Tăng lệ phí tuyển sinh sẽ tăng lên 100.000 đồng cho mỗi bộ hồ sơ? Có cho thí sinh mang máy quay, ghi âm vào phòng thi? Nên có nhiều điểm sàn cho từng vùng, từng nhóm trường?... Đó là những “chủ đề nóng” được các trường đại học, cao đẳng đưa ra thảo luận tại Hội nghị tuyển sinh năm 2013 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều ngày 22-1, tại Hà Nội.

Tăng lệ phí tuyển sinh sẽ tăng lên 100.000 đồng?

 

Vấn đề lệ phí tuyển sinh thường xuyên được các trường đặt ra tại các kỳ hội nghị về tuyển sinh đại học, cao đẳng. Theo quy định hiện hành, mức lệ phí là 80.000 đồng cho một bộ hồ sơ.

 

Tuy nhiên, theo lãnh đạo các trường đại học, mức lệ phí này là thấp, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn, vật giá leo thang như hiện nay.

 

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp cho biết, lệ phí quy định là 80.000 đồng nhưng cắt cho các khâu thu hồ sơ từ thí sinh đến các sở giáo dục - đào tạo, về tới trường chỉ còn 67.000 đồng trên mỗi bộ.

 

Mỗi năm, trường phải bù lỗ khoảng 30-40% kinh phí tuyển sinh. Năm 2012, trường lỗ khoảng 600 triệu đồng. Cũng vì ít kinh phí nên trường không có nhiều tiền trả cho giám thị coi thi, dẫn đến giảng viên thiếu mặn mà. “Đề nghị Bộ nghiên cứu và có điều chỉnh thích hợp, tăng lệ phí lên khoảng 20 đến 30% để các trường không phải bù lỗ quá lớn”, ông Tuấn nói.

 

Cùng vấn đề này, ông Vũ Đức Bình, Phó trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, việc bù lỗ còn nặng hơn khi thí sinh thi tại các cụm. Năm 2012, số kinh phí trung bình cho một thí sinh thi khối A thi ở cụm Vinh của trường là 96.000 đồng, cao hơn mức lệ phí thu từ thí sinh.

 

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, Bộ đã đề nghị Bộ Tài chính cho phép nâng mức lệ phí 100.000 đồng trên mỗi bộ hồ sơ thay vì mức 80.000 đồng như hiện nay. Khi có quyết định chính thức, Bộ sẽ thông báo cho thí sinh và trường biết.

 

Mang máy quay vào phòng thi, nên hay không?

 

Bên cạnh vấn đề học phí thì việc Bộ quy định cho phép thí sinh được mang các thiết bị ghi hình, ghi âm không có khả năng phát sóng vào phòng thi là chủ đề được các trường đặc biệt quan tâm. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng điều này là không nên.

 

Ông Phạm Lê Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương bày tỏ lo ngại việc các giám thị coi thi khó có khả năng thẩm định thiết bị có phát sóng hay không. Nếu không có khả năng thẩm định sẽ dễ xảy ra tiêu cực.

 

Đây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên. Theo ông Vui, việc cho thí sinh mang máy quay vào phòng thi sẽ gây khó cho giám thị, khó vì không đủ khả năng xác định được loại máy khi thị trường công nghệ thông tin phát triển rất nhanh, mặt khác, tạo áp lực rất lớn cho người coi thi.

 

Bày tỏ quan điểm một cách gay gắt hơn, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, Bộ không nên chạy theo dư luận xã hội, chỉ vì một vụ Đồi Ngô mà gây sức ép cho ngành. “Thí sinh đi thi chứ không phải đi quay. Giáo viên chúng tôi cũng không xác định được máy có phát sóng hay không. Với quy định mới này, Bộ đang đẩy quả bóng rất nặng về cho các trường”, ông Tuấn nói.

 

Đáp lại phản bác của các trường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết việc quy định cho thí sinh được mang thiết bị ghi hình, ghi âm vào phòng thi là một cách để nâng tính nghiêm túc của kỳ thi. Thừa nhận việc giám thị sẽ bị tác động tinh thần rất lớn nhưng theo ông Ga, điều đó sẽ khiến người coi thi phải nâng cao tinh thần trách nhiệm và để xã hội thấy rằng, đằng sau cánh cổng trường thi không cô lập hoàn toàn mà xã hội vẫn có thể kiểm soát được. “Năm nay, lãnh đạo bộ kiên quyết quyết định làm việc này nên các trường cần cố gắng thực hiện”, ông Ga nói.

 

Giải thích rõ hơn với các trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận chia sẻ rằng việc mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi chính là thực tế phát sinh. Trong kỳ thi, ngành giáo dục có thanh tra, giám sát nhưng thực tế đã chỉ ra rằng hiện tượng cán bộ vi phạm không phải là cá biệt. Việc cách ly khu vực thi rất tốt nếu cán bộ coi thi nghiêm túc nhưng lại là “nối giáo cho giặc” nếu làm không nghiêm túc.

 

“Hiện tượng Đồi Ngô nếu không là học sinh thì ai sẽ là người phát hiện? Điều quan trọng là gắn lên đầu chúng ta sự giám sát vô hình để tất cả phải thực hiện nghiêm túc”, ông Luận nói.

 

Sẽ tính toán lại điểm sàn

 

Điểm sàn cũng là một nội dung mà khá nhiều trường bức xúc, nhất là các trường đại học cao đẳng thuộc nhóm khó tuyển sinh.

 

Theo ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Đại học Dân lập Hải Phòng, cách xác định điểm sàn như của Bộ trong những năm qua là không chính xác và đã khiến số thí sinh đạt mức trên sàn thấp trong khi các trường lại thiếu sinh viên.

 

Đại diện cho nhóm trường khu vực Nam Trung Bộ, ông Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cũng kiến nghị Bộ nên xác định điểm sàn theo từng khu vực và theo năng lực từng nhóm cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, theo ông Vinh, Bộ nên cân nhắc lại mức độ đề thi để điểm sàn đạt mức điểm trung bình là 15 điểm cho ba môn thay vì chỉ 13 điểm như các năm qua.

 

Nên có điểm sàn uyển chuyển hơn, tính đến yếu tố vùng miền cũng là đề xuất của ông Nguyễn Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên.

 

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trong quy chế tuyển sinh đã có điểm ưu tiên khu vực. Điều này làm cho trên thực tế, các vùng khác nhau có mức điểm sàn khác nhau.

 

Về vấn đề xác định điểm sàn, Thứ trưởng Ga thừa nhận tuy đã dựa trên nhiều thông số nhưng dường như chưa thật chắc chắn, cơ sở để xây dựng chưa vững vàng, thực tế không phát huy được tác dụng.

 

“Bộ sẽ nghiên cứu thêm và lắng nghe các ý kiến để có thể xác định điểm sàn có tính thuyết phục nhất,” ông Ga nói./.