TCCSĐT - Trong nền kinh tế tri thức, thách thức quan trọng nhất đối với nhà quản lý là nâng cao năng suất lao động các công việc tri thức, hay năng suất lao động của người lao động tri thức. Điều này đặt ra những yêu cầu mới đối với nhà quản lý.

Ngoài con người, máy móc, nguyên liệu và đồng vốn, thế giới loài người hiện nay còn có một nguồn tài nguyên khác, vô cùng quan trọng để tạo ra của cải, đó là thông tin.

Trong thế kỷ XX, sự đóng góp quan trọng nhất và sự độc đáo của lĩnh vực quản lý là việc tăng năng suất lao động chân tay trong sản xuất lên 50 lần. Cũng như thế, sự đóng góp quan trọng nhất của lĩnh vực quản lý cần làm được đối với bất kỳ quốc gia nào muốn tiến vào kinh tế tri thức trong thế kỷ XXI, sẽ là việc nâng cao năng suất lao động các công việc tri thức, hay năng suất lao động của người lao động tri thức.

“Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế dựa vào tri thức”, một khái niệm định tính như thế cũng đã đủ mô tả đầy đủ tầm quan trọng của “tri thức” - thứ sẽ đóng vai trò quan trọng trong thực tiễn cũng như trong các khái niệm cơ bản của kinh kế chính trị trong nền kinh tế mới - kinh tế tri thức: Tư liệu sản xuất, phương thức sản xuất và đặc biệt là quan hệ sản xuất - cái gắn chặt nhà quản lý với người lao động.

Trong thời đại mới - thời đại thông tin - các mô thức về quản lý của kỷ nguyên công nghiệp đang lung lay, tuy nhiên không nhiều người nhận thấy điều này. Đã đến lúc cần nhìn lại mô hình về quản lý. Chúng đâu phải là trường cửu.

Đây có thể là những vấn đề lớn lao, thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng chúng quá xa rời với thực tiễn Việt Nam. Nhưng với nhiệm vụ “đi tắt, đón đầu”, người quản lý cần chuẩn bị cho mình nhãn quan về những gì đang diễn ra trong một môi trường toàn cầu và để quan sát những ai đang đi trước mình. Phần đông, con người thường ngại ngùng khi đứng trước những thách thức. Tuy nhiên, đi đôi với thách thức là những cơ hội, đó chính là biện chứng của cuộc sống.

Với những bối cảnh như trên, người quản lý chắc chắn không thể thiếu những phán đoán, xu thế, hiểu biết để gắn chặt với hành trang của mình trên con đường khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm cá nhân đối với sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp trong mô hình kinh tế tri thức - xã hội thông tin.

Sự thay đổi: Thách thức và cơ hội

Sự hấp dẫn nhất của tương lai có lẽ ở chỗ là nó không giống ngày hôm nay. Để có cái “không giống” ấy, thay đổi là điều tất yếu, là điều không thể tránh khỏi. Trong thời đại thông tin, mọi sự thay đổi có lẽ là điều bình thường, nhưng chắc chắn sẽ đầy rủi ro, và đòi hỏi mỗi người phải làm việc nhiều hơn. Theo Peter Drucker, “các tổ chức, bất kể là doanh nghiệp, trường học hay bệnh viện, nếu không đặt cho mình nhiệm vụ đi trước sự thay đổi, thì sẽ không thể tồn tại được”. Do đó, một thách thức trọng tâm của thế kỷ XXI đối với nhà quản lý là làm thế nào để tổ chức của mình đi trước sự thay đổi. Người đi trước sự thay đổi xem sự thay đổi là cơ hội của họ.

“Đã có nhiều thành công, nhưng đó là thành công của ngày hôm qua, còn nếu lấy đó là mục tiêu của ngày mai thì hoàn toàn sai lầm - đó là một bước thụt lùi. Chúng tôi cần thay đổi những cái vừa đạt được. Nhìn lại những cái đã đạt được chúng tôi chưa thấy hài lòng, và vì thế, chúng tôi cần phải thay đổi”. Đó là lời phát biểu của Prode Heml - Giám đốc một công ty luật.

Bill Gate cho rằng thập niên 80 thế kỷ XX, việc cải thiện chất lượng được chú trọng nhất, thập niên 90 dành cho tái thiết phát triển công ty, thì những năm đầu thế kỷ XXI dành cho tốc độ. Mọi người dễ nhất trí rằng, hiện nay chúng ta đang làm những gì chúng ta đã từng làm trước kia, chỉ khác ở tốc độ. Thuyết tương đối của Albert Einstein cho rằng: “khối lượng không phải là tuyệt đối, khi vật chuyển động càng nhanh thì khối lượng càng lớn”. Có lẽ thuyết trên đúng cả trong trường hợp này. Sự “thay đổi” thể hiện ở tốc độ, vì khi tốc độ tăng đến một mức độ nhất định, bản chất của hoạt động có thể cũng thay đổi theo. Ví dụ, phản ứng với những thay đổi trong việc bán hàng theo từng giờ thay vì từng tuần sẽ biến chức năng chính của một tổ chức là sản xuất trở thành một tổ chức dịch vụ cung ứng sản phẩm.

Lao động tri thức và năng suất của lao động tri thức

Tài sản có giá trị nhất của một công ty ở xã hội công nghiệp là thiết bị sản xuất. Trong khi đó, sang xã hội tri thức, mọi việc đã thay đổi. Đối với bất kỳ tổ chức nào - kinh doanh hay phi kinh doanh - người lao động tri thức và năng suất lao động của họ đang nổi lên với vai trò quan trọng hơn.

Cách tiếp cận của Taylor xuất phát từ lao động chân tay trong sản xuất công nghiệp và chỉ áp dụng trong phạm vi đó mà thôi. Điều này vẫn sẽ là nguyên tắc tổ chức tại các nước thuộc “thế giới thứ ba”, khi mà ở đó lao động chân tay, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, vẫn là khu vực tăng trưởng chủ yếu trong nền kinh tế. Ở những nước này, lực lượng lao động trẻ với trình độ học vấn và tay nghề thấp vẫn tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, tại các nước phát triển thì thách thức chủ yếu không còn là vấn đề tăng năng suất lao động chân tay nữa, mà là vấn đề tăng năng suất của lao động tri thức. Lao động tri thức đang nhanh chóng trở thành bộ phận lớn nhất của lực lượng lao động tại các nước này với gần 30% dân số làm việc ở trong “những dịch vụ dữ liệu”, thu nhập, xử lý, khôi phục hay phân tích thông tin. Bộ Lao động Anh, ngay từ những năm 1990 chỉ tuyển không đến 20% lực lượng lao động và con số này tiếp tục giảm. Khoảng 2/3 lao động Mỹ ngày nay làm việc trong bộ phận dịch vụ. Ở các nước khác, tỷ lệ này đang dần tăng lên nhanh chóng. Năng suất lao động của lực lượng lao động tri thức sẽ ngày càng trở thành yếu tố quyết định sự phồn vinh và tồn tại của nền kinh tế các nước phát triển trong tương lai.

Lao động tri thức ngày càng có độ di động cao hơn về nơi làm việc cũng như loại công việc. Và vì thế họ luôn phải học hỏi (và học) suốt đời. Cụ thể như V. I. Lê-nin đã tiên đoán: “Học - Học nữa - Học mãi”.

Tính đa dạng của tổ chức mới - tổ chức của các lao động tri thức

Các tổ chức theo mô hình cũ (có thể gọi là tổ chức cổ điển) được thiết kế theo hướng tồn tại lâu dài. Do vậy mà tất cả các tổ chức đang tồn tại bất luận là doanh nghiệp hay trường học, nhà dưỡng lão hay bệnh viện,… đều cần có sự nỗ lực mới có thể tiếp thu sự thay đổi và có khả năng thay đổi. Vì thế, các tổ chức hiện tồn tại luôn gặp phải “lực cản” chống lại sự thay đổi. Nhưng rõ ràng, những lao động tri thức cần có một mô hình tổ chức mới, phù hợp với đặc điểm rất riêng của họ. Nhiều nhà nghiên cứu về lý thuyết tổ chức và quản lý hiện đại phương Tây cho rằng, tổ chức trong thời đại công nghệ thông tin sẽ xuất hiện với tất cả hình dạng, kích cỡ - lớn hay nhỏ, nhiều hay ít. Cơ cấu tổ chức đương nhiên là cần thiết. Một đơn vị tổ chức hiện đại bất kể là doanh nghiệp, dịch vụ công, trường học hay đơn vị quân đội đều cần đến cơ cấu tổ chức. Thay vì đi tìm một mô hình tổ chức duy nhất đúng như trước đây, nhà quản lý cần xem xét, phát triển và thử nghiệm các mô hình khác.

Tuổi thọ của một tổ chức thường không dài bằng cuộc sống của lao động tri thức. Thật vậy, một người tuổi thọ trung bình là 75, họ bắt đầu làm việc ở tuổi 30 (kéo dài thời gian ở trường đại học để lấy bằng tiến sĩ chẳng hạn), như thế họ đã có 45 năm làm việc. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của các tổ chức là 30 năm (đối với doanh nghiệp thành công), thời đại có những biến động lớn và nhanh như hiện nay có thể còn ít hơn. Ngay cả đối với những tổ chức mà thông thường có thời gian tồn tại lâu - các trường phổ thông, trường đại học, các bệnh viện, cơ quan chính phủ - thì cũng không tránh khỏi những thay đổi nhanh chóng trong thời đại hiện nay. Các tổ chức này vẫn kéo dài sự tồn tại, nhưng không chỉ hình thái đang có mà nó buộc phải có những thay đổi về cấu trúc, chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu đối với kiến thức, tiêu chuẩn tuyển dụng,... Do đó, những người lao động, đặc biệt là lao động tri thức, sẽ ngày càng sống lâu hơn bất kỳ một tổ chức nào sử dụng họ. Điều này giải thích vì sao ngày nay lao động tri thức phải chuẩn bị sẵn sàng cho nhiều loại công việc, nhiệm vụ và nhiều nghề nghiệp.

Công nghệ kỹ thuật số song hành với các chức năng của nhà quản lý

Trong tương lai, nhà quản lý bị ràng buộc hoàn toàn bởi các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại. Chỉ có sự trợ giúp của các thiết bị này mới bảo đảm cho họ có phản ứng kịp thời với mọi thay đổi của môi trường xung quanh, giúp họ có những quyết định đúng đắn trong điều hành hoạt động của tổ chức. Vì thế, ngoài sự linh hoạt tiếp cận, làm chủ nó như một nhiệm vụ đương nhiên, có lẽ nhà quản lý trong thế kỷ XXI sẽ là người khai thác dữ liệu, chuyển chúng sang thông tin - vì đó là cơ sở để ra quyết định.

Đối với nhiều nhà quản lý, không đơn giản để hiểu cuộc cách mạng về thông tin không đơn thuần là cuộc cách mạng về công nghệ (tức là máy móc, kỹ thuật, tốc độ hay phần mềm) mà là cuộc cách mạng về quan niệm và đổi mới tư duy. Bên cạnh đó, cũng có một độ trễ nhất định cho việc khẳng định tầm quan trọng của công nghệ thông tin và truyền thông đối với sự phát triển. Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định, ứng dụng công nghệ thông tin đương nhiên trở thành một phần không thể thiếu trong các chiến lược cạnh tranh của các tổ chức, các doanh nghiệp và quốc gia./.

------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Trung Đức, Hệ thống thông tin. Nxb. KHKT, Hà Nội, 1996

2. Bill Gates, Tốc độ của tư duy, Nxb Trẻ, Hà Nội, 2004

3. Peter Drucker, Những thách thức của quản lý trong thế kỷ 21. Nxb Trẻ, Hà Nội, 2001

4. Rowan Gibson, Tư duy lại tương lai. Nxb Trẻ, Hà Nội, 2002

5. Alvin Toffler và Heydi Toffler, Làn sóng thứ ba, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2001