TCCSĐT - Cũng giống như Việt Nam, Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của nhiều nước châu Á. Tết Nguyên đán đánh dấu sự kết thúc của mùa đông, khởi đầu mùa xuân mới, mang đến những hy vọng về mọi sự may mắn tốt lành. Ở nhiều nước, thời điểm giao mùa này cũng thường được tính từ ngày đầu tiên của tháng âm lịch đầu tiên.

1. Hội nghị thượng đỉnh Anh - Áp-ga-ni-xtan - Pa-ki-xtan

Ngày 04-02-2013, tại Thủ đô Luân Đôn, Anh diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ha-mít Ca-dai (Hamid Karzai), Tổng thống Pa-ki-xtan A-xíp A-li Da-đa-ri (Asif Ali Zardari) và Thủ tướng nước chủ nhà Đê-vít Ca-mơ-ron (David Cameron) để thảo luận về tiến trình hòa bình ở Áp-ga-ni-xtan. Tại cuộc gặp, cả ba bên đều khẳng định tầm quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ giữa Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan nhằm hỗ trợ tiến trình hòa giải ở Áp-ga-ni-xtan, đồng thời thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực. Ngoài ra, tại cuộc gặp, ba bên còn gửi một thông điệp tới lực lượng Ta-li-ban rằng đã đến lúc tất cả mọi người đều phải tham gia vào tiến trình chính trị hòa bình ở Áp-ga-ni-xtan. Thủ tướng Anh Đê-vít Ca-mơ-ron cho biết, Luân Đôn sẽ hỗ trợ kế hoạch mở một văn phòng cho các cuộc đàm phán giữa Ta-li-ban và Hội đồng Hòa bình Áp-ga-ni-xtan ở Thủ đô Đô-ha, Ca-ta. Cuộc gặp giữa các nguyên thủ của Anh, Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan là Hội nghị thượng đỉnh ba bên lần thứ 3 kể từ mùa hè năm ngoái, nhằm tăng cường hợp tác giữa Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan cũng như thúc đẩy sự ổn định trong khu vực. Hai hội nghị lần trước được tổ chức ở Thủ đô Ca-bun của Áp-ga-ni-xtan và thành phố Niu Oóc của Mỹ vào năm 2012.

2. Con tàu giúp “bắc cầu kết nối” Ấn Độ với ASEAN

Ngày 05-02-2013, Thời báo Kinh tế (Economic Times) cho biết hành trình của tàu INS Sudarshini là một phần trong chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ đã tạo nên sự quan tâm lớn của người nước ngoài và của cả những kiều dân Ấn Độ ở nước ngoài. Nằm trong chương trình kỷ niệm 20 năm quan hệ Đối tác đối thoại và 10 năm quan hệ Đối tác cấp cao Ấn Độ - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN ), tàu INS Sudarshini đã hành trình tới các nước In-đô-nê-xi-a, Bru-nây, Phi-líp-pin, Việt Nam, Cam-pu-chia, Thái Lan và hiện đang ở Xin-ga-po. Chặng đường tiếp theo của INS Sudarshini là tới thăm các hải cảng của Ma-lai-xi-a và Mi-an-ma trước khi quay về Ấn Độ. Lào là thành viên duy nhất của ASEAN mà INS Sudarshini không thể ghé thăm vì nước này không có biển. Các sĩ quan hải quân của tàu INS Sudarshini đã có các chương trình trao đổi kinh nghiệm về những vấn đề liên quan đến hàng hải mỗi khi ghé thăm hải cảng các nước ASEAN. Tàu INS Sudarshini rời cảng Cô-chi (Kochi), bang Kê-ra-la (Kerala) của Ấn Độ ngày 15-9-2012 và sẽ trở về vào ngày 29-03-2013, hoàn thành hành trình kéo dài sáu tháng dọc tuyến đường thương mại mà những người đi biển đã từng sử dụng cách đây nhiều thế kỷ để tạo nên những mối quan hệ giao thương với khu vực Đông Nam Á. Trong 127 ngày đi trên biển, tàu INS Sudarshini sẽ thăm 13 cảng của 9 nước ASEAN (trừ Lào) với hành trình 12.607 hải lý.

3. ASEAN tăng cường hợp tác giữa các thành viên và Ban Thư ký

Ngày 06-02-2013, tại trụ sở Ban thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) ở Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a diễn ra cuộc họp giữa Tổng Thư ký (ASEAN) và Ủy ban các đại diện thường trực tại ASEAN (CPR). Cuộc họp đã trao đổi về các vấn đề liên quan nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp và hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN. Đây cùng là cuộc họp đầu tiên của Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh với CPR, kể từ khi ông chính thức đảm nhiệm chức vụ quan trọng này ngày 09-01-2013. Phát biểu với các đại sứ, trưởng phái đoàn đại diện thường trực các nước tại ASEAN, đồng thời là thành viên CPR, Tổng Thư ký Lê Lương Minh nói rằng mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong những năm gần đây, song ASEAN vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó có đòi hỏi cải thiện và tăng cường hợp tác và thông tin giữa Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên ASEAN, cũng như giữa các cơ quan ngành của ASEAN để nâng cao hiệu quả thực hiện ba kế hoạch chi tiết Cộng đồng ASEAN, bao gồm Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC), Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC) vào năm 2015. Ông Lê Lương Minh và CPR cũng đã nhất trí tổ chức các cuộc tham vấn định kỳ và thường xuyên để tăng cường sự phối hợp và hợp tác lẫn nhau. CPR đã bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn và hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ Tổng Thư ký ASEAN trong suốt nhiệm kỳ 2013 - 2017.

4. Hội nghị thượng đỉnh OIC lần thứ 12

Trong 2 ngày 06 và 07-02-2013, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 12 của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) diễn ra tại Thủ đô Cai-rô, Ai Cập nhằm thảo luận về việc dỡ bỏ vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các nội dung quan trọng khác gồm vấn đề bài người Hồi giáo, các khu định cư của I-xra-en trên lãnh thổ chiếm đóng của Pa-lét-xtin cũng như tình hình Xy-ri và Ma-li. Tổng Thư ký OIC Éc-mê-lét-đin I-xa-nô-glu (Ekmeleddin Ihsanoglu) cho biết, tình hình tại Ma-li và toàn khu vực sừng châu Phi là một mối lo ngại đối với các nước Hồi giáo, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định trên toàn khu vực. OIC ủng hộ chính phủ chuyển tiếp dân tộc tại Ma-li và những nỗ lực của họ trong việc giành lại các khu vực mà các nhóm nổi dậy kiểm soát ở miền Bắc. Tổ chức này cũng ủng hộ những nỗ lực của Ma-li nhằm đạt được sự đoàn kết dân tộc và hoà bình tại Ma-li.

5. Bế mạc Hội nghị thượng đỉnh SOM APEC

Ngày 07-02-2013, tại lễ bế mạc Hội nghị Các quan chức cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (SOM APEC) lần thứ nhất tại Gia-các-ta, các chuyên gia và nhà quản lý trong lĩnh vực an ninh, đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC nhất trí cho rằng nâng cao năng lực hoạt động và trao đổi thông tin giúp tăng cường khả năng chống khủng bố của các thành viên APEC. Đại diện nước chủ nhà In-đô-nê-xi-a, đồng thời là Chủ tịch Nhóm công tác chống khủng bố của APEC, ông Ha-ri Pu-oan-tô (Hary Purwanto), nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo APEC đã cam kết bảo vệ kinh tế, thương mại, đầu tư, và các hệ thống tài chính khu vực trước các cuộc tấn công khủng bố và nạn rửa tiền thông qua thương mại. Cam kết này đã được khẳng định trong hai tuyên bố mang tính nguyên tắc là “Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC về chống khủng bố” năm 2001 và “Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC về chống khủng bố và thúc đẩy tăng trưởng” năm 2002, cũng như trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo trong các Hội nghị thượng đỉnh APEC hằng năm. Ông H. Pu-oan-tô cho biết thêm Nhóm công tác chống khủng bố của APEC - được thành lập vào tháng 5-2003 để chống lại chủ nghĩa khủng bố và tăng cường an ninh, đã tiến hành xác định và đánh giá các đòi hỏi chống khủng bố, điều phối các chương trình xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi trong việc hợp tác giữa các diễn đàn APEC về vấn đề chống khủng bố.

6. EU nhất trí về ngân sách dài hạn từ 2014 - 2020

Trong 2 ngày 07 và 08-02-2013 đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh bàn về ngân sách dài hạn của Liên minh châu Âu (EU). Vượt qua được những bất đồng gay gắt giữa các nước thành viên, các nhà lãnh đạo EU cuối cùng đã nhất trí cắt giảm 34 tỷ ơ-rô trong các khoản thực chi trong 7 năm tới - xuống còn 908 tỷ ơ-rô. Trên thực tế, đây là lần đầu tiên khối này cắt giảm ngân sách trong lịch sử 56 năm tồn tại của họ. Cụ thể, khoản cắt giảm lớn nhất nằm trong lĩnh vực nông nghiệp, còn phần ngân sách duy nhất được tăng đáng kể là dành cho “cạnh tranh vì tăng trưởng và việc làm”. Có thể nói, Hội nghị thượng đỉnh bàn về ngân sách dài hạn của EU thực sự là một kỳ họp khó khăn. Không chỉ phiên họp toàn thể trong ngày họp đầu tiên, ngày 07-02, bị chậm tới gần 6 tiếng đồng hồ mà phiên họp cuối của Hội nghị vào chiều ngày 08-02 cũng bị lùi thời gian bắt đầu tới 3 lần. Và, hầu hết các vấn đề quan trọng về ngân sách dài hạn của khối này đều được bàn ở bên ngoài phòng họp chính thức tại Brúc-xen. Phát biểu trong cuộc họp báo khi kết thúc Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Héc-man Van Rôm-pơi đã nhấn mạnh ngân sách này không chỉ thể hiện sự “hy sinh” của các nước thành viên thông qua các khoản cắt giảm mà còn thể hiện quyết tâm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành tại châu Âu, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng và việc làm trong toàn khối.

7. Trung Quốc vượt Mỹ trở thành quốc gia thương mại lớn nhất thế giới

Các số liệu công bố ngày 08-02-2013 của cả giới chức Trung Quốc và Mỹ cho thấy Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã chính thức vượt Mỹ để lần đầu tiên trong năm 2012 trở thành nước có tổng kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới. Trong năm qua, tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc đạt 3.866,76 tỷ USD, tăng 6,2% so với năm trước trong khi kim ngạch trao đổi buôn bán của Mỹ đạt 3.862,86 tỷ USD, tăng 3,5%. Kim ngạch buôn bán của Trung Quốc đã tăng mạnh kể từ khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001. Đến năm 2009, Trung Quốc đã trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Trong năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đạt 2.048,93 tỷ USD so với mức 1.563,58 tỷ USD của Mỹ. Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc dừng ở con số 1.817,83 tỷ USD so với mức 2.299,28 tỷ USD của Mỹ.

8. Một s nước châu Á đón Tết Nguyên đán

Cũng giống như Việt Nam, Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của nhiều nước châu Á. Tết đánh dấu sự kết thúc của mùa đông, khởi đầu mùa xuân mới, mang đến những hy vọng về mọi sự may mắn tốt lành. Ở nhiều nước, thời điểm giao mùa này cũng thường được tính từ ngày đầu tiên của tháng âm lịch đầu tiên.

Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, năm mới chính thức bắt đầu từ ngày 01-01 âm lịch. Buổi tối trước Giao thừa, người Hàn Quốc thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần; mặc trang phục truyền thống hanbok hoặc những bộ quần áo đẹp nhất để cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Đêm Giao thừa, người Hàn Quốc đốt các thanh tre trong nhà để xua đuổi tà ma. Mâm cỗ cúng đêm Giao thừa của người Hàn Quốc thường có tới hơn 20 món, trong đó không thể thiếu món ttok-kuk (một loại phở nước được chế từ bò hay gà) và món cay kim chi. Người Hàn cho rằng, ngày Tết ăn ttok-kuk có nghĩa là “ăn” một năm khác. Mâm cỗ ngày Tết của người Hàn Quốc không thể trọn vẹn nếu thiếu món canh bánh gạo (tteokguk) - món canh mang ý nghĩa đem lại nhiều may mắn trong tương lai. Ngoài ra còn có các món khác như cá khô, thịt bò khô, bánh bao hấp, hoa quả, rau, hồng khô và các loại bánh cổ truyền. Sáng mùng 1 Tết, người Hàn có phong tục làm lễ cúng tổ tiên gọi là Chesa.

Triều Tiên

Trước kia, người Triều Tiên đón Tết vào tháng 10 và tháng 11, gần đây mới chuyển dần sang mồng 1 tháng giêng âm lịch. Đêm 30 Tết, các gia đình quét dọn trong nhà ngoài hiên, treo câu đối Tết, tranh Tết, làm cơm Tết và may quần áo Tết. Sáng sớm mồng 1, mọi người dậy sớm, chỉn chu quần áo đón Tết, quay quần bên người ông cao tuổi nhất trong nhà để tổ chức nghi lễ Cha-rye (lễ tạ ơn gia tiên); sau đó bề trên đáp lễ bằng việc mời cơm Tết. Cả nhà sẽ cùng nhau dùng Ttok-kuk, món ăn được làm từ nước cơm, với bánh gạo và đậu xanh. Ttok-kuk có ý nghĩa là “tăng xuân”, người Triều Tiên tin rằng vào ngày đầu tiên của năm mới nếu dùng một bát Ttok-kuk thì họ sẽ được thêm một tuổi nữa bởi họ quan niệm khi họ thêm một tuổi là khi hết năm cũ chứ không phải sau ngày sinh nhật như những nơi khác. Ngày Tết Nguyên đán ở Triều Tiên không thể thiếu hai phong tục "đuổi quỷ" và "đốt tóc". Để “đuổi quỷ", họ bện một người nộm bằng rơm, nhét tiền vào trong ruột, sáng sớm mồng 1 Tết đem vứt ra ngã tư đường với ý tống khứ ma quỷ, nghênh đón điều tốt lành. Tục "đốt tóc" thường được làm vào buổi chiều mùng 1, người ta đem tóc rụng thu nhặt trong cả năm ra đốt sạch, với mong ước năm mới gặp nhiều bình an và xua đuổi dịch bệnh. Món ăn không thể thiếu trong dịp Tết của người Triều Tiên đó là món “cơm thuốc” (đem hỗn hợp mật ong, hạt dẻ, táo, nhân hạt tùng, mỡ, tương,... hấp chín).

Trung Quốc

Bắt đầu từ 08-12 âm lịch mọi người dân Trung Quốc trên khắp thế giới kéo nhau về quê ăn Tết để được đoàn tụ với gia đình. Mỗi dịp năm hết Tết đến, người dân Trung Quốc thường trang trí nhà bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành. Ngày Tết, người Trung Quốc cũng có thói quen quây quần bên nhau làm những món ăn ngon để thờ cúng tổ tiên. Mỗi năm trong lịch của người Trung Quốc tương ứng với một con vật nên trong năm của con vật nào, người ta thường tránh ăn thịt con vật đó vào đầu năm. Thực đơn ngày Tết của người Trung Quốc đa phần là các loại bánh. Trong đó đáng chú ý có bánh tổ (Nian Gao) được làm từ gạo nếp loại tốt, cùng với đường và một chút gừng tươi. Giống như Tết của người Việt Nam trên bàn thường có khay bánh kẹo đón khách vào ngày Tết, người Trung Quốc cũng có một khay tròn 8 ngăn, hoặc 6 ngăn (hai số phúc lộc theo quan niệm của người phương Đông) để sắp xếp bánh kẹo theo vòng tròn, được gọi là “khay sum họp”. Mỗi loại bánh, mứt, kẹo có trong khay hàm chứa một ý nghĩa riêng.

Xin-ga-po

Người Xin-ga-po rất coi trọng việc vui đón Tết Nguyên Đán âm lịch cổ truyền. Diễn ra cùng thời điểm với Tết Nguyên Đán của người Việt Nam, những ngày Tết ở Xin-ga-po thường diễn ra Lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật: lễ hội hoa đăng, lễ hội Xin-ga-po River Hongbao và lễ hội đường phố Chingay cùng nhiều hoạt động khác. Trong suốt 15 ngày từ đêm Giao thừa cho đến hết ngày 15 tháng giêng, trên đất nước Xin-ga-po đâu đâu cũng diễn ra các hoạt động vui xuân, là dịp để người ta đi thăm họ hàng, bạn bè và đãi tiệc nhau. Cha mẹ và những người thân đã lập gia đình sẽ gửi tặng “hong baos” (tiền lì xì đựng trong bao đỏ) cho những người thân chưa lập gia đình là biểu thị một cách cầu chúc may mắn cho họ.

Mông Cổ

Mông Cổ là một trong số ít quốc gia ăn Tết âm lịch giống Việt Nam. Ở Mông Cổ, hai dịp lễ quan trọng được chờ đợi nhất là Tết tháng trắng (người dân địa phương gọi là Tsagaan Sar) vào tháng giêng và tết Naadam vào tháng 7. Những ngày này, mọi người cùng “rửa sạch” cả thể xác lẫn tâm hồn để đón chào khởi đầu mới tốt, đẹp hơn. Nghi thức trước đêm Giao thừa của người Mông Cổ là rửa sạch chén bát với sữa ngựa.Vào thời khắc Giao thừa, người Mông Cổ thực hiện tục uống trà đầu năm. Món ăn truyền thống trong Tết Tsagaan Sar là các sản phẩm làm từ sữa, bánh buuz (giống như bánh bao), thịt cừu, thịt bò, sữa dê, cơm ăn cùng với sữa đông; hay cơm ăn chung với nho khô, thịt cừu nướng, thịt ngựa, bánh buuz, sữa ngựa lên men hoặc rượu vodka trộn sữa. Hầu hết các món ăn ngày tết của người Mông Cổ đều chế biến từ sữa cừu và trên mâm cỗ lúc nào cũng có thịt cừu nướng và mỳ vằn thắn./.