Làm rõ chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và vấn đề tinh giản biên chế
Đăng đàn trả lời chất vấn ngày 20-11-2013, Tư lệnh ngành Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu liên quan đến các vấn đề nóng như: tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách chế độ công chức công vụ; chính sách tiền lương, phụ cấp; việc đào tạo, sử dụng và bố trí công tác với cán bộ là người dân tộc thiểu số...
Có phải 30% cán bộ, công chức không làm được việc?
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhiều đại biểu đặt câu hỏi có hay không việc 30% cán bộ, công chức không làm được việc. Trong khi ngân sách nhà nước hết sức eo hẹp thì mức chi cho các đối tượng này không nhỏ, đang là gánh nặng lên ngân sách. Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) nêu rõ nếu là 30% sẽ tương đương 700.000 cán bộ công chức “ngồi không” và số chi một năm là 17.000 tỷ đồng, nếu giải quyết được vấn đề này chúng ta sẽ tiết kiệm được 17.000 tỷ đồng. Còn đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Danh Út (Kiên Giang) bày tỏ sự hoài nghi về con số này và chất vấn về nguyên nhân, giải pháp cũng như trách nhiệm của Bộ trưởng.
Trả lời các nội dung trên, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định: con số 30% không phải là ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mà là Phó Thủ tướng chỉ dẫn ý kiến dư luận. Tại cuộc họp tổng kết ngành Nội vụ năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập có ý kiến cho rằng có 30% công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ và yêu cầu ngành xem xét. Theo Bộ trưởng, đây là những phản ánh, những kiến nghị, mong muốn chính đáng của cử tri, đòi hỏi chúng ta cần đổi mới cải cách công vụ, công chức nhiều hơn. Muốn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức phải có các biện pháp toàn diện, đồng bộ. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, trong đó có những nội dung có liên quan đến tổ chức bộ máy, đến đội ngũ cán bộ, công chức. Năm 2012, Thủ tướng ban hành Quyết định 1557 phê duyệt đề án về cải cách công vụ công chức từ nay đến năm 2015. Phần đánh giá về cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua đã được phân cấp cho các bộ, ngành, các địa phương nhưng về mặt quản lý nhà nước cũng có trách nhiệm của Bộ Nội vụ, của Bộ trưởng Bộ Nội vụ để đảm bảo công bằng, khách quan.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đã nêu một số giải pháp các bộ, ngành, các địa phương cần làm như: tinh gọn bộ máy, tập trung mô tả công việc, xác định vị trí việc làm trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị để trên cơ sở đó định ra số công chức làm việc trong các cơ quan hành chính, số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; bổ sung, hoàn thiện chuyển ngạch đối với công chức và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức. Để đảm bảo chính xác, cần phải hoàn thiện, bổ sung tiêu chí và phương pháp đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm. Trên cơ sở đó thực hiện từ Trung ương đến địa phương với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của từng cán bộ đảng viên, công chức, viên chức trong từng cơ quan đơn vị.
Từ nay đến 2016 sẽ không tăng biên chế
Chất vấn về vấn đề giảm đầu mối bộ, ngành nhưng “phình” số đơn vị trực thuộc và biên chế, nhiều đại biểu băn khoăn việc việc thành lập cục, tổng cục có phát huy hiệu quả hay làm bộ máy thêm cồng kềnh, việc tinh giản biên chế được đặt ra như thế nào? Dẫn chứng số cán bộ, công chức nghỉ chế độ chính sách trong 3 năm từ 2010 đến năm 2012 là 28.132 người, song số tuyển mới là 69.851 người, tăng 41.719 người, bằng 148% so với số người nghỉ và 10,5% so với số cán bộ, công chức, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị Bộ trưởng làm rõ việc thực hiện tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức trong thời gian vừa qua không đạt được kết quả như mong muốn; Trách nhiệm của Bộ Nội vụ trước tình trạng số lượng cán bộ, công chức, viên chức tăng hơn 20% sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 132 về tinh giản biên chế cũng như những kế hoạch và giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: số biên chế công chức của năm 2007 là 238.668 người, năm 2012 là 274.694 người, tăng 15,09%. Số viên chức năm 2007 là 1.490.544 người, năm 2012 là 1.872.044 người, tăng 25,59% . Số tăng chủ yếu cho các đơn vị mới được thành lập hoặc các đơn vị cũ nhưng được bổ sung về chức năng, nhiệm vụ, thuộc các lĩnh vực về môi trường, đất đai, biển và hải đảo, du lịch, ngoại vụ, dân số, kế hoạch hóa gia đình và tăng ở một số địa phương được chia tách theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định trước mắt, từ nay đến năm 2016 về cơ bản không tăng thêm biên chế công chức, không tăng số lượng viên chức, trừ trường hợp được thành lập mới các cơ quan đơn vị được các cấp thẩm quyền cho phép hoặc phát sinh nhiệm vụ mới. Do tính quan trọng đặc biệt của biên chế, Hội nghị Trung ương 7 khóa XI vừa qua đã quy định Bộ Chính trị nghe và cho ý kiến về biên chế hàng năm. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị hàng năm nghe và cho ý kiến về biên chế. Bộ trưởng cũng cho biết xác định vị trí việc làm là vấn đề mới, khó, lần đầu tiên được thực hiện ở nước ta. Cùng với việc xây dựng đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 132 để có thể giải quyết trước mắt việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ trưởng cũng cho rằng cần sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn đầu mối, tổ chức lại các đơn vị cấu thành trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng dịch vụ công, cơ bản ổn định các đơn vị hành chính; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thành lập, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập; đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ quan, tổ chức để thực hiện cơ chế khoán, cơ chế tự chủ, cơ chế tự chịu trách nhiệm, kể cả đối với các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đổi mới nội dung tuyển dụng công chức, viên chức
Nhìn nhận một trong những hạn chế trong việc tuyển dụng là vẫn chú trọng đến bằng cấp, các nội dung thi tuyển chưa phù hợp, chưa thực sự quan tâm đến thực lực của người được tuyển dụng, tình trạng bằng giả học giả còn diễn ra, vấn đề chạy chỉ tiêu biên chế, chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ xảy ra ở nhiều nơi, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết nội dung thi tuyển đang được Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ tập trung nghiên cứu chuyên đề. Gần đây, Thủ tướng đã phê duyệt đề án đổi mới cách thi tuyển công chức, với 4 môn, 5 bài thi, có 3 bài thi được thực hiện trên máy vi tính đó là tin học, ngoại ngữ, trách nhiệm về chuyên môn, 2 bài thi viết. Đề án đã được thí điểm ở Bộ Nội vụ, một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Bộ Nội vụ đang tiếp tục bổ sung ngân hàng đề thi, hoàn thiện phần mềm thi trực tuyến trên máy vi tính, đảm bảo công tác tổ chức thi chuyên nghiệp hơn, tăng cường trật tự, kỉ luật, kỉ cương, đạt chất lượng tốt.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) về có hay không việc bổ nhiệm cán bộ theo tình nhiều hơn theo lý, một số cán bộ làm không tốt ở đơn vị này được điều sang đơn vị khác thuận lợi hơn ? Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận đây là một thực tế. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã đề cập việc đánh giá một số trường hợp cán bộ công chức chưa công tâm, khách quan. Quan điểm của Bộ Nội vụ là nếu quan hệ “tình - lý” trong sáng và hợp lý có thể chấp nhận nhưng nếu quan hệ “tình” mang tính ê - kíp, bè phái cần phản đối và có biện pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý.
Đảm bảo mục tiêu đào tạo và tuyển dụng người dân tộc thiểu số
Trước những băn khoăn của các đại biểu Danh Út (Kiên Giang), Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) về việc đào tạo nguồn lực và sử dụng đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết: chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số mang tính toàn diện, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiện tỷ lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số ở Trung ương và địa phương chưa đồng đều. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình ghi nhận ý kiến của các đại biểu, trên cơ sở đó hoàn thiện thể chế chính sách đối với đồng bào dân tộc nói chung, đặc biệt chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành liên quan và các địa phương đông đồng bào dân tộc, sớm có hướng dẫn để thực hiện nghị quyết của Chính phủ.
Liên quan đến chính sách, chế độ xét tuyển, cử tuyển đối với học sinh dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết: qua làm việc, các địa phương phản ánh thực trạng các cháu được cử tuyển khi học xong ra trường không tìm được việc làm. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, hướng dẫn để bố trí việc làm cho các đối tượng được xét tuyển, cử tuyển là con em dân tộc thiểu số thời gian tới. Bộ trưởng mong muốn chính quyền địa phương các cấp quan tâm xét tuyển, cử tuyển, theo dõi các cháu trong quá trình học tập và cả khi ra trường để bố trí công việc phù hợp.
Làm rõ thêm các chế độ ưu tiên tuyển dụng học sinh dân tộc thiểu số và học sinh dân tộc Kinh cùng cha mẹ sinh sống ở vùng dân tộc miền núi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định không chỉ ưu tiên cử tuyển theo địa chỉ cho các xã đặc biệt khó khăn, Bộ Giáo dục Đào tạo sau khi trao đổi với Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc và Bộ Nội vụ, căn cứ các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội đã có chính sách cử tuyển, dự bị Đại học, tuyển thẳng học sinh của 125 huyện nghèo, bao gồm 62 huyện 30a, 20 huyện biên giới hải đảo đặc biệt khó khăn khu vực Tây Nam bộ, 20 huyện nghèo khu vực Tây Nguyên, 23 huyện có tỷ lệ nghèo cao trên phạm vi cả nước. Các học sinh thuộc diện cử tuyển trừ một số ngành nghề, một số trường đòi hỏi yêu cầu đặc thù về năng khiếu như: văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao do các trường có sơ tuyển, các ngành khác, Bộ Giáo dục Đào tạo tôn trọng, tạo điều kiện đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ dân tộc cho các tỉnh, các địa phương, thành lập Hội đồng tuyển chọn theo quy chế chung của Chính phủ và của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ chỉ đạo tất cả các nhà trường trong toàn hệ thống tôn trọng và đáp ứng tối đa yêu cầu đào tạo cử tuyển cho các địa phương. Trách nhiệm phân công công tác cho các học sinh dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp thuộc về các địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường có trách nhiệm đảm bảo từng bước nâng cao chất lượng đầu vào cử tuyển./.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt đoàn đại biểu phụ nữ Việt kiều  (20/11/2013)
Triển lãm ảnh “Biển đảo Tổ quốc”  (20/11/2013)
Chủ tịch nước dự Đại hội đại biểu những người Công giáo Việt Nam  (20/11/2013)
Việt Nam lần đầu tiên trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới  (20/11/2013)
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp một cách toàn diện  (20/11/2013)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay