1. Nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới chính thức rơi vào suy thoái

Ngày 17-11-2008, Văn phòng nội các Nhật Bản đã chính thức công bố, tiếp sau các nền kinh tế lớn của Đức và I-ta-li-a, nền kinh tế Nhật Bản đã chính thức bước vào thời kỳ suy thoái kể từ năm 2001 do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trước đó, chính phủ Nhật Bản đã áp dụng nhiều biện pháp cứu trợ khẩn cấp nhưng đều vô hiệu. Cũng theo Văn phòng nội các Nhật Bản, trong quý 2-2008, kinh tế Nhật Bản giảm 0,9% và trong quý 3-2008 vừa qua đã giảm sút thêm 0,1%. Từ tháng 7 tới tháng 9-2008, GDP của Nhật Bản đã giảm 0,4% hằng năm, đầu tư kinh doanh cũng giảm 1,7% trong quý 3-2008. Trong khi đó, tình hình xuất khẩu ngày càng xấu đi do bị sức ép từ khủng hoảng kinh tế bùng phát ở Mỹ và lan tỏa ra toàn cầu. Kinh tế Nhật Bản dựa vào xuất khẩu nên khi nào thị trường thế giới còn “ốm yếu” thì xuất khẩu của Nhật Bản còn trì trệ và kinh tế nói chung chưa thể thoát khỏi tình trạng suy thoái. Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, có khả năng kinh tế Nhật sẽ suy giảm 0,1% vào năm 2009.

2. Các bộ trưởng APEC ủng hộ tuyên bố G20

Ngày 20-11-2008, các bộ trưởng ngoại giao và thương mại đến từ 21 quốc gia thuộc Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã nhất trí rằng, vòng đàm phán thương mại Đô-ha cần được nối lại theo đề nghị đưa ra trong Tuyên bố chung của Hội nghị G20 ở Oa-sinh-tơn ngày 15-11-2008. Đại diện thương mại Mỹ cho biết, cuộc gặp của các bộ trưởng APEC đã tập trung bàn thảo về cách thức thực hiện bước đột phá này. Trong khi đó, tại cuộc gặp cấp bộ trưởng, tất cả các nền kinh tế trong APEC đều ủng hộ kết quả của Hội nghị G20 ở Mỹ là chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Vòng đàm phán Đô-ha đã gần như quay trở lại vạch xuất phát 7 năm trước song các nhà lãnh đạo coi đây chỉ là một trở ngại nhỏ và cần được giải quyết để mở đường cho thỏa thuận thương mại thế giới ra đời.

3. Quốc hội Nga chấp thuận kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống

Ngày 21-11-2008, Hạ viện Nga thông qua một dự luật sửa đổi hiến pháp, theo đó, sẽ kéo dài nhiệm kỳ của Tổng thống Nga từ 4 năm như hiện nay lên 6 năm. Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đã đưa ra đề xuất sửa đổi Hiến pháp trong bản Thông điệp liên bang đầu tiên của ông vào ngày 5-11-2008. Ngoài việc kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống Nga, dự luật còn kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội từ 4 lên 5 năm. Ông Bô-rít Grư-lốp, Chủ tịch Hạ viện Nga đã bác bỏ tin đồn, rằng việc sửa đổi Hiến pháp lần này nhằm mở đường cho các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội trước thời hạn. Các cuộc bầu cử Tổng thống ở Nga dự định sẽ diễn ra vào năm 2012. Điện Krem-li cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp lần này cùng với những thay đổi khác về nhiệm kỳ của các quan chức được bầu là cần thiết để đảm bảo sự ổn định cho các chính phủ tương lai ở Nga.

4. Kết thúc Hội nghị APEC: khủng hoảng kinh tế có thể chấm dứt vào năm 2010

Ngày 23-11-2008, các nhà lãnh đạo APEC đã kết thúc Hội nghị thượng đỉnh thường niên và thông qua Tuyên bố chung, khẳng định rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay có thể chấm dứt vào năm 2010. Trong Tuyên bố bế mạc Hội nghị, các lãnh đạo APEC tuy ủng hộ các kế hoạch thúc đẩy chi tiêu trước tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại nhưng không đề cập tới các hành động cụ thể và nhất trí tìm kiếm giải pháp cho bế tắc trong vòng đàm phán thương mại Đô-ha hiện nay. Tuyên bố nhấn mạnh, việc kết thúc vòng đàm phán thương mại Đô-ha sẽ góp phần cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận thị trường và hạn chế các biện pháp tiêu cực trong thị trường nông sản toàn cầu. Tổng thống G.Bu-sơ nhân hội nghị này để tạm biệt nhiều nhà lãnh đạo thế giới mà ông đã hợp tác trong suốt nhiệm kỳ làm Tổng thống. Ông đã hội đàm với các lãnh đạo Nhật Bản, Nga và Trung Quốc.

5. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép Nga kêu gọi Tổng thống mới đắc cử của Mỹ từ bỏ “lá chắn tên lửa”

Ngày 23-11-2008, tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Pê-ru, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đã kêu gọi Tổng thống đắc cử của Mỹ B.Ô-ba-ma từ bỏ kế hoạch triển khai “lá chắn tên lửa” tại Đông Âu. Phát biểu với các phóng viên về cơ hội thay đổi lập trường của Mỹ về vấn đề trên, Tổng thống Mét-vê-đép nhấn mạnh: “Tôi nghĩ là có nhiều cơ hội để thay đổi lập trường này bởi vì nếu chính phủ đương nhiệm của Mỹ tỏ ra rất thiếu linh hoạt thì lập trường của ông Ba-rắc Ô-ba-ma tỏ ra thận trọng hơn”. Kế hoạch của Mỹ thiết lập hệ thống ra-đa phòng thủ tên lửa tại Cộng hòa Séc và các tên lửa đánh chặn tại Ba Lan đã gây ra sự phản đối quyết liệt từ phía Nga vì cho rằng hệ thống này đang hướng vào Nga. Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây Láp-rốp khẳng định, Nga muốn Mỹ từ bỏ hoàn toàn các kế hoạch trên và những cam kết của Mỹ về "lá chắn tên lửa". Theo ông Xéc-gây Láp-rốp, những quan ngại của Nga chỉ có thể được giải toả một khi Mỹ hủy bỏ kế hoạch này./.