Chính phủ Ma-li ban bố tình trạng khẩn cấp

Theo: TTXVN
06:39, ngày 13-01-2013

Ngày 11-1-2013, Chính phủ Ma-li đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc trong bối cảnh quân đội bắt đầu cuộc phản công chặn đà tấn công của lực lượng phiến quân đang chiếm giữ miền Bắc. Quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp được đưa ra tại cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Ma-li dưới sự chủ trì của Tổng thống tạm quyền Đi-ôn-côn-ta Trao-rê (Dioncounda Traure).

Cùng ngày, tạp chí "Afrique" dẫn lời một quan chức Ma-li giấu tên cho biết các máy bay vận tải C-130 đã vận chuyển các binh sĩ nước ngoài, trong đó có binh sĩ Pháp, và nhiều vũ khí quân sự đến Ma-li. C-130 là loại máy bay được sử dụng trong quân đội Pháp, Đức. Phát biểu trên kênh truyền hình France 24, Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (Francois Hollande) khẳng định đây là sự giúp đỡ cần thiết trong khuôn khổ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc theo đề nghị giúp đỡ khẩn cấp của Tổng thống Đ.Trao-rê.

Cũng theo ông Ph.Ô-lăng-đơ, Pháp sẵn sàng chặn đứng cuộc tiến công của phiến quân Hồi giáo tại Ma-li nếu còn tiếp diễn. Ngoài ra, Pháp cũng kêu gọi Liên hợp quốc "đẩy nhanh" việc thực thi giải pháp cho phép triển khai một lực lượng quốc tế tới Ma-li. Trong một bức thư gửi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Pháp cho biết quân đội nước này sẽ hỗ trợ các binh sĩ Mali "chiến đấu chống các phần tử khủng bố" tới chừng nào cần thiết. Ngoại trưởng Anh Uy-li-am Ha-gơ (William Hague) cam kết sẽ sát cánh với Pháp trong việc giúp đỡ Chính phủ Ma-li.

Một quan chức Mỹ giấu tên ngày 11-1 cho biết, quân đội Mỹ đang cân nhắc hỗ trợ các lực lượng Pháp giúp Chính phủ Ma-li chặn đà tiến xuống phía Nam của các phiến quân, kể cả việc sử dụng máy bay do thám không người lái. Theo quan chức trên, các tư lệnh quân đội Mỹ đang xem xét một loạt lựa chọn, như hỗ trợ về hậu cần và tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, trong đó có việc cung cấp các máy bay do thám và tiếp nhiên liệu trên không.

Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Tôn-mi Vie-tơ (Tommy Vietor) tuyên bố Oa-sinh-tơn (Washington) ủng hộ các nỗ lực can thiệp của Pháp vào Ma-li nhằm tránh để quốc gia châu Phi này trở thành một nơi ẩn náu an toàn của các phần tử cực đoan.

Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) cũng cho phép triển khai khẩn cấp lực lượng gìn giữ hòa bình của châu Phi tới Ma-li. Hiện tại ECOWAS đang tiến hành các cuộc tham vấn với Liên minh châu Phi (AU) về phương thức triển khai Lực lượng Hỗ trợ Quốc tế tại Mali do châu Phi đứng đầu (AFISMA) theo nghị quyết 2085 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong khi đó, đặc phái viên Liên hợp quốc về Tây Phi Xét Đơ-ginnít (Said Djinnit) dự kiến đến Ma-li vào tuần tới để bàn cách phối hợp triển khai binh sĩ quốc tế tới quốc gia Tây Phi này.

Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh lực lượng phiến quân vẫn đang tiếp tục tiến về phía Nam và giao chiến với quân đội chính phủ trong ngày thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, dưới sự yểm trợ của không quân Pháp, quân đội Ma-li đã tái chiếm được thị trấn Côn-na (Konna), đẩy lùi mũi tiến công của các tay súng Hồi giáo hướng về thị trấn trọng yếu Mốp-ti (Mopti) và một thị trấn khác trên cung đường dẫn về thủ đô Ba-ma-cô (Bamako). Thị trấn Mốp-ti là cửa ngõ quan trọng đi về phía Nam, nơi vẫn thuộc quyền kiểm soát của chính phủ trong khi hầu như toàn bộ khu vực phía Bắc đã nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Hồi giáo từ sau cuộc đảo chính hồi tháng 3 năm ngoái.

Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) cảnh báo tình trạng xung đột ở miền Trung đã buộc nhiều người dân ở khu vực này, đặc biệt ở Côn-na, Am-ba và Bô-rê (Bore) phải rời bỏ nhà cửa và di chuyển sâu hơn xuống phía Nam. Lo ngại tình hình an ninh tại Ma-li tiếp tục xấu đi, Bộ Ngoại giao Pháp yêu cầu các công dân nước này rời khỏi Ma-li nếu không thật sự cần thiết phải ở lại. Đến nay đã có 7 công dân Pháp bị các tay súng Hồi giáo Ma-li bắt cóc./