TCCSĐT - Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Đại hội lần thứ XI của Đảng (năm 2011) yêu cầu “Hoàn thiện hệ thống chính sách, kết hợp chặt chẽ các mục tiêu, chính sách kinh tế với các mục tiêu, chính sách xã hội;…”(1). Trên thực tế, vấn đề quan trọng đặt ra là tìm kiếm giải pháp nâng cao năng lực và hiệu quả điều tiết của Nhà nước trong kết hợp chính sách kinh tế với chính sách xã hội.

Năng lực và hiệu quả điều tiết của Nhà nước

Có thể hiểu năng lực điều tiết của Nhà nước nhằm kết hợp tốt chính sách kinh tế với chính sách xã hội là khả năng của bản thân Nhà nước trong việc đề ra và tổ chức triển khai các kế hoạch sát hợp với thực tế các vấn đề kinh tế - xã hội đang nổi lên bức xúc của đất nước (việc làm, thu nhập, bảo hiểm xã hội, nhà,...), nhằm góp phần phát triển nhanh và bền vững trong quá trình xây dựng một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, định hướng XHCN. Còn hiệu quả điều tiết của Nhà nước đối với việc kết hợp chính sách kinh tế với chính sách xã hội là mức độ sử dụng hữu ích năng lực quản lý của Nhà nước trong thực tế.

Hiệu quả quản lý gắn với hiệu lực quản lý. Trong hoạt động quản lý của Nhà nước, hiệu lực được hiểu là mức độ nghiêm minh trong việc thực thi quyết định của bộ máy nhà nước. Trên thực tế, có khá nhiều quyết định của Nhà nước, kể cả những quyết định mang tính cưỡng chế, cũng không được thực thi đầy đủ (ví dụ đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân tại các doanh nghiệp dân doanh và có vốn đầu tư nước ngoài); hoặc một số quyết định được ban hành ra nhưng vừa không tuân thủ tính pháp lý, vừa thiếu tính thực tiễn mà hậu quả là quyết định đó chỉ được chấp hành có mức độ; tức là quyết định đó có hiệu lực rất thấp hoặc không có hiệu lực (quyết định chỉ tồn tại trên giấy). Nhìn chung, những dạng quyền lực quản lý như vậy đều không gắn với hiệu lực.

Hiệu quả quản lý thực ra là một khái niệm đa nghĩa, vì nếu tính hiệu quả trên lĩnh vực kinh tế có thể lượng hóa được thì trên lĩnh vực xã hội rất khó đo lường được nó. Một quyết định quản lý có thể có hiệu lực nghiêm minh, nhưng ở mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi thành phần kinh tế, do được triển khai theo những cách khác nhau, nên hiệu quả cũng rất khác nhau. Từ đó cho thấy, hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý của Nhà nước phải được gắn liền với nhau nhằm đạt được hiệu quả trong tổng thể chung của chính sách kinh tế và chính sách xã hội.

Mục đích trực tiếp của chính sách kinh tế là lợi nhuận (phúc lợi) vật chất nói riêng và phúc lợi xã hội nói chung; còn mục đích trực tiếp của chính sách xã hội là lợi nhuận tinh thần nói riêng và phúc lợi xã hội nói chung. Mục đích trực tiếp của tổng thể chính sách kinh tế và xã hội không thuần túy chỉ nhằm vào lợi nhuận, vật chất, mà còn nhằm mang lại phúc lợi xã hội. Phúc lợi xã hội là mục đích của chính sách kinh tế và chính sách xã hội, nhưng đó không phải là tất cả mục tiêu của hai loại chính sách đó, mà thực chất chỉ là tiền đề nhằm bảo đảm và thực hiện mục tiêu ổn định và phát triển xã hội. Nói cách khác, chính sách kinh tế và chính sách xã hội có mục tiêu chung là bảo đảm và thực hiện: phúc lợi xã hội, ổn định xã hội và phát triển xã hội. Tính đặc thù của chính sách kinh tế là lợi nhuận; còn tính đặc thù của chính sách xã hội là phúc lợi tinh thần hay nói chung là phúc lợi xã hội.

Từ nhận thức như vậy nên trong mỗi và trong toàn bộ các chính sách kinh tế không thể thiếu mục đích phúc lợi xã hội. Trên thực tế, vẫn chưa có sự gắn kết chặt chẽ với mục đích phúc lợi xã hội trong mỗi và trong toàn bộ các chính sách kinh tế, nhất là ở khâu triển khai thực hiện. Thực ra trong nhiều chính sách kinh tế, ví dụ chính sách phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay chính sách thuế,... không phải không có những chế tài liên quan đến lĩnh vực xã hội. Nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều khi chúng ta không ràng buộc các chế tài kinh tế với các chế tài liên quan đến lĩnh vực xã hội, hay ngược lại, nhằm bảo đảm và thực hiện mục tiêu ổn định và phát triển xã hội.

Và tương tự như vậy, trong hệ thống chính sách xã hội, như “bảo hiểm xã hội”, “cứu trợ xã hội” hay “bảo trợ xã hội”, ở mức độ khác nhau, không thể không bị ràng buộc bởi các chế tài kinh tế, và không chỉ dừng ở mục đích phúc lợi xã hội, mà cũng như chính sách kinh tế - nhất thiết phải nhắm đến việc bảo đảm, thực hiện ổn định và phát triển xã hội.

Nếu các chính sách kinh tế và chính sách xã hội đều hướng vào một tổng thể thống nhất các mục tiêu như vậy thì nó không thể quá chú trọng vào việc bảo đảm và thực hiện mục đích kinh tế hay mục đích có tính xã hội; hay không chỉ dừng ở việc bảo đảm, thực hiện phúc lợi xã hội, mà không hướng đến mục đích ổn định xã hội và phát triển xã hội. Và các chính sách đó cũng không thể chỉ bảo đảm và thực hiện phúc lợi xã hội, ổn định xã hội, phát triển xã hội cho một bộ phận người này, khu vực này, mà lại coi nhẹ nhóm xã hội khác, khu vực khác. Và nếu các chính sách kinh tế và xã hội có sự gắn kết về mục đích và mục tiêu như vậy thì công tác quản lý, điều tiết chúng phải có mối liên hệ qua lại, thậm chí thống nhất với nhau.

Các giải pháp bảo đảm và thực hiện việc kết hợp chính sách kinh tế và chính sách xã hội

Để có thể điều tiết việc kết hợp tốt hơn chính sách kinh tế với chính sách xã hội (và ngược lại), công tác quản lý của Nhà nước cần tập trung vào việc thực hiện các giải pháp sau:

Một là, coi trọng việc triển khai thực hiện nhất quán mục tiêu chung của chính sách kinh tế và chính sách xã hội là bảo đảm và thực hiện không chỉ phúc lợi vật chất, mà là phúc lợi xã hội gắn với ổn định xã hội và đặc biệt gắn với phát triển bền vững xã hội

Một mặt, có thể nói việc kết hợp các chính sách kinh tế và chính sách xã hội hiện nay mới chủ yếu hướng vào ổn định xã hội cho đối tượng trực tiếp thụ hưởng chính sách, mà ít chú ý đến mục đích cuối cùng là phải bảo đảm và thực hiện phát triển bền vững chung của xã hội. Thí dụ trong chính sách kinh tế, chúng ta chưa gắn kết chặt chẽ việc bảo đảm, thực hiện lợi nhuận vật chất cho các đối tượng thụ hưởng trực tiếp của chính sách này với phúc lợi xã hội của các đối tượng khác trong xã hội, nhất là trong bảo vệ môi trường. Rốt cuộc đã gây ảnh hưởng không lành mạnh đến ổn định xã hội, và nhất là đến phát triển bền vững xã hội.

