Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp xúc cử tri
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã kiến nghị, chất vấn về các nhóm vấn đề: phòng chống tham nhũng; giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; bất cập trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế; giá cả tiêu dùng tăng cao; lương và thu nhập của công chức, người lao động; tệ nạn phát sinh, tội phạm lộng hành...
Cử tri Nguyễn Thị Bạch Tuyết bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời cũng chất vấn các đại biểu về nợ nần của các tập đoàn nhà nước, trách nhiệm sẽ thuộc về ai và khắc phục như thế nào.
Đồng tình với ý kiến của cử tri Bạch Tuyết, các cử tri Trần Ngọc Oánh (phường 6), Nguyễn Vinh Ngọc, Lê Phan Thị Khánh Vân, Nguyễn An Tuyên (phường 9) cho rằng Quốc hội cần tăng cường giám sát, không để xảy ra tình trạng oan sai trong hoạt động tố tụng, tăng cường chỉ đạo với một số lĩnh vực như điện, thủy điện, bảo hiểm y tế, trấn áp tội phạm.
Liên quan đến giải pháp phòng, chống tham nhũng, đại biểu Trần Du Lịch cho biết sẽ có cơ chế minh bạch và quy trách nhiệm rõ ràng để phòng, chống tham nhũng thông qua việc Quốc hội bổ sung những chế định về luật.
Đại biểu Trần Du Lịch khẳng định cùng với triển khai Nghị quyết Trung ương 4, với việc luật hóa rõ ràng, quy định trách nhiệm cụ thể, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ được làm từ gốc, không phải chạy theo xử lý phần ngọn.
Về vấn đề tăng giá điện, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh Quốc hội đã yêu cầu ngành điện minh bạch toàn bộ chi phí, không có chuyện xây biệt thự và tính vào giá điện như dư luận quan ngại. Nhà nước sắp ban hành đạo luật quản lý vốn kinh doanh nhà nước trong các tập đoàn, tổng công ty. Thời gian tới, sẽ tiếp tục sắp xếp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, không dàn trải, tập trung vào phục vụ mục tiêu kinh tế - xã hội, các nhiệm vụ công.
Cũng đề cập về công tác phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết điều quan trọng là phải làm tốt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương đã kiện toàn, bắt đầu hoạt động mạnh mẽ, thúc đẩy việc xử lý, giải quyết các vụ tồn đọng, kết hợp với tích cực kiểm tra, phát hiện.
Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri quận 4 Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN |
Trung ương đã tổ chức 8 đoàn kiểm tra, phối hợp với cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng tại các địa phương phát hiện 60 vụ tham nhũng, tiếp tục điều tra xử lý. Tuy nhiên, số lượng vụ việc chưa nhiều nên trong giai đoạn tới sẽ phải làm kiên quyết hơn.
Chủ tịch nước mong rằng cử tri theo dõi, tiếp tục phát huy quyền chất vấn để mọi việc phải công khai, minh bạch. Chủ tịch nước nhấn mạnh những chỗ úp mở, không rõ ràng chính là nơi để chứa chấp tham nhũng, tiêu cực. Những vụ xét xử tiếp theo phải nghiêm minh, đúng pháp luật.
Về vấn đề oan sai trong tố tụng, Chủ tịch nước cho rằng tình trạng án oan như cử tri chất vấn là có, tại Quốc hội cũng đã phê phán nhưng phải hoan nghênh các cơ quan tư pháp đã dũng cảm, không sợ khuyết điểm, đưa ra xét xử lại, góp phần khôi phục niềm tin trong nhân dân.
Chủ tịch nước nhấn mạnh chống oan sai, nhưng cũng phải xem xét không để lọt tội, cá nhân và cơ quan làm sai sẽ bị xử lý.
* Trước đó, ngày 02-12, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3.
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội đã nhận được nhiều phản ánh của cử tri bày tỏ đồng thuận với những nội dung được kỳ họp Quốc hội thông qua, nêu bức xúc về những bất cập, tồn tại trong đời sống xã hội.
Đánh giá cao những nội dung nghị sự tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, các cử tri Lê Văn Minh, Nguyễn Minh Hoa (phường Tân Định), Lê Đình Cây (phường Nguyễn Thái Bình), Trần Văn Tuấn (phường Bến Nghé), Phạm Đức Phùng (phường Nguyễn Cư Trinh)... cho rằng, kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIII đã không chỉ thực hiện quyền lập pháp, mà đánh dấu mốc lịch sử về lập hiến.
Thông qua bản Hiến pháp sửa đổi, Quốc hội đã chế định rõ hơn về bản chất chính trị của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bổ sung những điểm tiến bộ về quyền và nghĩa vụ công dân theo hướng bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân.
Hoan nghênh tinh thần làm việc nghiêm túc của các đại biểu, cử tri đánh giá cao Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi, cùng các dự án luật và nghị quyết quan trọng khác, trong đó có Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và Luật Tiếp công dân...
Đặc biệt, Luật Đất đai sửa đổi đã bổ sung những điểm mới về quy mô dự án kinh tế - xã hội thuộc diện thu hồi đất, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan công quyền nhằm hạn chế tình trạng thu hồi đất tùy tiện.
Cử tri cũng tán thành những quyết định của Quốc hội trong việc điều chỉnh những chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, bội chi. Các cử tri nêu rõ những kết quả hoạt động tại Quốc hội là đáng trân trọng, tăng được niềm tin trong nhân dân.
Nhưng bên cạnh đó, Quốc hội cần tăng cường vai trò giám sát đối với những lĩnh vực dễ phát sinh hệ lụy xấu như bội chi, giám sát chương trình hành động của các bộ trưởng sau các phiên chất vấn.
Các cử tri cũng đặt câu hỏi về sự thiếu thống nhất ở một số nội dung trong đánh giá kinh tế - xã hội giữa báo cáo của Chính phủ với các cơ quan giám sát, đánh giá của người dân, đồng thời kiến nghị Quốc hội cần xem xét, cho ý kiến.
Cử tri cũng bức xúc trước tình hình tội phạm gia tăng, quá tải bệnh viện, y đức giảm sút, ô nhiễm môi trường, tham nhũng lãng phí xuất hiện tại nhiều địa phương, biểu hiện ở nhiều lĩnh vực. Dẫn chứng về câu chuyện xả lũ thủy điện, an ninh sân bay, tiêm chủng vắcxin được báo chí đề cập, cử tri nhấn mạnh nhiều lần lãnh đạo Trung ương đã nói đến "đột phá", "quyết liệt" nhưng chưa thực sự tạo chuyển biến.
Cử tri đề nghị Quốc hội, kỳ họp tới xem xét bổ sung những chế tài với các loại hình tội phạm như rải đinh, trộm chó để nghiêm trị kẻ phạm tội, tránh để người dân vì manh động mà dẫn đến phạm tội.
Phát biểu tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận những ý kiến tâm huyết và đầy trách nhiệm của cử tri. Giải đáp băn khoăn của cử tri về hiệu quả của tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước cho rằng việc lắng nghe ý kiến cử tri là đặc biệt quan trọng với đại biểu Quốc hội, vấn đề là cần đổi mới hình thức để không lặp lại một địa điểm, nhằm thu hút được nhiều hơn ý kiến cử tri, giúp đại biểu tiếp thu toàn diện hơn.
Về băn khoăn Hiến pháp sửa đổi hay các đạo luật chưa nhận được 100% đại biểu tán thành, Chủ tịch nước nhấn mạnh điều đó thể hiện sự dân chủ, tôn trọng ý kiến của các đại biểu. Chủ tịch nước giải thích Dân chủ trong Đảng, trong xã hội đã phát triển, mỗi người đều có cách tiếp cận riêng. Tất nhiên trước khi có quyết định cuối cùng, mỗi người phải cân nhắc rất thận trọng.
Chủ tịch nước cho rằng điều quan trọng là quá trình soạn thảo lấy ý kiến phải có sự lắng nghe thấu đáo, tường tận các tầng lớp xã hội, để dung nạp được tuyệt đại bộ phận ý kiến đúng đắn của nhân dân. Không nên có tình trạng ở trong hội trường phiếu 100% nhưng bước ra ngoài cửa lại có ý kiến khác nhau, rất nguy hiểm.
Trả lời câu hỏi của cử tri về việc Luật Đất đai quy định chưa rõ về giá đất đai khi đền bù, Chủ tịch nước khẳng định việc quy định chi tiết sẽ được Quốc hội giao cho Chính phủ cụ thể hóa khi đi vào cuộc sống.
Về tình hình kinh tế - xã hội có những đánh giá khác nhau, Chủ tịch nước cũng khẳng định dù có nhìn nhận hay đánh giá khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là ý nguyện của cử tri thông qua đại biểu Quốc hội bằng thảo luận dân chủ, biểu quyết theo đa số để ra Nghị quyết triển khai. Những phản biện sẽ được kiểm chứng và có thể được đưa ra thảo luận tại kỳ họp tiếp theo.
Xung quanh chủ đề chống tham nhũng, chất lượng cán bộ công chức, Chủ tịch nước cho rằng Trung ương đã có nghị quyết chuyên đề. Ý kiến của bà con bức xúc, nói thẳng tại buổi tiếp xúc cử tri cho thấy những vấn đề chưa làm được còn nhiều, cần nghiêm túc nhìn nhận để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn.
Với tinh thần cầu thị, Chủ tịch nước mong rằng mỗi cử tri cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Đảng và Nhà nước luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân. Với trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước khẳng định sẽ cùng với các đại biểu khác nỗ lực hết sức để không phụ lòng tin của cử tri.
* Cũng trong sáng ngày 03-11, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tiếp xúc cử tri huyện Nông Sơn, thông báo tình hình kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIII và lắng nghe ý kiến của cử tri trên địa bàn.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Võ Thân (xã Quế Phước) bày tỏ sự tin tưởng của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước trong việc đưa nhiều quyết sách quan trọng phát triển đất nước, nhất là việc Quốc hội thông qua Hiến pháp, Luật Đất đai (sửa đổi) và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Bên cạnh đó, cử tri Võ Thân cũng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tiếp tục quan tâm sâu sát hơn đến các vấn đề dân sinh của địa phương, như làm đường giao thông, chế độ chính sách của nhiều đối tượng cần sớm được các cấp, các ngành xem xét, giải quyết thỏa đáng cho người dân...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam Lê Phước Thanh ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của bà con cử tri huyện Nông Sơn. Đối với các vấn đề thuộc phạm vi của tỉnh Quảng Nam, đồng chí Lê Phước Thanh cho biết, tỉnh đang quyết liệt hạn chế xây dựng mới thủy điện trên địa bàn. Về quy trình xả lũ của thủy điện, tỉnh đang kiến nghị để việc xả lũ hợp lý hơn, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nhân dân.
Đối với các kiến nghị về làm đường giao thông qua các xã, đồng chí Lê Phước Thanh chỉ đạo lãnh đạo huyện cần từng bước giải quyết tình trạng “3 không” (không đường, không trường học, không trạm xá) ở thôn Trung An (xã Quế Trung). Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình chung của huyện, tỉnh để giải quyết dần các vấn đề, bởi Nông Sơn là huyện miền núi nghèo, lại mới chia tách năm 2008 nên nguồn lực kinh tế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Đồng chí Lê Phước Thanh cũng chỉ đạo các cơ quan như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, Ủy ban nhân dân huyện cần vào cuộc kiểm tra, chỉ đạo, xử lý nghiêm tình trạng lâm tặc chặt phá rừng gây bức xúc trong nhân dân xã Phước Ninh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với cử tri huyện Quế Sơn. Ảnh: VGP |
Lắng nghe tâm tư, kiến nghị của bà con cử tri huyện Nông Sơn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp chính quyền trong phạm vi thẩm quyền, quan tâm giải quyết. Với các vấn đề khác, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ giải quyết.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Nam, huyện Nông Sơn tiếp tục quan tâm đến những thôn, xã khó khăn, nhất là vấn đề dân sinh bức xúc, từng bước xóa bỏ tình trạng “ba không” như ở thôn Trung An (xã Quế Trung).
Bên cạnh đó, địa phương cần tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới, quan tâm từng việc cụ thể của người dân như cây - con giống, thuốc trừ sâu, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, xây dựng thủy lợi để bà con từng bước thoát nghèo, bởi tỷ lệ hộ nghèo của huyện thuộc diện cao nhất tỉnh Quảng Nam (58,88%). Các cấp huyện, xã phải tìm ra được nguyên nhân đói nghèo còn cao như hiện nay để tìm ra giải pháp thoát nghèo.
Phó Thủ tướng tin tưởng với sự đồng thuận và nỗ lực của cử tri và nhân dân, các cấp chính quyền Nông Sơn sẽ có nhiều giải pháp để đưa huyện thoát nghèo, giải quyết được các vấn đề bức xúc mà cử tri nêu ra tại cuộc tiếp xúc cử tri hôm nay, cũng như từng bước khắc phục khó khăn, tự lực vươn lên, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong thời gian tới…
Tiếp tục tiếp xúc cử tri tại tỉnh Quảng Nam, chiều 03-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lắng nghe cử tri trong huyện Quế Sơn phản ánh và kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến đời sống và hoạt động sản xuất tại địa phương, như việc xây dựng hồ thủy lợi để bảo đảm nước tưới cho trên 3.000 ha đất sản xuất nông nghiêp của huyện; tình trạng thường xuyên bị ngập, gây mất mùa mỗi khi mưa lũ tràn về tại 5 xã vùng trũng phía Đông của huyện; tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các xã thực hiện các tiêu chí khó huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới; việc thiết kế mô hình nhà chống bão, lũ cho người dân thường xuyên chịu tác động của thiên tai và giải quyết chế độ chính sách cho người nhiễm chất độc da cam; quy hoạch lại các bãi rác nằm gần địa bàn khu dân cư, để hạn chế ô nhiễm...
Phát biểu với cử tri trong huyện, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo với cử tri huyện Quế Sơn về những kết quả quan trọng của Kỳ họp thứ 6 như thông qua Hiến pháp sửa đổi, thông qua Luật Đất đai sửa đổi…
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, bài toán xóa đói giảm nghèo đang là vấn đề lớn đặt ra với các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở, phải tìm ra lời giải cho vấn đề dân sinh cấp thiết. Phó Thủ tướng yêu cầu: Kiên quyết không được để người dân “đói cơm, lạt muối”. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng đó phải xem xét kỷ luật lãnh đạo nơi đó, bởi hiện nay, chúng ta có đủ tiềm lực hỗ trợ cho người dân. Quế Sơn phải xác định xóa đói, giảm nghèo là việc quan trọng hàng đầu của huyện, làm tiền đề tiến lên làm giàu chính đáng.
Đồng thời, nhằm giải quyết các vấn đề nổi cộm của người dân, đòi hỏi cán bộ phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức phẩm chất, tác phong làm việc vì nhân dân. Cán bộ phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và từng bước giải quyết, đáp ứng sự kỳ vọng và lòng mong mỏi của nhân dân.
* Chiều 3-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tiếp xúc cử tri tại xã Chư M’nga, huyện Chư M’nga.
Nghe báo cáo kết quả kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIII, cử tri xã Cư M’nga, huyện Chư M’nga bày tỏ vui mừng với thành công của kỳ họp.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri xã Chư M’nga cho rằng, dù Chính phủ đã làm kiên quyết nhưng tham nhũng vẫn chưa giảm. Cử tri đề nghị, đối với vấn đề này, Quốc hội, Chính phủ cần phải làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn.
Về vấn đề giá điện, xăng dầu, vật tư sản xuất nông nghiệp, mỗi ngày một tăng trong khi giá nông sản thấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, cử tri kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách bình ổn giá nhiều mặt hàng hơn nữa.
Đối với giáo dục, cử tri cho rằng việc đào tạo cần dựa trên nhu cầu xã hội, không nên đào tạo tràn lan, vừa tốn kém tiền của vừa không xin được việc làm.
Cử tri xã Chư M’nga cũng rất quan tâm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đề nghị các cấp, các ngành cần tăng trường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIII đánh dấu mốc lịch sử quan trọng khi thông qua Hiến pháp 1992 sửa đổi, thể hiện được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, thống nhất trong việc thực hiện đúng định hướng của Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bản Hiến pháp này bảo đảm trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói: “Tới đây, chúng ta cần có một kế hoạch toàn diện để xây dựng các Luật cụ thể theo Hiến pháp mới; tiếp tục xem xét, đánh giá thực hiện việc chấp hành pháp luật, trên cơ sở đó sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về Hiến pháp, pháp luật đã được thông qua bằng các hình thức sâu rộng, đồng thời đòi hỏi phải tăng cường giám sát việc thực hiện Hiến pháp, pháp luật và bảo vệ Hiến pháp”.
* Ngày 3-12, tại Hòa Bình, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã có các cuộc tiếp xúc với cử tri tại 2 huyện Đà Bắc và Kỳ Sơn.
Phát biểu với cử tri tại 2 huyện, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) lần này đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân; khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng ta, đồng thời thể hiện niềm tin, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân với Đảng, yêu cầu mọi tổ chức Đảng và từng đảng viên luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình và luôn hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp đề cao quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước, thực hiện các quyền về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Hiến pháp khẳng định các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định các nguyên tắc cơ bản để hoàn thiện, đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước.
Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Hiến pháp để bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Cử tri tại 2 huyện Đà Bắc và Kỳ Sơn bày tỏ sự tin tưởng, phấn khởi trước những thành công tốt đẹp của kỳ họp. Đồng thời, các cử tri cũng kiến nghị một số vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ cơ sở, thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam; cơ chế hỗ trợ hộ nghèo; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống; chương trình xây dựng nông thôn mới; một số bất cập trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và tác động của việc dừng, hoãn, giãn tiến độ một số công trình xây dựng cơ bản...
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Đại tướng Trần Đại Quang đã cảm ơn những ý kiến thẳng thắng, xây dựng của cử tri về đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp không ít khó khăn, kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi chưa hoàn chỉnh, thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định giá cả bấp bênh…
Đại tướng Trần Đại Quang đã thông báo khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong 11 tháng đầu năm, những giải pháp cơ bản Quốc hội đã thông qua để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2013 và các năm tiếp theo. Đại tướng nhấn mạnh, Chính phủ đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân như giống, phân bón, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, đặc biệt tập trung nghiên cứu bộ giống có chất lượng, giá trị thương phẩm cao nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Về cải cách tiền lương, Đại tướng Trần Đại Quang cho biết, đây là vấn đề được Trung ương, Quốc hội, Chính phủ rất trăn trở, tuy nhiên, do điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn nên việc triển khai đề án cải cách tiền lương đang tiếp tục được nghiên cứu nhằm đề ra giải pháp khả thi nhất trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Đại tướng Trần Đại Quang đã phân tích tình hình an ninh trật tự, công tác phòng, chống tội phạm trên các lĩnh vực, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp kết hợp giữa phòng ngừa và đấu tranh trấn áp; tăng cường xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh, không để tội phạm lộng hành, giữ bình yên cho nhân dân. Đồng chí cũng chia sẻ khó khăn với lực lượng công an xã và cho biết, hiện Bộ Công an đang tích cực kiến nghị với Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn, từng bước nâng cao phụ cấp cho công an viên cấp xã.
* Tại buổi tiếp xúc với trên 200 cử tri là Hội viên Câu lạc bộ hưu trí tỉnh Vĩnh Phúc, đồng chí Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Vĩnh Phúc thông báo khái quát về những chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng quốc lần thứ XI đề ra trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia; thúc đẩy các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, cần giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến việc xác định phương hướng, nhiệm vụ và chuẩn bị về công tác cán bộ cho những nhiệm kỳ tiếp theo.
Trước những ý kiến của cử tri liên quan đến tình trạng tham nhũng, lãng phí, đồng chí Ngô Văn Dụ nhấn mạnh đến quyết tâm của cả hệ thống chính trị để ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này, kiên quyết xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng hiện nay.
* Trong 2 ngày (2 và 3-12), Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng do đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương dẫn đầu, đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Hải Châu và huyện Hòa Vang.
Sau khi nghe hàng loạt ý kiến cử tri tập trung vấn đề tham nhũng, lãng phí, trả lời chất vấn của Chính phủ, các bộ trưởng tại kỳ họp Quốc hội vừa qua... Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh cho biết, vừa qua, 2 vụ tham nhũng lớn tại Công ty cho thuê tài chính ALC II và Vifon Thành phố Hồ Chí Minh đã được đưa ra xét xử. Các vụ "đại án" khác sẽ sớm được ra tòa. Trước mắt, ngày 12-12 này sẽ xử vụ Dương Chí Dũng và trước Tết Nguyên đán 2014 xử tiếp vụ "bầu" Kiên…/.
Công bố quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020  (03/12/2013)
Hà Nội thông qua Nghị quyết về kinh tế - xã hội năm 2014  (03/12/2013)
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thăm chính thức Canada  (03/12/2013)
Định hướng xây dựng Cộng đồng ASEAN sau 2015  (03/12/2013)
Liên hợp quốc ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy nhân quyền của Việt Nam  (03/12/2013)
Quy định xử phạt hành chính về quản lý tài sản nhà nước  (03/12/2013)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển