Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 7 đến ngày 13-01-2013
Bộ máy chính quyền cồng kềnh vì trách nhiệm không rõ
Sáng 8-1, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” làm việc với phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”. Đây là một trong nhiều địa phương cấp cơ sở mà Chủ tịch nước và đoàn công tác này đã và sẽ đi khảo sát.
Báo cáo với Chủ tịch nước, lãnh đạo phường An Hải Bắc cho biết, từ tháng 4-2009, thí điểm thực hiện chủ trương không tổ chức HĐND, năm 2012, thí điểm bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch UBND thì chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng cao, chất lượng các nghị quyết do đảng uỷ phường ban hành được nâng lên nhờ bám sát thực tế của địa phương. Tuy vậy, theo Bí thư kiêm Chủ tịch phường An Hải Bắc Nguyễn Hữu Nam, chính quyền cơ sở gánh quá nhiều trách nhiệm, trong khi đó, chức trách, chức năng, việc phường phải làm lại không được phân định rõ ràng.
Chủ tịch nước chia sẻ: “Tôi lo lắng rất nhiều về chức năng, nhiệm vụ của phường. Đã 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường thị trấn, làm thay đổi khá nhiều ở cấp chính quyền này. Cơ sở vật chất được đầy đủ, trình độ cán bộ xã phường nâng cao, nhiều biên chế đã tốt nghiệp đại học... Thế nhưng đi đâu cũng nghe than thiếu người, công việc quá tải”.
Chủ tịch nước cho biết, trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, cả nước có trên 970.000 cán bộ chính quyền cấp cơ sở, nhưng đến nay đã gần 1,5 triệu người. Số lượng cán bộ xã, phường, thị trấn tăng quá cao, nhưng khắp nơi kêu thiếu. Vậy cái gốc của vấn đề là chưa phân định trách nhiệm rõ ràng cho chính quyền cơ sở.
Nhất định phải làm rõ trách nhiệm này. Có như vậy thì mới giảm được số lượng cán bộ, ổn định được việc, tăng được quỹ tiền lương, đồng thời phân định được trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân. Với bộ máy chính quyền quá cồng kềnh như hiện nay, không thể nào thực hiện được cải cách tiền lương. Nếu tổ chức bộ máy không ổn định, quy mô cán bộ không phù hợp, tiền lương không tăng được.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thông thoáng hơn cho người dân và doanh nghiệp
Tại Hội nghị về công tác cải cách hành chính ngành nông nghiệp diễn ra ngày 8-01 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã yêu cầu các đơn vị liên quan, cần tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp thông thoáng hơn cho cả người dân và doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), công tác cải cách hành chính của ngành nông nghiệp năm 2012 bao gồm 7 lĩnh vực trọng tâm với 42 nhiệm vụ và 81 hoạt động, bao gồm: cải cách tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính; công tác chỉ đạo điều hành... Kết quả, đã hoàn thành 37 nhiệm vụ với 75 hoạt động cụ thể, tiết kiệm được 4,4 tỷ đồng.
Cụ thể, trong năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai rà soát hệ thống hóa văn bản pháp luật như Luật Thủy sản và các luật có liên quan; đề xuất 24 văn bản sửa đổi, bổ sung; 30 văn bản, kiến nghị ban hành các quy định mới; bãi bỏ 35 thủ tục hành chính... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong hoạt động của Bộ và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành nâng cấp, hoàn thiện cập nhật lại toàn bộ thủ tục hành chính công.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, nhìn chung so với năm 2011, công tác cải cách thủ tục hành chính đã được thực hiện toàn diện, đồng bộ hơn, chất lượng dần được nâng lên. Tuy nhiên, các đơn vị cần phải rà soát lại tổng thể các thủ tục hành chính, nếu không sẽ lại dẫn tới việc thu gọn ở mặt này nhưng lại phát sinh thêm ở các mặt khác, gây vướng mắc, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
“Nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trong năm 2013 trước tiên là phải chấn chỉnh lại việc tổ chức và cán bộ. Cần phải xem lại việc có hay không thi tuyển cán bộ đạt 100 điểm ngoại ngữ, nhưng khi hỏi... một câu tiếng Anh cũng không trả lời được” - Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo
Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đạt chuẩn ISO trong cải cách hành chính
Sáng ngày 8-01, tại Hội nghị Tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Ngô Quý Việt đã trao chứng nhận ISO 9001:2008 cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, đến nay đã có 16 cơ quan đơn vị thuộc Bộ hoàn thành việc xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008. Theo đó, trong tổng số 427 quy trình ISO đã được xây dựng và triển khai áp dụng, trong đó có 176 quy trình thực hiện các thủ tục hành chính.
"Hiện các đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận, trong đó có 14/16 đơn vị hoàn thành trước kế hoạch của Bộ đề ra", Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, mục tiêu cuối cùng của cải cách hành chính là giải quyết hiệu quả công việc của doanh nghiệp và người dân. Trong năm 2013, cùng với việc nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung vào việc cải cách công tác tổ chức cán bộ và xây dựng thể chế.
“Chất lượng nhân lực quyết định tính hiệu quả của cải cách hành chính, bộ máy cơ quan quản lý thuộc Bộ vẫn còn quá nhiều bất cập và chưa có bố cục chặt chẽ. Ví dụ Trung ương có Cục nhưng địa phương lại không có chi cục hay nếu có thì không phải địa phương nào cũng có... Đặc biệt, công tác thể chế cần phải được cải thiện, tránh tình trạng văn bản kém chất lượng, không khả thi vẫn được ban hành”, Bộ trưởng nói.
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có rất nhiều các văn bản hiện hành chưa được rà soát. Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, chỉ riêng trong lĩnh vực thủy sản đã có tới 98 văn bản liên quan, điều này dẫn đến tình trạng chồng chéo.
Trong khi đó Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thừa nhận, thời gian qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành chưa chuyên nghiệp, không có tầm nhìn bao quát, chỉ chạy theo sự vụ, giải quyết tình thế, dẫn đến tình trạng văn bản "đá" nhau gây khó khăn cho quản lý và cho người áp dụng.
"Cần phải rà soát, quy hoạch các văn bản quy phạm pháp luật, chủ động xem xét loại bỏ những văn bản không phù hợp", Bộ trưởng nói.
Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, năm 2013 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong công tác xem xét, thẩm định và ban hành tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia làm phương tiện, công cụ cho công tác quản lý chuyên ngành.
"Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có hơn 1.000 tiêu chuẩn, nhưng như thế là chưa đủ. Chúng ta còn thiếu rất nhiều nên phương hướng trong năm 2013 là phải tập trung tháo gỡ", Bộ trưởng chỉ đạo.
Tham dự và phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Ngô Quý Việt đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xây dựng và triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trong cải cách hành chính. "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là bộ đầu tiên hoàn thành việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào khối cơ quan trực thuộc bộ, đây là một tín hiệu đáng mừng thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo bộ và các đơn vị thuộc bộ", Tổng cục trưởng Ngô Quý Việt nói.
Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng chia sẻ những vướng mắc trong vấn đề chậm trễ ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và đồng ý sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc xem xét, thẩm định các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đúng thời hạn, đảm bảo tiến độ tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành kế hoạch.
Hà Nội: “Bước đi trước” hiệu quả
Khắc phục tình trạng nhiều đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc việc báo cáo định kỳ công tác cải cách hành chính, Sở Nội vụ Hà Nội đã thiết kế và yêu cầu các đơn vị áp dụng biểu mẫu báo cáo cải cách hành chính theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và cả năm.
Khi đưa vào áp dụng, không ít đơn vị cho rằng khó thực hiện, vì biểu mẫu dài 30 trang (đối với báo cáo của cấp quận, huyện) và 32 trang (với cấp sở, ngành). Biểu mẫu yêu cầu báo cáo đầy đủ các nội dung của cải cách hành chính như: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Trong từng nội dung lại phải báo cáo chi tiết tới từng mục, tiểu mục và buộc phải cụ thể hóa số lượng chứ không báo cáo chung chung. Vì thế, nhiều đơn vị đã không điền được đầy đủ các mục, tiểu mục. Song, một số đơn vị lại hào hứng với hình thức báo cáo mới này vì đã giúp họ có cái nhìn tổng quát, thống kê được đầy đủ việc thực hiện công tác cải cách hành chính của đơn vị.
Mới đây, Bộ Nội vụ đã công bố Chỉ số cải cách hành chính dành cho cấp bộ, ngành và địa phương mới thấy, biểu mẫu báo cáo kết quả công tác thực hiện cải cách hành chính mà Sở Nội vụ Hà Nội xây dựng hoàn toàn phù hợp với Chỉ số cải cách hành chính. Theo lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội, đây là một "bước đi trước" của Hà Nội nhằm thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính. Dù Hà Nội không phải đơn vị thực hiện thí điểm Bộ chỉ số cải cách hành chính nhưng Sở Nội vụ Hà Nội đã chủ động căn cứ vào khung Bộ chỉ số cải cách hành chính để xây dựng biểu mẫu báo cáo cải cách hành chính và áp dụng ngay trong năm 2012. Với biểu mẫu chi tiết như vậy, buộc cán bộ phải nắm chắc tình hình thực hiện cải cách hành chính ở đơn vị mình (cả về cơ sở vật chất và chất lượng thực hiện); chấm dứt được tình trạng báo cáo chung chung tồn tại suốt thời gian qua.
Cấm lợi dụng lễ, Tết để liên hoan lãng phí
UBND TP. Cần Thơ vừa có thông báo về việc trợ cấp khó khăn và một số “điều cấm” trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.
Thông báo của UBND TP. Cần Thơ nêu rõ, việc trợ cấp được thực hiện để mọi người, mọi nhà vui xuân đón Tết và giải quyết một phần khó khăn về đời sống của người dân.
Theo đó, dịp Tết Nguyên đán, thành phố trợ cấp khó khăn với mức từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
Cụ thể, trợ cấp mức 500.000 đồng đối với các cụ 100 tuổi trở lên.
Trợ cấp mức 400.000 đồng đối với những đối tượng chính sách như: người hoạt động cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, chất độc da cam, hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, một số cán bộ công chức - viên chức, lực lượng vũ trang, cán bộ - công chức thuộc các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn…
Mức trợ cấp 300.000 đồng đối với các đối tượng nuôi dưỡng ở 2 cơ sở bảo trợ xã hội do Nhà nước quản lý; đối tượng nuôi dưỡng tại 6 cơ sở xã hội không hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước; đối tượng 5 - 6 ở Trung tâm Giáo dục lao động - xã hội.
UBND TP. Cần Thơ cũng yêu cầu khi lập danh sách nhận trợ cấp tránh trùng lặp hoặc bỏ sót đối tượng được trợ cấp. Thời gian chi cho các đối tượng phải hoàn thành trước ngày 5-2-2013.
Thông báo cũng nêu rõ ngoài các khoản trợ cấp trên, UBND các quận, huyện và các cơ quan đơn vị không được đặt thêm chế độ hoặc sử dụng bất kỳ nguồn kinh phí nào của ngân sách nhà nước hoặc của doanh nghiệp nhà nước trái với thông báo này.
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cũng đề nghị các địa phương cần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nghiêm cấm lợi dụng việc lễ Tết để tổ chức liên hoan, ăn uống lãng phí và cấm sử dụng tiền, tài sản Nhà nước, tập thể có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để thưởng, biếu, tặng cho các cá nhân, tổ chức không đúng quy định.
Hà Nội: Cấp dưới vi phạm, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa chỉ đạo các sở ngành, quận huyện thực hiện “năm kỷ cương hành chính - 2013”. Chủ tịch nêu rõ, người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm kỷ luật của cấp dưới.
Để thực hiện “năm kỷ cương hành chính - 2013”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành và quận huyện phải phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho từng phòng, ban, bộ phận...; giảm số lượng các cuộc họp, tổ chức lồng ghép nhiều nội dung trong cùng một cuộc họp cùng thành phần dự họp; chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch UBND thành phố về chất lượng và thời hạn các nhiệm vụ theo chỉ đạo của chủ tịch và phó chủ tịch thành phố; chịu trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị về hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính của cấp dưới trực tiếp.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, cần nâng cao nhận thức và thực hiện có trách nhiệm, nghiêm túc, đầy đủ các quy định của cơ quan về kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Từng cán bộ, công chức phải chịu trách nhiệm cá nhân về chất lượng tham mưu, đề xuất trong lĩnh vực công việc được giao. Trường hợp tham mưu, đề xuất không hết trách nhiệm, trái quy định của pháp luật phải chịu trách nhiệm công vụ. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý theo quy định của pháp luật; quy định về bồi thường trách nhiệm nhà nước và quy định pháp luật có liên quan.
Để tăng cường kỷ cương hành chính, UBND thành phố thành lập Bộ phận Thường trực thanh tra, kiểm tra công vụ, hoạt động thường xuyên theo chương trình, kế hoạch và thanh tra, kiểm tra đột xuất theo phản ánh, khiếu nại, tố cáo của cá nhân, tổ chức.
Bộ phận trên do Giám đốc Sở Nội vụ trực tiếp chỉ đạo, một phó giám đốc Sở này làm nhiệm vụ chuyên trách. Thành viên trong Bộ phận Thường trực Thanh tra gồm có một số cán bộ thuộc Sở Nội vụ, Thanh tra Thành phố, Sở Tư pháp, Văn phòng UBND thành phố.
Ngoài ra, Giám đốc sở, thủ trưởng các ban ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện thị xã trực tiếp chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra thực thi công vụ tại đơn vị, địa phương mình.
Hội thảo "Tổ chức chính quyền địa phương - kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam"
Đây là Hội thảo đầu tiên tổ chức tại khu vực các tỉnh thành phía Nam nhằm trưng cầu ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp cán bộ, nhân dân về Chương quy định về tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) kể từ khi Quốc Hội ra Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Ngày 10-1, tại thành phố Cần Thơ, Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ và Dự án Nghiên cứu lập pháp Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề “Tổ chức chính quyền địa phương - kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam”. Đây là Hội thảo đầu tiên tổ chức tại khu vực các tỉnh thành phía Nam nhằm trưng cầu ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp cán bộ, nhân dân về Chương quy định về tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) kể từ khi Quốc Hội ra Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Hội thảo đã tập trung làm rõ 4 nội dung lớn trong Chương quy định về chính quyền địa phương của Hiến pháp Việt Nam sửa đổi đặt ra. Đó là các vấn đề về vai trò, nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của tổ chức CQĐP; mối quan hệ giữa chính quyền Trung ương và địa phương, sự phân cấp quản lý, quản lý chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn sao cho đạt hiệu quả cao; CQĐP sẽ tổ chức và hoạt động theo mô hình nào trong tương lai; cơ chế hình thành CQĐP, trong đó làm rõ vai trò HĐND các cấp để phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của CQĐP.
Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, hoạt động CQĐP trên thế giới và kinh nghiệm tổ chức ở một số nước Đông Nam Á. Có nhiều mô hình về quyền lực Nhà nước Trung ương và có những mô hình phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương mang tính gợi mở cho những nội dung quan trọng của Hội thảo…
Xuất phát từ tình hình thực tế của Việt Nam, các đại biểu đã làm rõ các nội dung yêu cầu của Hội thảo đặt ra đồng thời đề xuất nhiều ý kiến bổ sung nhiều vấn đề quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện về thể chế và nguyên tắc về phân cấp quản lý CQĐP; tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức hành chính đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước. Nhiều ý kiến cũng cho rằng: chức năng, nhiệm vụ của HĐND nên quy định rõ hơn; vai trò, vị trí của HĐND các cấp trong hệ thống chính trị và trong bộ máy CQĐP cần được xác định rõ. Để công tác quản lý phát huy được tính năng động, sáng tạo và hiệu quả cũng như giải quyết cơ bản các bất cập tồn tại, CQĐP cần được phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn, đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vị lĩnh vực được phân cấp, phân quyền theo tinh thần nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.
Nhiều băn khoăn về quy định tổ chức lễ tang cán bộ
TS. Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho rằng Nghị định 105/2012 về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức có nhiều điểm chưa hợp lý và khả thi.
Trao đổi với báo chí ngày 9-1, TS. Lê Hồng Sơn cho biết việc Chính phủ ban hành Nghị định 105 là rất cần thiết để xác lập thể chế quản lý về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc hoặc nghỉ hưu, từ trần. Nghị định giao nhiều trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp cao của Đảng và Nhà nước. Ông Sơn cho rằng đây là những quy định mà lâu nay, các cơ quản lý hành chính nhà nước thường né tránh.
Tuy nhiên, TS. Lê Hồng Sơn băn khoăn: “Cũng có nhiều ý kiến cho rằng những vấn đề này thuộc thẩm quyền của các cơ quan Đảng, không phải của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước như Chính phủ”. Ông Sơn nhận định đây là vấn đề nhạy cảm, tế nhị nên có thể quy định một cách mềm mại, khéo léo hơn, thay vì đưa ra quy định hơi cứng như trong Nghị định.
Bên cạnh đó, quy định “linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc gia đình không có ô cửa lắp kính trên nắp quan tài”, theo ông Sơn cũng không phù hợp. Theo ông, việc để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài nhằm tạo điều kiện cho những người đến viếng được “nhìn mặt người quá cố lần cuối”. Nói rằng cấm để bảo đảm vệ sinh, ngừa khả năng kính vỡ rơi vào mặt người quá cố hoặc vì lý do gì đi nữa cũng không đủ sức thuyết phục. Với điều kiện bây giờ, người ta có thể khắc phục hoàn toàn những lo ngại đó.
Ông Sơn cho rằng vài nội dung khác liên quan đến việc không cho rắc vàng mã, đốt đồ mã tại nơi an táng cũng cần phải xem xét lại tính khả thi tới đâu, nếu vi phạm thì có xử lý không và cơ quan nào xử lý việc đó.
Theo ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, các cơ quan của Đảng, đảng viên phải thực hiện theo đúng pháp luật của Nhà nước là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, nhiều quy định trong Nghị định 105 nên được xem xét lại một cách thấu đáo. “Tôi còn nhớ lời của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết rằng phải khuyến khích người dân hỏa táng thay vì mai táng, mà muốn người dân thực hiện thì cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước phải gương mẫu làm đầu tiên. Như thế mới văn minh và lâu dài không phải lo nhiều về việc bố trí đất đai làm nghĩa trang…” - ông Phạm Quốc Anh nói./.
Chia sẻ thông tin hợp tác công tư về phát triển hạ tầng  (15/01/2013)
Diễn đàn tài chính châu Á thu hút sự quan tâm lớn  (15/01/2013)
Cần thiết ban hành Nghị định về hoạt động mỹ thuật  (15/01/2013)
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa  (15/01/2013)
Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Savannakhet trình thư ủy nhiệm  (15/01/2013)
Lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu sang Malaysia  (15/01/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên