Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1-2013
Những tín hiệu lạc quan của tháng đầu năm
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1-2013, các thành viên Chính phủ đánh giá các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, thúc đẩy sản xuất, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán và đã đạt được những kết quả bước đầu.
Nổi bật là lãi suất tín dụng giảm, góp phần hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp; quản lý thị trường vàng đã đem lại hiệu quả, giá vàng giảm, thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,25% so với tháng trước, là mức tăng trung bình so với cùng kỳ các năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,1 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm trước...
An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật được quan tâm như: xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương để cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết nguyên đán và giáp hạt; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được thắt chặt; công tác bảo đảm an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, phòng chống cháy nổ được tăng cường.
Bên cạnh khẳng định những kết quả đã đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, trong tháng, rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh phía Bắc, hạn hán cục bộ tại một số tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến nguồn cung rau quả, thực phẩm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn cao. Lãi suất tín dụng tuy đã giảm nhưng vẫn còn khá cao so với khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp. Tình hình dịch bệnh trên người và ngộ độc thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp.
Trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch, việc tổ chức triển khai các Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP ở một số bộ, ngành, địa phương chưa kịp thời; sự phối hợp điều hành trong một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong việc bảo đảm cung cầu hàng hóa, chống buôn lậu và gian lận thương mại…
Phát biểu thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, tuy đã đạt nhiều kết quả tích cực, cho thấy tín hiệu khả quan ngay từ đầu năm, nhưng tình hình sản xuất - kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn; chỉ số lạm phát tăng 1,25% trong tháng 1 là không thể chủ quan.
Cho rằng các chủ trương, giải pháp chỉ đạo điều hành đã được thể hiện trong Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ, ngành cần rất khẩn trương trong việc ban hành, trình Chính phủ ban hành các văn bản pháp quy, tránh tình trạng chậm trễ trong triển khai thực hiện, làm giảm ý nghĩa của chính sách.
Qua thực tế khảo sát tại các địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các tỉnh, thành phố đều triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đến cấp huyện, nhiều tỉnh đã triển khai xuống cấp xã, từ đó tạo đồng thuận, thống nhất hành động ngay từ đầu năm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thống nhất cho rằng cần bắt tay ngay vào việc xử lý điều hành, lập lại kỷ cương, cải cách hành chính, hoàn thiện các cơ chế, đề án để nhanh chóng đưa các chủ trương, giải pháp của Chính phủ vào cuộc sống.
Ghi nhận những kết quả tích cực trong sản xuất, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát hiện tượng chuyển giá, “lãi thật, lỗ giả” của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài FDI. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị có thể thuê chuyên gia nước ngoài để thực hiện việc kiểm toán, kiểm tra chuyển giá của doanh nghiệp.
Để tăng hiệu quả công tác phòng, chống buôn bán gà lậu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần làm tốt công tác thông tin để người dân hiểu rõ tác hại của việc ăn gà thải loại do còn tồn dư kháng sinh rất lớn. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để tăng hiệu quả của cơ chế kiểm soát liên ngành đối với việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vận chuyển, buôn bán gà lậu.
Tập trung chăm lo cho nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đều nhấn mạnh việc thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường giá cả; bảo đảm cung cầu hàng hóa, đáp ứng tốt nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, nhà hàng; xử lý nghiêm minh và công khai các hành vi vi phạm.
Tập trung triển khai các biện pháp nhằm giảm thiệt hại do thời tiết rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm, bảo đảm gieo cấy vụ đông xuân kịp thời vụ, đồng thời, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp chống ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông; bảo đảm phòng chống cháy nổ và trật tự xã hội trong dịp Tết, đặc biệt là tại các thành phố lớn ...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng khẳng định, ngành nông nghiệp đã có phương án chuẩn bị đủ nguồn cung, kiểm soát chất lượng từ nguồn các loại thực phẩm thiết yếu dịp Tết. “Chắc chắn bảo đảm đủ nguồn cung, chất lượng thịt, rau, thủy sản”, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nói.
Cho biết, ngành vận tải đường sắt, đường không, đường bộ đều đã bố trí đủ phương tiện, có phương án tăng xe, tăng chuyến dịp trước và sau Tết, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng khẳng định, ngành giao thông sẽ bảo đảm không có tình trạng người dân không được về quê ăn Tết vì thiếu tàu xe. Bộ trưởng cho biết, tại thời điểm này, người dân vẫn có thể mua vé đi vào các ngày cao điểm, một số chuyến tàu, tuyến bay còn thừa khá nhiều chỗ.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Văn Huân cho biết, ngành đã làm việc chặt chẽ với các địa phương, đặc biệt là những tỉnh, thành tập trung các khu công nghiệp để có giải pháp bảo đảm lương, thưởng cho công nhân, tạo điều kiện cho họ về quê ăn Tết.
Một trong những nội dung được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận chính là các giải pháp bảo đảm nhân dân đón Tết vui Xuân an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai tốt việc cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để thiếu hàng, sốt giá. Việc đi lại cho dân cần tiếp tục được tăng cường kiểm soát, không để thiếu phương tiện hay xảy ra tình trạng “nhồi nhét” trên tàu, xe. “Nếu cần các doanh nghiệp vận tải như hàng không, đường sắt có thể hạ giá xuống mức hòa vốn, nhằm chia sẻ khó khăn, tạo thuận lợi cho nhân dân” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các địa phương phải chăm lo tốt cho đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ... Công an các tỉnh, thành kiểm soát nghiêm việc cấm đốt pháo, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn giao thông, trước mắt là giảm cả 3 chỉ tiêu về an toàn giao thông so với Tết năm trước.
Khẩn trương cụ thể hóa các nghị quyết của Chính phủ
Các thành viên Chính phủ kiến nghị các cấp, các ngành, địa phương tích cực thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp chủ yếu đã đề ra trong các nghị quyết của Quốc hội, các nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01và số 02/NQ-CP ngày 07-01-2013 của Chính phủ.
Trong đó, tập trung cải thiện công tác điều phối, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong quá trình thực hiện các biện pháp, nhất là các biện pháp có thể làm tăng giá cả. Khẩn trương triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh: giảm chi phí, giá thành sản phẩm; tăng sức mua, giảm tồn kho; mở rộng thị trường tiêu thụ, như: đưa hàng về nông thôn, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ hàng sản xuất trong nước, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... Triển khai các giải pháp cụ thể, hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh việc các bộ, ngành cần tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ một cách quyết liệt, khẩn trương. “Trước hết là cụ thể hóa thể chế, có những nội dung đã nêu trong Nghị quyết nhưng không có Thông tư, Nghị định để triển khai những quy định cụ thể thì không thực hiện được. Từng bộ phải rà soát, đánh giá lại theo chức năng, nhiệm vụ của mình để triển khai, cụ thể hóa nội dung các nghị quyết của Chính phủ ngay trong Quý 1”, Thủ tướng yêu cầu.
Trong tổ chức thực hiện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cần đặc biệt chú ý việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, kịp thời báo cáo Thường trực Chính phủ xử lý những vấn đề còn vướng mắc, nhất là trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đối với những vấn đề cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giá cả trên tinh thần bám sát nhiệm vụ trọng tâm, không được chủ quan. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát tốt lãi suất, tăng dư nợ tín dụng phù hợp với mục tiêu cả năm, không để “giật cục”, hướng vào những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngành tài chính tập trung giải ngân hết vốn năm 2012, triển khai vốn năm 2013, đồng thời nắm chắc nhu cầu để xem xét, xử lý việc ứng vốn năm 2014 cho các công trình, dự án giao thông trọng điểm.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tích cực chỉ đạo thực hiện tốt việc mua gạo tạm trữ, không để giá xuống thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nêu cao cảnh giác trong giữ vững chủ quyền quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Ngay từ đầu năm, cần đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo; làm tốt công tác tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận xã hội, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về 6 nhóm vấn đề môi trường cấp bách
* Chiều cùng ngày (29-1), các thành viên Chính phủ đã thảo luận Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Trong những năm qua, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước, cùng với trọng tâm phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, Việt Nam luôn coi trọng công tác bảo vệ môi trường và đã đạt được những chuyển biến tích cực. Hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường đã từng bước được hoàn thiện; nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân được nâng lên; nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm và phục hồi, cải thiện môi trường có nhiều chuyển biến. Các chỉ tiêu về môi trường được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Lần đầu tiên, Quốc hội đã phê duyệt chương trình Mục tiêu Quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môn trường giai đoạn 2012 - 2015.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường vẫn còn những hạn chế, yếu kém.
Trên cơ sở tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, ý kiến đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định 6 nhóm vấn đề môi trường cấp bách để tập trung xử lý.
Thứ nhất, sự phát triển các khu, cụm công nghiệp không đồng bộ với các điều kiện hạ tầng kỹ thuật về môi trường, dẫn đến nhiều khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tính đến tháng 9-2012, cả nước có 283 khu công nghiệp, khu chế xuất, 878 cụm công nghiệp, trong đó có 614 cụm đang hoạt động. Tỷ lệ các khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm khoảng 66%.
Thứ hai, tình trạng thiếu quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, làm tăng thêm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm thì trên 90% cơ sở sản xuất - kinh doanh khai thác, chế biến khoáng sản vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Từ năm 2007 đến tháng 7-2012, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện, xử lý 4142 vụ, riêng năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 đã phát hiện và xử lý 2.117 vụ, phạt vi phạm hành chính 21,7 tỷ đồng.
Thứ ba, chất thải rắn, chất thải y tế không được thu gom và xử lý triệt để; nước thải sinh hoạt và công nghiệp không được xử lý; khí thải, bụi phát sinh từ hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, cơ sở sản xuất không được kiểm soát chặt chẽ đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các thành phố lớn, lưu vực sông.
Thứ tư, chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn không được thu gom, xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh; tình trạng sử dụng phân bó hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng gia tăng. Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn khó kiểm soát, xử lý và khắc phục.
Thứ năm, cần tập trung xử lý là tình trạng công nghệ lạc hậu, chất thải dưới hình thức phế liệu nhập vào Việt Nam đang diễn biến phức tạp.
Thứ sáu, Dự thảo đặt ra vấn đề đa dạng sinh học bị suy thoái và đe dọa nghiêm trọng. Các loài, nguồn gen ngày càng giảm sút và thất thoát, số lượng loài có nguy cơ tuyệt chủng cao vấn tiếp tục gia tăng.
Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận về nội dung xây dựng “Đề án tăng cường năng lực đội ngũ, cán bộ quản lý môi trường các cấp, tập trung vào cấp quận/huyện, phường/xã; việc bố trí ngân sách cho hoạt động sự nghiệp môi trường; phân công nhiệm vụ giữa các bộ, ngành trong tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục 6 nhóm vấn đề môi trường cấp bách nêu trên.
Theo Dự thảo, mỗi năm Nhà nước bố trí ít nhất 1% tổng chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường. Việc thành lập hệ thống ngành dọc về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương sẽ thực hiện theo hướng kiêm nhiệm, tăng chức năng, quyền hạn, nghĩa vụ.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ là cần thiết nhằm tập trung nguồn lực trong bảo vệ môi trường.
Thủ tướng cho rằng xuất phát từ việc xác định 6 nhóm vấn đề cấp bách nói trên thì điều cần thiết là chúng ta phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt, cụ thể trong xử lý. Chẳng hạn, có thể kiên quyết dừng hoạt động các khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản để xảy ra ô nhiễm môi trường; các đô thị lớn nhất thiết phải xử lý triệt để lượng nước thải, chất thải rắn, chất thải y tế; các bộ, ngành địa phương phối hợp chặt chẽ trong xử lý các vấn đề ô nhiễm ở lưu vực sông, đặc biệt là tình trạng xả thải, quy hoạch thủy điện không phù hợp, khai thác cát, tài nguyên trên sông …
Thủ tướng đề nghị không nên thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành mà thay vào đó cần tăng cường phối hợp, kết hợp giữa các lực lượng thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong lĩnh vực môi trường; không nên thiết lập hệ thống ngành dọc từ Trung ương tới địa phương về bảo vệ môi trường, thay vào đó nên có đề án quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành.
Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ sẽ được hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong thời gian tới./.
Tiếp tục lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (29/01/2013)
Trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Trần Quốc Hương  (29/01/2013)
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tổng kết công tác năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013  (29/01/2013)
Tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội  (29/01/2013)
40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan  (29/01/2013)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay