Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, ngày 12-9, “Diễn đàn Bắc Kinh về nhân quyền” lần thứ 6 với chủ đề “Xây dựng môi trường phát triển nhân quyền bền vững” đã khai mạc tại thành phố Bắc Kinh, do Hội nghiên cứu nhân quyền Trung Quốc và Quỹ phát triển nhân quyền Trung Quốc đồng phối hợp tổ chức.

Tham dự diễn đàn năm nay có khoảng 100 quan chức, chuyên gia, học giả cấp cao chuyên nghiên cứu về lĩnh vực nhân quyền đến từ 33 quốc gia, cùng đại diện các tổ chức quốc tế, sứ quán các nước thường trú tại Trung Quốc và các chuyên gia học giả trong nước tham dự.

 

Phát biểu tại diễn đàn kéo dài hai ngày này, Hội trưởng Hội nghiên cứu nhân quyền Trung Quốc (CSHRS) - La Hào Tài (Luo Haocai) cho rằng phát triển nhân quyền không thể là đường một chiều, mỗi quốc gia tăng cường xây dựng nhân quyền và củng cố môi trường cụ thể nhằm bảo đảm nhân quyền đều không giống nhau, phải trên cơ sở thích ứng với giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của mỗi quốc gia để tìm kiếm con đường phát triển nhân quyền bền vững của riêng mình.

 

Trong khi đó, Chủ nhiệm Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc Thái Danh Chiếu (Cai Mingzhao) cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc coi tôn trọng và bảo đảm nhân quyền là nguyên tắc quan trọng trong quản lý đất nước, kết hợp giữa tính phổ biến của nhân quyền với thực tế Trung Quốc, kết hợp giữa phát triển sự nghiệp nhân quyền với xây dựng kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và văn minh sinh thái, nỗ lực thực hiện phát triển bền vững, hài hòa toàn diện, thành công đi theo con đường phát triển nhân quyền phù hợp với tình hình đất nước, trình độ bảo đảm nhân quyền không ngừng bước lên tầm cao mới.

 

Từ năm 2008 đến nay, Diễn đàn Bắc Kinh về nhân quyền đã tổ chức thành công 5 kỳ hội nghị, trở thành một diễn đàn giao lưu cấp cao về lĩnh vực nhân quyền quốc tế, với sự tham gia của đông đảo các quan chức, chuyên gia, học giả, trí thức danh tiếng về lĩnh vực nhân quyền đến từ nhiều quốc gia, khu vực, dân tộc, bối cảnh văn hóa khác nhau. Tinh thần của diễn đàn là bình đẳng, cởi mở, thiết thực, cùng nhau thảo luận về lý luận và phát triển nhân quyền đương đại, đóng góp trí tuệ và lực lượng cho việc thúc đẩy phát triển bền vững sự nghiệp nhân quyền quốc tế./.