Trong chính sách xã hội cũng vậy, chúng ta chưa gắn kết chặt chẽ việc bảo đảm, thực hiện phúc lợi xã hội cho các đối tượng thụ hưởng trực tiếp của chính sách này với bảo đảm, thực hiện phát triển bền vững xã hội nói chung. Thực tế cho thấy các chính sách bảo trợ xã hội, do quá tập trung vào mục đích ổn định xã hội, nên hệ quả là duy trì quá lâu tâm lý thụ động bao cấp ở không ít đối tượng được thụ hưởng các chính sách này. Đây chính là nguyên nhân khiến chính sách xã hội hầu như không gắn với chính sách kinh tế; thậm chí tác động tiêu cực đến các chính sách kinh tế.

Mặt khác, chúng ta vẫn chưa thực hiện được trên thực tế mục tiêu cao nhất của mỗi và của tổng thể các chính sách kinh tế và xã hội là bảo đảm phúc lợi xã hội, ổn định và phát triển xã hội cho toàn bộ các thành viên xã hội. Cho đến nay, chính sách (trên lĩnh vực xã hội) chưa tạo được hệ thống bảo đảm ổn định xã hội xứng đáng đối với nông dân, với khu vực nông thôn và với khu vực ngoài Nhà nước. Một nghiên cứu gần đây của tổ chức Liên hợp quốc ở Việt Nam cho thấy, tổng chi phí an sinh xã hội của Nhà nước, theo các cách thức khác nhau, kết cục lại được hưởng lợi nhiều nhất là nhóm người có thu nhập khá trở lên; còn nhóm người nghèo nhất chỉ được hưởng một tỷ lệ rất thấp.

Vì thế, cần có giải pháp đổi mới cách nghĩ, cách thực hiện kết hợp chính sách kinh tế và chính sách xã hội. Trong đó, cần thể chế hóa trách nhiệm xã hội của các chủ thể kinh tế và coi trọng hiệu quả kinh tế - xã hội của các chính sách xã hội. Đối với chính sách kinh tế, chẳng hạn, việc các chủ thể trong, ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh phải bị ràng buộc bởi các chế tài về trách nhiệm xã hội (thuế, trách nhiệm xã hội đối với người lao động và với quy trình sản xuất hàng hóa, bảo vệ môi trường,...). Còn đối với chính sách xã hội hiện nay đã đến lúc phải xem xét vấn đề tính hiệu quả kinh tế - xã hội của việc mở rộng hay thu hẹp việc trợ cấp bằng tiền mặt trực tiếp cho các đối tượng bảo trợ xã hội? Một dữ liệu cho việc giải đáp vấn đề này là tác dụng của những “con cá” này không lớn, thậm chí còn góp phần vào việc duy trì, thậm chí ở mức độ nào đó, làm tăng thêm tâm lý “bao cấp” thụ động của một bộ phận người được hưởng chế độ bảo trợ xã hội; và trở thành một khâu quản lý không đơn giản, nhất là cho cấp chính quyền cơ sở.

Hai là, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý trong quá trình kết hợp điều tiết các chính sách kinh tế và chính sách xã hội

Để thực hiện đồng thời được yêu cầu kép: vừa đạt hiệu quả xã hội của chính sách kinh tế lại vừa đạt hiệu quả kinh tế của chính sách xã hội, đòi hỏi Nhà nước phải nâng cao năng lực quản lý, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý trong quá trình điều tiết các chính sách kinh tế và chính sách xã hội. Cụ thể:

- Điều tiết chính sách kinh tế trong xã hội nhằm gắn hoạt động thu lợi nhuận trong kinh tế với ổn định xã hội và phát triển bền vững xã hội. Trước tiên và chủ yếu phải thể chế hóa trách nhiệm xã hội của các chủ thể sản xuất, kinh doanh. Và cũng phải thể chế hóa trách nhiệm xã hội trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xã hội và tổ chức xã hội, kể cả các dịch vụ xã hội công ích (không vụ lợi), nhằm gắn hiệu quả xã hội với hiệu quả kinh tế của các tổ chức và doanh nghiệp này.

Cải tiến chế độ tài trợ, đặt hàng đối với các tổ chức xã hội - văn hóa, ví dụ điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật, báo chí, xuất bản, thông tin;... , theo cơ chế thị trường. Cần quy định cụ thể chế độ thuế cho các doanh nghiệp đặc thù của ngành lao động - thương binh - xã hội và vǎn hóa, thông tin (hãng phim, rạp chiếu bóng, hiệu sách, khu vui chơi giải trí, nhà xuất bản, trung tâm triển lãm, tu bổ di tích, công ty phần mềm,...), nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các doanh nghiệp này.

- Điều tiết chính sách xã hội trong kinh tế, bảo đảm cho tính hiệu quả kinh tế - xã hội được thể hiện rõ và được thực hiện tốt trong các hoạt động kinh tế, đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh tế hướng vào việc bảo đảm an sinh xã hội và phát triển xã hội một cách hiệu quả hơn.

Việc xây dựng các mục tiêu, giải pháp kinh tế phải gắn với các mục tiêu, giải pháp xã hội; cụ thể là gắn với việc chǎm lo phát triển đạo đức, nhân cách người kinh doanh, người lao động nói riêng và con người phát triển toàn diện nói chung, nhằm xây dựng đạo đức nghề nghiệp, vǎn hóa kinh doanh và vǎn minh doanh nghiệp theo tiêu chí “một nghề cho chín hơn chín mười nghề”. Chú ý tính thẩm mỹ, bản sắc văn hóa dân tộc và tính hiện đại của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, kiến trúc,... Trong quy hoạch xây dựng các công trình kinh tế lớn (khu công nghiệp, đường giao thông,...) phải chú ý xây dựng mạng lưới dịch vụ xã hội, khu giải trí và phải bảo đảm cảnh quan môi trường cho các di tích lịch sử, vǎn hóa, danh lam thắng cảnh. Thực hiện chính sách miễn, giảm phần chịu thuế cho các khoản đầu tư, đóng góp của các doanh nghiệp vào sự nghiệp xã hội - vǎn hóa.

Ba là, phát triển mạng lưới phục vụ xã hội phi lợi nhuận bên cạnh mạng lưới dịch vụ xã hội được vận hành theo thể chế thị trường

Cùng với quá trình chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN đáng lẽ hệ thống phục vụ xã hội phải được chuyển từ sự đảm nhiệm của Nhà nước sang xã hội cùng gánh vác; nhưng cho đến nay trong công tác phục vụ xã hội vẫn còn phổ biến tình trạng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ỷ lại vào Chính phủ, các địa phương ỷ lại vào Trung ương;... Trong xã hội, vì thế, thiếu rất nhiều các hình thức phục vụ cộng đồng, từ việc ăn, ở, đi lại, vui chơi giải trí công cộng cho đến các hình thức phục vụ công ích đối với sản xuất, kinh doanh (giao thông tĩnh, các hình thức vốn xã hội,...).

Để có “kết cấu hạ tầng” phục vụ việc kết hợp chính sách kinh tế và chính sách xã hội cần phải thiết lập được mạng lưới phục vụ xã hội phi lợi nhuận bên cạnh mạng lưới dịch vụ xã hội được vận hành theo cơ chế thị trường. Một cách làm là trong quy hoạch và triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng không thể thiếu mạng lưới phục vụ xã hội; hay thực hiện chính sách Nhà nước và nhân dân cùng làm và xã hội hóa việc phát triển mạng lưới này (giao thông tĩnh, nhà dưỡng lão, khu vui chơi giải trí,...) ở các địa phương.

Ngoài ra, cần tiếp tục xây dựng và thực hiện một số chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm kết hợp giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc; tăng cường thể chế hoá các chính sách kinh tế và xã hội thành các văn bản luật pháp, để quản lý phát triển lĩnh vực kinh tế - xã hội bằng pháp luật./.

---------------------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội lần thứ XI, Nxb.CTQG, HN, 2011, tr.124.