Ngày 30-8, các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai và Cục Quản lý hành chính Công Thương châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã tổ chức hội đàm về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng qua biên giới.

Đây là hoạt động nằm trong nội dung hợp tác, phối hợp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới đã được Cục Quản lý hành chính Công Thương châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và Sở Công Thương Lào Cai ký trên cơ sở biên bản ghi nhớ ngày 10-12-2012.

Theo ông Nguyễn Bá Bình, Phó giám đốc Sở Công Thương Lào Cai, đến nay hai bên đã tuân thủ tốt nội dung đã ký kết, tôn trọng chính sách pháp luật của mỗi nước; kịp thời cập nhật thông tin thương mại, chính sách quản lý thương mại biên giới để có giải pháp quản lý phù hợp. 

Sau khi biên bản hội đàm được ký kết và triển khai thực hiện, trong 8 tháng năm 2013, phía Lào Cai đã xử lý 252 vụ vi phạm pháp luật trong kinh doanh thương mại, phạt hành chính gần 500 triệu đồng, tịch thu nhiều hàng giả, hành kém chất lượng, xử lý 29 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong năm 2013, chưa phát sinh các vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng có liên quan đến hàng hóa từ Trung Quốc. 

Theo Cục Quản lý hành chính Công Thương Châu Hồng Hà, khu vực cửa khẩu Hà Khẩu, Vân Nam (Trung Quốc) có diện tích 12.000m² với 344 quầy hàng, trong đó 182 hộ kinh doanh mang quốc tịch Việt Nam. Trong năm 2013, cơ quan hữu quan của huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) xử lý 10 vụ khiếu nại mang yếu tố nước ngoài, xử lý 53 vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đối với người kinh doanh mang quốc tịch Việt Nam. 

Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn được phía Trung Quốc đặc biệt quan tâm, một số kiến thức bảo vệ người tiêu dùng được tuyên truyền rộng rãi, cơ chế trao đổi thông tin giữa hai bên Châu Hồng Hà và tỉnh Lào Cai được thực hiện thường xuyên.

Tại hội đàm, hai bên thống nhất nội dung thỏa thuận thực hiện trong thời gian tới là thông tin cảnh báo về các loại hàng hóa có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc xâm hại quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là hàng thực phẩm. Tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp hai nước mở văn phòng đại diện, chi nhánh hoạt động tại mỗi bên để doanh nghiệp thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm với người tiêu dùng. Tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, duy trì cơ chế tin tức, liên lạc giữa cơ quan hai bên thông qua các liên lạc viên được xác định trong biên bản hội đàm đã ký./.