TCCSĐT - Nhân kỷ niệm 66 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27-7-1947 – 27-7-2013), ngày 25-7, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã đến dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

 

 Dâng hương tại khu mộ 10 nữ Thanh niên xung phong - Ảnh: TTXVN


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dâng hương, đặt vòng hoa tại Nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ thanh niên xung phong toàn quốc, nơi ghi danh hơn 4.000 liệt sỹ thanh niên xung phong trong cả nước; khu mộ 10 nữ Thanh niên xung phong, nơi an nghỉ vĩnh hằng của các nữ anh hùng liệt sỹ Thanh niên xung phong và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ ngành giao thông vận tải.

Với tấm lòng tri ân thành kính, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu đã đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm, cầu mong cho linh hồn các liệt sỹ và 10 nữ anh hùng luôn được siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng và phù hộ độ trì cho quốc thái, dân an, nước nhà luôn luôn phát triển giàu, mạnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lòng biết ơn, ghi nhớ công lao to lớn của các liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Các anh hùng liệt sỹ mãi là tấm gương tiêu biểu cho lòng trung thành, ý chí phấn đấu, cống hiến hy sinh cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng, của dân tộc.

Những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sỹ và 10 nữ Thanh niên xung phong đã biến mảnh đất Ngã ba Đồng Lộc trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

* Chiều 25-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm các gia đình chính sách tiêu biểu của Quân chủng Hải quân tại TPHCM.

 

 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm và tặng quà gia đình Thượng tá, Liệt sỹ Trần Văn Luật tại quận Bình Thạnh, TPHCM - Ảnh: Chinhphu.vn


Phó Thủ tướng chia sẻ: “Các anh đã vĩnh viễn nằm lại ở những vùng biển thiêng liêng nhất của Tổ quốc, máu xương của các anh đã hòa cùng sóng biển, hòa vào lòng đất mẹ ở vùng biên ải và mãi mãi trường tồn cùng đất nước. Đảng và Nhà nước không bao giờ quên ơn các anh hùng liệt sỹ và thương binh của lực lượng Hải quân nhân dân anh hùng”.

Thắp nén hương tưởng nhớ Đại úy, Anh hùng Lực lượng vũ trang, liệt sỹ Vũ Phi Trừ, sinh năm 1955, nguyên Thuyền trưởng tàu HQ 604, Lữ đoàn 125 Hải quân, hy sinh ngày 14-3-1988 tại đảo Gạc Ma - Trường Sa, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ xúc động trước tấm gương hy sinh anh dũng của người thuyền trưởng khi vừa tròn 33 tuổi.

Phó Thủ tướng rất vui khi biết con trai lớn của Liệt sỹ Vũ Phi Trừ là Thiếu úy Vũ Hải Đăng đã quyết tâm viết tiếp trang sử vẻ vang của gia đình khi nhập ngũ ở Hải đội 1, Lữ đoàn 125, đơn vị mà Đại úy Vũ Phi Trừ từng công tác, chiến đấu.

Đúng 25 năm sau ngày Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ nằm lại ở Gạc Ma, chiến sĩ Vũ Hải Đăng đã chính thức nhận lệnh công tác tại đơn vị vận tải hải quân trên quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến thắp hương tưởng nhớ và tặng quà gia đình Thượng tá, Liệt sỹ Nguyễn Văn Luật, Chính ủy Lữ đoàn 126 Hải quân, hy sinh ngày 26-1-1979, tại ngã ba Ream và Kongpong Som, Campuchia; thăm và động viên Thiếu tá, thương binh Nguyễn Văn Thơm, 73 tuổi, hiện đang sống tại 15/7A Đoàn Như Hảo, phường 12, Quận 4, cựu chiến sĩ thuộc đoàn Tàu không số hải quân đã tham gia vận chuyển 16 chuyến hàng chi viện cho chiến trường miền Nam an toàn.

Tại các gia đình chính sách nêu trên, Phó Thủ tướng khẳng định những hy sinh của các liệt sỹ, sự mất mát xương máu của những thương binh hải quân đã tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng và các thế hệ người Việt Nam không bao giờ quên những người con ưu tú đã vì nước mà quên thân.

Phó Thủ tướng đề nghị Quân chủng Hải quân chủ động phối hợp thường xuyên với chính quyền địa phương để quan tâm, hỗ trợ, động viên cả về vật chất và tinh thần, góp phần bù đắp một phần những hy sinh không thể bù đắp đối với những gia đình chính sách.

* Ngày 25-7, tại nghĩa trang tỉnh Bình Phước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước đã tổ chức lễ truy điệu, an táng 69 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia.
 

 Lễ truy điệu an táng hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia tại nghĩa trang tỉnh Bình Phước - Ảnh: VietNam+


Số hài cốt trên do Đội K72 (Bộ chỉ huy Quân sự Bình Phước) và đội K70 (Quân khu 7) tìm kiếm, cất bốc trong mùa khô năm 2012-2013 giai đoạn 12 từ những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh Karatie, Kompongthom, Vương quốc Campuchia.

Trong không khí trang nghiêm và trọng thể, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, các lực lượng vũ trang cùng đông đảo nhân dân Bình Phước đã dâng hoa, thắp hương và tiến hành các nghi thức trang trọng tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tổ quốc, của dân tộc, vì nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Nhờ sự giúp đỡ của Chính phủ và Quân đội Hoàng Gia Campuchia, đến nay qua 12 giai đoạn thực hiện nhiệm vụ, tỉnh Bình Phước đã cất bốc và tổ chức an táng được 2.364 hài cốt liệt sỹ, trong đó 242 liệt sỹ có tên, đã an táng tại nghĩa trang tỉnh được 2.150 hài cốt, bàn giao 67 hài cốt cho tỉnh Tây Ninh, 118 hài cốt cho các địa phương khác và bàn giao 29 hài cốt cho thân nhân các liệt sỹ.

Cùng ngày, tại cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An), tỉnh Long An tổ chức lễ đón nhận hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Campuchia; tổ chức truy điệu, an táng hài cốt liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Vĩnh Hưng.

Trong mùa khô 2012-2013, Đội K73 (tỉnh Long An) đã quy tập được 28 bộ hài cốt liệt sỹ, nâng tổng số hài cốt liệt sỹ mà đơn vị đã quy tập được từ năm 2001 đến năm 2013 là 1.984 bộ hài cốt. Trong đó, có tên và địa chỉ là 155 bộ hài cốt. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đội K73 luôn chủ động dựa vào các phiếu báo mộ của thân nhân gia đình liệt sỹ, cựu chiến binh Việt Nam và nguồn tin của nhân dân, chính quyền địa phương trong tỉnh S’vây Riêng (Campuchia) cung cấp.

Kết thúc giai đoạn XII, Đội K73 phối hợp tỉnh Svay Rieng, Campuchia thống nhất kết luận tình hình mộ liệt sỹ trên địa bàn còn lại 26 vị trí với khoảng 92 mộ. Đa số vị trí mộ đã được tổ chức tìm kiếm, cất bốc nhưng chưa lấy được hài cốt, do địa hình thay đổi nhiều, người dẫn đường và các phiếu báo mộ xác định không chính xác địa chỉ.

Trong thời gian tới, tỉnh Long An tăng cường tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt các liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Campuchia.

* Từ đầu năm đến nay, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng và bàn giao 531 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách với tổng trị giá hơn 17,5 tỷ đồng; sửa chữa 125 căn nhà với tổng trị giá 780 triệu đồng từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.

Nguồn quỹ này đã nhận được sự đóng góp tích cực của các cá nhân, đơn vị, các doanh nghiệp, điển hình như Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam.

Tỉnh Đắk Nông thực hiện tốt phong trào nhận chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng. 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời.

Đa số các thương binh, bệnh binh đều cố gắng vươn lên cải thiện và ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ làm giàu chính đáng với phương châm “tàn nhưng không phế”. 

Hàng năm, tỉnh Đắk Nông có hơn 4.000 lượt người có công và thân nhân được chăm sóc sức khỏe, trong đó, tổ chức điều dưỡng tập trung tại các Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Định, Quảng Nam cho 380 lượt người và thực hiện điều dưỡng tại gia đình cho hơn 3.620 lượt người. 100% người có công với cách mạng đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Tỉnh Đắk Nông cũng đầu tư hàng chục tỷ đồng cải tạo, nâng cấp, mở rộng nghĩa trang liệt sỹ tỉnh, nghĩa trang liệt sỹ các huyện Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô; xây dựng Đài tưởng niệm liệt sỹ các huyện Đắk Song, Đắk Glong, Tuy Đức, Đắk Mil và nhà Bia ghi danh liệt sỹ ở các xã biên giới, xã căn cứ cách mạng.

Đắk Nông phấn đấu đến năm 2015 cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo đảm các gia đình người có công có mức sống tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cư dân ở địa phương.

Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, tiếp tục khẳng định công tác “đền ơn đáp nghĩa” không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước mà còn là nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội, góp phần chăm lo đời sống các gia đình thương binh, liệt sỹ còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

* Ngày 25-7, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức trao giải cuộc thi viết “Cảm nhận về Mẹ Việt Nam anh hùng Thành phố Hồ Chí Minh”.

Sau hơn một năm phát động, từ 8-3-2012 – 30-4-2013, cuộc thi viết về “Cảm nhận về Mẹ Việt Nam anh hùng Thành phố Hồ Chí Minh” đã nhận được 5.544 bài dự thi. Các bài viết đã thực sự truyền cảm xúc cho người đọc về sự hy sinh cao cả của những Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Đây là kho tư liệu quý phục vụ cho giáo dục truyền thống cách mạng của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. 40 tác giả có bài viết xuất sắc đã được chọn tham gia vòng thi thuyết trình.

Giải đặc biệt được trao cho tác giả Hà Yến Sang, trường Trung học phổ thông An Nhơn Tây; 2 giải nhất thuộc về Phạm Thị Thanh Nhung và Huỳnh Thanh Phú. Ban Tổ chức trao 1 giải nhì, 3 giải na, 10 giải khuyến khích và một số giải phụ khác.

* Tối 24-7, tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam phối hợp cùng Báo Quân đội nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty cổ phần Tập đoàn Truyền thông Quốc gia Việt Nam tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật "Mẹ đã có cả nước non”.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với các gia đình liệt sĩ được trao kết quả giám định ADN - Ảnh: TTXVN


Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện nhiều ban, ngành, đoàn thể Trung ương và Hà Nội; đại diện các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Mẹ liệt sỹ đã đến dự.

Chương trình nhằm tôn vinh, tri ân các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Mẹ liệt sỹ, những người đã phải gánh chịu nhiều mất mát, hy sinh để Tổ quốc hôm nay được sống trong hòa bình, hạnh phúc; biểu dương các tập thể, cá nhân đã có những đóng góp tích cực cùng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam trong hoạt động Đền ơn đáp nghĩa thời gian qua. Đây cũng là món quà thiết thực kính dâng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Mẹ liệt sỹ, thân nhân các anh hùng liệt sỹ, các thương, bệnh binh, người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 66 năm ngày thương binh liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2013).

Với hai nội dung chính: "Xứng danh Mẹ Việt Nam Anh hùng" và "Chúng con luôn bên Mẹ", thông qua các phóng sự và giao lưu trực tiếp, khán giả được nghe tâm sự của Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Toèn ở xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội, đang được Lữ đoàn Công binh 239 (Binh chủng Công binh) phụng dưỡng; Mẹ liệt sỹ Bùi Thị Ngon ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội có hai con trai là Nguyễn Như Ngọc và Nguyễn Kim Vàng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bên cạnh đó, khán giả cũng được gặp gỡ nữ họa sỹ Nguyễn Ái Việt - người đã dùng chiếc xe Chaly cũ đi khắp mọi miền đất nước, vẽ 1.122 bức chân dung Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Mẹ liệt sỹ...

Trong đêm giao lưu, khán giả cũng được thưởng thức một số ca khúc ngợi ca Mẹ Việt Nam Anh hùng, Mẹ liệt sỹ như: Huyền thoại Mẹ, Đất nước lời ru, Người mẹ của tôi...

Cũng trong dịp này, Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam đã trao kết quả giám định ADN xác định danh tính 30 liệt sỹ (đợt thứ 20) cho các gia đình thân nhân liệt sỹ; trao tặng 11 nhà tình nghĩa, 60 sổ tiết kiệm tình nghĩa, hàng trăm suất quà cho các gia đình liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Mẹ liệt sỹ ở các địa phương trong cả nước. Ban tổ chức cũng phát động chương trình nhắn tin ủng hộ Quỹ Tri ân liệt sỹ để xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ kinh phí giám định ADN xác định danh tính liệt sỹ.

Hiện cả nước còn 300.000 hài cốt liệt sỹ chưa được tìm thấy, 300.000 hài cốt liệt sỹ đã được quy tập vào các nghĩa trang liệt sỹ, nhưng chưa xác định được danh tính. Bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, gia đình các liệt sỹ, bước đầu thực hiện có hiệu quả việc giám định ADN cho các liệt sỹ theo nguyện vọng của gia đình. Đến nay, Hội đã 20 lần trao kết quả giám định ADN đúng, đem lại niềm vui cho hơn 300 gia đình liệt sỹ./.