Triển vọng quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong năm 2013
- Thưa Đại sứ, năm 2012 đánh dấu 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc và cũng là năm được lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí là “Năm Hữu nghị Việt - Hàn”. Đại sứ có đánh giá như thế nào về những thành tựu mà hai bên đã đạt được trong 20 năm qua?
Đại sứ Trần Trọng Toàn: Hai mươi năm qua, quan hệ hai nước đã trải qua những mốc phát triển rất quan trọng. Được thiết lập chính thức vào ngày 22-12-1992, chỉ 9 năm sau, vào năm 2001, quan hệ hai nước đã được nâng cấp lên “Đối tác hợp tác toàn diện” và 8 năm sau đó lại được nâng cấp lên một lần nữa thành quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược.”
Tính chất chiến lược của mối quan hệ đó thể hiện rõ rệt ở sự phát triển năng động và hiệu quả trong mọi lĩnh vực hợp tác từ chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng đến giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và giao lưu nhân dân.
Đặc biệt, giữa hai nước không có sự tranh chấp hay mâu thuẫn về lợi ích quốc gia, đồng thời đã xây dựng được sự hợp tác trên tinh thần tin cậy lẫn nhau sâu sắc.
Riêng về lĩnh vực kinh tế, hiện nay Hàn Quốc đã trở thành đối tác hàng đầu của Việt Nam khi là nhà đầu tư lớn thứ hai ở Việt Nam và Việt Nam trở thành thị trường đầu tư lớn thứ ba của Hàn Quốc ở nước ngoài; Hàn Quốc là nước viện trợ ODA lớn thứ hai cho Việt Nam trong khi Việt Nam trở thành nước nhận ODA lớn nhất của Hàn Quốc; Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam trong khi Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ chín và thị trường nhập khẩu lớn thứ 21 của Hàn Quốc.
Hàn Quốc còn là thị trường nguồn du lịch lớn thứ hai của Việt Nam và thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ ba của Việt Nam.
- Việt Nam và Hàn Quốc đang tiến hành đàm phán về Hiệp định Tự do thương mại song phương (FTA). Đại sứ có nhận định như thế nào về quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc khi FTA được ký kết?
Đại sứ Trần Trọng Toàn: Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam – Hàn Quốc đã được hai bộ trưởng tuyên bố khởi động đàm phán từ ngày 6-8-2012 trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Bark Tae-ho. Vòng đàm phán đầu tiên đã được hai bên bắt đầu vào tháng 9-2012.
Theo quan điểm của tôi, khi hiệp định được ký kết và có hiệu lực, chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế hai nước phát triển tương xứng với tiềm năng của mỗi nước.
Cụ thể, quan hệ thương mại sẽ được đẩy mạnh do hai bên đều hạ thấp thuế quan và phi thuế quan, tạo thuận lợi cho hàng hóa (hàng hóa, dịch vụ, các yếu tố sản xuất) của mỗi nước thâm nhập thị trường của nhau. Do FTA bao hàm cả thương mại, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ nên sẽ thúc đẩy đầu tư, chuyển giao công nghệ, thuận lợi hóa thủ tục hải quan, xây dựng năng lực và nhiều nội dung mới khác như lao động, môi trường.
Bên cạnh đó, FTA sẽ giúp thúc đẩy hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam sang Hàn Quốc, qua đó giúp giảm thiểu thâm hụt thương mại về phía Việt Nam hiện đang khá lớn đồng thời FTA sẽ góp phần làm giảm số lượng tranh chấp giữa các công ty Việt Nam và công ty Hàn Quốc.
- Có thể nói “Trong sự phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc, yếu tố không thể thiếu vắng là Cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc và Cộng đồng người Hàn Quốc ở Việt Nam”. Đại sứ có ý kiến như thế nào về nhận định này?
Đại sứ Trần Trọng Toàn: “Hiện nay, Việt Nam có một cộng đồng 123.000 người Việt tại Hàn Quốc và Hàn Quốc có cộng đồng 130.000 người Hàn tại Việt Nam. Theo một số nguồn tin của Hàn Quốc, nếu tính cả số người Hàn đến Việt Nam từ các nước khác thì con số người Hàn ở Việt Nam đã lên tới 200.000 người.
Có thể nói, hai cộng đồng này hiện đang đóng vai trò tích cực đối với sự phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc.
Cụ thể, về kinh tế, Cộng đồng người Việt đóng góp tới 70.000 lao động đang làm việc tại các lĩnh vực kinh tế của Hàn Quốc, giúp Hàn Quốc khắc phục tình trạng thiếu lao động và góp phần phát triển kinh tế Hàn Quốc.
Trong khi đó, cộng đồng người Hàn gồm chủ yếu các nhà đầu tư, kinh doanh cũng đang đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam, giải quyết việc làm và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, hai cộng đồng này cũng là lực lượng tiêu dùng đáng kể các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của mỗi nước tại nước kia đồng thời còn là cầu nối cho các quan hệ kinh tế, kinh doanh giữa các doanh nghiệp, địa phương giữa hai nước.
Về văn hóa - xã hội, hai cộng đồng này góp phần quan trọng tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Đặc biệt, cộng đồng hàng chục ngàn gia đình Hàn - Việt ở Hàn Quốc và Việt - Hàn ở Việt Nam cũng tạo nên mối quan hệ huyết thống thân thiết gắn bó giữa nhân dân hai nước.
Về du lịch, hai cộng đồng này cùng với gia đình của họ tạo nên nguồn du khách thăm viếng từ nước này sang nước kia với số lượng ngày càng tăng. Riêng năm 2012, số lượt khách Hàn Quốc vào Việt Nam là 567.000 người trong khi khách Việt Nam thăm Hàn Quốc là hơn 200.000 người.
- Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, mối quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Hàn Quốc vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của mỗi nước. Theo Đại sứ, đâu là những lĩnh vực thế mạnh mà cả Việt Nam và Hàn Quốc cần thúc đẩy trong thời gian tới?
Đại sứ Trần Trọng Toàn: Trước hết, cần khẳng định quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt được những thành quả vô cùng to lớn trong 20 năm qua trong mọi lĩnh vực hợp tác, trở thành đối tác hợp tác chiến lược của nhau và hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nhau, đồng thời nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của mỗi nước. Tuy vậy, vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển tiếp tục quan hệ hai nước trong những năm tới, đặc biệt về kinh tế.
Thứ nhất, Hàn Quốc có tiềm năng rất lớn về đầu tư, thương mại, tài chính, khoa học công nghệ trong khi Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nên nếu tiếp tục kết hợp được nguồn cung - cầu này thì sẽ đẩy mạnh được quan hệ hai nước cả về chiều rộng và chiều sâu.
Thứ hai, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, có thể cung ứng một cách ổn định cho Hàn Quốc để đáp ứng nhu cầu về lực lượng lao động nhằm tăng cường sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc.
Thứ ba, Hàn Quốc là nước đi đầu về mô hình phát triển xanh và Việt Nam là nước đối tác chiến lược của Hàn Quốc về tăng trưởng xanh nên hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực quan trọng này, đặc biệt trong những ngành công nghệ - công nghiệp xanh (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy triều; bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên).
Thứ tư, du lịch đang càng ngày càng trở thành một nhu cầu lớn của nhân dân Hàn Quốc và Việt Nam. Với sự hình thành tầng lớp trung lưu có thu nhập khá giả ở mỗi nước, hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này nhằm tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, qua đó thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác.
Cuối cùng, Việt Nam là một quốc gia có vị trí quan trọng trong ASEAN và khu vực nói chung. Do vậy, hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác để gắn kết kinh tế Hàn Quốc với thị trường khu vực Đông Nam Á, tạo thành một thị trường rộng lớn với gần 700 triệu dân và tổng GDP 3.000 tỷ USD, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế của mỗi nước và xây dựng khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển.
- Năm 2012 - "Năm hữu nghị Việt - Hàn” vừa khép lại cùng với việc Hàn Quốc tổ chức thành công cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 18 và đã có nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử. Đại sứ có nhận định gì về triển vọng quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc trong thời gian tới?
Đại sứ Trần Trọng Toàn: Quan hệ song phương Việt Nam - Hàn Quốc đã qua thử thách 20 năm và đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt của nó dựa trên sự tương đồng về lịch sử, văn hóa và đặc biệt là mục tiêu chung xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc trong một môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc với tư cách đối tác hợp tác chiến lược đã đáp ứng được nguyện vọng và lợi ích chiến lược của mỗi nước trong quá trình phát triển, nâng cao được vai trò và vị thế của mỗi nước trên trường quốc tế.
Trên nền tảng những thành tựu quan trọng đạt được trong 20 năm qua, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc trong 20 năm tới chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp vì chính lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phồn vinh trong khu vực và trên thế giới.
Tôi xin nồng nhiệt chúc mừng nhân dân Hàn Quốc anh em đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Tổng thống với tổng thống mới là phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Đại Hàn Dân Quốc.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng dưới sự lãnh đạo của Ngài Tổng thống Park Geun-hye, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới về chất trong mọi lĩnh vực, đáp ứng được nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển trong khu vực và trên thế giới.
- Xin cảm ơn Đại sứ.
Thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam - Mỹ  (02/01/2013)
Những điểm nhấn trong công tác đối ngoại năm 2012  (02/01/2013)
Những điểm nhấn trong công tác đối ngoại năm 2012  (02/01/2013)
Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh với những tiêu chí sáng tạo thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW  (02/01/2013)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên