Phải chăng ở Việt Nam hiện nay không có tự do tín ngưỡng, tôn giáo?

Đại tá, ThS. Nguyễn Đức Thắng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự (Bộ Quốc phòng)
13:48, ngày 16-08-2013
TCCSĐT - Thực tiễn từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam thường xuyên vẫn là một hoạt động bình thường của bà con có đạo, được Đảng, Nhà nước tôn trọng. Đồng bào có đạo phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, tích cực thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Cố tình phớt lờ những thực tế sống động về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam

 

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam không chỉ là quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời mà còn là một dân tộc đa tôn giáo, tín ngưỡng. Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc có những sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo riêng gắn liền với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và tâm linh của mình. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán là tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, các thế lực thù địch tuyên truyền, xuyên tạc, tung thông tin sai sự thật, rằng “Việt Nam có hành động vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng”; “Ở Việt Nam không có tự do tín ngưỡng, tôn giáo!”. Chúng trắng trợn cáo buộc, lên án “các địa phương vẫn tiếp tục đàn áp nhiều người Tin lành thiểu số”, “Việt Nam hiện có nhiều người bị giam giữ vì tôn giáo”, “bị cưỡng ép bỏ đạo”…

 

Đặc biệt, từ nhiều năm nay, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ cũng như Tổ chức Ân xá Quốc tế đã liên tục đưa ra những luận điệu vu cáo “Việt Nam đàn áp, tấn công giáo dân”. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng tự cho mình đặc quyền phán xét về tình hình tự do tôn giáo của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thông qua cái gọi là “Báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế”, được Quốc hội (Hạ viện Mỹ) công bố vào tháng 9 hằng năm. Nội dung “Báo cáo” xuyên tạc thô bạo chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam và tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, cho rằng ở Việt Nam “Nếu theo một tôn giáo không được chính phủ công nhận, họ còn bị đặt trước nguy cơ bị kỳ thị, bị ngược đãi bằng bạo lực và có khi còn bị bắt bớ”. Vì vậy, họ xếp Việt Nam vào danh sách “các nước đặc biệt quan tâm về tôn giáo”, đồng thời, khuyến nghị Tổng thống Mỹ ban hành các sắc lệnh trừng phạt Việt Nam về kinh tế, chính trị, ngoại giao… 

 

Vậy, nếu cứ theo những luận điệu tuyên truyền, cáo buộc của các thế lực thù địch thì phải chăng mọi sinh hoạt và hoạt động của những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo đều bị Nhà nước Việt Nam cấm đoán, cản trở, đàn áp? Phải chăng ở Việt Nam không có tự do tín ngưỡng, tôn giáo?

 

Thực tiễn hàng chục năm qua, các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà toàn dân ta đã lựa chọn. Núp dưới chiêu bài “tự do tôn giáo” để cố tình phớt lờ những thành tựu to lớn của Việt Nam về công tác tôn giáo trong gần 30 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; tìm mọi cách chia rẽ các tổ chức tôn giáo ở nước ta, gây mâu thuẫn giữa người có tín ngưỡng, tôn giáo với người không có tín ngưỡng, tôn giáo; giữa đồng bào tôn giáo với Đảng và Nhà nước; tài trợ cho hoạt động truyền đạo trái phép, nhằm mục đích gây rối loạn an ninh, trật tự xã hội, tạo ra các “điểm nóng” chính trị - xã hội để tạo cớ cho can thiệp phá hoại cách mạng Việt Nam. Chính vì những toan tính chính trị, cho nên, khi đưa ra những luận điệu vu cáo Việt Nam không có “tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, “Nhà nước Việt Nam đàn áp giáo dân!”,… các thế lực thù địch đã cố tình phớt lờ những thực tế sống động về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam trong những thập niên qua.

Sự thật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam

 

Chúng ta đều biết, từ ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (9-1945) đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định và nhất quán thực hiện chủ trương, chính sách công tác tôn giáo, coi đây là vấn đề chiến lược của cách mạng và được cụ thể hóa bằng pháp luật. Ngày 14-6-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 234/SL xác định “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo phải tuân theo pháp luật của Nhà nước như mọi tổ chức khác của nhân dân. Việc bảo vệ tự do tín ngưỡng bắt buộc phải trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo gây rối loạn”.

Các hiến pháp của nước Việt Nam: Điều 10, Hiến pháp năm 1946; Điều 26, Hiến pháp năm 1959; Điều 68, Hiến pháp năm 1980; Điều 70, Hiến pháp năm 1992; Điều 25, Dự thảo sửa đổi Điều 70, Hiến pháp năm 1992, đều ghi nhận mọi công dân nước Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
Quốc hội Khóa XI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (số 21/2004/PL-UBTVQH 11), quy định về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Ngày 01-3-2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1940/CT-TTg, ngày 31-12-2008 “về nhà, đất liên quan đến tôn giáo” và nhiều văn bản hướng dẫn của các bộ, ban, ngành liên quan, tiếp tục khẳng định rõ “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào” và quy định “Tổ chức tôn giáo, tín đồ, nhà tu hành, chức sắc tôn giáo được mời tổ chức, người nước ngoài vào Việt Nam để tiến hành các hoạt động hợp tác quốc tế…”.

Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa VI đã ra Nghị quyết số 24/NQ-TW về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” (16-10-1990), ra Chỉ thị số 37 “về công tác tôn giáo trong tình hình mới” (02-7-1998). Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã khẳng định: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”(1). Đại hội XI của Đảng nêu rõ: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật”(2); đồng thời xác định chủ trương: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(3). Như vậy, quan điểm của Đảng ta không chỉ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà còn đánh giá cao vai trò, vị trí của các tôn giáo đối với dân tộc và sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Điều đó khẳng định chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta là nhất quán, đã và đang được thực hiện trong thực tế trên đất nước Việt Nam.

 

Các cơ sở thờ tự của tôn giáo được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Theo thống kê, đến nay, cả nước có 14.321 ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường; Thiên chúa giáo có 6.003 nhà thờ, nhà nguyện; Tin lành có gần 500 nhà thờ, nhà nguyện; Cao Đài có 1.284 thánh thất; Phật giáo Hòa Hảo có 522 chùa, hội quán; Hồi giáo có 89 thánh đường; hàng vạn ngôi đình, đền, miếu, phủ... và những cơ sở thờ tự khác của tín ngưỡng dân gian trải dài khắp cả nước. Riêng đạo Tin lành ở các tỉnh Tây Nguyên, năm 1975 có hơn 50 ngàn người theo đạo Tin lành ở 200 buôn, đến nay, tăng lên với gần 500 ngàn người ở 18.000 buôn. Hiện nay, ở địa bàn Tây Nguyên và Tây Bắc có gần 2.000 điểm nhóm đạo Tin lành đăng ký sinh hoạt tôn giáo với chính quyền cơ sở.
Bức tranh chung về tình hình Việt Nam từ năm 1986 đến nay, các lĩnh vực đời sống xã hội đều đạt được thành tựu to lớn, trong đó có lĩnh vực công tác tôn giáo. Tính đến năm 2011, cả nước có 12 tôn giáo với 37 tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, với trên 30 triệu tín đồ, hơn 100.000 chức sắc và nhà tu hành đang hoạt động tại hơn 24.000 cơ sở thờ tự trên cả nước. Việc mở trường và đào tạo chức sắc tôn giáo luôn được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi. Nếu như năm 1993, Phật giáo có 22 trường cao cấp và trung cấp Phật học, đến nay, đã có 4 học viện Phật giáo và nhiều trường cao đẳng, trung cấp Phật học. Giáo hội Công giáo có 6 Đại chủng viện với 1.085 chủng sinh và 1.712 chủng sinh dự bị. Nhà nước còn tạo điều kiện cho các tu sĩ đi học tập, hội thảo nâng cao trình độ ở nước ngoài; từ 1992 đến nay có 235 tu sĩ đi đào tạo ở nước ngoài, 2.062 lượt người tham gia hội thảo, trao đổi công việc ở nước ngoài, trong đó có một số người bảo vệ thành công luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ về tôn giáo ở nước ngoài.

 

Trong những ngày lễ lớn của các tôn giáo như: Lễ Nô-en của đạo Công giáo, Lễ Phật đản của Phật giáo… đều được chính quyền các cấp tạo điều kiện tổ chức và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến chúc mừng, động viên. Một số sự kiện hoạt động tôn giáo lớn diễn ra và được tổ chức thành công trên đất nước Việt Nam như: Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (VESAK) tại Hà Nội (5-2008), với sự tham dự của hơn 4.000 tăng ni, phật tử, trong đó có khoảng 2.000 chức sắc, tín đồ đến từ 74 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2010, tổ chức bế mạc năm thánh và Đại hội hành hương La Vang lần thứ 29. Năm 2011, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội; cũng trong năm 2011, các hệ phái Tin lành tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày Tin lành đến Việt Nam…

 

Các tôn giáo của Việt Nam đã mở rộng quan hệ với nhiều tổ chức tôn giáo các nước trong khu vực Đông Nam Á, Tây Âu, Mỹ, Ca-na-đa… đặc biệt quan hệ Việt Nam - Va-ti-can được đẩy mạnh, Tòa thánh Va-ti-can đã bổ nhiệm Đặc phái viên không thường trú tại Việt Nam; tháng 12-2012, Hội đồng Giám mục Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Liên hội đồng Giám mục Á châu tại Việt Nam, với sự tham dự của nhiều Giám mục các nước ở châu Á và đại diện Tòa thánh Va-ti-can. Quan hệ đối ngoại của các tôn giáo ngày càng mở rộng đã góp phần làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn quan điểm, chính sách tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta và sự thật tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

Ngoài những sự kiện tôn giáo lớn đã diễn ra, các tổ chức tôn giáo vẫn duy trì tốt những hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, phong chức, phong phẩm và bổ nhiệm chức sắc, chức việc nhà tu hành tôn giáo.


Chỉ tính năm 2011, đã có 669 người được các tổ chức tôn giáo phong chức, phong phẩm; 1.153 người được bổ nhiệm; 734 người được thuyên chuyển địa bàn hoạt động. Cũng năm 2011, có 12.444 người tốt nghiệp hoặc hoàn thành các khóa bồi dưỡng, đào tạo từ các trường đào tạo tôn giáo; các tôn giáo đều củng cố và xây dựng thêm cơ sở đào tạo, như Giáo hội Công giáo thành lập thêm Đại chủng viện thứ 7 tại Xuân Lộc (Đồng Nai), đáp ứng được cơ sở đào tạo chức sắc cho tôn giáo này; có 1.082 cơ sở thờ tự được xây dựng, sửa chữa trong phạm vi cả nước.
Việc in ấn, xuất bản kinh sách được Nhà nước Việt Nam rất quan tâm, bảo đảm yêu cầu hoạt động của các tôn giáo. Đến nay, hầu hết các tổ chức tôn giáo đều có báo, tạp chí, bản tin. Việc hoàn thành in 30.000 cuốn Kinh thánh bằng các tiếng Ba-na, Ê-đê, Gia-rai đã tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Riêng năm 2010, Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp phép xuất bản 1.100 ấn phẩm liên quan đến tôn giáo, trong đó 791 đầu sách với 2.881.600 bản in, đồng thời hỗ trợ in kinh, sách phật giáo Nam tông Khơ-me. Năm 2011 đã thẩm định và cấp phép xuất bản 1.004 đầu sách và ấn phẩm về tôn giáo với hơn 2,5 triệu bản, trong đó có việc in Kinh Thánh Tin lành bằng tiếng Mông hệ chữ cái La-tinh và làm thủ tục xuất bản kinh Cô-ran song ngữ Việt Nam - Ả-rập; Kinh sách của Phật giáo cũng sẽ được in bằng tiếng Khơ-me…

 

Cùng với việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của các tín đồ, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình, mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tập trung giải quyết vấn đề an sinh xã hội, phát triển văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào. Những kết quả thực tế đó chứng minh thuyết phục ở Việt Nam, tín đồ và chức sắc các tôn giáo đã và đang yên tâm hành đạo và tin tưởng ở chủ trương, chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Họ gắn bó với quốc gia, dân tộc theo phương châm: “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, thực hiện “sống phúc âm trong lòng dân tộc”, “nước vinh, đạo sáng”, với tấm lòng “kính chúa, yêu nước”; vừa hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ của “con Lạc, cháu Hồng” đối với Tổ quốc, vừa làm tròn bổn phận của một tín đồ đối với tôn giáo; hăng hái thi đua lao động, sản xuất, tham gia các hoạt động xã hội, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

Những chuyển biến tích cực trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong công cuộc đổi mới đã được nhiều cá nhân và tổ chức quốc tế “mục sở thị” và ca ngợi.

 

Vừa qua, trong buổi gặp gỡ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb - Chủ tịch tiểu ban Đông Á - châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đánh giá: Cho dù vẫn còn những quan điểm cá nhân về một vài vụ việc cụ thể liên quan đến tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận những tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhất là từ năm 1991 đến nay(4).

 

Nếu Việt Nam hạn chế tôn giáo, vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo thì các tổ chức tôn giáo không thể xác lập được vị trí và phát triển ổn định như hiện nay. Thực tiễn sinh động về bức tranh tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là bằng chứng để chúng ta kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, cáo buộc, bịa đặt về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo và chính sách tự do tôn giáo của Việt Nam do các thế lực thù địch trong nước và ngoài nước rêu rao trên các phương tiên thông tin đại chúng, cũng như trên một số diễn đàn quốc tế. Đồng thời, là cơ sở để đấu tranh ngăn chặn và làm vô hiệu hóa các “đạo lạ”, “tạp giáo”, “tà giáo” có tính chất chính trị phản động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tôn giáo vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc và vì dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam./.

----------------------------

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 48.

2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 81, tr. 245.

4. Xem: http://chuyentrang.tuoitre.vn/Vieclam/Index.aspx?ArticleID=332626&ChannelID=3