TCCSĐT - Ngày 3-10, tại Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã tổ chức họp báo về công tác ngành văn hóa, thể thao và du lịch Thủ đô quý III-2013. Bên cạnh đó, Sở cũng đề cập tới các nhiệm vụ trọng tâm của quý IV-2013 và các sự kiện tiêu biểu ở từng lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, nhằm kỷ niệm 59 năm Giải phóng Thủ đô (10-10-2013).

Vấn đề phát triển văn hóa ẩm thực như một phương thức quan trọng để đẩy mạnh thương hiệu du lịch ở Hà Nội là nội dung trọng tâm của buổi họp báo. Trước hết, ở Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2013 (diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10-10), Hà Nội sẽ được đón nhận danh hiệu kỷ lục châu Á dành cho 3 món ăn: phở, bún chả, bún thang; và danh hiệu kỷ lục Việt Nam cho 6 món ăn: chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì, mơ Hương Sơn, cam Canh, bánh cốm Hàng Than, ô mai Hàng Đường.

 

Theo đồng chí Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, năm 2012, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã đệ trình lên Tổ chức Kỷ lục châu Á và được công nhận 12 món ăn Việt Nam đạt tiêu chuẩn kỷ lục ở cấp châu Á, trong đó có 3 món ăn (phở, bún thang và bún chả) của Hà Nội. Các món ăn ở những tỉnh thành địa phương hầu như đều đã được các sở địa phương đón nhận, riêng Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội muốn đưa việc trao bằng danh hiệu cho 3 món ăn này vào sự kiện Liên hoan du lịch làng nghề. Trên cơ sở những món ăn được xác lập kỷ lục, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng sẽ có chiến dịch quảng bá về văn hóa ẩm thực, và phát huy lợi thế đó để tạo nên thương hiệu du lịch cho Hà Nội.

 

“Thậm chí, chúng tôi có kế hoạch sẽ sử dụng những phương pháp như phân phát tờ rơi, sách hướng dẫn cụ thể bằng những ngôn ngữ phổ biến hiện nay ở những trọng điểm của Hà Nội để du khách hiểu rõ hơn về văn hóa ẩm thực Thủ đô. Chúng tôi cũng muốn đẩy mạnh, tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm văn hóa nói chung trong các hoạt động, sự kiện du lịch. Chẳng hạn như tại Hội chợ Du lịch Việt Nam quốc tế 2014 mà chúng tôi dự kiến có phối hợp tổ chức cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam diễn ra vào tháng 4-2014, chúng tôi sẽ coi đây là điểm nhấn về hoạt động quảng bá ẩm thực Hà Nội một cách bài bản hơn, tinh tế hơn”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, nhấn mạnh.

 

Ngoài ra, với đề án Tổng Kiểm Kê Di sản văn hóa phi vật thể, trong tháng 9 vừa qua, đề án này cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện và trình lên Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt, và bổ sung thêm 2 nội dung mới. Theo đó, đề án không chỉ mang mục đích kiểm kê mà sẽ bao gồm cả các kế hoạch và chương trình bảo vệ cho một số di sản văn hóa phi vật thể theo 2 loại hình: di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu và di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

 

Tại buổi họp báo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội còn cho biết, có một số tỉnh, thành phố đã đề nghị di sản văn hóa sống, đó là các nghệ nhân. Vì thế, trong khi chờ nghị định của Chính phủ ban hành chính sách, cơ chế đãi ngộ với các nghệ nhân, thì riêng với Hà Nội, đề án sẽ có phần chuyên đề dành để khuyến nghị, báo cáo với thành phố về phương thức bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và nghệ nhân.

 

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng mời thêm các chuyên gia hàng đầu tham gia trong đề án, trong đó có các chuyên gia của Cục Di sản văn hóa, Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, nơi đã có nhiều chương trình hoạt động rất tốt để đẩy mạnh vấn đề bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, và đại diện của văn phòng UNESCO tại Hà Nội tham gia tư vấn và giúp đỡ để thực hiện đề án có chất lượng tốt nhất. Theo tiến độ thành phố chỉ đạo, đến năm 2015 sẽ hoàn thành khoảng 70% khối lượng tổng kiểm kê, trong đó, sẽ có các chương trình hành động cụ thể để bảo vệ di sản./.