Ngày 3-12, tại Hà Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, mục tiêu đặt ra là xây dựng vùng đồng bằng sông Hồng thành địa bàn tiên phong của cả nước thực hiện các đột phá chiến lược, tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, trở thành đầu tàu của cả nước về phát triển kinh tế… Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020 sẽ là cơ sở quan trọng giúp vùng thực hiện tốt các định hướng phát triển trong tương lai.

Theo đó đến năm 2020, phấn đấu sẽ nâng dần tỷ trọng đóng góp của vùng cho GDP cả nước từ 24,7% năm 2010 lên 28,7%; tỷ trọng đóng góp cho xuất khẩu cả nước lên 35,5%.

Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng chỉ rõ cần ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao trong các lĩnh vực vận tải, tư vấn, thiết kế, phát minh - sáng chế, tài chính - ngân hàng, viễn thông, giáo dục - đào tạo, y tế chữa bệnh chất lượng cao, thương mại, du lịch và khoa học - công nghệ; đầu tư xây dựng một số khu du lịch trọng điểm quốc gia có tầm vóc quốc tế. Về phát triển công nghiệp, ưu tiên phát triển theo chiều sâu công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo máy và sửa chữa - đóng tàu thủy và phương tiện hàng hải, sản xuất thép chất lượng cao...

Cùng với việc phát triển hệ thống đô thị, Quy hoạch cũng nêu rõ cần phát triển các tiểu vùng kinh tế như Tiểu vùng Bắc đồng bằng sông Hồng, Nam đồng bằng sông Hồng và phát triển các hành lang kinh tế chủ yếu tạo bộ khung phát triển.

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Phạm Quang Các, cho rằng, để thực hiện được quy hoạch, cần tăng cường thêm các giải pháp về thu hút, huy động vốn đầu tư, nguồn nhân lực, đặc biệt là phát huy nội lực tại các địa phương. Mở rộng các hình thức đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các thị trường vốn, phát triển các hình thức liên doanh, liên kết đầu tư, góp vốn đầu tư bằng tài sản.

Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 23-5-2013 tại Quyết định số 795/QĐ-TTg, quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh thành phố, trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh./.