Việt Nam sẽ đóng góp tích cực cho Hội nghị APEC 21
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có bài viết về quá trình 25 năm hợp tác của APEC và sự tham gia của Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác APEC. Tạp chí Cộng sản điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết:
Được thành lập vào tháng 11-1989 với 12 thành viên sáng lập, đến nay, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã trở thành cơ chế hợp tác kinh tế có quy mô lớn nhất trong khu vực, với 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có 9 nước thuộc nhóm G20, chiếm 59% dân số, 50% lãnh thổ, hơn 50% GDP và 57% thương mại toàn cầu.
Cùng với các cơ chế hợp tác khác như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ASEAN với các đối tác, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), liên kết kinh tế Đông Bắc Á..., APEC đang góp phần tích cực vào quá trình xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực theo hướng đa tầng nấc, duy trì vai trò đầu tàu của châu Á - Thái Bình Dương trong tiến trình tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
APEC và những kết quả hợp tác nổi bật trong 25 năm qua
Mục tiêu xuyên suốt được các thành viên nỗ lực thực hiện trong suốt những năm qua là mở rộng và tăng cường liên kết kinh tế khu vực, theo tinh thần của Mục tiêu Bogor là thúc đẩy tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư vào năm 2010 đối với các thành viên phát triển và năm 2020 đối với các thành viên đang phát triển
Với nguyên tắc hoạt động tự nguyện, linh hoạt, đồng thuận và cùng phát triển, nỗ lực thực hiện Mục tiêu Bogor đã mang lại những kết quả hết sức cụ thể và có ý nghĩa. Từ năm 1989 đến năm 2010, thương mại giữa các thành viên tăng gần 5 lần, từ 1,7 nghìn tỷ USD lên 9,9 nghìn tỷ USD, cao hơn thương mại nội khối hiện nay của Liên minh châu Âu; mức thuế trung bình trong khu vực giảm gần 6 lần, từ 16,9% năm 1989 xuống còn 5,8% năm 2010; chi phí giao dịch thương mại cũng giảm đáng kể, qua 2 lần cắt giảm 5% vào các năm 2006 và năm 2010.
APEC là Diễn đàn hợp tác đa phương đầu tiên đạt thỏa thuận về Danh mục hàng hóa môi trường, vấn đề mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thúc đẩy hơn một thập niên qua, theo đó, 54 mặt hàng môi trường sẽ giảm thuế ở mức dưới 5% vào năm 2015. Các thành viên APEC cũng đang thúc đẩy liên kết kinh tế thông qua kết nối về kết cấu hạ tầng, xây dựng chuỗi cung ứng đáng tin cậy và minh bạch hóa, hướng tới Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương.
Trước những thách thức ngày càng gia tăng của các vấn đề khu vực và toàn cầu, từ ba trụ cột hợp tác ban đầu về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế - kỹ thuật, APEC đã không ngừng mở rộng nội dung hợp tác nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển trong từng giai đoạn. Hợp tác về an ninh con người và ứng phó với các thách thức toàn cầu trở thành một trong những ưu tiên trong chương trình nghị sự của APEC, bao gồm chống chủ nghĩa khủng bố, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai và tình trạng khẩn cấp, giải quyết các thách thức an ninh lương thực - nước - năng lượng, hợp tác giáo dục,...
Để đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, APEC đã và đang thúc đẩy chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh và bền vững, tăng cường kết nối khu vực, tích cực triển khai Chiến lược tăng trưởng mới với năm nội hàm là cân bằng, đồng đều, bền vững, đổi mới và an toàn.
Vài năm trở lại đây, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, tập hợp lực lượng và xu thế liên kết đa tầng nấc trong khu vực đang có những biến chuyển sâu sắc và nhanh chóng, hơn lúc nào hết, APEC tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu của mình, đóng góp vào việc thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương và sự phát triển năng động của châu Á - Thái Bình Dương.
Indonesia: Từ Bogor đến Bali
Từ ngày 07 đến ngày 08-10-2013, Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21, sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng nhất của Diễn đàn trong năm nay, sẽ diễn ra tại Bali (Indonesia), với sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên. Đây cũng là sự kiện được khu vực và cộng đồng quốc tế trông đợi trong bối cảnh cục diện chính trị, kinh tế thế giới có nhiều biến động và Vòng đàm phán Doha tiếp tục trì trệ.
Với chủ đề “Châu Á - Thái Bình Dương tự cường, động lực cho tăng trưởng toàn cầu,” APEC năm nay tập trung vào ba ưu tiên là thực hiện Mục tiêu Bogor, tăng trưởng bền vững gắn với công bằng và tăng cường kết nối. Trong thời gian này cũng sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 25 của các Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC và cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo APEC với hàng trăm doanh nghiệp hàng đầu khu vực.
Tiếp theo thành công của Hội nghị cấp cao Bogor năm 1994, đây là lần thứ hai đất nước của hàng nghìn hòn đảo xinh đẹp Indonesia được chọn là chủ nhà đăng cai APEC. Điều này thể hiện uy tín và vai trò ngày càng gia tăng của nước bạn Indonesia và cả của Cộng đồng ASEAN. Việt Nam cùng các thành viên khác của ASEAN đang phối hợp chặt chẽ với Indonesia để Hội nghị cấp cao APEC 21 thành công tốt đẹp, tạo ra những dấu ấn và tầm nhìn dài hạn cho hợp tác APEC trong những thập kỷ tới.
Việt Nam chủ động và tích cực đóng góp thúc đẩy hợp tác APEC
Cách đây đúng 15 năm, tháng 11-1998, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC. Trong suốt chặng đường 15 năm qua, Việt Nam luôn là một thành viên năng động và có trách nhiệm, đóng góp tích cực và hiệu quả cho hợp tác APEC. Trong đó, phải kể đến việc chúng ta đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò Chủ tịch APEC năm 2006, tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 14, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 18 và hơn 100 sự kiện lớn, nhỏ khác.
Hội nghị cấp cao APEC 14 đã thành công trong việc đề ra triển vọng dài hạn về hướng tới xây dựng Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương, Chương trình Hành động Hà Nội về thực hiện các Mục tiêu Bogor, các biện pháp cải cách tổng thể của APEC... Việt Nam cũng đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong APEC như Phó Chủ tịch Ủy ban thương mại và đầu tư năm 2006, Chủ tịch Nhóm công tác doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2006, Chủ tịch Ủy ban quản lý ngân sách năm 2007, Phó Chủ tịch Nhóm công tác Y tế nhiệm kỳ 2009 - 2010, Chủ tịch Nhóm công tác về đối phó với tình trạng khẩn cấp nhiệm kỳ 2012 - 2013.
Năm 2014, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị Bộ trưởng APEC về Phát triển nguồn nhân lực lần thứ sáu. Việt Nam cũng nghiêm túc thực hiện các kế hoạch, chương trình hợp tác và các cam kết của APEC; tích cực đề xuất và tham gia hơn 70 sáng kiến trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, kỹ thuật, y tế, chống khủng bố...
Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, triển khai chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam tiếp tục coi APEC là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. APEC hiện là khu vực đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 65% tổng số vốn đầu tư nước ngoài, 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu và 75% lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. APEC không chỉ là một diễn đàn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, an ninh mà còn là một kênh hiệu quả để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác và làm sâu sắc quan hệ song phương với các thành viên, trong đó có hầu hết những đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam.
Với ý nghĩa quan trọng đó, Việt Nam sẽ tham gia và đóng góp tích cực cho thành công của Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21, vì sự năng động, tự cường và phát triển của châu Á - Thái Bình Dương./.
Đông Nam Á đi đầu thế giới trong cuộc chiến xóa đói  (02/10/2013)
Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,2%  (02/10/2013)
Góp ý về Dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa  (02/10/2013)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 23 đến ngày 29-9-2013  (02/10/2013)
Website Hà Nội - cầu nối chính quyền và người dân  (02/10/2013)
800.000 viên chức "ngồi chơi" khi Chính phủ Mỹ đóng cửa  (02/10/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên