Các “điểm nóng” sẽ “nóng” lâu hơn?
TCCSĐT - Thực tế những năm gần đây cho thấy, các cuộc xung đột trên thế giới dường như kéo dài hơn so với trước kia. Chính vì thế, các chuyên gia phân tích cho rằng, trong năm 2013 này cũng như những năm tới, các “điểm nóng”, nếu bùng lên, chắc chắn sẽ “cháy” và “nóng” lâu hơn.
Vì đâu nên nỗi?
Có thể thấy, tại Mỹ, trong nhiệm kỳ bốn năm tiếp theo, nếu không có một cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại trực tiếp đe dọa đến an ninh quốc gia, chắc chắn chính quyền của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) sẽ tập trung mọi thời gian, sức lực và vốn liếng chính trị vào việc giảm nợ, giảm “đội quân” thất nghiệp cũng như hàng loạt ưu tiên khác trong nước. Tương tự như vậy, tại châu Âu, mối quan tâm hàng đầu của giới chức cao cấp đương nhiên sẽ vẫn là tiếp tục cuộc chiến khôi phục lòng tin vào đồng tiền chung ơ-rô (euro), tiếp tục chèo lái, cùng đưa con thuyền Eurozone (Khu vực đồng tiền chung châu Âu) vượt qua cơn sóng cả. Còn tại Trung Quốc, mặc dù đòi hỏi tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm đang hết sức bức bách, buộc quốc gia này phải mở rộng quan hệ với các khu vực khác, nhưng Trung Quốc cũng sẽ quá bận tâm tới công cuộc cải cách thể chế - kinh tế. Thấu hiểu tâm lý giới lãnh đạo của các quốc gia có uy tín, giàu mạnh thì có thể hiểu được lý do tại sao các “điểm nóng” trên thế giới, nếu bùng nổ sẽ “cháy” lâu hơn và khó dập tắt hơn trong năm 2013 này cũng như những năm tới.
Mặt khác, nếu chỉ tiếp cận vấn đề với giả định nói trên, cho rằng các “điểm nóng” sẽ không bắt nguồn từ Mỹ, Trung Quốc hay từ các quốc gia hùng mạnh tại châu Âu, thì thế giới cũng đã có quá đủ lý do để lo ngại về nguy cơ xung đột có thể bùng phát và kéo dài hơn. Song, giả định trên mãi sẽ chỉ là giả định, bởi không ai dám chắc rằng, các cường quốc trên thế giới sẽ không thể trở thành những “điểm nóng”. Tuy nhiên, nếu để xảy ra “điểm nóng”, họ sẽ tự gây thiệt hại trước hết cho mình, sau đó có thể khiến cả khu vực phải chịu chung thiệt hại.
Thực tế cho thấy, khi khoa học - công nghệ phát triển, được ứng dụng vào lĩnh vực an ninh - quốc phòng thì mối hiềm khích giữa các nhóm lợi ích, giữa các quốc gia, thậm chí giữa các khu vực, nếu được giải quyết bằng súng đạn sẽ trở nên rất nguy hiểm và hậu quả thật khôn lường. Ngày nay, nhiều chính phủ thích sử dụng máy bay không người lái và các lực lượng đặc biệt để do thám hoặc tấn công “kẻ thù” của họ. Người ta đã quá quen thuộc với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan và Y-ê-men vào những năm cuối của thế kỷ XX. Và thời gian gần đây, các tin tức cho thấy một số quốc gia giàu có và mới nổi cũng đang đầu tư vào chế tạo máy bay không người lái. Rõ ràng, cuộc cạnh tranh giữa một số nước đang ngày càng leo thang, khốc liệt, và do đó, các “điểm nóng” sẽ chỉ “nóng” thêm mà thôi. Thay vì áp dụng công nghệ để giảm chi phí và nguy cơ tấn công, thì những đổi mới công nghệ này lại khiến cho hành động quân sự dễ xảy ra hơn.
“Điểm nóng ảo” đang hiện diện thật!
Có lẽ, cách ít tốn kém nhất để phá hoại và tấn công kẻ thù là tổ chức các cuộc tấn công trên không gian mạng, và chắc chắn, những cuộc tấn công vào “thế giới ảo” này sẽ mang lại những kết quả không hề ảo. Đây là lý do khiến khá nhiều chính phủ chú trọng đầu tư vào công nghệ và kỹ năng để nâng cao khả năng tham chiến. Kiểu chiến tranh mạng ngày càng trở nên đáng quan ngại hơn, trước hết bởi hai lý do: Thứ nhất, không giống như cấu trúc “bảo đảm hủy diệt lẫn nhau” như thời Chiến tranh lạnh, các loại vũ khí trong cuộc chiến tranh mạng cho phép người sử dụng chúng có được cơ hội tấn công “nặc danh”. Thứ hai, những thay đổi liên tục trong công nghệ thông tin khiến không một chính phủ nào có thể lường hết sức công phá của những vũ khí này, cũng như cách ngăn chặn chúng có hiệu quả.
Những “điểm nóng ảo” đó khiến các chính phủ trước hết phải thăm dò hệ thống phòng thủ của nhau hằng ngày, tất yếu dẫn đến gia tăng nguy cơ tình cờ đụng độ. Mặc dù trong nội các mới của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma có hai nhân vật không ủng hộ sự can thiệp quân sự, có ảnh hưởng lớn đến đường lối đối ngoại của Mỹ là Thượng nghị sĩ Giôn Ke-ri (John Kerry) giữ chức vụ Ngoại trưởng và cựu Thượng nghị sĩ Chắc Hây-gơ (Chuck Hagel) giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhưng số tiền không nhỏ mà Oa-sinh-tơn đầu tư vào chế tạo máy bay không người lái, các loại vũ khí mạng và vũ khí không thông thường khác dường như vẫn được duy trì.
Những “điểm nóng” thật sự
Có thể liệt kê không ít “điểm nóng” dù là thật hay ảo trên trái đất này, song tiến bộ công nghệ đang góp phần tạo ra bối cảnh và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt tại hai điểm nóng địa - chính trị lớn nhất thế giới, đó là “chảo lửa” Trung Đông và khu vực Đông Á. Tại Trung Đông, Mỹ và các đồng minh châu Âu có thể sẽ không muốn can dự sâu hơn vào cuộc khủng hoảng tại đây trong năm nay. Nếu thế, các cường quốc trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran hay A-rập Xê-út sẽ tăng cường cạnh tranh để giành ảnh hưởng, trong khi cuộc đối đầu giữa những người ôn hòa và cực đoan, giữa các phe phái tôn giáo tại một số nước Trung Đông và Bắc Phi rất có thể sẽ trở nên khốc liệt hơn.
Bên cạnh đó, Đông Á vẫn là một “điểm nóng” tiềm tàng trong năm 2013, khi mà chính quyền Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống B. Ô-ba-ma nhất định sẽ có nhiều hoạt động hướng tới khu vực châu Á trong chiến lược “xoay trục - đảo chiều”. Trong khi đó, là một quốc gia có tiềm lực kinh tế hùng mạnh, có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, Trung Quốc chắc chắn sẽ không khoanh tay nhìn Mỹ “thôn tính” vùng kế cận của họ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, tại khu vực này, những tranh chấp về chủ quyền khó dẫn đến hành động quân sự trong năm 2013, song việc sử dụng máy bay không người lái và vũ khí không gian mạng đang trở thành một nguy cơ thực sự.
Ngoài hai “điểm nóng” địa - chính trị lớn nhất kể trên, có thể liệt kê hàng loạt “điểm nóng” khác có nguy cơ bùng nổ, đe dọa “nóng” lâu hơn và “cháy” lâu hơn. Đó là xung đột kinh tế quy mô lớn tại châu Á, không chỉ đe dọa và ảnh hưởng đến những nước có liên quan trực tiếp, mà còn phá hoại sự phục hồi kinh tế thế giới. “Tín hiệu” đầu tiên là do việc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, khiến kim ngạch xuất khẩu ô-tô của Nhật Bản sang Trung Quốc giảm 44,5% và kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Nhật Bản giảm 10% chỉ trong vòng một tháng. Điều này làm tăng thêm khó khăn cho nền kinh tế Nhật Bản đang phải vật lộn với giảm phát và là lời cảnh báo rõ ràng rằng, một cuộc chiến không cần triển khai quân, xe tăng hay tên lửa vẫn có thể gây tổn thất nặng nề. Đó là tình trạng bạo lực tại Xy-ri chưa thấy đâu hồi kết, không chỉ gây bất ổn trầm trọng trong khu vực mà còn là môi trường thuận lợi cho sự tái nổi lên của mạng lưới khủng bố quốc tế An Que-đa. Đó là mối lo ngại về hoạt động ngoại giao trong giải quyết “hồ sơ hạt nhân I-ran” có thể thất bại, làm gia tăng khả năng tấn công quân sự vào nước này. Đó là Áp-ga-ni-xtan có thể một lần nữa lại rơi vào thảm cảnh hỗn loạn khi Mỹ và NATO rút hết quân vào cuối năm 2014, cũng đồng nghĩa với nguy cơ hồi sinh của Ta-li-ban và các nhóm cực đoan. Đó còn là việc các nước thành viên Eurozone phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể gây phản tác dụng và khiến cử tri quay sang ủng hộ các chính đảng nghi ngờ về đồng tiền chung này…
Những “điểm nóng” nói trên, dù là ảo hay thật thì việc ngăn chặn chúng để không bùng phát thành những “đám cháy” chắc chắn sẽ cần sự nỗ lực thật sự của nhiều nước./.
Triển khai lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và sâu rộng đến từng địa bàn dân cư  (19/03/2013)
Triển khai lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và sâu rộng đến từng địa bàn dân cư  (19/03/2013)
Khai mạc phiên họp thứ 16 Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (19/03/2013)
Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới cắm mốc  (18/03/2013)
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên triển khai nhiệm vụ năm 2013  (18/03/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên