Trong khuôn khổ hợp tác hạ nguồn Mekong - Mỹ (LMI), Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức hội thảo “Những điển hình tốt về hợp tác công-tư trong phát triển cơ sở hạ tầng” từ ngày 14 đến 15-1-2013.

Tham dự hội thảo có hơn 150 đại biểu là các quan chức chính phủ và doanh nghiệp của 6 nước thành viên LMI và các tổ chức quốc tế khác.

Trong bối cảnh nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng ngày càng tăng tại các nước ASEAN nói chung và khu vực Mekong nói riêng, hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực này giữa các nước Mekong và các khu vực khác trên thế giới. Đây là sự kiện đầu tiên trong năm 2013 của hợp tác LMI diễn ra tại Việt Nam và là một hoạt động thuộc Chương trình Kết nối Mekong của LMI.

Trong bài phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trương Tấn Viên cho biết việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông đã được Chính phủ Việt Nam xác định là một trong những nội dung đột phá để đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. 

Thứ trưởng cũng đánh giá cao vai trò của nguồn vốn và kinh nghiệm quản lý từ khu vực tư nhân, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư Mỹ và khu vực Mekong tham gia vào các dự án giao thông tại Việt Nam. 

Thứ trưởng cũng khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear nêu bật tiềm năng hợp tác giữa Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực điện lực; xây dựng sân bay hiện đại, cảng biển và hệ thống giao thông.

Đại diện Vụ Kinh tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Lorraine Hariton phát biểu: “Chương trình trao đổi này trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ lưu Mekong rất quan trọng vì nó đã quy tụ các chính phủ trong khu vực, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để trao đổi các cách phát triển cơ sở hạ tầng tốt nhất mà sẽ mang lại lợi ích cho mọi người trong khu vực.”

Các đại biểu đã thảo luận về các mục tiêu, tầm nhìn cho phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực Mekong, các chính sách, kinh nghiệm từ Mỹ và các nước khác về hợp tác công - tư trong lĩnh vực này. Một số dự án cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực, ngành như cầu đường, cảng biển, cảng hàng không, đường sắt, năng lượng, công nghệ thông tin...

LMI được hình thành vào năm 2009 với 6 nước thành viên là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Mỹ (Myanmar trở thành thành viên chính thức năm 2012). Hợp tác LMI tập trung vào 6 lĩnh vực trụ cột là môi trường và nước, y tế, giáo dục, kết nối, nông nghiệp và an ninh lương thực, an ninh năng lượng./.