TCCSĐT - Ngày 10-10-2013, tại Hà Nội, Diễn đàn quốc gia về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu lần thứ ba được tổ chức. Phó Thủ thướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế tham dự.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Diễn đàn quốc gia về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu là một nội dung trong kế hoạch hằng năm, với mục tiêu là phương thức hữu hiệu để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, liên kết điều phối và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho 2 lĩnh vực là giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam hằng năm luôn phải đối mặt với rất nhiều loại hình thiên tai. Chỉ trong năm 2013, cho đến thời điểm này đã có 10 cơn bão xuất hiện trên Biển Đông, trong đó có 5 cơn bão đổ bộ vào đất liền. Mặc dù Nhà nước và nhân dân đã thường xuyên quan tâm, thực hiện nhiều biện pháp phòng và chống để hạn chế thiệt hại do cơn bão gây ra, trong 5 năm qua (2008 - 2012), thiệt hại về người giảm 8%, người bị thương giảm 17%, song thiệt hại về kinh tế lại có xu hướng tăng lên. Điều đó chứng tỏ việc phát triển thiếu tính bền vững, kết cấu hạ tầng dễ bị tổn thương trước thiên tai, tác động nhiều đến các lĩnh vực kinh tế.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho biết: nhân loại đang đứng trước thách thức lớn, đó là biến đổi khí hậu và đe dọa đến sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất trước những biến đổi mạnh mẽ, ngày càng cực đoan, khó dự đoán, dự báo với những cơn bão đổ bộ vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn, với tần suất cao hơn. Nỗ lực lớn nhất của Việt Nam là giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là sơ tán người và tài sản ở vùng biển, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của bão. Mặc dù đã có nghiên cứu, dự báo về những vùng lũ quét, vùng có khả năng sạt lở đất, về những khu dân cư có nguy cơ để chủ động sơ tán; nhưng thực tế cho thấy, những năm qua, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng ngay cả ở những vùng không được dự báo là có nguy cơ. Thậm chí, có những khu dân cư sinh sống ổn định nhiều năm cũng bị ảnh hưởng, gây thiệt hại lớn về người và kết cấu hạ tầng. Bình quân 15 năm trở lại đây, thiệt hại hằng năm lên đến 500 người. Từ đầu năm 2013 đến nay, mặc dù có nhiều nỗ lực, song vẫn có đến 128 người thiệt mạng do bão.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế tập trung thảo luận và tìm ra giải pháp cho những vấn đề quan trọng, như: Kịch bản Biến đổi khí hậu đưa ra đến năm 2100 có cần cập nhật không, những giải pháp đưa ra có còn phù hợp không; những mức độ ưu tiên đưa ra cần phải điều chỉnh những gì; vấn đề huy động nguồn vốn…

Theo Bộ trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát, ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp để giảm nhẹ rủi ro thiên tai, như: tăng cường xây dựng thể chế, tổ chức thực thi pháp luật, cơ chế chính sách và củng cố bộ máy chỉ đạo các cấp; xây dựng và củng cố cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai…; nâng cao năng lực cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng; lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong chương trình tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới; rà soát quy hoạch thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương từng bước triển khai có hiệu quả và đúng lộ trình đã đề ra trong Chiến lược Quốc gia về Biến đổi khí hậu. Riêng với hoạt động thích ứng đã đạt được một số kết quả:

Thứ nhất là, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến từng lĩnh vực dễ bị tổn thương, xác định được các giải pháp ứng phó, bao gồm chủ động ứng phó với thiên tai và nước biển dâng; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; ưu tiên chống ngập cho các thành phố lớn; củng cố đê sông, đê biển và an toàn hồ chứa.

Thứ hai, triển khai xây dựng Kế hoạch Châu thổ sông Cửu Long về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước (tầm nhìn 100 năm).

Thứ ba, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về Ứng phó với biến đổi khí hậu với sự hỗ trợ của quốc tế, một số mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu ven biển miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long được hoàn thành và đưa vào sử dụng, như: nhà đa năng tránh bão lũ; kè, kênh thủy lợi kết hợp đường giao thông nông thôn; nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt… mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Thứ tư, thông qua Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia về biến đổi khí hậu, một số đề tài đang được triển khai nhằm nghiên cứu các giống lúa, các loài thủy sản có khả năng thích ứng với độ mặn cao; xây dựng bộ công cụ cảnh báo sớm nguy cơ mất an ninh lương thực…

Thứ năm, thông qua Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu xác định được danh mục 62 dự án ưu tiên cần triển khai. Trong năm 2013 đã khởi động 16 dự án, ưu tiên các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ các tác hại do lũ lụt, triều cường, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất…

Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu và đòi hỏi những nỗ lực chung để bảo vệ “ngôi nhà chung” Trái đất. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Công tác diễn tập cần được chú trọng nhằm hạn chế được thiệt hại do bão, lũ gây ra./.

 Một số giải pháp và mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu được trao đổi tại diễn đàn như:

+ Các giải pháp phi công trình: Luật Phòng, chống thiên tai, các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách trong phòng, chống thiên tai; Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng…

+ Giải pháp công trình: xây dựng hồ chứa ở thượng nguồn và bảo đảm an toàn hồ chứa; Xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long và hỗ trợ xây dựng nhà chống lũ ở miền Trung; xây dựng khu neo đậu tàu thuyền trú bão.

+ Các mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu ngành nông nghiệp như mô hình tưới tiết kiệm nước, mô hình VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam), mô hình hầm bi-ô-ga, mô hình ủ phân com-pốt, mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình quản lý khu vực đầu nguồn có sự tham gia của cộng đồng.