Mũi tên trúng nhiều đích

Quách Quỳnh
22:13, ngày 30-03-2013
TCCSĐT - Bất chấp mọi cảnh báo và răn đe, thuyết phục và gây áp lực của Mỹ, Chính phủ Pa-ki-xtan vẫn quyết định tiếp tục cùng với I-ran xây dựng hệ thống tuyến đường ống dẫn khí đốt từ I-ran đi qua quốc gia này. Cả hai nước đều theo đuổi đồng thời nhiều mục đích khác nhau khi cùng nhau tham gia hợp tác dự án này.
Pa-ki-xtan và I-ran đặt tên cho tuyến đường ống dẫn khí đốt này là "Hòa bình" và chỉ riêng cái tên ấy cũng đã đủ để Mỹ và phương Tây cảm thấy bị “khiêu khích”. Với Pa-ki-xtan, Mỹ và các nước phương Tây không có gì vướng mắc đến mức phải ngăn cản việc quốc gia này muốn tìm kiếm nguồn cung ứng năng lượng từ bên ngoài nhưng với I-ran thì khác. I-ran bị Mỹ và các nước phương Tây coi là đối thủ và địch thủ. Nguyên cớ là chương trình hạt nhân của I-ran bị Mỹ và phương Tây cho rằng thực chất là để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Sự đối địch giữa I-ran với những đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông và Vùng Vịnh cũng là nguyên nhân khiến quốc gia này bị Mỹ và các nước phương Tây đưa vào “tầm ngắm”. Cho tới nay, cả trong khuôn khổ Liên hợp quốc cũng như song phương, Mỹ và các nước phương Tây đã áp dụng nhiều biện pháp bao vây, cấm vận và trừng phạt I-ran để buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân, trong đó bao gồm cả biện pháp cấm vận xuất khẩu dầu khí bởi xuất khẩu dầu khí là một trong những nguồn thu nhập chính của I-ran cũng như hạn chế quan hệ tài chính và ngân hàng của I-ran với bên ngoài. Sự hợp tác về năng lượng trong dự án lần này giữa I-ran và Pa-ki-xtan hoàn toàn trái ngược với lợi ích về chính trị, kinh tế và tài chính của Mỹ và phương Tây mà họ theo đuổi với chính sách bao vây, cấm vận và trừng phạt I-ran.

Đối với I-ran và Pa-ki-xtan, dự án hợp tác này chẳng khác nào một mũi tên nhằm trúng nhiều đích. Tuyến đường ống dẫn khí đốt này dài 1.600 km, với số vốn đầu tư nhiều tỷ USD do cả hai phía đóng góp. Phần trên lãnh thổ I-ran dài gần 900 km đã hoàn tất và đích thân đương kim tổng thống hai nước đã cùng tham dự lễ động thổ xây dựng phần tuyến đường ống dẫn khí dài hơn 700 km trên lãnh thổ Pa-ki-xtan. Dự kiến chỉ sau hai năm nữa, tuyến đường ống dẫn khí này sẽ hoàn thành và cung ứng khí đốt từ I-ran đến Pa-ki-xtan. Sự kiện này đóng vai trò quan trọng và chiến lược trong việc giúp Pa-ki-xtan bảo đảm an ninh năng lượng. Không phải Pa-ki-xtan thiếu đối tác sẵn sàng hợp tác trên lĩnh vực năng lượng, cũng không phải vì họ thiếu vốn đầu tư. Chỉ là các đối tác ấy, tất cả đều bắt Pa-ki-xtan phải trả giá về phương diện này hay phương diện khác đắt hơn nhiều so với I-ran. Họ cũng lại không phải gần gũi với Pa-ki-xtan về lịch sử, văn hóa và tôn giáo như I-ran, không phải "vừa là anh em, vừa là láng giềng" của Pa-ki-xtan như theo ngôn từ của I-ran.

Cái lợi đối với I-ran khi tham gia dự án này là có thêm thị trường và khách hàng để xuất khẩu khí đốt, nhờ đó họ sẽ có thu nhập và hạn chế được tác động của những biện pháp bao vây, cấm vận cũng như sự trừng phạt của Liên hợp quốc, Mỹ và phương Tây. Hợp tác như thế với Pa-ki-xtan còn giúp I-ran phân hóa Pa-ki-xtan với Mỹ và các nước phương Tây, lôi kéo Pa-ki-xtan về phía mình và ràng buộc quốc gia này vào trách nhiệm phải bảo vệ lợi ích chung của quan hệ hợp tác với I-ran.

Còn cái lợi đối với Pa-ki-xtan có được ở đây là sự bảo đảm về an ninh năng lượng một cách lâu dài, bên cạnh đó lại có được sự đối trọng trong quan hệ với Mỹ và phương Tây cũng như cả với Trung Quốc và Ấn Độ, thể hiện sự độc lập với Mỹ cũng như bản lĩnh tự tin trong quan hệ với Mỹ. Điều này có tác động chính trị nội bộ rất lớn ở Pa-ki-xtan vì tâm lý bất bình với Mỹ và NATO cũng như thái độ phản đối Mỹ và tổ chức này đang trở nên ngày càng phổ biến hơn ở Pa-ki-xtan.

Tất cả những lợi ích riêng ấy đã ràng buộc hai nước vào dự án hợp tác chung và đem lại cho mối quan hệ này một ý nghĩa chiến lược mới. Chúng không chỉ xác lập bản chất mà còn định hướng cho quan hệ giữa hai nước. Cũng vì thế mà tác động của chúng trong thực chất cả hiện tại cũng như về lâu dài vượt ra ngoài phạm vi khuôn khổ quan hệ song phương. Cả hai phía đều thực dụng và đặc biệt là Pa-ki-xtan đã giúp I-ran thấy được “cái khôn” trong môi trường đối ngoại và an ninh khó khăn./.