Có hay không “sân sau” của cán bộ?

Vũ Ngọc Lân
17:09, ngày 23-09-2013
TCCSĐT - Vừa qua, một số phương tiện thông tin đại chúng có bài thông tin về hiện tượng một số cán bộ có chức, có quyền dùng doanh nghiệp làm “sân sau” để tham nhũng. Được biết, đây là một trong những nội dung thuộc đề tài nghiên cứu khoa học mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện. Đây là lần đầu tiên có thông tin chính thức từ một cơ quan đáng tin cậy của Đảng về vấn đề nhiều cán bộ, đảng viên cấp trung ương có quan hệ không bình thường với doanh nghiệp để trục lợi. Ở cấp tỉnh, thành và tương đương và sau đó là ở cấp huyện cũng có biểu hiện này, nhưng thấp hơn. Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận diện đây là một dạng tham nhũng đặc biệt. Vậy có hay không việc một số cán bộ lãnh đạo, quản lý câu kết với một số lãnh đạo doanh nghiệp tạo ra “sân sau” để trục lợi, tham nhũng?

Theo người viết bài này, thông tin trên đối với một số người là mới, nhưng đối với nhiều người, trong đó có các cán bộ lãnh đạo có chức, có quyền và nhà doanh nghiệp thì nó không có gì là mới, thậm chí đã lạc hậu, nhưng lần đầu được nêu lên. Bởi vì, như một điều khá phổ biến trong kinh tế thị trường, trong “làm ăn” không ít doanh nghiệp mong muốn có được mối quan hệ gần gũi, thân thiết với các chính khách. Điều này chỉ có lợi mà thôi. Còn nhớ, trong cuộc khủng hoảng kinh tế ở một số nước châu Á những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, trong đó có Hàn Quốc, người ta đã tìm ra một trong những nguyên nhân của sự đổ vỡ của không ít các tổng công ty, tập đoàn kinh tế là có sự câu kết (theo nghĩa tiêu cực) giữa các nhà doanh nghiệp với các chính khách và các lãnh đạo ngân hàng. Vấn đề còn lại ở các nước là làm sao để có cơ chế hạn chế, ngăn chặn sự câu kết nhằm mục đích vụ lợi này. Tuy nhiên, ở nhiều nước trên thế giới hiện nay, trong mỗi lần tranh cử, không ít lãnh đạo các công ty, tập đoàn kinh tế đứng sau các chính khách bằng cách lén lút hoặc công khai vận động, tài trợ, ủng hộ, coi đó là “vốn” bỏ ra để đầu tư cho những lợi nhuận khổng lồ sau này, nếu như chính khách mà họ ủng hộ thắng cử. 

Ở nước ta, khi bắt tay vào xây dựng nền kinh tế thị trường, tuy là định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng cũng không tránh khỏi vấn đề có tính quy luật đó. Có thể nói, khởi đầu và phổ biến của sự câu kết giữa một số lãnh đạo có chức, có quyền với các nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước là bằng việc “bán” những thông tin về quy hoạch đất đai, cấp đất, phê duyệt, cấp phép khai thác tài nguyên thiên nhiên, các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, các tuyến đường sẽ được mở ra trong tương lai. Nếu không có sự câu kết này thì tại sao người ta lại “giấu” bí mật các bản đồ quy hoạch, hướng phát triển làm gì và đến khi quy hoạch được công khai thì “đâu đã vào đó” cả rồi. Tất nhiên thường những chỗ ngon lành, béo bở đã dành cho những doanh nghiệp có mối thân quen với các cán bộ có chức, có quyền đồng thời đã có “đồng tiền đi trước”. Nói không có sự câu kết sao được khi mà một thời doanh nghiệp muốn xuất được hàng hóa phải “xin” được qua-ta. Đã có “xin” thì phải có “cho”, mà trên đời này, không ai cho không ai cái gì bao giờ? Và hậu quả của sự câu kết này là đã nổi lên tảng “băng nổi” bằng việc một loạt cán bộ cấp vụ và một vị thứ trưởng của một bộ nọ phải vào tù. Một thời gian dài, trên các diễn đàn, người ta cứ phê phán việc đầu tư dàn trải, lãng phí; địa phương nào cũng có các nhà máy xi-măng, địa phương nào cũng xây cảng biển, sân bay, địa phương nào cũng muốn có khu công nghiệp, khu chế xuất... mà cái sau bao giờ cũng muốn hơn cái trước về nhiều phương diện. Đó phần nào là biểu hiện của cơ chế “xin - cho”. Muốn có được những dự án đó tất yếu phải “chạy” đi “xin” cấp trên; còn cấp trên là ai, ở đâu thì chỉ có người trong cuộc mới biết. Chẳng thế mà có những cán bộ lãnh đạo địa phương tuyên bố thẳng với các doanh nghiệp rằng, phải hùn tiền để ông đi “chạy” dự án về mới có tiền tiêu, có công ăn, việc làm, có công trình này nọ chứ ngồi một chỗ tự dưng ai đem đến cho? Ở không ít nơi, sau khi xin được “chương trình”, “dự án” về rồi thì việc đấu thầu chỉ là hình thức, phần lớn rơi vào những doanh nghiệp “ruột”, là “sân sau” của một số cán bộ lãnh đạo có chức, có quyền ở địa phương, thậm chí có cán bộ còn dành phần lớn các công trình giao thông cho các “doanh nghiệp quê hương mình”. Không câu kết sao được khi mà đối với không ít lãnh đạo ngân hàng, việc cho doanh nghiệp vay hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng dễ như thò tay vào túi lấy chiếc bật lửa, chẳng cần thẩm định, kiểm tra năng lực kinh doanh, khả năng thanh toán của doanh nghiệp ấy ra sao. Trong khi đó người dân cần vay dăm, bảy triệu đồng để lấy vốn xóa đói giảm nghèo nếu không thân quen, không “chi phần trăm” thì cứ phải chạy lên, chạy xuống, hết giấy tờ nọ, chứng nhận kia nhưng chưa chắc đã được. Có thể nói, mối quan hệ, trong đó có sự câu kết, giữa không ít cán bộ có chức, có quyền từ trung ương tới địa phương, quận, huyện với các doanh nghiệp là rất đa dạng, phong phú, phức tạp, như “mê hồn trận”, trong đó có phần lớn là mưu cầu lợi ích cho bản thân. 

Theo kết quả khảo sát của Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng thế giới cho thấy, trong năm 2012 có 24,7% cán bộ, công chức được hỏi thừa nhận có hiện tượng quan chức nhận tiền hoặc quà biếu để giải quyết công việc có lợi cho người đưa tiền, quà; 20,3% thừa nhận có chuyện doanh nghiệp mời các quan chức đi du lịch, vui chơi, ăn uống để vụ lợi. 50% doanh nghiệp được hỏi nói rằng nhóm các doanh nghiệp có quan hệ với quan chức có ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ hơn trong hoạch định chính sách; 40% doanh nghiệp thừa nhận họ có sử dụng quan hệ với quan chức để vụ lợi. Còn theo kết quả điều tra, thăm dò của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì có 69% doanh nghiệp phải bỏ ra từ 1 đến 5% tổng chi phí hằng năm của doanh nghiệp để chi cho mối quan hệ trong đó có các cán bộ lãnh đạo có chức, có quyền. Theo số liệu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, có 56% số người được hỏi cho rằng các doanh nghiệp có quan hệ với cán bộ có chức, có quyền để trục lợi. Mối quan hệ giữa cán bộ có chức, có quyền với các doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ cao nhất, sau đó là đến doanh nghiệp tư nhân. Có một số người cho rằng, những con số trên đây là thấp so với thực tế. Trên thực tế, trong thời gian qua ở nước ta, cho dù với mục đích tích cực, hay tiêu cực thì các nhóm lợi ích tác động nhiều nhất vào lãnh đạo ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương. Muốn làm cho nhanh, muốn làm cho thuận tiện thì họ phải “bôi trơn”. Điều này không thành văn nhưng gần như phổ biến ở tất cả các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp còn lấy thước đo sự quen biết số lượng cán bộ càng có vị thế thì cơ may giành thắng lợi trong kinh doanh càng nhiều.

Trên đây là một số biểu hiện mang tính khái quát còn hiện tượng cụ thể cũng dễ nhận ra. Nếu có điều kiện hãy đến một số khách sạn, nhà hàng “có đẳng cấp” hoặc có những món ăn nổi tiếng, chúng ta không khó để bắt gặp một số cán bộ lãnh đạo có chức vụ, quyền hạn ở cấp này, cấp khác xuất hiện ở đó. Cạnh họ là không ít những lãnh đạo doanh nghiệp “có máu mặt” sẵn sàng tranh nhau “bao” những bữa ăn như thế, thậm chí họ còn coi là “diễm phúc” được “sếp” hạ cố đến ngồi cùng. Đằng sau các cuộc đó là gì thì cũng chỉ có người trong cuộc mới biết được. Cũng không hiếm trường hợp, một nhóm lãnh đạo doanh nghiệp ngồi với nhau khoe rằng tối qua vừa mới đi ăn với “sếp” nọ, hát với “sếp” kia; rằng vừa được “sếp” duyệt cho một dự án này, dự án khác với số tiền là bao nhiêu. Trước mặt mọi người có doanh nhân khoe có thể gặp “sếp” này, “bác” nọ dễ hơn cả người nhà và sẵn sàng rút điện thoại nói chuyện với “sếp” ruột để chứng minh sự thân thiết, gắn bó như thế nào. Trong khi đó không ít cán bộ bình thường muốn hẹn gặp những cán bộ lãnh đạo này để giải quyết công vụ cũng rất khó, nói chi đến dân thường. Phải khẳng định rằng, thời “hoàng kim” của các doanh nghiệp nhà nước những năm trước đây cũng góp phần làm không ít cán bộ lãnh đạo có chức, có quyền giàu lên nhanh chóng. 

Nói tóm lại, trên thực tế, sự câu kết chặt chẽ giữa không ít những cán bộ, lãnh đạo có chức, có quyền với lãnh đạo doanh nghiệp nhằm mục đích vụ lợi ở nước ta là đã quá rõ ràng, vô cùng phức tạp và là vấn đề nhạy cảm. Chính vì thế, lợi thế “quan hệ” có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt cùng với “hậu duệ”, “tiền tệ” và “trí tuệ” khi người ta lợi dụng để tham nhũng, tư lợi. Vụ việc mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương khui ra và xử lý ở huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp và ở lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, chỉ là một phần rất nhỏ của “tảng băng chìm”. Cũng như việc thời gian trước, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội dám cảnh báo việc “chạy” vào công chức của Thành phố hết 100.000.000 đồng. Nhiều người nghe, tuy mừng nhưng lại thất vọng vì thời điểm đưa ra quá muộn và con số thì đã lạc hậu rất nhiều so với thực tế cuộc sống và đến nay chưa tìm ra được ai.

Tuy nhiên, muộn còn hơn không. Sự nghiệp phòng, chống tham nhũng còn lâu dài. Đề tài nghiên cứu khoa học của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ắt sẽ phải đề ra những giải pháp để ngăn chặn, xử lý những cán bộ có chức, có quyền lợi dụng mối quan hệ với doanh nghiệp để vụ lợi, tham nhũng. Một trong những giải pháp đó là cần thực hiện công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên cũng như gia đình, vợ chồng, con của họ. Bấy lâu nay chúng ta dã làm việc này nhưng còn rất hình thức, thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Cái khó nhất hiện nay là ở tâm lý, cho rằng công khai tài sản, thu nhập sẽ gây dư luận không tốt trong nhân dân. Nhưng khó cũng phải làm. Thực tế cho thấy càng không công khai càng khiến các tin đồn về tài sản, thu nhập của cán bộ các cấp có cơ hội sống lâu hơn, sống khỏe hơn. Càng công khai, người dân càng tin tưởng vào sự công minh của chính quyền, tin tưởng vào phẩm chất những người được bầu ra. Nếu một người bằng sức lao động chân chính của họ tạo ra nhiều của cải vật chất thì chúng ta càng tin là họ có đủ năng lực để góp phần phát triển đất nước. Đối với người bình thường, tài sản có thể là chuyện riêng tư. Nhưng với những cán bộ, đảng viên đang đảm nhận hoặc muốn đảm nhận chức vụ trong bộ máy của hệ thống chính trị thì việc kê khai tài sản, thu nhập là việc bắt buộc phải làm. Mục tiêu chính là để loại trừ tài sản bất minh, nên những người có tài sản chính đáng, họ sẽ chẳng ngại ngần gì trong kê khai. Ngược lại, những người có tài sản bất minh sẽ cản trở việc này. 

Quy định mới của Nghị định 78 mà Chính phủ vừa ban hành, ngoài việc kê khai, người kê khai còn phải công khai bản kê tại cơ quan, đơn vị, nơi thường xuyên làm việc. Đó là một bước tiến. Nhưng nếu chỉ công khai ở cơ quan, đơn vị công tác thì chưa đủ bịt kín kẽ hở cho tham nhũng. Vì ở cơ quan, đơn vị, mấy ai dám động đến lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp cao? Biện pháp công khai có hiệu quả nhất là công khai cho toàn dân, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với những quy định mới như vậy, người dân có sự chờ đợi và hy vọng sẽ tạo ra một số chuyển biến nhất định trong phòng, chống quốc nạn tham nhũng. Đây cũng là cơ hội để “tiếp lửa” cho cuộc chiến chống giặc “nội xâm” và là thành công của công tác phòng, chống tham nhũng./.