Long An với những việc làm thiết thực trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”
Một số thành tựu và hạn chế của của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở Long An thời gian qua
Nước ta đã trải qua thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đã có hàng chục vạn người trực tiếp ra mặt trận, trong đó đã có nhiều người hy sinh anh dũng, nhiều người là thương binh, bệnh binh; cũng có không ít gia đình có công với cách mạng. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ban hành Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, Quyết định của Thủ tướng “Về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc”…
Long An là tỉnh giáp với biên giới Cam-pu-chia, là cửa ngõ Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) về miền Tây Nam Bộ, nên qua hai cuộc chiến tranh và tham gia nghĩa vụ quốc tế, Long An có nhiều gia đình có công và thuộc diện chính sách. Chính vì vậy, Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân Long An đã phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong toàn xã hội nhằm góp phần nâng cao đời sống về vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách. Trong thời gian qua, mặc dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng Long An vẫn triển khai thực hiện phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" với những việc làm rất thiết thực và hiệu quả, cụ thể là:
Về công tác triển khai thực hiện: Để quán triệt tinh thần các văn bản hướng dẫn về công tác đền ơn đáp nghĩa, Long An đã chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản; thành lập các tổ công tác, tập hợp các tổ chức đoàn thể tham gia triển khai và thực hiện phong trào. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, đài truyền thanh các huyện, thành phố; đồng thời thông qua các tổ chức hội, đoàn, dưới hình thức sinh hoạt tổ dân phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chế độ, chính sách theo quy định cho người có công và gia đình chính sách.
Công tác hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục cho đối tượng chính sách: Được thực hiện chu đáo, công khai, các biểu mẫu được phát hành đến ấp, khu phố. Đây là công tác khá phức tạp nên cần có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó còn thực hiện tốt công tác tiếp dân, trả lời đơn thư, giải đáp thắc mắc cho các đối tượng; quan tâm đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác chính sách.
Công tác xét duyệt, thẩm định hồ sơ: Đến nay, Long An đã thẩm định 245 hồ sơ người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08-11-2005 và Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; thẩm định và hoàn chỉnh thủ tục giải quyết chế độ trợ cấp cho 86 hồ sơ người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng và thân nhân người có công cách mạng chết trước ngày 01-01-1995 và 27 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và 1 con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học... Với tinh thần trách nhiệm cao, nên công tác xét duyệt, thẩm định hồ sơ đã được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, đúng quy trình, hồ sơ đúng đối tượng đạt tỷ lệ cao, sai sót thấp.
Việc công nhận và thực hiện chính sách cho các gia đình có công: Tỉnh có 190/190 xã, phường, thị trấn được công nhận danh hiệu làm tốt công tác chính sách Thương binh - Liệt sĩ (TBLS), trong đó có 12 xã, phường, thị trấn được tuyên dương điển hình trong công tác chính sách TBLS. Với sự cố gắng của nhiều sở, ban, ngành, như: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Hội Cựu thanh niên xung phong, đến nay, tỉnh đã tiếp nhận 552 hồ sơ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định công nhận là người tham gia hoạt động cách mạng trước ngày 01-01-1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01-01-1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19-8-1945 đã hy sinh, từ trần. Sở và các phòng Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức trao tiền cho 428 thân nhân người hoạt động cách mạng đến trước ngày Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 đã hy sinh, từ trần với số tiền là 12.750 triệu đồng, còn lại 124 hồ sơ đang hoàn chỉnh thủ tục trình UBND tỉnh quyết định và đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt kinh phí.
Tiếp tục phát huy tinh thần thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28-4-2012, với tinh thần "Đền ơn đáp nghĩa" và truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu. Nhân dịp này, tỉnh cũng đã tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi các đồng chí thương binh nặng đang an dưỡng tại Trung tâm diều dưỡng Người có công Long Đất, ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa và người có công ở Trung tâm Bảo trợ xã hội.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã làm tốt việc phân bổ kinh phí về các huyện, thành phố tổ chức điều dưỡng Người có công với cách mạng, nên năm 2012 đã thực hiện chi cho 6.493 cá nhân và gia đình người có công, với tổng số tiền là 5.686 triệu đồng. Hoàn chỉnh thủ tục giải quyết chế độ trợ cấp cho 86 hồ sơ người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng và thân nhân người có công cách mạng chết trước ngày 01-01-1995 với số tiền là 97,700 triệu đồng và 27 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và 1 con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; cấp 45 sổ ưu đãi học sinh - sinh viên và giải quyết trợ cấp 1.512 học sinh - sinh viên là con thương binh, bệnh binh đang học ở các trường với số tiền 4.733,991 triệu đồng; giải quyết tiền mua phương tiện trợ giúp dụng cụ chỉnh hình năm 2012 cho 616 đối tượng người có công với số tiền là 237,922 triệu đồng.
Trong công tác phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng: Tỉnh đã nhanh chóng triển khai Nghị định 56/2013/NĐ-CP, ngày 22-05-2013 của Chính phủ nên từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức truy tặng danh hiệu 17 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, với số tiền 276,76 triệu đồng và giải quyết chế độ cho thân nhân đang nuôi dưỡng, thờ cúng các bà mẹ với số tiền 377,4 triệu đồng.
Chính sách đối với các chiến sĩ làm nghĩa vụ quốc tế: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg, ngày 09-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ cho đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc về gia đình. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh đã tiếp nhận 5.504 hồ sơ; nhiều trường hợp đã được đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm; các địa phương cũng tạo điều kiện chuyển ngành cho những chiến sĩ đã được đào tạo, một số trở về nông thôn tiếp tục công việc như trước khi nhập ngũ, nhờ đó hầu hết các chiến sĩ đã ổn định cuộc sống. Tổ chức chuyến "Về nguồn" cho các Cựu chiến binh và Cựu tù kháng chiến của tỉnh (72 người) đi thăm Thủ đô Hà Nội, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và chọn 24 đại biểu là thân nhân của liệt sĩ tham gia chiến đấu hy sinh trên đất nước Cam-pu-chia đi tham quan tại Phnông-pênh và tỉnh Svây-riêng...
Vận động "Quỹ Đền ơn đáp nghĩa", “Xây nhà tình nghĩa”: Đây là nguồn quỹ quan trọng, được nhiều doanh nghiệp, những người công tác xa quê và tầng lớp nhân dân đóng góp. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2013 đến nay, toàn tỉnh vận động "Quỹ Đền ơn đáp nghĩa" được 22.219,987 triệu đồng đạt 740,67% kế hoạch năm. Sở Xây dựng đã nhanh chóng triển khai Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng 418 căn nhà tình nghĩa đạt 209% kế hoạch.
Trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đối với người có công đã được triển khai thực hiện đồng bộ, đúng kế hoạch, bám sát tình hình thực tế của địa phương; tập trung triển khai thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quan tâm thực hiện, chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần người có công, giải quyết hồ sơ người có công theo Quyết định số 290/QĐ-TTg, 188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phong trào xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” tiếp tục được sự ủng hộ của toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để đạt những kết quả trên, trước tiên có sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh uỷ, công tác phối hợp nhịp nhàng giữa các sở, ban, ngành, các đoàn thể; đồng thời được sự nhất trí và nhiệt tình tham gia phong trào của các đảng viên và nhân dân toàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" cũng gặp một số khó khăn, hạn chế như sau: Hồ sơ người có công còn tồn đọng, giải quyết kéo dài, nguyên nhân là do nhận thức và năng lực cán bộ ở một số đơn vị, địa phương chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ; nhiều hồ sơ quá phức tạp nên thời gian thẩm định hồ sơ bị kéo dài; bên cạnh đó còn có nguyên nhân thiếu đội ngũ cán bộ; một số gia đình chính sách còn khó khăn về nhà ở do việc huy động vốn chưa kịp thời; trong chỉ đạo, điều hành có lúc, có nơi thiếu tập trung, công tác kiểm tra, giám sát, nắm tình hình ở địa phương, cơ sở chưa kịp thời; công tác phối hợp với một số ngành, địa phương thiếu chặt chẽ, đồng bộ đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả của phong trào.
Cần có giải pháp phù hợp để phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" lan tỏa và hiệu quả hơn
Để đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, trong thời gian tới, Long An đang tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, cụ thể sau:
Một là, tăng cường hơn nữa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg, Quyết định 290/QĐ-TTg, 188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
Hai là, tiếp tục kiện toàn và phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo và các thành viên, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai thực hiện;
Ba là, đẩy mạnh công tác xác minh, thẩm định hồ sơ người hoạt động cách mạng trước ngày 01-01-1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01-01-1945 đến trước ngày Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 đã hy sinh, từ trần và hồ sơ đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên xuất ngũ theo Quyết định số 62/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bốn là, tiếp tục vận động "Quỹ Đền ơn đáp nghĩa" từ nhiều nguồn: Các doanh nghiệp (trong và ngoài tỉnh), đóng góp của nhân dân. Tăng cường công tác quản lý để bảo đảm sử dụng đúng đối tượng và bảo đảm hiệu quả nguồn quỹ này.
Năm là, nhanh chóng triển khai Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ, và Thông tư số 09/2013/TT-BXD, ngày 01-7-2013 của Bộ Xây dựng. Phấn đấu đến cuối năm 2013, xây dựng 200 căn nhà tình nghĩa, nhà ở mới phải bảo đảm tiêu chuẩn "3 cứng" (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng).
Sáu là, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các sở, ban, ngành trong quá trình tổ chức thực hiện phong trào; luôn quan tâm đến công tác đào tạo và tạo công ăn việc làm cho con em gia đình có công, gia đình thương binh, liệt sỹ.
Bảy là, chú trọng mở rộng dân chủ, công khai trong công tác hướng dẫn, lập hồ sơ; tập hợp được nhiều nguồn lực tham gia công tác thẩm định, xét duyệt hồ sơ, không để tình trạng kéo dài;
Tám là, thường xuyên bám sát cơ sở, theo dõi, kiểm tra nắm chắc tình hình, kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc, không để xảy ra tiêu cực. Tổ chức sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm ở các cấp; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo, lưu trữ, quản lý hồ sơ đối tượng theo quy định; kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong quá trình thực hiện./.
Tuyên bố chung hai nguyên thủ Việt Nam và Hoa Kỳ  (26/07/2013)
Tư tưởng và việc làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đền ơn đáp nghĩa  (26/07/2013)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama  (26/07/2013)
Hội nghị về bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN  (25/07/2013)
Tri ân các Anh hùng, Liệt sĩ, người có công với cách mạng  (25/07/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên