Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 08-7 đến ngày 14-7-2013)
1. Hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt Nam - Lào trên thực địa.
Việc khánh thành cột mốc đại 460 tại cửa khẩu Thanh Thủy - Nậm On đã đánh dấu việc hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào trên thực địa. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh biên giới, xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới nói riêng và sự phát triển của hai nước nói chung. Việc hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo mốc biên giới Việt Nam - Lào trên thực địa cũng thể hiện sự tin cậy, hiểu biết và nhất trí cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
2. Kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh - giải phóng Hướng Hóa
Ngày 09-7, “Quỹ hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” Quảng Trị phối hợp với Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Trị đã tổ chức Lễ dâng hương và tặng quà cho các đối tượng chính sách tại Tượng đài hoài niệm, thị xã Quảng Trị nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh - giải phóng Hướng Hóa và Ngày Thương binh, Liệt sỹ (27-7-1947 ¬- 27-7-2013).
Đại diện lãnh đạo, các cựu chiến binh, thân nhân các gia đình có công, các học sinh, đoàn viên, thanh niên và đông đảo người dân thị xã Quảng Trị thay mặt cho người dân cả nước thắp những nén hương thơm tại Tượng đài hoài niệm để tri ân các anh hùng liệt sỹ. Nhân dịp này, Ban tổ chức đã tặng 50 suất quà cho các thương bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, con em các gia đình thương binh, liệt sỹ,.. 10 suất quà cho Quỹ hoài niệm của Hội chiến sỹ Thành Cổ; 3 phần quà của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bao gồm sách giáo khoa và dụng cụ học tập cho các trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị, trường Tiểu học Trần Quốc Toản của thị xã Quảng Trị và Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Trị.
3. Kết thúc đợt II kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013
Ngày 10-7, hơn 600.000 thí sinh đã thi xong môn cuối cùng của đợt II kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013. Đợt II có 125 trường đại học tổ chức thi với 1.050 điểm thi, 24.407 phòng thi. Số thí sinh đăng kí dự thi trong đợt này là 829.941, số thí sinh dự thi là 648.102. Tỷ lệ thí sinh dự thi/số đăng kí dự thi: 78.09%. Đợt II này, tổng số cán bộ tham gia công tác tuyển sinh là 72.164 người. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thi, đợt thi thứ II, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy năm 2013 đã diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc và đúng Quy chế. Đây là đợt thi có nhiều khối thi, nhiều môn thi với các khối B, C, D và khối năng khiếu. Đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; không có sai sót. Theo đánh giá chung, đề thi các môn thi đại học đợt II khối B, C và D có nội dung nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu là lớp 12, đề thi có tính phân loại cao, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tuyển chọn. Các Hội đồng tuyển sinh thực hiện nghiêm túc quy định của Quy chế thi tuyển sinh; không khí trường thi trật tự, an toàn. Các vi phạm Quy chế tuyển sinh được phát hiện, xử lý nghiêm túc, kịp thời. Trong 3 buổi thi của đợt II, trên phạm vi cả nước, có 199 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách: 43; cảnh cáo: 13; đình chỉ: 143), số bị đình chỉ thi chủ yếu do mang điện thoại di động và tài liệu trái phép vào phòng thi; có 03 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó 02 khiển trách, 01 bị đình chỉ.
4. Kỳ họp thứ 20 Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI
Từ ngày 02 đến ngày 11-7-2013, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI đã họp kỳ thứ 20. Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thống nhất kết luận và giải quyết việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đối với Ban Thường vụ và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy các tỉnh: Bắc Kạn, Bắc Giang, Nam Định, Hà Tĩnh, Đăk Lăk, Long An và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; kết quả kiểm tra tài chính đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, Nghệ An; xem xét, kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng; xem xét, quyết định và đề nghị thi hành kỷ luật đối với các đảng viên vi phạm; giải quyết tố cáo đối với các đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với các đảng viên. Trong Kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã thảo luận, quyết định ban hành hoặc lấy thêm ý kiến để ban hành một số văn bản nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng.
5. Phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII
Từ ngày 10 đến ngày 12-7-2013, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 19 tại Hà Nội. Tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII; cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau của 3 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, gồm Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 228/1999/NQ-UBTVQH10 về việc đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân và Nghị quyết số 649/2008/NQ-UBTVQH12 về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 01-10-2003 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội; đồng thời, thông qua Nghị quyết về việc thành lập mới, điều chỉnh và bổ sung tên gọi một số đơn vị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
6. Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Kông năm 2013
Ngày 12-7, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Kông năm 2013 nhằm đánh giá quá trình hoạt động của Việt Nam trong nỗ lực tăng cường hợp tác về quản lý và phát triển bền vững nguồn nước. Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, năm qua, hợp tác Mê Kông - Việt Nam đối với khu vực và quốc tế tiếp tục được củng cố, tăng cường và mở rộng. Nhiều sự kiện quốc tế quan trọng liên quan đến môi trường nước được tổ chức tại Việt Nam như: Hội thảo các nước Á - Âu về quản lý nước và lưu vực sông - cách tiếp cận tăng trưởng xanh và Lễ kỷ niệm Ngày nước Thế giới; Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai về nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Cuộc họp nhóm công tác Hạ nguồn sông Mê Kông,… Qua đó, thể hiện quyết tâm cao của Việt Nam cũng như các nước trong việc tăng cường hợp tác về quản lý và phát triển bền vững nguồn nước trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì tình hình hợp tác Mê kông cũng đang đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt là sự gia tăng nhanh chóng của việc sử dụng nước trong lưu vực đã và đang tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực lên môi trường cần được giải quyết triệt để. Vì vậy, trong thời gian tới, các đại biểu đưa ra ý kiến: cần tăng cường hợp tác giữa các quốc gia ở vùng thượng lưu, đặc biệt thúc đẩy triển khai nghiên cứu của Ủy hội về quản lý và phát triển bền vững sông Mê Kông, tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mê Kông quốc tế lần thứ 2 tại Việt Nam vào tháng 4-2014.
7. Chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ X
Ngày 13-7, tại Hà Nội, đã diễn ra Chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ X với chủ đề “Vượt khó đi lên”. Chương trình “Vinh quang Việt Nam” năm nay tôn vinh 26 tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội, quốc phòng, an ninh. Những tấm gương đều thể hiện sự nỗ lực vượt khó vươn lên trong thời kỳ kinh tế thế giới và trong nước đang gặp khó khăn, để đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế đất nước và an sinh xã hội. Sau 9 lần tổ chức, Chương trình “Vinh quang Việt Nam” đã tôn vinh hơn 100 tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhiều tấm gương điển hình sau khi được tôn vinh đã và đang tiếp tục có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
8. Chương trình Trại hè Việt Nam 2013
Ngày 14-7, Chương trình Trại hè Việt Nam 2013 với chủ đề “10 năm tiếng gọi cội nguồn” đã được khai mạc tại trung tâm thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang. Chương trình Trại hè 2013 sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 30-7-2013 tại 9 tỉnh, thành ở cả 3 miền đất nước, với nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cội nguồn như dâng hương tại Đền Hùng (Phú Thọ), viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dự lễ tưởng niệm anh linh các liệt sỹ và đồng bào tử nạn tại Hà Giang và thành phố Hồ Chí Minh. Đến với Hà Giang, các thành viên của Trại hè 2013 được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cuội nguồn như: Lễ thắp nến tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vị Xuyên; Giao lưu văn nghệ, lửa trại cùng với đoàn viên thanh niên tỉnh Hà Giang; thăm Cửa khẩu Quốc gia Thanh Thủy và cột mốc biên giới,… Chương trình Trại hè Việt Nam 2013 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức, đến nay đã được 10 năm, nhằm tạo điều kiện cho thế hệ trẻ kiều bào ở khắp nơi trên thế giới về nước tìm hiểu truyền thống, văn hóa, lịch sử của dân tộc và giao lưu tăng cường đoàn kết. Nội dung quan trọng của trại hè năm nay nhằm giúp thanh niên kiều bào đang sinh sống và học tập tại nước ngoài, có điều kiện tiếp cận và hiểu biết sâu sắc hơn về cội nguồn văn hóa của các dân tộc Việt Nam, qua đó nâng cao lòng tri ân công đức với tổ tiên, gắn bó với quê hương, đất nước./.
Quyết sách của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long  (16/07/2013)
Quyết sách của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long  (16/07/2013)
Lữ đoàn Công binh 414 - Quân khu 4 đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (16/07/2013)
Lữ đoàn Công binh 414 - Quân khu 4 đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (16/07/2013)
Tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Sri Lanka  (15/07/2013)
Nhật Bản luôn dành hỗ trợ ưu tiên tối đa cho Việt Nam  (15/07/2013)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên