Giải trình trách nhiệm phát hiện, xử lý tham nhũng
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dự phiên giải trình. Tham gia giải trình có lãnh đạo Thanh tra Chính phủ; Kiểm toán Nhà nước; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng một số bộ, ngành có liên quan.
Số vụ được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng
Báo cáo tại phiên giải trình, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực. Tham nhũng trên một số lĩnh vực từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn phức tạp với những biểu hiện tinh vi, diễn ra ở nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước như lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp.
Số liệu của Thanh tra Chính phủ cho thấy: Năm 2009, tổng giá trị tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng phát hiện được là trên 700 tỷ đồng, đã thu hồi 350,5 tỷ đồng. Năm 2010, tổng giá trị tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng phát hiện được 193,5 tỷ đồng, 516,8ha đất, đã thu hồi 56,4 tỷ đồng, 432,1ha đất. Năm 2011, các cơ quan chức năng đã thu hồi trên 300 tỷ đồng. Năm 2012, số tiền đã thu hồi trên 410 tỷ đồng.
Tổng Thanh tra Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng, chủ yếu ở cấp cơ sở và thường là đối tượng trực tiếp thực hiện. Số vụ việc tham nhũng phát hiện, xử lý qua kiểm tra, thanh tra còn ít. Quy mô các vụ tham nhũng ngày càng lớn, thể hiện ở số đối tượng có liên quan, lượng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Xu hướng liên kết, hình thành tổ chức phạm tội trong các khu vực, lĩnh vực kinh tế ngày càng tăng. Tính chất các vụ việc tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp.
Một trong những nguyên nhân của việc ít phát hiện được hành vi tham nhũng qua hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước được nêu ra do một số người đứng đầu đơn vị, địa phương chưa tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; chưa nêu gương về đạo đức lối sống, thiếu kiên quyết trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa nghiêm. Trách nhiệm giải trình của người có chức vụ, quyền hạn chưa rõ ràng. Việc công khai minh bạch ở đơn vị còn hình thức đối phó. Việc kiểm tra, tự kiểm tra để phát hiện hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thường xuyên, chưa thực sự ngăn ngừa có hiệu quả nạn tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Ngoài ra, chế tài xử lý chưa nghiêm, chưa đủ mạnh. Công tác nắm tình hình, đề xuất kiểm tra, thanh tra còn yếu. Năng lực, trình độ cán bộ thanh tra còn hạn chế. Đó cũng là những nguyên nhân của việc phát hiện tham nhũng qua hoạt động của ngành Thanh tra còn hạn chế, chưa tương xứng với thực trạng vi phạm, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm trong thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn thấp.
Trong hoạt động, Thanh tra Chính phủ tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luật, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra. Nếu như 4 năm trước (từ 2008 - 2011), kết quả thu hồi, xử lý sau thanh tra đạt thấp (chỉ khoảng trên 30%), đến năm 2012, kết quả đạt cao hơn, thu hồi và xử lý về tiền đạt 52,48%, đã thu hồi đất đạt 83,17%. Tuy nhiên, việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định về thanh tra còn hạn chế. Nguyên nhân do thiếu cơ chế xử lý sau thanh tra, trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra của cơ quan chủ quản còn hạn chế. Một số kết luận thanh tra chưa bảo đảm được tính thực tế và tính khả thi, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra
Trước băn khoăn của các đại biểu về những sai phạm được phát hiện qua thanh tra nhiều những phần lớn là xử lý vi phạm hành chính, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, trong quá trình hoạt động, hằng năm, toàn ngành thanh tra thực hiện trên 10 ngàn cuộc thanh tra. Trong thanh tra, ngành đề ra các mục tiêu cụ thể: đánh giá kết quả của đơn vị, địa phương; phát hiện để chấn chỉnh những sơ hở bất cập; phát hiện lỗ hổng của cơ chế chính sách để kiến nghị và cuối cùng là phát hiện, xử lý vi phạm và kiến nghị.
Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh công tác thanh tra hướng tới nhiều mục tiêu, nội dung chứ không riêng chỉ phát hiện và xử lý vi phạm. Ngành thanh tra đã chỉ đạo trong hoạt động thanh tra phải quan tâm phát hiện xử lý hành vi tham nhũng, đồng thời phát hiện sai phạm đến đâu sẽ chuyển xử lý đến đó không chờ kết luận thanh tra.
Lý giải câu hỏi của các đại biểu về việc ít phát hiện được hành vi tham nhũng qua hoạt động của các cơ quan hành chính, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nêu nguyên nhân do đối tượng tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn có trình độ, thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi vi phạm. Nhiều trường hợp rất khó phát hiện, khó chứng minh động cơ “vụ lợi” trong việc cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực thi nhiệm vụ còn chưa tốt. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ ngành còn hạn chế...
Tổng Thanh tra cho rằng thẩm quyền của cơ quan thanh tra còn hạn chế. Việc thanh tra chỉ có quyền phát hiện, kiểm tra làm rõ và kiến nghị, pháp luật quy định thanh tra không có có quyền xử lý và khởi tố cũng là một trong những nguyên nhân của thực tế này.
Đề cập công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong nội bộ cơ quan thanh tra, Tổng thanh tra cho biết để thực hiện tốt công tác, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quy chế hoạt động của Đoàn Thanh tra, Quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra, Quy chế giám sát, kiểm tra hoạt động thanh tra... Việc thực hiện các văn bản này được triển khai nghiêm túc trong toàn ngành. Các cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật nói chung và hành vi tham nhũng đã bị xử lý nghiêm. Từ năm 2009, ngành đến nay đã xử lý 11 trường hợp vi phạm.
Về vấn đề này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn nhìn nhận có hiện tượng này trong ngành kiểm toán do còn một số cán bộ chưa làm hết chức trách nhiệm vụ, đạo đức nghề nghiệp chưa cao. Ông cho biết lãnh đạo ngành rất quan tâm tới công tác này, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và thực hiện rà soát lại các quy chế về quản lý cán bộ, nâng cao đạo đức cán bộ.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết từ năm 2009 - 2012, với chức năng là cơ quan chuyên môn kiểm tra về lĩnh vực tài chính, cơ quan Kiểm toán Nhà nước ý thức rõ được trách nhiệm của ngành trong phòng, chống tham nhũng, trong đó xác định trước hết là phòng ngừa để không xảy ra hành vi tham nhũng. Qua kiểm toán, 579 đầu mối đã phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý điều hành, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Tổng số tiền kiến nghị xử lý tài chính là 68.339 tỷ đồng. Kết quả này đã góp phần phòng ngừa không để hành vi sai phạm xảy ra.
Đánh giá việc chuyển các vụ việc phát hiện qua kiểm toán sang cơ quan điều tra còn ít, ông Nguyễn Hữu Vạn cho rằng do tính chất hoạt động và nghiệp vụ của kiểm toán nên có sự hạn chế trong việc phát hiện hành vi tham nhũng. Qua kiểm toán để phát hiện hành vi sai phạm đúng với bản chất của nó là rất khó - ông Vạn nhấn mạnh. Tổng kiểm toán cũng cho rằng, trình độ đội ngũ cán bộ không đồng đều dẫn đến chất lượng kiểm toán còn chưa như mong muốn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới số vụ việc chuyển sang cơ quan điều tra còn hạn chế.
Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tình hình tham nhũng hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực. Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng mặc dù đã được quan tâm nhưng theo Phó Thủ tướng công tác này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; công tác phát hiện còn nhiều hạn chế.
Để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tất cả các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị cần có quyết tâm chính trị cao, trong đó cần chú trọng đề cao trách nhiệm cá nhân và tăng cường tính minh bạch; chú trọng công tác phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng.
Các bộ, ngành địa phương phải khắc phục kẽ hở từ cơ chế xin-cho; quan tâm hơn tới công tác cán bộ, quản lý ngân sách nhà nước, công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị mình. Đồng thời tăng cường sự giám sát đối với các cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung và trong việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng nói riêng./.
Tây Nam Bộ triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm  (18/07/2013)
Hơn 90% các vụ sát hại nhà báo trên thế giới bị bỏ qua  (18/07/2013)
Báo Lào viết về mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam  (18/07/2013)
Thêm nhiều tỉnh công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm  (18/07/2013)
Báo chí phải phản ánh trung thực nội dung phát ngôn  (18/07/2013)
Việt Nam - Italy sẽ đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng  (18/07/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay