TCCSĐT - Chiều 9-3-2013, tại Hà Nội, hơn 700 doanh nghiệp đến từ ASEAN và EU đã có phiên tham vấn với Bộ trưởng các nước ASEAN và Cao ủy Thương mại EU Ka-ren đơ Gớt (Karel de Gucht), để kiến nghị các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động thương mại và đầu tư.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực đến từ các nước khác nhau đã thống nhất kiến nghị Chính phủ các nước ASEAN và EU cần dỡ bỏ tối đa “hàng rào” phi thuế, cũng như sớm thực hiện hài hòa hóa các thủ tục, quy định về hàng hóa và dịch vụ nhằm giúp doanh nghiệp có cơ hội mở rộng hoạt động đầu tư, thương mại. Theo đó, Chính phủ các nước cần thống nhất trong việc ban hành, áp dụng các quy trình, quy chuẩn sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cùng loại giữa các nước ASEAN, giữa ASEAN với EU.

Bên cạnh đó, Chính phủ các nước ASEAN cần thuận lợi hóa việc di chuyển nguồn nhân lực trong khu vực trên cơ sở hài hóa hóa các tiêu chuẩn, quy trình đào tạo lao động, chứng chỉ tay nghề; hải hòa các quy định về xuất nhập cảnh, điều kiện an ninh. Đặc biệt, Chính phủ các nước cần hợp tác chặt chẽ để xây dựng bộ quy tắc chung trong ngành ngân hàng, tài chính; cơ chế thanh toán chung giữa các ngân hàng trong ASEAN nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn để mở rộng đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trong toàn khối.

Đưa ra khuyến nghị với chính phủ các nước ASEAN, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) Pri-bân Ai-gióc-lân (Preben Hjortlun) khẳng định: Các doanh nghiệp khi đầu tư và kinh doanh tại ASEAN đều mong muốn được tiếp cận với các chính sách, luật lệ đầu tư minh bạch, rõ ràng và công bằng. Điều này có nghĩa là chính phủ các nước ASEAN muốn thu hút đầu tư thương mại thì phải có chính sách đối xử không phân biệt với tất cả các doanh nghiệp, dù đó là doanh nghiệp của nước sở tại, doanh nghiệp đến từ ASEAN hay doanh nghiệp đến từ EU.

Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hội các tổ chức xúc tiến và dịch vụ phát triển kinh doanh (HABPO) Nguyễn Hoàng Lưu nhấn mạnh: Các nước ASEAN nói chung, trong đó có Việt Nam cần thực thi các chính sách đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước và các doanh nghiệp thuộc các thành phần, nhất là trong việc tạo cơ hội bình đẳng để các doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận thuận lợi với các hợp đồng đầu tư kinh doanh, cũng như tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi của ngân hàng.

Ghi nhận và phản hồi các kiến nghị của doanh nghiệp các nước, Cao ủy Thương mại EU khẳng định: ASEAN và EU là 2 thị trường lớn nhất thế giới với tiềm năng hợp tác đầu tư thương mại rất lớn. Vì vậy, cho dù còn tồn tại những xung đột về mặt quan điểm tiếp cận nhưng các vấn đề mang lại lợi ích chung cho cả doanh nghiệp ASEAN và EU, đều có thể giải quyết được thông qua đối thoại thẳng thắn để đi đến thống nhất.

Cùng ngày, tại Hà Nội, đã diễn ra buổi họp báo công bố những kết quả đạt được trong khuôn khổ sự kiện Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 19; hội nghị tham vấn các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Cao ủy thương mại EU lần thứ 12 và Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN - EU lần thứ 3 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Cao ủy thương mại EU Ka-ren đơ Gơt và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh.

Tại buổi họp báo, ông Lê Lương Minh cho biết: hội nghị tham vấn ASEAN - EU đã thảo luận tình hình hợp tác kinh tế và thương mại, các chính sách của ASEAN và EU hiện nay. Tổng trao đổi thương mại ASEAN - EU liên tục tăng, trung bình hơn 7%/năm, đã thể hiện các cam kết với hệ thống thương mại đa phương; thuận lợi hóa thương mại và đầu tư; Hội nghị đã ghi nhận các tiến bộ trong thời gian qua của cả ASEAN và EU trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương; thảo luận khả năng nối lại đàm phán FTA ASEAN - EU.

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN - EU đã trao đổi, chia sẻ quan điểm thúc đẩy trao đổi thương mại, thuận lợi hóa đầu tư; ông cũng lưu ý dòng đầu tư ngày càng gia tăng giữa hai phía hiện nay, đồng thời bàn biện pháp thu hút đầu tư tốt hơn; tổ chức tham vấn, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp… Hội nghị là cơ hội thảo luận thẳng thắn giữa 2 khu vực công - tư, qua đó tận dụng tốt hơn các cơ hội phát triển. Cũng thông qua chương trình làm việc thuận lợi thương mại 2013-2014, nghiên cứu biện pháp củng cố thể chế tạo thuận lợi hóa cho đầu tư ASEAN - EU…

Cũng tại buổi họp báo, Cao Ủy thương mại EU Ka-ren đơ Gớt nhấn mạnh sự thành công của hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, đây là nội dung quan trọng tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi hơn trong hợp tác EU và ASEAN. Đồng thời, khẳng định ASEAN là đối tác lớn của EU, vì vậy, sẽ tập trung thúc đẩy đàm phán FTA ASEAN - EU thời gian tới, tạo khung khổ pháp lý đẩy mạnh quan hệ song phương. EU rất quan tâm thị trường ASEAN vì đây là thị trường năng động, phát triển, đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp EU hợp tác nhiều hơn với ASEAN. Hiện thâm hụt thương mại giữa EU và ASEAN đang thu hẹp vì một số nước ASEAN có nhu cầu cao hơn về sản phẩm của EU, ông Ka-ren đơ Gơt tin rằng, EU sớm trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của ASEAN, vì vậy việc xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015 có ý nghĩa lớn đối với EU.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: Là nước chủ nhà hội nghị, Việt Nam đã đóng góp tích cực, hiệu quả vào các cuộc họp. Hội nghị thượng đỉnh đã phản ánh nguyện vọng cộng đồng doanh nghiệp hai bên kỳ vọng vào sự phát triển quan hệ thương mại, EU và ASEAN đều là đối tác quan trọng Việt Nam, vì vậy Việt Nam ủng hộ, mong muốn thúc đẩy hơn nữa tiến trình hội nhập kinh tế giữa hai khu vực./.