Quan sát biên độ giao động của thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng đầu năm 2008 cho thấy sự khủng hoảng của thị trường có thể đã thực sự đến đáy của nó (giá các loại cổ phiếu đa số đã có lần kịch sàn hoặc số âm). Tuy nhiên, vấn đề đang đặt ra là vì sao những tín hiệu phục hồi của thị trường chưa thể hiện rõ nét, mặc dù Nhà nước đã có sự can thiệp, tác động tích cực. Cho đến nay đã có nhiều cách giải thích khác nhau.

1. Độ “trễ” của thị trường chứng khoán. Chúng ta biết rằng thị trường chứng khoán là thị trường phái sinh của thị trường tài chính - tiền tệ, là thị trường thứ cấp của nền kinh tế, nó có tính 2 mặt: tích cực và tiêu cực, nó vừa là cái hàn thử biểu phản ánh mức độ tăng trưởng của các doanh nghiệp, của nền kinh tế, nó cũng cực kỳ nhạy cảm và trở thành ngòi nổ của một cuộc suy thoái hoặc khủng hoảng kinh tế, nhưng nó cũng rất “chậm trễ” khi những dấu hiệu phục hồi của doanh nghiệp hay nền kinh tế chưa rõ nét, vì yếu tố tâm lý của các nhà đầu tư có vai trò cực kỳ quan trọng. Thị trường chứng khoán nước ta đang trong giai đoạn thách thức kỳ vọng của các nhà đầu tư, vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước, năng lực thực sự của các chủ doanh nghiệp trên cả hai lĩnh vực: thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Biên độ giao động của thị trường chứng khoán trên cả hai sàn giao dịch Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trong tháng 5 và quá nửa đầu tháng 6 vừa qua đã phản ánh điều đó.

2. Các giải pháp kiềm chế lạm phát của Nhà nước đã phát huy tác dụng nhưng hiệu quả chưa cao. Lạm phát vẫn giữ mức trên 20%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn ở mức cao, tháng 6-2008 là 5,2% cao hơn so với cuối năm ngoái. Tuy có giảm 1 điểm phần trăm so với tháng 5-2008, nhưng vẫn tăng gấp đôi so với dự báo của Hội đồng Tư vấn thông tin Bộ Thương mại. Theo dự báo của các nhà nghiên cứu thì mức lạm phát này còn kéo dài cho đến quý III/2008 và đến quý IV/2008 sẽ xuống mức khoảng 18-19% và sang đầu năm 2009 mới có thể xuống mức 9-10%, khi nền kinh tế tăng trưởng GDP đạt mức 7,8% (năm nay phấn đấu giữ mức tăng GDP 7%, nhưng có thể vẫn đạt mức 7,3%).

3. Tình trạng thiếu tiền trong lưu thông vẫn kéo dài, khả năng thanh khoản của nền kinh tế vẫn hạn chế. Chính sách thắt chặt tiền tệ của Nhà nước là đúng đắn, tuy nhiên các biện pháp cụ thể như phát hành 20.000 tỉ tín phiếu trong 3 tháng và các biện pháp khác đã tạo sức ép lớn cho hệ thống ngân hàng. Cuộc chạy đua lãi suất và hai lần thay đổi mức trần lãi suất ngân hàng, việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái giữa Việt Nam đồng với đồng USD... cũng là những tác nhân càng làm tăng độ “trễ” của thị trường chứng khoán. Một ví dụ điển hình về giải pháp hút tiền trong lưu thông, tăng thanh khoản cho thị trường tài chính: Ngày 11-6, các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất huy động VNĐ, đỉnh điểm lên đến 19,2%/năm; lãi suất cho vay cũng có điều kiện để lên tới 21%/năm. Và cùng ngày, chỉ số HASTC-Index chính thức cắt cơn 28 phiên giảm điểm liên tiếp, đảo chiều tăng 0,78 điểm; VN-Index chưa quay đầu nhưng giao dịch đã tạo một bước đại nhảy vọt so với chuỗi ảm đạm trước đó và màu xanh đã ngập tràn trên bảng điện tử. Mối quan hệ “bình thông nhau”- sự đảo chiều đó không được bao lâu, thì mấy phiên của tuần gần đây, các ngày 18 đến 20-6-2008 “mầu đỏ” trên các sàn giao dịch lại trở về với tính quy luật của nó.

4. Các thị trường: vàng, USD, tín dụng, địa ốc... đã tự phát hình thành các kênh thu hút vốn của các nhà đầu tư. Trong sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, ở nước ta xuất hiện tình trạng các nhà đầu tư có sự lựa chọn giữa các thị trường chứng khoán, vàng, USD, tín dụng và bất động sản là lẽ đương nhiên. Mặc dù cả các loại hình thị trường này đều quan hệ khăng khít và tác động mạnh mẽ đến thị trường tài chính. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thì các thị trường này đều chưa có vai trò quyết định chủ yếu đến sự phát triển của nền kinh tế nước ta trong năm 2008. Tuy nhiên, nó đang làm tăng tính biến động và rủi ro ngoài ý muốn của các nhà đầu tư buộc họ toan tính trên bàn cân chiến lược đầu tư vốn của mình.

5. Sự tác động của cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới khởi nguồn từ Mỹ hồi đầu năm 2008 vẫn còn lớn. Chúng ta biết rằng, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất hành tinh, chiếm hơn 30% GDP thế giới. Với tiềm lực tài chính mạnh, Mỹ đã áp dụng hàng loạt biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm nay, Cục dự trữ Liên bang (FED) đã 4 lần cắt giảm lãi suất từ 4,25% (đầu năm 2008) xuống còn 2% (tháng 5.2008), đồng thời “bơm” hàng trăm tỉ USD để “cứu nguy” cho thị trường tài chính. Chính phủ Mỹ cũng đã thông qua khoản kích thích phát triển kinh tế trọn gói trị giá 168 tỉ USD, chi 290 tỉ trong vòng 10 năm để trợ cấp nông nghiệp, thực hiện chính sách đồng USD yếu để tăng xuất khẩu, siết chặt quản lý các công ty tài chính, ngân hàng... Tuy nhiên, các biện pháp “cứu nguy” nền kinh tế của Mỹ vẫn chưa phát huy tác dụng, nền kinh tế nước Mỹ vẫn chưa phục hồi và vẫn còn nằm trong chu kỳ khủng hoảng. Theo dự báo, GDP 6 tháng đầu năm của Mỹ chỉ đạt khoảng 0,6%, thất nghiệp 6,2%, chỉ số lòng tin của ng­ười tiêu dùng Mỹ giảm xuống còn 57,2% (tháng 5-2008). FED dự báo, mức thâm hụt ngân sách của Mỹ năm 2008 sẽ tăng đột biến, lên khoảng 410 tỉ USD (năm 2007 là 163 tỉ USD), tỷ lệ thất nghiệp khoảng 5,2%-5,3%. Cựu Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ, ông A.Gri-xpan cho rằng, “nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái là lớn” và “còn quá sớm để cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ đã chấm dứt”.

Theo dự báo của các nhà nghiên cứu thì kinh tế thế giới chỉ có thể phục hồi vào đầu năm 2009 sau khi biên độ khủng khoảng chu kỳ của nền kinh tế Mỹ đã chạm đáy. Theo đó, thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế nước ta cũng chỉ có thể phục hồi vào quý IV/2008 và tiếp tục tăng trưởng vào đầu năm 2009.

Để có thể ngăn chặn sự suy giảm hơn nữa và tạo những tiền đề cho sự phục hồi, phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng ta có thể và cần phải quan tâm đến các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, phấn đấu bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế 7% (như Nghị quyết của Quốc hội) bằng cách đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, các ngành hàng xuất khẩu mà Việt Nam đang có thế mạnh nhất là lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng: dệt, da, may mặc, đặc biệt coi trọng gạo là mặt hàng chiến lược có tính nhạy cảm cao trên thương trường quốc tế có thể so sánh với mặt hàng xăng dầu của OPEC; tích cực giải ngân thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), không để tái diễn tình trạng “bội thực” vốn đầu tư nước ngoài như năm 2007, vì năm nay mới chỉ đến tháng 6 đã có 31,6 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài được đăng ký (cả năm 2007 có 21,3 tỉ USD); tiếp tục điều hành tỉ giá đồng nội tệ với đồng USD sát với giá trị thực trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế. Khắc phục nguy cơ USD hoá nền kinh tế bằng cách tăng uy tín của đồng nội tệ (lãi suất bảo đảm bằng vàng như một số ngân hàng đã thực hiện), tạo thói quen của thị trường tài chính trong quan hệ với các đồng tiền mạnh khác trên thế giới như: đồng ơ-rô của EU, đồng Yên của Nhật Bản... tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường tiền tệ tại Việt Nam. Thúc đẩy các nước ASEAN đẩy nhanh quá trình hình thành đồng tiền chung ASEAN tạo ra tính độc lập tương đối của thị trường khu vực hạn chế sự phụ thuộc vào đồng USD như hiện nay.

Hai là, kiên trì các chủ trương, chính sách ổn định lâu dài khuyến khích thị trường chứng khoán phát triển. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với thị trường chứng khoán. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp tạo sân chơi bình đẳng đối với tất cả các nhà đầu tư chứng khoán trong và ngoài nước; khắc phục tình trạng mất cân đối cung cầu trên thị trường chứng khoán bằng các dự báo có cơ sở thực tế trên các góc độ thông tin thị trường trong nước, trong quan hệ với thị trường chứng khoán quốc tế, nhất là các thị trường chứng khoán có tính nhạy cảm cao như Mỹ, thị trường dầu mỏ ở Trung Đông và thị trường vàng, đá quý Nam Phi... Chính phủ cần sớm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Tư vấn, bên cạnh Ủy ban Chứng khoán nhà nước (vừa qua có những thông tin dự báo của Hội đồng Tư vấn sai số tới 50% so với thực tế). Đây là lĩnh vực mới mẻ đối với cả chủ thể và khách thể tham gia thị trường chứng khoán và càng mới đối với các cơ quan làm chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, nên cần đầu tư thoả đáng để thu hút các chuyên gia có kinh nghiệm cả trong và ngoài nước nhằm tăng hiệu quả tư vấn cho công tác quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán.

Ba là, cần sử dụng các biện pháp tổng hợp, bao gồm cả các biện pháp kinh tế và phi kinh tế nhằm bảo đảm an ninh tài chính trên thị trường chứng khoán, chống lạm phát, đẩy mạnh đầu tư nước ngoài, tăng cường thực hiện chức năng giám đốc bằng đồng tiền của các cơ quan tài chính, ngân hàng đối với các hoạt động của các công ty chứng khoán, các nhà đầu tư, sàn giao dịch và các hoạt động khác của thị trường chứng khoán, thị trường vàng, đá quý, USD, tín dụng và thị trường bất động sản...

Có như vậy mới tạo được những tiền đề để sớm ổn định thị trường chứng khoán, hạn chế được sự tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và đưa thị trường chứng khoán nước ta tiếp tục phát triển ổn định, góp phần giữ vững an ninh tài chính, an ninh kinh tế và an ninh quốc gia của đất nước./.
 
 
 
Biểu đồ chỉ số VN - INDEX. Từ ngày 9-6 đến ngày 20-6-2008