TCCSĐT - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 19, ngày 11-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của các dự án luật và chấp thuận điều chỉnh tổ chức Viện Kiểm sát.


Xử lý tận gốc tình trạng thông thầu, đội giá

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu báo cáo 9 vấn đề lớn của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) về phạm vi điều chỉnh; liên danh dự thầu; chỉ định thầu; phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu; việc thực hiện đấu thầu thông qua cơ quan độc lập chuyên nghiệp; các hành vi bị cấm và hình thức xử lý; hình thức giá hợp đồng theo tỷ lệ phần trăm; cơ chế trọng tài giải quyết kiến nghị trong đấu thầu; cơ chế kiểm tra của cơ quan quản lý hoạt động đấu thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu đối với những gói thầu lớn.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần khẳng định được những thay đổi căn bản so với Luật hiện hành nhằm tập trung khắc phục, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong hoạt động đấu thầu hiện nay. Cụ thể như ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, nhiều dự án đầu tư (nhất là dự án sử dụng vốn Nhà nước) bị kéo dài tiến độ, trong đó có nguyên nhân do lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực; bỏ thầu thấp để trúng thầu rồi kéo dài thời gian thi công để đợi tăng giá, không chấp hành tốt những ký kết ban đầu, dẫn tới những kết quả đấu thầu hầu như không có ý nghĩa về mặt thực tế; bán thầu; đưa ra hợp đồng đấu thầu thiên về giá mà không chú trọng yếu tố kỹ thuật...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng không đồng tình với tình trạng thường xuyên điều chỉnh giá, dây dưa, kéo dài tiến độ, đội giá và những tiêu cực do thông thầu. Vấn đề đáng quan tâm là có tiêu cực nhưng không xử lý được vì vẫn “đúng luật.”

Chủ tịch nhấn mạnh cốt lõi của thực hành tiết kiệm, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chính là ở những vấn đề này. Dự thảo Luật cần chứng minh được những điểm hơn so với Luật hiện hành, nhằm giải quyết, xử lý được tình trạng thông thầu, tiêu cực trong đấu thầu; đảm bảo tính nghiêm túc, khả thi, hiệu quả của Luật trong thực tế.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành không quy định về quy mô vốn nhà nước trong các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước theo mức tuyệt đối bằng tiền (500 tỷ đồng) mà quy định mức 30% vốn nhà nước trở lên trong tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc đối với các dự án có vốn đầu tư lớn. Nhiều ý kiến cũng tán thành việc không quy định đấu thầu đối với dự án sử dụng vốn ODA trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhưng đối với dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (FDI) của doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước cần quy định nguyên tắc việc áp dụng đấu thầu trong Luật.

Riêng về đấu thầu trong hoạt động mua thuốc chữa bệnh, một số ý kiến đề nghị trong điều kiện chưa ban hành được luật riêng cũng cần có một chương riêng quy định về vấn đề này bởi giá thuốc hiện chiếm tỷ lệ ngân sách rất lớn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, dự thảo Luật cần quan tâm đầy đủ đến vấn đề quản lý đấu thầu và quản lý nhà nước về giá thuốc. Hiện, chi phí thuốc chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí điều trị (trên 60%). Nếu có cơ chế quản lý tốt, đấu thầu tốt, con số này có thể giảm xuống.

Bà Trương Thị Mai cho rằng trong tình trạng “muôn hình vạn trạng” về đấu thầu thuốc hiện nay, phải đảm bảo để người dân có thể yên tâm, tin cậy về giá thuốc.

Mở rộng hơn quy định về công khai, minh bạch trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành những vấn lớn thống nhất tiếp thu trong dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) về tính kế thừa, tính cụ thể của dự thảo Luật; các cơ chế công khai, minh bạch, giám sát, phát hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quy định các lĩnh vực phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức, tiêu chuẩn, chế độ...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng nêu rõ 4 vấn đề hiện còn ý kiến khác nhau, bao gồm: Phạm vi điều chỉnh; trách nhiệm do ban hành chính sách gây lãng phí; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và điều khoản thi hành.

Thảo luận về những nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu thêm để hoàn chỉnh những quy định về vấn đề xử lý hành vi gây lãng phí; công khai, minh bạch, giám sát, phát hiện... để đảm bảo tính khả thi của Luật; ngăn chặn, đẩy lùi được lãng phí; cơ chế giải quyết những phản ánh, kiến nghị của người dân, của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, báo chí...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) cần quy định như thế nào nhằm khắc phục tình trạng không xử lý được những vi phạm trong lãng phí công như quy hoạch treo, bỏ hoang đất... mà gắn liền là tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó là vai trò của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội đối với vấn đề lãng phí trong xã hội như việc tổ chức lễ hội tràn lan với những hệ lụy như đánh bạc, buôn thần, bán thánh; lãng phí trong việc hiếu, việc hỉ...

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, nội dung của Luật sửa đổi tập trung vào xác định các lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí, hành vi lãng phí và xử lý hành vi lãng phí, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu. Vấn đề khó nhất đặt ra hiện nay là lượng hóa mức độ lãng phí; tổ chức thực hiện Luật với quan điểm đã phát hiện lãng phí, phải xử lý đến cùng; dựa vào tiêu chuẩn, định mức làm căn cứ xem xét, đánh giá.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và nhiều đại biểu, vấn đề cơ chế công khai, minh bạch, giám sát, phát hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những trọng điểm quan trọng, nên mở rộng thêm, trừ những lĩnh vực bí mật để Luật có hiệu lực mạnh hơn.

Liên quan đến quy định các lĩnh vực phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhiều ý kiến cho rằng trong một số hoạt động huy động, sử dụng nguồn lực lớn của cộng đồng, cần phải công khai mục đích, mức độ quyên góp, sử dụng, không thể chỉ quy định mang tính chất khuyến khích, động viên.

Bà Trương Thị Mai cũng đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cần làm rõ, cụ thể hơn chế tài về trách nhiệm người đứng đầu. Nhiều ý kiến cũng cho rằng tiết kiệm, chống lãng phí trong xã hội cần gắn chặt hơn với trách nhiệm cấp ủy, chính quyền địa phương...

Quy định cơ chế chính sách từng lực lượng phòng cháy chữa cháy phù hợp thực tế 

Theo Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, phạm vi sửa đổi, bổ sung và tên gọi của Luật; tổ chức lực lượng phòng cháy chữa cháy; tính chất vũ trang của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy; chính sách hỗ trợ đối với lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở hiện là 4 vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy.

Thảo luận về tính chất vũ trang của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước tán thành với quan điểm của Ủy ban Quốc phòng - An ninh, xác định lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy là một bộ phận của lực lượng vũ trang nhân dân đã được khẳng định tại điều 47 Luật Phòng cháy chữa cháy hiện hành và được quy định tại các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Công an nhân dân.

Theo đó, tính chất hoạt động vũ trang, chiến đấu của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy có tính đặc thù, được đào tạo và giác ngộ chính trị khác với lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên ngành khác. Ngoài ra, lực lượng này còn thường xuyên được huy động thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, đột xuất khác để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Liên quan đến vấn đề tổ chức lực lượng phòng cháy chữa cháy, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, việc quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của lực lượng phòng cháy chữa cháy như quy định trong Luật hiện hành chưa phù hợp tình hình phát triển của đất nước hiện nay; nhất là trong điều kiện các khu đô thị, khu chung cư phát triển và được xây dựng xen kẽ nên khó áp dụng trong thực tiễn khi xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở.

Quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế chính sách giữa lực lượng dân phòng với lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở cần phải được quy định cụ thể trong luật để bảo đảm tính khả thi và nâng cao hiệu quả hoạt động, khắc phục những yếu kém hiện nay. Do vậy, đề nghị quy định rõ yêu cầu xây dựng, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế chính sách đối với từng lực lượng phòng cháy chữa cháy phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành quy định chính sách hỗ trợ thường xuyên cho các đối tượng là đội trưởng, đội phó đội dân phòng và phòng cháy chữa cháy cơ sở, bổ sung quy định người dân tham gia chữa cháy trực tiếp được hưởng chế độ hỗ trợ như các lực lượng phòng cháy chữa cháy khác.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận điều chỉnh tổ chức Viện Kiểm sát

Chiều 11-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị phê chuẩn Quyết định việc thành lập mới, điều chỉnh, bổ sung tên gọi một số đơn vị thuộc bộ máy làm việc của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và một số vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy.

Theo Tờ trình, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị thành lập mới hai đơn vị gồm Vụ Thi đua - Khen thưởng và Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đồng thời, điều chỉnh tên gọi từ "Vụ" thành "Viện" đối với các đơn vị Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp về hình sự; điều chỉnh tên gọi của Viện Khoa học kiểm sát thành Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học; Vụ Kế hoạch - Tài chính thành Cục Tài chính - Hậu cần; bổ sung tên gọi Cục Điều tra Viện kiểm sát Nhân dân tối cao thành Cục Điều tra (Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao).

Thẩm tra Tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị, trong thời điểm Quốc hội đang nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Hiến pháp, Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự cũng sẽ được trình Quốc hội trong thời gian tới, cần cân nhắc thận trọng khi thay đổi về tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp để đảm bảo tính đồng bộ trong việc thực hiện các yêu cầu cải cách tư pháp.

Mặt khác, việc điều chỉnh tên, thay đổi chức năng nhiệm vụ của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phải đảm bảo không được trái với các quy định hiện hành của các luật liên quan. Việc thay đổi tổ chức bộ máy Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng sẽ liên quan đến việc tăng biên chế nên khi xem xét các nội dung cụ thể của Tờ trình, cần chú ý đảm bảo yêu cầu này.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc thành lập mới Vụ Thi đua Khen thưởng và Đại học Kiểm sát Hà Nội (thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) và bổ sung tên gọi Cục Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao thành Cục Điều tra (Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao). Các vấn đề khác sẽ được xem xét, quyết định sau./.