trong tỉnh phấn đấu tăng 12,6% so với ước thực hiện 2013; GRDP bình quân đầu người đạt 36,7 triệu đồng, tăng 21,5%; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,78%; tạo việc làm mới cho 15.500 người,...
* Bắc Kạn: Năm 2014, phấn đấu GRDP tăng 10% so với năm 2013 (năm 2013 là 10,26%); tổng thu ngân sách nhà nước đạt 450 tỷ đồng; đẩy mạnh công tác phát triển rừng; đẩy mạnh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những nhà máy sản xuất đang hoạt động ổn định. Tỉnh tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ; tập trung các nguồn lực đầu tư để đưa thị xã Bắc Kạn trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2015,...
* Quảng Trị: Năm 2014, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7% so với năm 2013 (năm 2013 là 6,7%); GRDP bình quân đầu người đạt trên 29 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu 135 triệu USD; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 8.500 tỷ đồng; tổng thu ngân sách hơn 1.616 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho 9.500 lao động, giảm 2,5-3% hộ nghèo,…
* Gia Lai: Hội đồng nhân dân tỉnh đã nhất trí năm 2014 phấn đấu GRDP đạt 12,5%; tổng đầu tư toàn xã hội đạt 13.200 tỷ đồng; tổng thu ngân sách đạt 3.250 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 24.000 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 14,73%,... Năm 2013, Gia Lai đã thực hiện tốt các giải pháp tích cực bảo đảm GRDP đạt 12,3% và mang nhiều yếu tố bền vững, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao.
3. Hội nghị biểu dương Khu dân cư và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2009 - 2013
Ngày 11-12, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị biểu dương khu dân cư và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2009 - 2013 với sự tham gia của 262 đại biểu là đại diện ưu tú của hơn 100.000 khu dân cư trong cả nước.
Trong hệ thống tổ chức của Mặt trận Tổ quốc, Ban Công tác Mặt trận được thành lập ở các thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố, khu phố, gọi chung là khu dân cư, có vị trí quan trọng gắn bó mật thiết với nhân dân. Trong những năm qua, các Ban Công tác Mặt trận đã hoạt động tích cực, góp phần quan trọng vào việc vận động, tuyên truyền, động viên nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Tại Hội nghị, 8 khu dân cư được nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước; 18 khu dân cư và 7 Trưởng ban công tác Mặt trận nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 95 khu dân cư nhận Bằng khen của các bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông - Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 11 khu dân cư và 123 Trưởng ban công tác Mặt trận nhận Bằng khen của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
4. Hội nghị Biểu dương người cao tuổi tham gia bảo vệ biên giới, biển đảo
Ngày 12-12, tại Hà Nội, Hội Người cao tuổi Việt Nam và Bộ Tư lệnh Biên phòng tổ chức Hội nghị Biểu dương người cao tuổi tiêu biểu tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo.
Trong hai năm qua, tại hơn 1.000 xã, phường, thị trấn thuộc 228 huyện, thị xã, thành phố của 44 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biên giới đất liền, biển đảo, hải đảo, Hội Người cao tuổi các cấp đã kết hợp với các đồn biên phòng tổ chức 15.000 buổi tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp Hội, hội viên, đồng bào các dân tộc ở biên giới, hải đảo, ven biển về trách nhiệm công dân trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Tại Hội nghị, Bộ Quốc phòng và Hội Người cao tuổi Việt Nam đã tặng Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo.
5. Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI
Từ ngày 11 đến 12-2013, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã bàn và quyết định những vấn đề hệ trọng liên quan đến sự phát triển của đất nước trong những năm tới. Đồng chí Đinh Thế Huynh lưu ý một số nội dung để các đại biểu dự Hội nghị tập trung nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 8. Trong nghiên cứu, quán triệt Kết luận về “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và thực hiện nhiệm vụ năm 2014” và “Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về kinh tế - xã hội", cần tập trung nắm vững những thuận lợi, khó khăn, thách thức cả ở trong nước và bối cảnh tình hình thế giới và khu vực, cả về kinh tế và chính trị, cả khách quan và chủ quan trong gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Các đại biểu nghiên cứu, nắm vững những thành tựu kinh tế - xã hội trong 3 năm 2011 - 2013 mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được, quan tâm so sánh giữa các năm để tìm ra xu hướng và đánh giá được những thành tựu và hạn chế của năm 2013; chú ý những thành tựu, kết quả về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, cần nhận rõ những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận để nắm vững, hiểu rõ những quan điểm, chủ trương của Đảng trong các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, từ đó, lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập, nghiên cứu và xây dựng chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
6. Bế mạc “Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013”
Ngày 14-12, tại Hải Phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã tổ chức Lễ bế mạc “Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013” và trao cờ luân lưu tổ chức “Năm du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt” cho tỉnh Lâm Đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: Năm du lịch quốc gia 2013 với 67 sự kiện quan trọng đã góp phần thúc đẩy du lịch liên vùng phát triển, tạo cơ sở hạ tầng, dịch vụ lưu trú tốt, thúc đẩy phát triển du lịch trong những năm tiếp theo, tạo điều kiện cho du khách đến với 11 tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Thay mặt Ban Tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Dương Anh Điền đánh giá những yếu tố đem đến thành công cho Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013. Theo đó, thành công của Năm du lịch này bắt nguồn từ việc lựa chọn đúng chủ đề “Văn minh sông Hồng”. Các sản phẩm du lịch gắn liền với “Văn minh sông Hồng" đã tạo sự độc đáo, hấp dẫn, phong phú, khác biệt, thu hút sự tham gia của hàng triệu du khách và nhân dân địa phương. Năm du lịch quốc gia 2013 cũng đã đề cao được tính nhân dân. Các sản phẩm du lịch đặc trưng của đồng bằng sông Hồng, tiêu biểu là du lịch lễ hội, tâm linh, sinh thái, biển đảo được khai thác và phát huy giá trị. Các sản phẩm du lịch liên vùng được hình thành và tạo sự liên kết phát triển.
7. Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”
Ngày 15-12, tại Nhà thông tin triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”.
Tổng số bản đồ và tư liệu trưng bày gồm 58 bản đồ, 33 tư liệu, 31 sách và bài dự thi viết về Hoàng Sa, Trường Sa, 100 bức ảnh về các đoàn công tác của thành phố Hà Nội ra thăm quần đảo Trường Sa và cuộc sống của quân, dân trên đảo./.
Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam - Từ tầm nhìn đến hành động  (17/12/2013)
Quân đội - Lực lượng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân  (17/12/2013)
CPI năm 2013 có mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua  (17/12/2013)
Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri tại Đại học Vinh, Nghệ An  (17/12/2013)
Hội nhập quốc tế mở rộng không gian phát triển đất nước  (17/12/2013)
Nhiệm kỳ 3 đầy thách thức của nữ Thủ tướng Đức  (17/12/2013)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên