Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số Việt Nam năm 2013
Năm 2012 Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số - Kế hoạch hóa gia đình được Bộ Y tế chỉ đạo sâu sát, Tổng cục DS - KHHGĐ quyết liệt hướng dẫn triển khai thực hiện các giải pháp tổng thể, vượt qua nhiều trở ngại khó khăn, đạt kết quả cao, hoàn thành tốt những nội dung chủ yếu mà Chương trình mục tiêu quốc gia đặt ra. Mặc dù thời điểm giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước trong năm chậm so với yêu cầu của Luật Ngân sách nên thời gian để triển khai thực hiện nhiệm vụ ngắn nhưng trước đó, nhiều tỉnh đã chủ động giao chỉ tiêu kế hoạch thực hiện dựa theo mức Trung ương giao năm trước và thực tế của địa phương và xây dựng quyết tâm thực hiện. Về chỉ tiêu giảm sinh có 4/42 tỉnh giao chỉ tiêu mức thấp hơn số Trung ương giao từ 0,002% - 0,003% như: Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Ninh Thuận. Về thực hiện biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại, hầu hết các tỉnh đã giao chỉ tiêu tổng số người mới sử dụng BPTT và cơ cấu các BPTT bằng hoặc cao hơn mức Trung ương giao. Có 9/63 tỉnh giao dự toán kinh phí hành chính là: Bắc Cạn, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Đồng Nai. 63 tỉnh đã thực hiện dự toán chi từ ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia DS - KHHGĐ là 392.968 triệu đồng, bằng 100% số phân bổ. Có 2 tỉnh thay đổi cơ cấu dự toán giữa các dự án thuộc Chương trình so với chỉ số của Trung ương phân bổ là Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Ngoài ra, ngân sách địa phương bổ sung cho Chương trình khoảng 50 tỷ đồng; trong đó 13/17 tỉnh ở mức trên 1 tỷ đồng; đặc biệt, có 4/13 tỉnh bổ sung mức trên 4 tỷ đồng: Sơn La (4 tỷ); Hải Phòng (4,1 tỷ); Thừa Thiên Huế (6,4 tỷ); Hà Nội (14 tỷ).
Ngay từ đầu năm, Bộ Y tế, Tổng cục DS - KHHGĐ đã chủ động chỉ đạo, hướng dẫn Sở Y tế, Chi cục DS - KHHGĐ các tỉnh, thành phố tích cực triển khai sớm các hoạt động. Một số địa phương đã nỗ lực và chủ động triển khai Chương trình mục tiêu DS - KHHGĐ bằng cách hỗ trợ, cho ứng vay từ nguồn ngân sách nên những nơi này Chương trình không bị gián đoạn trong năm kế hoạch 2012 do việc giao dự toán chậm. Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu kế hoạch những tháng đầu năm 2012 vẫn đạt thấp. Tổng cục DS - KHHGĐ đã đưa ra nhiều giải pháp chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình những tháng cuối năm nên có nhiều áp lực trong tổ chức thực hiện các mục tiêu. Ước tính năm 2012, mức giảm sinh 0,01%; tỷ số giới tính khi sinh 112,3 bé trai/100 bé gái, giảm tốc độ tăng tỷ số này so với năm 2011 chỉ còn 0,4 điểm phần trăm (năm 2011 giảm so với năm 2010 là 0,7 điểm phần trăm). Dự tính cả năm 2012, số bà mẹ được sàng lọc trước sinh và số trẻ được sàng lọc sơ sinh đạt 100% kế hoạch (3% bà mẹ được sàng lọc trước sinh và 10% trẻ em được sàng lọc sơ sinh). Một số chỉ tiêu đặt ra tại 63 tỉnh, thành phố trong 9 tháng đầu năm 2012 chưa đạt kế hoạch, số người mới sử dụng các biện pháp tránh thai giảm, nhất là các biện pháp tránh thai lâm sàng. Kết quả về đặt vòng tránh thai mới đạt 71,3 % so với chỉ tiêu; số người mới triệt sản đạt 79,4% so với kế hoạch; số người mới cấy thuốc tránh thai so cùng kỳ năm 2011 giảm 42%; số cặp vợ chồng đang sử dụng biện pháp tránh thai giảm 1,87% so cùng kỳ năm 2011; số người đang sử dụng vòng tránh thai giảm 4,4% so cùng kỳ năm 2011; số người triệt sản giảm 12,5%.
- Một số khó khăn, hạn chế:
- Ngân sách Trung ương năm 2012 thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia DS - KHHGĐ giao muộn (tháng 5-2012) lại phải mất thời gian chờ đợi phần mềm đưa vào hoạt động phù hợp với mỗi dòng của các dự án, đề án nên đến tháng 8-2012 cả ở Trung ương và địa phương mới được giao xong dự toán ngân sách chi tiết để triển khai các hoạt động theo kế hoạch. Do tâm lý và quan niệm dân gian về năm Nhâm Thìn 2012, năm “được tuổi” nên số trẻ sinh trong năm tăng đột biến so với năm 2011. Vì vậy, dự kiến mức giảm sinh chỉ đạt khoảng 0,01%, không vượt được chỉ tiêu Quốc hội giao như 3 năm vừa qua.
- Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác DS - KHHGĐ mặc dù đã được củng cố và hoàn thiện một bước nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc bổ sung, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị từ tất cả các nguồn (kể cả việc tu bổ sau lũ lụt) quá hạn hẹp nên điều kiện làm việc của cơ quan dân số nhiều địa phương hết sức khó khăn. Hiện vẫn còn 57,6 số cán bộ dân số xã và hơn 174.000 cộng tác viên chỉ được hưởng phụ cấp và thù lao ít ỏi (cán bộ chuyên trách hưởng mức 150.000đ; 200.000đ; cộng tác viên là 50.000đ /người/tháng) từ Chương trình mục tiêu quốc gia. Suốt 8 tháng đầu năm 2012 chưa được nhận phụ cấp nên không ít người đã nghỉ việc. Nhiều cán bộ mới tuyển dụng, điều động chưa được tập huấn nghiệp vụ chuyên môn nên còn lúng túng trong công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã chuyển đổi nhận thức và vào cuộc mạnh mẽ trong việc giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn, chưa đáp ứng yêu cầu tạo bước đột phá để giải quyết tình trạng này.
Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2013 là chủ động mức sinh thấp hợp lý; khống chế tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số về thể chất, hướng tới chiến lược đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Một số giải pháp chủ yếu:
Thứ nhất, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục về chuyển đổi nhận thức, hành vi bằng cách thường xuyên cung cấp thông tin đến các cấp ủy đảng và chính quyền, đoàn thể cùng những người có uy tín trong cộng đồng, qua đó tạo sự ủng hộ, cam kết mạnh mẽ hơn về thực hiện chính sách, nguồn lực và dư luận xã hội; hợp tác chặt chẽ với các cơ quan truyền thông đại chúng mở các chuyên mục chuyên trang về dân số, tổ chức được các sản phẩm báo chí có chất lượng, biểu dương và cổ vũ các điển hình tiên tiến, tổng kết những kinh nghiệm tốt để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình. Tranh thủ sự phối hợp, kết hợp của các ngành, đoàn thể tham gia cộng tác với Chương trình DS - KHHGĐ bằng cách lồng ghép với chương trình công tác thường xuyên của ngành, nhất là những ngành, đoàn thể có thế mạnh với các nhóm đối tượng chủ yếu và có mạng lưới đến cơ sở.
- Tổ chức tốt và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông tại cộng đồng hướng vào nội dung chuyển đổi hành vi của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ về dân số, về kết hôn để sinh con khỏe mạnh, về sức khỏe sinh sản (SKSS), sàng lọc trước sinh và sơ sinh, bình đẳng giới và nâng cao chất lượng dân số. Chú trọng nội dung phù hợp đến các nhóm đối tượng khó tiếp cận như thanh niên, vị thành niên, những người di cư, người tàn tật, đồng bào dân tộc thiểu số, về SKSS/KHHGĐ, chống nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống vì chất lượng dân số. Đưa các nội dung về giáo dục dân số, giới tính, bình đẳng giới, SKSS, chất lượng dân số, lồng ghép với chương trình học tập chính khóa, tích hợp với tâm lý và tình cảm, nguyện vọng hiểu biết của học sinh, sinh viên.
- Sản xuất, nhân bản các tài liệu truyền thông về dân số; phát hành các loại tờ rơi, tờ bướm, tranh ảnh cổ động, tranh lật, sách mỏng, tập san, tạp chí và các băng, đĩa ghi hình…phù hợp với từng đối tượng, nhất là các nhóm đối tượng khó tiếp cận. Coi trọng nội dung cần ưu tiên trong chiến lược dân số, giai đoạn 2011 - 2020.
- Đầu tư thêm trang thiết bị truyền thông cho tuyến xã, túi tuyên truyền viên cho các cộng tác viên, ưu tiên các xã biên giới, hải đảo và vùng ven biển, vùng khó khăn. Mở thêm các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền, tư vấn và người cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS ở cơ sở.
Thứ hai, bảo đảm tốt hơn về hậu cần cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng của mạng lưới cung cấp dịch vụ về KHHGĐ. Huy động các nguồn kinh phí để cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung thiết bị, dụng cụ y tế đáp ứng yêu cầu về quy trình và phân tuyến kỹ thuật, ưu tiên tuyến cơ sở và khu vực khó khăn. Đa dạng hóa phương thức cung cấp dịch vụ KHHGĐ đến các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, dân tộc thiểu số, ven biển và hải đảo, khu công nghiệp, khu chế xuất. Từng bước huy động khối y tế tư nhân, tổ chức phi chính phủ tham gia cung cấp dịch vụ KHHGĐ theo phân cấp kỹ thuật bảo đảm thuốc thiết yếu, chi phí phẫu thuật, phụ cấp phẫu thuật và chi phí quản lý dịch vụ đúng tiêu chuẩn, chất lượng. Tư vấn và chăm sóc y tế cho đối tượng sử dụng biện pháp tránh thai và sử dụng dịch vụ về các tình huống gặp phải. Đẩy mạnh tiếp thị xã hội về các phương tiện tránh thai mới nhất, tốt nhất, tiến tới các phương pháp phi lâm sàng được chấp nhận thông qua hai kênh phân phối là tiếp thị xã hội và thị trường tự do để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước và bảo đảm sự bền vững cho việc thực hiện KHHGĐ. Đáp ứng đủ, đúng và kịp thời phương tiện tránh thai đạt tiêu chuẩn, chất lượng theo quy chuẩn Việt Nam, nâng cao chất lượng dự báo các nhu cầu, xây dựng chương trình, dự án sản xuất, cung cấp các loại vật tư, hóa chất, sinh phẩm thiết yếu cần thiết cho dịch vụ KHHGĐ. Mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật và kỹ năng tư vấn cho đội ngũ cán bộ làm dịch vụ kết hợp với đào tạo kỹ thuật thực hành và nghiệp vụ quản lý, cán bộ hậu cần, thu thập và xử lý thông tin, quản lý dữ liệu và tiếp thị xã hội. Thường xuyên cập nhật các quy định tiêu chuẩn về kỹ thuật để điều chỉnh công tác kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa.
Thứ ba, làm tốt khâu sàng lọc, điều trị bệnh trước sinh, sơ sinh và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Hoàn thiện các trung tâm sàng lọc về sơ sinh, thực hiện tốt quy trình chuyển tuyến, quản lý và chuyển mẫu máu xét nghiệm để xử lý theo phân cấp kỹ thuật của từng tuyến; ưu tiên các vùng có nguy cơ cao kết hợp với việc nâng cao năng lực tự thân ở mỗi tuyến bằng cách huy động nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị với đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Nghiên cứu, thử nghiệm việc can thiệp điều trị sớm một số bệnh di truyền có nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh. Mở các phòng tư vấn, các điểm dịch vụ thân thiện, các cơ sở khám sức khỏe tiền hôn nhân, từ đó cung cấp các kiến thức và kỹ năng tổ chức xây dựng gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, biết cách phòng, tránh, xử lý các nguy cơ sinh con dị tật, nguy cơ vô sinh cho nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn. Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trước hết thông qua tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức về sinh con trai, con gái. Có biện pháp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thực hiện chính sách hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái, xây dựng gia đình hạnh phúc, có văn hóa để giảm thiểu tối đa mất cân bằng giới tính khi sinh.
- Tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chú trọng đối tượng là đồng bào các dân tộc thiểu số và nhóm đối tượng đặc thù. Phát triển hệ thống dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người cao tuổi. Triển khai các dịch vụ “thân thiện với gia đình”, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Thứ tư, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu, trước hết là nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý DS - KHHGĐ của các ngành, các cấp. Thực hiện tốt chính sách, chế độ đối với đối tượng được thụ hưởng, khuyến khích các cộng đồng và cá nhân thực hiện tốt chính sách DS - KHHGĐ, đưa chính sách vào các hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Bảo đảm đủ chế độ thù lao cho cộng tác viên DS - KHHGĐ, chế độ hoạt động của Ban DS - KHHGĐ các cấp. Thu thập, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu chuyên ngành theo tiêu chí thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê y tế đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của các cấp quản lý hành chính nhà nước. Nâng cao chất lượng hoạt động của toàn hệ thống, đặc biệt là hệ thống kho dữ liệu điện tử. Bổ sung trang thiết bị tích hợp cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành với các hệ thống dữ liệu khác có liên quan để trao đổi, chia sẻ thông tin đáp ứng nhu cầu thông tin cho từng nhóm đối tượng sử dụng; vận hành hệ thống quản trị, khai thác sử dụng thông tin số liệu chuyên ngành, chuẩn hóa quy trình vận hành và khai thác kho dữ liệu KHHGĐ.
Thứ năm, bám sát chương trình, vận hành tốt việc triển khai Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển theo các nội dung chủ yếu sau đây:
- Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và KHHGĐ ở các vùng biển đảo và ven biển. Trước hết là tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, qua việc tổ chức các đội lưu động y tế - KHHGĐ tuyến huyện để họ có đủ năng lực vừa làm tốt công tác truyền thông, vừa tư vấn và dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, KHHGĐ và chăm sóc SKSS. Nâng cao năng lực cho cơ sở làm dịch vụ chăm sóc SKBMTE, KHHGĐ/SKSS. Cung cấp máy móc, thiết bị cho đội cung cấp dịch vụ lưu động giúp họ thực hiện việc chẩn đoán, xác định bệnh cho đối tượng; xây dựng loại hình cung cấp dịch vụ thông tin và cung cấp dịch vụ tư vấn về chăm sóc SKSS, KHHGĐ.
- Nâng cao chất lượng dân số khi sinh tại các vùng biển, đảo và ven biển. Đẩy mạnh loại hình hoạt động dịch vụ tư vấn, kiểm tra sức khỏe, kiểm tra yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai, sự phát triển và chất lượng bào thai; đồng thời hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ mang thai có nguy cơ và xây dựng mô hình can thiệp, bảo đảm sự phát triển bình thường của bào thai và sức khỏe cho các bà mẹ mang thai.
- Hỗ trợ phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn và phá thai an toàn. Xây dựng loại hình cung cấp dịch vụ tư vấn, cung cấp thông tin, kiến thức… về kỹ năng phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn cho những người ở độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi nhất là người chưa kết hôn, không đi học, chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định.
- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý để đáp ứng nhu cầu thông tin về kiểm soát DS - KHHGĐ. Thiết lập, vận hành tốt kho dữ liệu điện tử tại các huyện đảo. Duy trì việc thu thập, truyền gửi và quản lý thông tin về DS, SKSS, KHHGĐ của những người làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu kinh tế mới và người lao động di cư đến vùng biển. Duy trì tốt hiệu quả truyền thông nhằm không ngừng nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi bền vững với các đối tượng dân số, chăm sóc SKBMTE, SKSS, KHHGĐ như nghiên cứu các mô hình phát triển hệ thống, chuyển tải các thông điệp phù hợp với từng nhóm đối tượng; sản xuất và phát sóng các chương trình truyền hình, phát thanh; biên tập, xuất bản các tài liệu truyền thông, tổ chức sự kiện và các hoạt động truyền thông tư vấn trực tiếp tại cộng đồng, hộ gia đình, trên tàu thuyền và nơi tập kết của cư dân biển đảo và ven biển.
Cuối cùng là nâng cao hiệu quả của Đề án bằng các biện pháp hành chính và kỹ thuật; đồng thời hỗ trợ nâng cấp cải tạo các trung tâm DS - KHHGĐ, bảo đảm cho các trung tâm này hoàn thiện về cơ sở vật chất, đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ của Đề án đặt ra./.
Họp báo Hội thảo khoa học “Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay”  (11/01/2013)
Thực tiễn hiện đại hóa nông nghiệp đặc sắc Trung Quốc và kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam  (11/01/2013)
Việt Nam - Italy tăng cường hợp tác về quốc phòng  (11/01/2013)
Thị trường bất động sản vào chu kỳ tăng trưởng mới  (11/01/2013)
Sản lượng dầu mỏ Mỹ sẽ tăng cao nhất trong 25 năm  (11/01/2013)
HSBC: Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam sẽ thu hút vốn FDI  (11/01/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên