Tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường

ThS. Nguyễn Đồng Minh Học viện Hành chính
22:08, ngày 22-08-2013
TCCSĐT - Trước những yêu cầu cấp bách của công tác bảo vệ môi trường, với quan điểm đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững, Hội nghị Trung ương 7 khóa XI đã thông qua Nghị quyết về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường", trong đó xác định nhiệm vụ tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực cho bảo vệ môi trường.

Tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng góp phần gây nên những hệ quả nghiêm trọng về môi trường.

Bức xúc vấn đề bảo vệ môi trường

Môi trường đất, không khí, nhất là nguồn nước mặt, nước dưới đất ở nhiều nơi đã bị ô nhiễm, một số nơi còn ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và những tác động tiêu cực khác. Đất canh tác nông nghiệp, đất rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ bị thu hẹp diện tích do bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Tình trạng suy thoái tài nguyên đất, tài nguyên nước và hoang mạc hóa xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là các khu vực dễ bị tổn thương như khu vực đất dốc, khu vực đồng bằng ven biển. Việt Nam hiện có khoảng 7,5 triệu ha đất đã và đang chịu tác động mạnh bởi sa mạc hóa; 30.000 ha bị nhiễm mặn, phèn; 300.000 ha đất khô hạn theo mùa hoặc cả năm. Các nguồn gây ô nhiễm môi trường gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động xấu lên môi trường.

Cho đến nay, tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn chậm, chế tài đối với các hành vi vi phạm dù mới được thay đổi theo hướng tăng mức xử phạt, nhưng nhìn chung vẫn chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm. Tỷ lệ các dự án đầu tư được kiểm tra, xác nhận tuân thủ báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi cho phép vận hành còn thấp. Vì vậy, vẫn đang tiếp tục phát sinh các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, trong đó có các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, phải được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững. Xác định tính cấp thiết của nhiệm vụ bảo vệ môi trường, bên cạnh các chủ trương, giải pháp nêu trong Văn kiện của Đại hội Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành một số nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường. Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25-6-1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã nêu quan điểm: “Bảo vệ môi trường là một vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại; là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc”. Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15-11-2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiếp tục khẳng định các quan điểm của Chỉ thị số 36/TW và bổ sung, phát triển các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn, cập nhật xu thế của thời đại và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đặt ra, nhấn mạnh quan điểm “Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, phải được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương". Chỉ thị số 29-CT/BBT ngày 21-01-2009 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW cập nhật những nhận thức mới và đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường phù hợp với tình hình, nhiệm vụ. Và mới đây, Hội nghị Trung ương 7 khóa XI đã ban hành Nghị quyết về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường", đề ra mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam thành quốc gia phát triển với chất lượng môi trường sống, đa dạng sinh học và đạt các chỉ tiêu về môi trường tương đương với các nước công nghiệp trong khu vực.

Các chủ trương, giải pháp của Đảng về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta, gắn ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên môi trường với phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng phát triển bền vững.

Nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường

Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường đòi hỏi sự tham gia tích cực, chủ động của các ngành, các cấp, các tổ chức trong hệ thống chính trị; hệ thống các giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến tổ chức, bộ máy triển khai thực hiện cơ chế, chính sách; nguồn lực đầu tư, bao gồm cả nhân lực, khoa học, công nghệ, tài chính, trong đó, nguồn lực tài chính có vai trò đặc biệt quan trọng.

Trong những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư kinh phí từ ngân sách cho công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường. Kinh phí đầu tư cho điều tra cơ bản về tài nguyên đã được bảo đảm ở mức ngày càng tốt hơn. Huy động nguồn thu từ tài nguyên đầu tư trở lại cho công tác bảo vệ tài nguyên đã được thí điểm thực hiện bước đầu. Đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, chi trả dịch vụ môi trường rừng,... là những hướng đi, cách làm mới đang được triển khai thực hiện. Nguồn chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp môi trường được cân đối đạt mức 1% tổng chi ngân sách, tăng nhiều lần so với giai đoạn trước. Năm 2006 đạt 2.900 tỷ đồng, năm 2012 đạt 9.050 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2006-2011, vốn đầu tư phát triển trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã tăng khoảng 2 lần, từ 1.429 tỷ đồng năm 2006 lên 2.954,3 tỷ đồng vào năm 2011. Bình quân trong cả giai đoạn 5 năm (2006-2011), vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường đạt khoảng 2% tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước. Trong đó, nguồn vốn Trung ương bình quân đạt khoảng 19%, địa phương đạt khoảng 81%. Nhờ đó, một số chương trình mục tiêu quốc gia có nội dung bảo vệ môi trường được triển khai như nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, trồng 5 triệu ha rừng, cải thiện nhà vệ sinh cho hộ nghèo. Kết quả đã giải quyết, xử lý, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương và trên phạm vi toàn quốc.

Huy động nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA cho bảo vệ môi trường cũng tăng nhanh. Một số cơ chế tài chính về bảo vệ môi trường được hình thành, đi vào hoạt động như Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, quỹ bảo vệ môi trường của một số ngành, địa phương, góp phần tăng cường các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Một số công cụ kinh tế như thuế, phí bảo vệ môi trường đã góp phần tạo nguồn thu từ xã hội để tái đầu tư cho bảo vệ môi trường. Ngoài nguồn vốn Trung ương và địa phương, trong giai đoạn 2006-2011, nguồn vốn ODA dành cho công tác bảo vệ môi trường đạt khoảng 2.914 triệu USD (trong đó vốn vay là 2.856 triệu USD, viện trợ không hoàn lại là 58 triệu USD). Riêng trong năm 2011, giá trị giải ngân của các chương trình, dự án bảo vệ môi trường đạt khoảng 259,3 triệu USD (trong đó vốn vay là 249,7 triệu USD và vốn viện trợ không hoàn lại đạt 9,6 triệu USD).

Chủ trương xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường được triển khai, bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường như cấp thoát nước, xử lý nước thải, khí thải, thu gom và xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, hoạt động tư vấn, thiết kế,...

Tuy vậy, nguồn vốn đầu tư phát triển cho bảo vệ môi trường mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu đầu tư. Tỷ trọng phân bổ nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương cũng còn bất cập.

Nguyên nhân là do cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường chậm đổi mới, chưa đồng bộ với thể chế thị trường. Các loại thuế, phí về môi trường mới chỉ bước đầu tạo nguồn thu cho ngân sách mà chưa phát huy được vai trò công cụ kinh tế điều tiết vĩ mô, hạn chế gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội theo hướng hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

Đầu tư, chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; sử dụng nguồn lực tài chính dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm nên kém hiệu quả.

Chưa có cơ chế huy động nguồn lực trong xã hội (hoặc đã có nhưng chưa phù hợp) nên nguồn lực huy động được còn nhỏ lẻ, không đáng kể. Thiếu nguồn lực đầu tư là thách thức lớn trong bối cảnh các vấn đề môi trường ngày càng gia tăng, tích tụ ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Chi thường xuyên cho sự nghiệp môi trường hàng năm đã đạt 1% tổng chi ngân sách nhà nước nhưng còn dàn trải. Tại một số địa phương, việc sử dụng nguồn chi thường xuyên cho sự nghiệp môi trường chưa đúng mục đích, chưa hiệu quả. Tỷ lệ đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường từ các nguồn thu liên quan đến môi trường còn thấp.

Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho bảo vệ môi trường còn thấp, phân tán và đang có xu hướng giảm dần. “Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý, khắc phục, cải tạo môi trường”, “người hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải trả tiền” chưa được áp dụng triệt để.

Hệ thống chính sách, pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chồng chéo, chưa tạo ra hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường và sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhiều quy định về xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc, thiếu cơ chế phù hợp để thực hiện nên chưa phát huy được hiệu quả.

Tăng cường nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn hẹp, cần có giải pháp đủ mạnh để tạo bước đột phá trong việc huy động nguồn lực trong xã hội, từ doanh nghiệp và người dân cho công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường; có chủ trương nhất quán coi bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên là thước đo chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường; có chính sách thúc đẩy sự tham gia và phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp,... tham gia công tác bảo vệ môi trường. Cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư cho bảo vệ môi trường; xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về chính sách ưu đãi về đất đai, vốn, thuế, tín dụng cho các hoạt động bảo vệ môi trường cụ thể; hoàn thiện công tác quy hoạch ngành. Ngành tài nguyên và môi trường xác định rõ lĩnh vực Nhà nước cần thực hiện, những lĩnh vực cần kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia; xây dựng và thực hiện mô hình hợp tác công tư Nhà nước và nhân dân cùng làm trong bảo vệ môi trường, đặc biệt trong việc khắc phục, cải tạo các điểm “nóng” về môi trường. Tổ chức diễn đàn kêu gọi đầu tư vào các công trình, dự án, hoạt động bảo vệ môi trường, tăng cường cơ chế trao đổi thông tin liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Hình thành cơ chế để huy động nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ tài nguyên, môi trường theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư và chi trả, coi đây là giải pháp đột phá khắc phục tình trạng thiếu nguồn lực tài chính đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường, giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Nhà nước cân đối, bố trí các nguồn vốn ODA, vốn tín dụng trong kế hoạch ngân sách hằng năm cho công tác xã hội hóa về môi trường, tạo điều kiện về thủ tục hành chính để các tổ chức, cá nhân tham gia vào các loại hình xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường.

Kết hợp tăng chi từ ngân sách với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường bao gồm cả ưu tiên vay vốn ưu đãi, huy động tài trợ không hoàn lại từ các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước và huy động các nguồn lực trong xã hội. Tăng cường công tác giám sát đầu tư, bảo đảm sử dụng đúng mục đích và hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường.

Khai thác các cơ hội của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế để huy động nguồn lực, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường./.