Năng lượng sẽ quyết định quyền lực trong trật tự thế giới mới
Nhiều nhà phân tích cho rằng, trong trật tự thế giới mới mà năng lượng ở vị trí trung tâm, giá dầu sẽ chi phối cuộc sống của chúng ta và quyền lực sẽ thuộc về những người kiểm soát quá trình phân phối năng lượng trên toàn cầu.
Bức tranh chung...
Giá dầu mỏ thế giới liên tục phá kỷ lục và lên đỉnh điểm 117 USD/thùng vào cuối phiên giao dịch ngày 18-4, kéo theo giá xăng, dầu trên toàn thế giới tăng chóng mặt, khiến nhiều lái xe hoạt động độc lập buộc phải nghỉ việc; ba hãng hàng không giá rẻ trên thế giới cũng phải ngừng hoạt động trong vài tuần qua. Các đại gia chế tạo ô tô quốc tế đang phải thay đổi chiến lược để bước vào một cuộc cạnh tranh mới, ưu tiên chế tạo các loại xe kích cỡ nhỏ hơn để tiêu tốn ít nhiên liệu hơn. Theo mạng tin “Asia Times”, những thông tin trên báo hiệu một sự thay đổi của thế giới khi nguồn cung năng lượng ngày càng giảm và cuộc chiến cạnh tranh trên toàn cầu ngày càng khốc liệt.
Các số liệu thống kê của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, tiêu thụ năng lượng toàn cầu đã tăng chưa từng thấy với mức tăng 47% trong 20 năm qua, do một nhóm các nước thuộc thế giới thứ ba trước đây như Trung Quốc, Ấn Độ đã tham gia “câu lạc bộ” tiêu thụ nhiều năng lượng. Thế giới đang phải đối mặt với một thực tế đáng ngại, đó là nguồn cung năng lượng trên toàn cầu giảm sút, không đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu trong khi nhu cầu lại tăng vọt.
Các nhà phân tích chính trị thế giới nhấn mạnh, thực tế này tạo điều kiện hình thành trật tự thế giới mới, đặc biệt thể hiện qua cuộc chiến cạnh tranh gay gắt, để giành lấy những nguồn dầu mỏ, khí đốt, than và u-ra-ni đang ngày càng một cạn kiệt.
Năng lượng từng có những thời kỳ dư thừa và tạo điều kiện cho kinh tế toàn cầu tăng trưởng suốt sáu thập kỷ qua, giờ đây trở thành thứ vũ khí quyết định quyền lực trong trật tự thế giới mới. Cơ cấu quyền và tài chính đang chuyển dịch từ các nước thiếu năng lượng như Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ sang các nước dư thừa năng lượng như Nga, A-rập Xê-út và Vê-nê-xu-ê-la... Trong quá trình này, người tiêu dùng nghèo và trung lưu ở các nước thiếu năng lượng sẽ gánh chịu nặng nề nhất. Một cuộc chiến cạnh tranh dữ dội giữa các cường quốc kinh tế cũ và mới cũng sẽ xảy ra để tìm kiếm các nguồn cung cấp năng lượng. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sẽ tỷ lệ thuận với mức sử dụng năng lượng của các nước đang phát triển. Vào năm 2010, mức tiêu thụ năng lượng của các nước đang phát triển dự kiến sẽ chiếm 40% tổng mức năng lượng tiêu thụ của thế giới. Tỷ lệ này sẽ lên tới 47% vào năm 2030. Các cường quốc kinh tế đang nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ sẽ phải cạnh tranh với các cường quốc kinh tế cũ, giành quyền tiếp cận các nguồn dự trữ năng lượng còn lại.
Phát biểu bên lề Hội nghị năng lượng quốc tế tại thủ đô Rô-ma (I-ta-li-a), ngày 20-4 vừa qua, Tổng Thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Áp-đu-la En An Ba-đri (Abdullah el al-Badri) nói rằng, giá dầu thế giới sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới và OPEC sẵn sàng tăng sản lượng nếu thấy áp lực lên giá dầu đúng là do thiếu cung. Ông cũng cho rằng, biến động giá dầu- một vấn đề được cả thế giới quan tâm, không hoàn toàn do cung - cầu gây ra, mà liên quan tới các mối lo ngại cung - cầu ở Mỹ và các nước khác, cùng với việc USD giảm giá đã hỗ trợ giá dầu trên thị trường thế giới, thậm chí việc giá xăng bán lẻ leo lên mức cao kỷ lục mới tại Mỹ đang khiến nhu cầu giảm sút. Ông cũng cho biết OPEC không chần chừ trong việc nâng sản lượng, nhưng sản lượng chỉ là một trong nhiều nhân tố khiến dầu mỏ tăng giá, vì việc giá dầu tăng cao đến đâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình chính trị, thiên tai và hoạt động đầu cơ trên thị trường.
Sẵn sàng vào cuộc
Nhằm tạo thế chủ động trong cuộc cạnh tranh về nguồn cung năng lượng ngày một quyết liệt, nhiều quốc gia và tổ chức lớn trên thế giới đã và đang hoạch định những chính sách khả thi.
Tại Nga: Quốc gia sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới này, đang thiết lập những mối liên kết với các nước sản xuất khí đốt khác, cũng như gia tăng vai trò điều phối của mình. Trong quan hệ với Li-bi (một trong những nước sản xuất dầu khí lớn và có tiềm năng lớn nhất Bắc Phi), Tổng Giám đốc Tập đoàn khí đốt quốc gia Gazprom của Nga khẳng định, Gazprom đã tiến thêm một bước quan trọng trong việc đẩy mạnh quyền cung ứng khí đốt tự nhiên cho thị trường châu Âu thông qua việc ký kết thành lập một liên doanh với Li-bi đối tác chiến lược của Nga. Kéo theo đó là các hợp đồng lớn đã được thỏa thuận và ký kết như, thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt trị giá nhiều tỉ USD chạy từ Ni-giê-ri-a qua sa mạc Xa-ha-ra đến châu Phi; Gazprom còn ký thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Dầu khí quốc gia Li-bi về khai thác, sản xuất vận chuyển và bán dầu khí.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Li-bi của Tổng thống Nga Pu-tin, Nga đã thể hiện quyết tâm tăng cường ảnh hưởng của mình tại Bắc Phi và ráo riết tìm cách đạt được các thỏa thuận hợp tác với các công ty dầu khí lớn, thường là các công ty nhà nước trên toàn cầu. Tổng thống Nga đã đồng ý xóa khoản nợ trị giá 4,5 tỉ USD cho Li -bi để đổi lấy những hợp đồng nhiều tỉ USD cho các công ty của Nga.
Trong quan hệ với Xéc-bi-a, Nga hối thúc Xéc-bi-a, hoàn tất một thỏa thuận năng lượng chủ chốt, trong đó, có việc bán lượng cổ phần chi phối của tập đoàn dầu mỏ độc quyền nhà nước cho NIS cho Nga ở mức giá mà một số quan chức Xéc-bi-a cho rằng thấp hơn giá thị trường. Nga và Xéc-bi-a đã ký một Nghị định thư, nhằm được Quốc hội Xéc-bi-a thông qua những thỏa thuận năng lượng đã ký kết giữa hai bên, trước khi diễn ra bầu cử Quốc hội nước này, ngày 11-5-2008. Đây là một hợp đồng rất quan trọng đối với Nga, theo thỏa thuận này, một phần đường dẫn khí đốt của Nga tới châu Âu sẽ đi qua lãnh thổ Xéc-bi-a và Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga sẽ mua lượng cổ phần kiểm soát trong NIS.
Tại Mỹ: trong bối cảnh chung với thế giới, người dân đang phải đối mặt với một “cú sốc nhiên liệu” mới; giá khí đốt tăng cao gây ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế Mỹ vốn đang trượt vào suy thoái và phải vật lộn với sức ép lạm phát. Theo những thông tin từ Bộ Lao động Mỹ, giá khí đốt tăng cao đã góp phần làm tăng 1,1% chi phí sản xuất ở Mỹ trong tháng 3-2008. Hiện tại, giá khí đốt đã tăng tới 93% kể từ tháng 8-2007, song mới chỉ bằng 50% so với một số nước khác, nghĩa là nó vẫn còn có thể tăng lên nữa. Theo dự đoán của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, giá xăng trung bình sẽ lên tới mức 1,5 USD/một lít vào tháng 5 tới đây. Giá dầu đi-ê-zen dự kiến cũng sẽ tăng cao hơn nữa so với mức hơn 1USD/lít hiện nay. Một trong những nhân tố, làm cho giá khí đốt ở Mỹ có thể tăng thêm là do Mỹ đã giảm nhập khẩu lượng khí đốt hóa lỏng, và giá khí đốt hóa lỏng ở nước ngoài như Nhật Bản, cao gần gấp đôi so với ở Mỹ. Trên thực tế, lượng khí đốt hóa lỏng nhập khẩu của Mỹ đã giảm liên tục trong 9 tháng qua, xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Theo những thông tin từ cơ qua năng lượng Mỹ, nhu cầu khí đốt của khu vực sản xuất điện ở Mỹ đã tăng 10% trong năm 2007, đến năm 2025, sản lượng khí đốt của Mỹ sẽ thấp hơn nhu cầu trong nước khoảng 425 đến 565 triệu m3/ngày. Đây chính là một thách thức không nhỏ đối với Mỹ. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Xa-mu-el Oát Bốt-man (Samuel W. Bodman) cho biết Bộ Năng lượng (DOE) sẽ đầu tư khoảng 60 triệu USD nhằm tăng cường sử dụng điện mặt trời ở nước này. Đây là biện pháp trọng tâm để Mỹ có thể đạt được mục tiêu tăng cường an ninh năng lượng quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhập khẩu.
Giá nhiên liệu tăng, tác động rất lớn đến các ngành kinh tế mũi nhọn của Mỹ, các ngành hàng không, chế tạo ô tô của Mỹ đang khốn đốn, khi chi phí đầu tư tăng và lợi nhuận giảm sút nghiêm trọng. Trước nguy cơ thua lỗ, nhiều hãng hàng không lớn đã tăng giá vé để bù đắp chi phí do giá dầu tăng. Các hãng sản xuất ô tô lớn đang điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh, tiết kiệm chi phí, giảm nhân công để hạn chế mức thua lỗ. Theo dự báo của cơ quan dự báo thị trường Mỹ, lượng ô tô con và xe tải nhẹ bán ra năm 2008, sẽ chỉ dao động từ 15,5 - 15,7 triệu xe, thấp hơn so với mức 17 triệu xe được bán ra trong năm 2007, và là mức bán thấp nhất kể từ năm 1994 trở lại đây. Mức thua lỗ của 8 hãng hàng không lớn của Mỹ năm 2008 sẽ vào khoảng 1,5 tỉ USD, thay cho mức lợi nhuận được dự báo trước đây là 1,7 tỉ USD.
Box: Tại thị trường chứng khoán New York, những ngày qua, giá cổ phiếu của các hãng hàng không Mỹ đã sụt giảm mạnh, cổ phiếu của hãng Delta Airlines có phiên giảm tới 8%, Continental Airlines giảm 7,2% và American Airlines giảm 6,3%.... Hãng United Airlines, ngày 13-3, đã tăng 50 USD giá vé hai chiều đối với các tuyến bay nội địa có chiều dài từ 2.000 km trở lên; tăng từ 4-12 USD đối với các tuyến bay ngắn hơn. Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của hãng hàng không Mỹ United Airlines cho biết, hãng đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng.
Tại I-ran: Chính phủ đang ráo riết thúc ép các công ty năng lượng phương Tây tiến hành các thỏa thuận về khí đốt. Bộ trưởng Dầu mỏ I-ran ông Giô-han Hu-sen Na-ra-ri (Gholam-Hossein Nozari) vừa cảnh báo các Tập đoàn Năng lượng phương Tây, gồm Ron Đớt Sheo (Royal Dutch Shell) của Anh và Hà Lan; Tô-tan (Total) của Pháp và Ri-pe-xơn (Repsol) của Tây Ban Nha, rằng các nước này sẽ không gia hạn ký kết các thỏa thuận khai thác khí đốt tự nhiên giá trị nhiều tỉ USD sẽ hết hạn vào tháng 6 tới.
Bên lề cuộc triển lãm dầu khí quốc tế thường niên, ông Giô-han Hu-sen Na-ra-ri cho biết, Quốc hội I-ran đã cho phép Bộ Dầu mỏ sử dụng 3% doanh thu dầu mỏ trong năm 2007 (khoảng 70 tỉ USD) vào việc phát triển mỏ Nam Pa-ri (Nam Pars). Đồng thời I-ran còn khẳng định việc tiến hành các giai đoạn của dự án Nam Pa-ri, hiện đang trong quá trình thương thảo với Tô-tan, Shell và Ri-pe-sơn và có thể sẽ được chuyển lại cho các nhà thầu trong nước.
Những căng thẳng về chương trình hạt nhân Tê-hê-ran và việc Mỹ gia tăng sức ép buộc các tổ chức tài chính và các công ty hạn chế kinh doanh với I-ran cũng làm suy yếu các thỏa thuận năng lượng sinh lời. Phần lớn các công ty phương Tây đang muốn hoạt động “ một cách cân bằng vừa phải” để duy trì chỗ đứng tại I-ran.
Ông Giô-han cũng thừa nhận, tài chính là vấn đề thách thức nhất hiện nay đối với sự phát triển của ngành dầu khí I-ran. I-ran sẽ cần khoảng 500 tỉ USD đầu tư trong 16 năm tới.
Mới đây, I-ran đã ký kết các hợp đồng khí đốt giá trị nhiều tỉ USD với các công ty Trung Quốc và Ma-lay-xi-a, nhằm tập trung các giải pháp của họ vào châu Á và khuyến cáo các công ty phương Tây rằng, lĩnh vực năng lượng không thể chờ họ đưa ra các quyết định về đầu tư lâu hơn nữa, các đối tác ở châu Á và châu Âu khác có thể thay thế họ
Quan hệ EU và I-rắc: Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Giô-sê Ma-nu-en ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) và I-rắc đã sắp đặt được một thỏa thuận hợp tác về năng lượng, giúp EU dễ dàng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của I-rắc - một động thái được EU coi là bước đi đầu tiên giúp EU liên kết chặt chẽ hơn với các đối tác năng lượng ở Vùng Vịnh và là cách thức để châu Âu đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng. EU là nhà tiêu thụ năng lượng lớn thứ hai trên thế giới nhưng doanh số nhập khẩu năng lượng chiếm vị trí hàng đầu. Một phần tư nhu cầu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của EU từ trước tới nay vẫn được nhập từ Nga. Để giảm bớt tình trạng phụ thuộc vào Mát-xcơ-va, EU hiện đang tìm mọi cách để bảo đảm an ninh năng lượng và đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Một trong những nơi mà EU đang hướng tới là I-rắc và nước này có trữ lượng rất lớn về dầu mỏ và khí đốt. Ngoài việc là nguồn cung năng lượng lớn, I-rắc còn là một nơi quá cảnh lý tưởng, dẫn năng lượng từ Trung Đông và vùng Vịnh tới châu Âu. Sau chuyến thăm Brúc-xen mới đây, Thủ tướng I-rắc Nu-ri Ma-li-ki (Nuri Al Maliki) cũng tuyên bố với báo chí rằng, chuyến thăm của ông nhằm mục đích thiết lập mối quan hệ kiểu mới với EU dựa trên cơ sở “hợp tác” và “hữu nghị”, chủ yếu về lĩnh vực năng lượng.
Các nước khu vực Ban-căng gồm I-ta-li-a, Ru-ma-ni, Xéc-bi-a, Xlô-vê-ni-a và Crô-a-ti-a đã nhất trí hợp tác xây dựng một tuyến đường ống dẫn khí đốt và dầu mỏ chạy qua các nước khu vực này. Theo dự kiến hệ thống này có chiều dài 1.400 km và công suất vận chuyển từ 60 đến 90 triệu tấn dầu/năm; tổng chi phí khỏang 3,5 tỉ USD. Hệ thống này nằm ngoài hệ thống đường ống “Dòng chảy Phương Nam” của Nga. Động thái này được đánh giá là bước mới trong việc cải thiện quan hệ giũa các nước khu vực Ban - căng, vốn trở nên căng thẳng sau khi số quốc gia trong khu vực là Crô-a-ti-a và Xlô-vê-ni-a ủng hộ nền độc lập của tỉnh Cô-xô-vô sau khi tỉnh này đơn phương tuyên bố tách khỏi Xéc-bi-a ngày 17-2 vừa qua
Ở A-rập Xê-út: nước này không có kế hoạch tăng sản lượng dầu mỏ mặc dù Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng thế giới vẫn cần các nước OPEC tăng sản lượng thêm 11,5 triệu thùng/ngày vào năm 2030, phần chủ yếu trong số này sẽ phải do các nước thành viên lớn của OPEC như A-rập Xê-út cung cấp.
Việc A-rập Xê-út sẽ không tăng sản lượng lên 15 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian tới như các nước tiêu thụ chủ yếu và thị trường thế giới yêu cầu có thể gây sức ép lớn hơn cho giá dầu thế giới, đã vượt ngưỡng cao kỷ lục 117 USD/thùng. Hiện, A-rập Xê-út đang duy trì sản lượng ở mức 12,5 triệu thùng/ngày đến năm 2009. Một nguồn tin cho rằng, trong 25 năm qua, thế giới chưa sử dụng hết công suất của A-rập Xê-út, trừ trong thời kỳ chiến tranh I-rắc và Cô-oét năm 1990.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngày 17-4, cho biết sẽ tài trợ cho các dự án năng lượng sạch tại châu Á, tập trung vào 5 quỹ đầu tư tư nhân ở khu vực này, mỗi quỹ 20 triệu USD; bao gồm Quỹ năng lượng sạch MAP (Map Clean Energy Fund), Quỹ môi trường Trung Quốc III (China Environment Fun III), Quỹ năng lượng sạch Nam Á GEF (GEF Clean Energy Fund), Quỹ năng lượng sạch châu Á (Asia Clean Energy Fund), Quỹ năng lượng sạch Trung Quốc (China Clean Energy Capital). Nguồn kinh phí cho toàn bộ chương trình sẽ lên đến 1,2 tỉ USD và kéo dài tới năm 2030, năm mà Tổ chức Năng lượng thế giới dự đoán nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng 53% so với hiện nay. Chương trình năng lượng sạch do ADB tài trợ sẽ tập trung vào việc giảm tới mức thấp nhất nguồn năng lượng sạch từ than đá - nguyên liệu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất mặc dù rẻ tiền và đang được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc. Chương trình cũng chú ý đến những dự án năng lượng địa nhiệt tại In-đô-nê-xi-a, năng lượng sức gió tại Pa-ki-xtan, Ấn Độ và phát triển các nông trường trồng các loại ngũ cốc để sản xuất năng lượng sinh học mà không gây ảnh hưởng đến nguồn cung cấp lương thực ADB, hy vọng, sự thành công của 5 quỹ đầu tư trên sẽ chứng minh được độ tin cậy của đầu tư tư nhân trong lĩnh vực năng lượng sạch ở châu Á, đồng thời huy động vốn để hỗ trợ các quỹ đầu tư tư nhân khác.
ARF: Tổ chức An ninh năng lượng của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) đã khuyến cáo cần xây dựng các kho dự trữ dầu khí chiến lược như một phần trong nỗ lực nhằm bảo đảm nguồn cung ổn định trong các trường hợp khẩn cấp. Phó Tổng giám đốc Cơ quan phụ trách Vận tải và Năng lượng của Ủy ban châu Âu Pha-bri-di-ô Bác-ba-xô (Fabrizio Barbaso), cho biết, một trong những chiến lược đã được thảo luận là sẵn sàng đối phó khẩn cấp trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc gián đoạn nguồn cung ứng năng lượng, nhằm thiết lập cơ chế thông tin và tư vấn phù hợp cho người dân./.
Nhiên liệu hay lương thực?  (23/04/2008)
Nhiên liệu hay lương thực?  (23/04/2008)
Thường vụ Quốc hội nhất trí giảm chỉ tiêu tăng trưởng xuống 7%  (23/04/2008)
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm Lào  (23/04/2008)
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm Lào  (23/04/2008)
Mục lục và tóm tắt Chuyên đề cơ sở số 16 (4-2008)  (22/04/2008)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên