TCCSĐT - Ngày 19-3-2013, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đóng góp xây dựng Hiến pháp”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó trưởng Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, các chuyên gia kinh tế và đông đảo các doanh nghiệp tham dự, đóng góp ý kiến.

Hiến pháp năm 1992 được ban hành trong bối cảnh những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, tạo cơ sở chính trị - pháp lý cho việc thực hiện đổi mới. Qua 20 năm thực hiện, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để tạo cơ sở pháp lý bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế, chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, trong Hiến pháp năm 1992 cũng như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, cụm từ “doanh nhân” không xuất hiện. Trong điều kiện hiện nay, vấn đề này cần phải được cân nhắc. Bởi, doanh nhân đang ngày càng trở thành lực lượng quan trọng quyết định sự hưng thịnh của đất nước. Đảng ta đã có Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vì vậy, cần phải tăng cường mối liên kết nông dân - công nhân - trí thức và doanh nhân.

 

Hội thảo cần làm rõ các yêu cầu liên quan đến: Vai trò của doanh nhân trong liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức; Vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế Việt Nam; Quyền tự do kinh doanh và các chính sách mà Nhà nước bảo đảm cho doanh nghiệp thực hiện quyền kinh doanh; Quyền tiếp cận đất đai của người sử dụng đất và các thủ tục hành chính có liên quan; Chính sách của Nhà nước đối với các lĩnh vực có tác động đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế: khoa học và công nghệ, môi trường và các tài nguyên thiên nhiên. “Trở lại biểu tượng khối đại đoàn kết dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tôi nghĩ, việc đề cập cụm từ doanh nhân và vai trò của doanh nhân trong khối đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn mới là rất cần thiết” - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó trưởng Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp đã nêu một số định hướng và nội dung sửa đổi Hiến pháp có liên quan đến doanh nghiệp. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nêu quan điểm về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần phải dựa trên cơ sở tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết. Sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng nên phải tiến hành chặt chẽ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân… Đồng chí Nguyễn Văn Phúc đặt vấn đề, trong Hiến pháp, điều gì liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp? Đọc chương nào cũng liên quan cộng đồng doanh nghiệp. Vậy, những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về kinh tế - xã hội, về thẩm quyền của Quốc hội, tòa án và viện kiểm soát… đề nghị các đại biểu cần tập trung thảo luận. Đặc biệt, Hội đồng Hiến pháp có mối quan hệ như thế nào đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhằm bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp...

 

Sau khi bổ sung thêm ý kiến liên quan đến Điều 2, Điều 6, Điều 10 của Dự thảo, đại biểu Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - cho rằng, Hiến pháp cần viết rõ ràng, minh bạch. Nó càng có ý nghĩa quan trọng hơn do nước ta chuyển từ nước thu nhập thấp sang nước trung bình thấp. Vì vậy, vừa để phát triển doanh nghiệp, vừa phát triển đất nước, Chương III về kinh tế nên viết gọn lại và nên bắt đầu từ chủ thể là người dân.

 

Đề cập quyền và nghĩa vụ của doanh nhân trong Dự thảo, đại biểu Vũ Quốc Tuấn - nguyên Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng, cho đến giờ doanh nhân vẫn chưa được đặt vào đúng vị trí. Từ tháng 4-2006, doanh nhân mới có tên gọi của mình. Đại hội lần thứ IX của Đảng đã khẳng định: “Động lực phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân”. Đây là một chuyển biến trong tư duy chính trị về động lực phát triển đất nước, cũng như khẳng định vai trò của doanh nhân trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đại biểu Vũ Quốc Tuấn đưa ra một số kiến nghị: Trong Điều 2 của Dự thảo không nên quy định “tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân với đội ngũ trí thức” mà chỉ cần quy định “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” là đủ, thể hiện rõ tư tưởng đại đoàn kết toàn dân, tránh sự phân biệt đối xử. Hiện nay, doanh nhân đã trở thành một lực lượng xã hội quan trọng. Trong khi đó, theo đại biểu Lê Duy Bình, bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp không đề cập vai trò của doanh nhân, cũng như đóng góp của họ chưa được đánh giá một cách tương xứng.

 

PGS, TS. Đặng Văn Thanh, Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam đề nghị, nên hạn chế các tính từ trong các điều ở Chương II về Quyền và nghĩa vụ của công dân, Chương III về Kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường như: cạnh tranh lành mạnh (Điều 56), quan hệ lao động hài hòa và ổn định (Điều 61)…/.