TCCSĐT - Ngày 11-7-2013, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2013 và phát động phong trào thi đua “365 ngày lập thành tích kỷ niệm 20 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước” (11-7-1994 – 11-7-2014), tập trung vào hai nội dung chính là: Những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2013 và những nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu cho 6 tháng cuối năm.

Kết quả thực hiện kế hoạch công tác 6 tháng đầu năm 2013

 

Xây dựng các văn bản về tổ chức và hoạt động Kiểm toán Nhà nước

 

Trong 6 tháng đầu năm 2013, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã đẩy mạnh cải cách hành chính và thủ tục hành chính trong mọi hoạt động của ngành; rà soát toàn bộ các quy định hiện hành về tổ chức và hoạt động của KTNN để sửa đổi và bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Kết quả đạt được như sau: Tổng KTNN đã ký Quyết định sửa đổi, bổ sung 04 quy trình kiểm toán; 9 đề cương, hướng dẫn; một số văn bản khác đã được ban hành tạo cơ sở cho chính quy hóa, chuyên nghiệp hóa tổ chức và hoạt động của KTNN, trong đó có 1 số văn bản quan trọng đã được ban hành như Quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước; quy định bổ nhiệm hàm cấp vụ, cấp phòng của KTNN…; các đơn vị trực thuộc KTNN đã triển khai xây dựng Quy chế làm việc của đơn vị phù hợp với Quy chế làm việc của KTNN.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành là đề xuất bổ sung địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đạt được sự đồng thuận cao. Bên cạnh đó, KTNN đã xây dựng Kế hoạch về việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và tổ chức nghiêm túc lấy ý kiến của công chức, viên chức và người lao động vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; công tác tổng kết 5 năm thi hành Luật Kiểm toán Nhà nước và hiện nay Ban soạn thảo đang tập trung vào các nội dung đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước theo kế hoạch.

 

KTNN cũng đã tổ chức tổng kết triển khai Thỏa thuận hợp tác truyền thông giữa KTNN và Thông tấn xã Việt Nam; ký Quy chế phối hợp công tác trong hoạt động kiểm toán với HĐND, UBND 10 tỉnh, thành trong cả nước.

 

Tuy nhiên, do một số văn bản hoàn thành trong thời gian quá gấp nên chất lượng chưa thực sự đầy đủ; việc tập huấn, phổ biến các quy trình, đề cương hồ sơ kiểm toán, chuẩn mực kiểm toán chưa thực sự hiệu quả; còn 11/30 đơn vị trực thuộc KTNN vẫn chưa kịp thời sửa đổi Quy chế làm việc.

 

Công tác kiểm toán và chất lượng kiểm toán:

 

Kế hoạch kiểm toán năm 2013 được xây dựng với 143 đầu mối kiểm toán, giảm 18 đầu mối nhưng tăng về quy mô so với năm 2012. Tính đến ngày 30-6-2013, toàn ngành đã triển khai 75/143 cuộc kiểm toán, đạt 52%, kết thúc 52 cuộc kiểm toán, xét duyệt 34 dự thảo báo cáo kiểm toán, phát hành 5 báo cáo kiểm toán. Tổng hợp kết quả xử lý tài chính của 5 cuộc kiểm toán đã có báo cáo phát hành là 83,3 tỷ đồng. Nhìn chung, các đoàn kiểm toán đều thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch, góp phần xử lý kịp thời những vướng mắc, chỉ đạo thực hiện đúng mục tiêu kiểm toán, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm nghiêm trọng Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN.

 

Trong Quý I năm 2013, KTNN đã tổ chức họp báo công bố về Kế hoạch kiểm toán năm 2013. Việc công khai kế hoạch kiểm toán, kết quả kiểm toán đã cung cấp đầy đủ thông tin kiểm toán cho các cơ quan chức năng có liên quan được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chính xác. Sáu tháng đầu năm 2013 đã trả lời 55 văn bản kiến nghị của các đơn vị được kiểm toán, bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động kiểm toán. Đã tập trung hoàn thành và phát hành báo cáo kiểm toán chất lượng của 15 cuộc kiểm toán năm 2012 và xây dựng chương trình kiểm soát chất lượng năm 2013 đối với 21 cuộc kiểm toán, đến nay đã thực hiện kiểm soát đối với 1 cuộc kiểm toán.

 

Hoạt động quan hệ và hợp tác quốc tế của KTNN trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện đúng kế hoạch: Phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị Tài trợ năm 2013 để kêu gọi nguồn lực hỗ trợ cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện kế hoạch hành động; Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý chủ trương hỗ trợ khoảng 4 triệu ơ-rô cho Dự án Tăng cường năng lực thực hiện Kế hoạch hành động phát triển KTNN, dự kiến từ năm 2014 đến năm 2018.

 

Qua đánh giá toàn diện công tác kiểm toán, nổi lên một số tồn tại như: Chưa tiến hành được việc kiểm toán đánh giá chất lượng một số công trình, dự án trọng điểm theo định hướng kiểm toán năm 2013. Công tác khảo sát, thu thập và phân tích thông tin để lập kế hoạch kiểm toán của một số cuộc kiểm toán vẫn chưa được chú trọng đúng mức, dẫn đến một số sai sót về số liệu hay còn bỏ sót những thông tin quan trọng…

 

Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm

 

- Các Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và khu vực tập trung phát hành nhanh các báo cáo kiểm toán đợt I năm 2013; triển khai các cuộc kiểm toán đợt II, đợt III theo kế hoạch tổng thể đã được duyệt, dự kiến kết thúc kiểm toán trước ngày 30-11-2013 và phát hành toàn bộ báo cáo kiểm toán trước ngày 31-1-2014. Nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch kiểm toán, xác định mức độ của các loại rủi ro và trọng yếu sát với thực tế.

 

- Các đơn vị được giao chủ trì các cuộc kiểm toán chuyên đề chủ động kiểm soát bảo đảm mục tiêu, nội dung kiểm toán đã được duyệt, tổng hợp kết quả kiểm toán, kịp thời báo cáo, đề xuất giải pháp khắc phục vướng mắc, tồn tại để bảo đảm chất lượng kiểm toán, lưu ý chuyên đề kiểm toán vốn trái phiếu 2010 - 2012 theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

- Phát động phong tào thi đua “365 ngày lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày thành lập KTNN” với tiêu chí cụ thể nhằm khơi dậy lòng yêu ngành nghề và tự trọng nghề nghiệp. Ban chỉ đạo Lễ kỷ niệm và các tiểu ban giúp việc khẩn trương xây dựng Kế hoạch tổng thể trình Lãnh đạo KTNN phê duyệt và ban hành trong tháng 7-2013.

 

- Tất cả các lĩnh vực, các đơn vị có liên quan khởi động lập kế hoạch công tác năm 2014, tập trung đánh giá kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, dự đoán kết quả thực hiện 6 tháng cuối năm để xác định kế hoạch cho năm 2014, chú ý tập trung lập kế hoạch kiểm toán, lập dự toán ngân sách, kế hoạch đối ngoại, kế hoạch đào tạo, một số lĩnh vực phải tiến hành sơ kết như công tác đối ngoại, thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán, tổ chức và đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Tập trung kiểm toán chi tiêu đầu tư công, như: mua sắm tài sản, sửa chữa lớn, đánh giá việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách. Mục tiêu, nội dung kiểm toán cần hướng tới việc cung cấp những thông tin hữu hiệu phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính phủ, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và HĐND các cấp để nâng cao hiệu lực của kiến nghị kiểm toán./.