Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - biểu tượng của ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam

Đại tá, ThS. Nguyễn Đức Thắng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng
06:41, ngày 30-12-2012
TCCSĐT - Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 là một trong những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX; biểu tượng rực rỡ về sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của ý chí kiên cường, của tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam. Với chiến thắng lịch sử này, quân và dân ta đã đập tan huyền thoại “pháo đài bay B 52” của Mỹ, buộc Chính phủ Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, góp phần vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Âm mưu, thủ đoạn và sự lật lọng của Mỹ


Cuối năm 1964 - đầu năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ trên thực tế đã bị quân và dân ta làm cho phá sản hoàn toàn. Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ và chư hầu vào tham chiến ở miền Nam, đồng thời leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc. Tình hình đó đặt dân tộc Việt Nam đứng trước cuộc đụng đầu lịch sử mới. Bị thất bại nặng nề trên cả hai miền Nam - Bắc, ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ L.Giôn-xơn (Lyndon Johnson) buộc phải đơn phương tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra và cử đại diện đàm phán với ta ở Hội nghị Pa-ri.

 

Đầu năm 1969, R.Ních-xơn (Richard Nicxon) lên làm Tổng thống Mỹ và cho ra đời “Học thuyết Ních-xơn”, đề ra chiến lược toàn cầu “Ngăn đe thực tế” và tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam Việt Nam. Để tạo thế mạnh trong đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri, Mỹ từng bước leo thang đánh phá trở lại miền Bắc, kể cả sử dụng máy bay chiến lược B 52 đánh phá ồ ạt và thả thủy lôi phong tỏa tất cả các cảng, lạch sông, ven biển trên miền Bắc Việt Nam. Thực hiện phương huớng chỉ đạo chiến lược mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu trong “Thư chúc mừng năm mới” năm 1969 là: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, trong hai năm 1972 và 1973, quân và dân ta ở cả hai miền Nam - Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã giành được những thắng lợi quan trọng trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, đẩy chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ có nguy cơ phá sản hoàn toàn.

 

Để cứu vãn tình thế, Chính phủ Mỹ đã trắng trợn lật lọng, tìm cách xóa bỏ bản dự thảo Hiệp định Pa-ri đã thỏa thuận với ta, đòi ta phải sửa chữa 126 điểm mà trước đó phía Mỹ đã hoàn toàn nhất trí. Ngày 7-12-1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn điện cho Ngoại trưởng H.Kít-xinh-giơ (Henry Kissinger): “Chúng ta sẽ ném bom dữ dội Bắc Việt. Nhưng sẽ không thông báo cho công chúng biết trước”. Lầu Năm Góc đã gấp rút thành lập Bộ Chỉ huy lâm thời, đóng ở Utapao (Thái Lan), do tướng Joshn-vốt làm Tư lệnh. Bộ Chỉ huy này đặt dưới quyền chỉ huy của không quân chiến lược và Bộ Quốc phòng Mỹ.

 

 Ngày 13-12-1972, theo lệnh của Tổng thống Mỹ Ních-xơn, Kít-xinh-giơ tuyên bố ngừng đàm phán vô thời hạn với ta tại Hội nghị Pa-ri. Một ngày sau đó, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ họp và quyết định tiến hành kế hoạch tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B 52 đánh phá hủy diệt vào Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số mục tiêu quan trọng trên miền Bắc, nhằm biến miền Bắc Việt Nam “trở về thời kỳ đồ đá”, hòng làm tê liệt ý chí chiến đấu, quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta; đe dọa phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân thế giới; buộc chúng ta phải khuất phục và chấp nhận ký Hiệp định Pa-ri theo các điều khoản sửa đổi mà phía Mỹ đưa ra.

 

Ngày 17-12-1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn chính thức ra lệnh tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào miền Bắc nước ta với tên gọi Chiến dịch “Lai-nơ-bếch-cơ II” (Linebacker II). Thực hiện âm mưu này, một mặt, để đánh lừa ta, ngay ngày hôm sau Chính phủ Mỹ cho gửi Công hàm đến Chính phủ ta đề nghị họp lại Hội nghị Pa-ri vào bất cứ lúc nào kể từ ngày 26-12-1972; mặt khác, Mỹ huy động số lượng lớn máy bay, tàu chiến và các loại vũ khí phục vụ tiến hành chiến dịch tội ác này. Đây là một cuộc huy động lực lượng tập kích đường không chiến lược lớn nhất của Mỹ, kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (tính đến tháng 12-1972). Trong đó, máy bay chiến lược B 52 được huy động: 193 trên tổng số 400 chiếc; máy bay không quân chiến thuật: 1.077 trên tổng số 3.043 chiếc (có 1 biên đội máy bay F111 khoảng 50 chiếc); Tàu sân bay: 6 trên tổng số 24 chiếc; hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số loại máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật, máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu, cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương(1).

 

Cuộc tập kích đường không chiến lược trong 12 ngày đêm năm 1972 của đế quốc Mỹ vào Thủ đô Hà Nội và các địa phương khác trên toàn miền Bắc, là một cuộc ném bom hủy diệt vô cùng man rợ. Máy bay Mỹ đã bắn phá, dội bom liên tục ngày đêm xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc nước ta hơn 100 ngàn tấn bom, đạn (tương đương 2 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945); đã hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác. Riêng ở Hà Nội, Mỹ huy động 441 lần chiếc B 52 cùng nhiều máy bay chiến thuật, trung bình mỗi đêm đánh vào Hà Nội 50 đến 70 lượt B 52, cao điểm hơn 100 lượt B 52. Ngoài ra, mỗi đêm trung bình 300 lượt, cao điểm 450 máy bay chiến thuật đánh phá để yểm trợ cho B 52; đặc biệt chúng cho B 52 ném bom rải thảm hủy diệt phố Khâm Thiên, khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội; tàn phá gần 2.000 ngôi nhà, đền, chùa, trường học, trạm xá,… giết hại 287 người, làm bị thương 290 người.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tài thao lược của Quân ủy Trung ương, Quân chủng Phòng không - Không quân

 

Trong cuộc đối đầu lịch sử với không quân hiện đại của đế quốc Mỹ đầy cam go, thử thách, Trung ương Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn chiến lược và dự báo thiên tài về việc Mỹ sẽ đưa B 52 ra ném bom Thủ đô Hà Nội. Từ năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Phòng không phải thường xuyên quan tâm theo dõi chặt chẽ, nắm chắc về máy bay B 52 và chuẩn bị cách đánh B 52. Bác đã gọi đồng chí Phùng Thế Tài, Tư lệnh Phòng không lên trực tiếp giao nhiệm vụ và hỏi: “Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B 52 chưa?”. Bác nói tiếp: “Nói thế thôi, chứ chú có biết lúc này cũng chưa làm gì được nó. Nó bay  cao trên mười cây số mà trong tay chú hiện nay chỉ mới có cao xạ thôi. Nhưng ngay từ nay, là Tư lệnh Phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến thằng B 52 này”.

 

Ngày 18-6-1965, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, đế quốc Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B 52 ném bom rải thảm khu vực Bến Cát (tây bắc Sài Gòn). Ngày 19-7-1965, khi đến thăm Đoàn pháo cao xạ Xung kích và Đại đội 1, Đoàn pháo cao xạ Tam Đảo (Quân chủng Phòng không - Không quân), Bác đã khẳng định: “... Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B 52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.

 

Hòng ngăn chặn tuyến đường chi viện của ta vào miền Nam, ngày 12-4-1966, lần đầu tiên Mỹ dùng B 52 đánh ra miền Bắc ở khu vực Đèo Mụ Giạ, (Quảng Bình), trục đường số 12, cửa khẩu Việt - Lào. Ngay khi đó, Bác Hồ và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ thị Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu cách đánh B 52.

 

Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và lời căn dặn của Bác Hồ: “Muốn bắt cọp thì phải vào tận hang”, tháng 5-1966, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã điều động Trung đoàn tên lửa 238 vào tuyến lửa Vĩnh Linh cùng lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương vừa trực tiếp đánh trả vừa nghiên cứu cách đánh B 52. Sau một thời gian dày công nghiên cứu, nhận dạng máy bay B 52, ngày 17-9-1967, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 84 thuộc Trung đoàn 238 đã bắn rơi chiếc B 52 đầu tiên. Đây là kíp chiến đấu đầu tiên của bộ đội tên lửa bắn rơi máy bay B 52 của không quân Mỹ trên chiến trường miền Bắc. Chiến công này đã khẳng định khả năng đánh thắng cuộc tập kích đường không bằng B 52 của Mỹ, củng cố lòng tin, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của bộ đội và nhân dân, đồng thời làm cơ sở biên soạn tài liệu hướng dẫn cách đánh B 52 của Bộ đội Tên lửa.

 

Cuối năm 1967, Bác Hồ triệu tập đồng chí Phùng Thế Tài, Tổng Tham mưu phó và đồng chí Đặng Tính, Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đến báo cáo tình hình. Bác nhận định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B 52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị. Chú nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Trên cơ sở chỉ thị của Bộ Chính trị, của Bác Hồ và của Quân ủy Trung ương, từ đầu năm 1968 đến giữa năm 1972, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân tích cực triển khai xây dựng kế hoạch tác chiến; đưa thêm 4 trung đoàn tên lửa cùng một số máy bay MiG-21 vào chiến trường Nam Khu 4 để chi viện cho chiến dịch Trị - Thiên và trực tiếp nghiên cứu cách đánh B 52. Tuy ta đã bắn rơi được B 52 từ năm 1967, nhưng chưa bắn rơi được tại chỗ và chưa bắt sống được giặc lái.

 

Trên cơ sở dày công nghiên cứu rút kinh nghiệm từ thực tiễn chiến đấu và những hiểu biết ngày càng nhiều về vũ khí, khí tài, các thủ đoạn hoạt động của địch, qua một số lần bổ sung, điều chỉnh, đến tháng 9-1972 Quân chủng Phòng không - Không quân đã cơ bản hoàn thiện được “Phương án đánh máy bay B 52”. Ngày 31-10-1972, Quân chủng tổ chức Hội nghị cán bộ để phổ biến, trao đổi kinh nghiệm cách đánh B 52; sau đó tổ chức huấn luyện cho các kíp chiến đấu; các cơ quan, đơn vị tiến hành công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm cho bộ đội dám đánh, quyết đánh và quyết thắng; đôn đốc, kiểm tra mọi mặt công tác chuẩn bị đánh trả cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ.

 

Ngày 24-11-1972, kế hoạch tác chiến đánh trả các đòn tập kích đường không bằng máy bay chiến lược B 52 của Mỹ, đã được Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng và tập thể lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp thông qua, sau đó được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phê chuẩn. Đầu tháng 12-1972, sau khi nghe đồng chí Lê Văn Tri, Tư lệnh Phòng không - Không quân báo cáo kế hoạch đánh B 52, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhấn mạnh: “Để gây sức ép với ta, trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B 52 ném bom Hà Nội. Quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng Không - Không quân, phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng”.

 

 Ngày 3-12-1972, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân báo cáo lên Bộ Tổng Tham mưu: “mọi mặt công tác chuẩn bị đánh B 52 đã xong, quyết tâm của Quân chủng kiên quyết không để bị bất ngờ, bắn rơi tại chỗ máy bay địch, kể cả B 52”. Như vậy, trước khi diễn ra cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, chúng ta hoàn toàn chủ động chuẩn bị tốt và sẵn sàng cả về mặt chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Quân và dân miền Bắc, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân đã tạo lập được một thế trận phòng không liên hoàn hết sức sáng tạo, độc đáo, phù hợp, bảo đảm cho cách đánh tập trung của các lực lượng phòng không rất có hiệu quả, giành thế chủ động để đánh thắng kẻ địch ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến dịch.

 

Trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã cùng quân, dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Chúng ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 “pháo đài bay” B 52, 5 máy bay F111 và 42 máy bay chiến thuật khác, bắt sống nhiều giặc lái. Tổng số máy bay B 52 bị ta tiêu diệt đạt tỷ lệ hơn 17,6% (34/193 chiếc), làm cho Chính phủ Mỹ vô cùng kinh hoàng, choáng váng.

 

Trước sự tổn thất quá nặng nề về máy bay và lực lượng phi công, đặc biệt là máy bay chiến lược B 52, đến 7 giờ sáng ngày 30-12-1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấm dứt Chiến dịch “Lai-nơ-bếch-cơ II”. Cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn bằng máy bay chiến lược B 52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc kéo dài 12 ngày đêm đã bị thất bại hoàn toàn, Mỹ phải chấp nhận quay trở lại bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri.

 

Khúc tráng ca “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

 

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 trở thành khúc tráng ca bất tử của thời đại Hồ Chí Minh, nó kết tinh và tỏa sáng truyền thống văn hóa giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Đó là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, thể hiện đặc sắc nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Đảng “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”, “lấy phương tiện, vũ khí kém hiện đại thắng phương tiện, vũ khí hiện đại”, kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố lực, thế, thời, mưu. Thắng lợi đó biểu hiện sức mạnh chính trị - tinh thần của toàn dân tộc được nhân lên gấp bội, với ý chí quyết đánh, biết đánh và quyết thắng kẻ thù xâm lược trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào.

 

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” biểu hiện sinh động thế trận hiệp đồng chiến đấu, phục vụ chiến đấu chặt chẽ, hiệu quả của quân dân miền Bắc, lấy lực lượng Phòng không - Không quân làm nòng cốt để tạo nên sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không ba thứ quân. Phong trào thi đua bắn rơi máy bay Mỹ diễn ra rất sôi động, lan tỏa trong tất cả các thành phần, các lực lượng, các đơn vị. Thực tiễn chiến đấu 12 ngày đêm, tất cả các thành phần lực lượng phòng không của dân quân tự vệ, các đơn vị phòng không, không quân chủ lực đều bắn rơi máy bay địch, có nhiều B 52 rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội. Đó còn là thế trận hiệp đồng phối hợp tuyệt đẹp với các chiến trường miền Nam, đặc biệt của hai thành phố kết nghĩa Huế - Sài Gòn, sẵn sàng chia lửa để bảo vệ Thủ đô Hà Nội thân yêu, với tinh thần quyết tử “Giặc Mỹ đụng đến Thủ đô Hà Nội, đến miền Bắc một, thì quân dân miền Nam đánh trả chúng gấp 5, gấp 10 lần”.

 

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” còn là thắng lợi của lương tri quốc tế, với sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế và nhân loại tiến bộ, đặc biệt là của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Hành động tàn bạo của Chính quyền Ních-xơn cho máy bay ném bom rải thảm Hà Nội và một số địa phương ở miền Bắc Việt Nam trong dịp Lễ Giáng sinh đã khiến lương tri của cả nhân loại nổi giận. Làn sóng phản đối chiến tranh nhanh chóng bùng lên, lan rộng khắp nơi trên thế giới, kể cả ngay tại nước Mỹ, đã sục sôi biểu tình lên án mạnh mẽ hành động tội ác man rợ của Nhà Trắng; người dân biểu tình xông vào bao vây đại sứ quán Mỹ, đốt hình nộm và cờ Mỹ. Tờ Thời báo Niu Yoóc, ngày 26-12-1972, đã cảnh cáo: “Mỹ có nguy cơ trở lại một kiểu dã man của thời kỳ đồ đá?”. Tòa án lương tri quốc tế được lập ra để xét xử các tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ tại Việt Nam; kêu gọi nhân dân các nước, các tổ chức quốc tế đấu tranh đòi Chính phủ Mỹ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho Việt Nam. Chứng kiến quân dân Thủ đô Hà Nội sống và chiến đấu anh dũng trong những ngày cuối năm 1972, bạn bè đã bày tỏ lòng mến phục và nhận xét: “Chúng tôi gọi Hà Nội là Thủ đô của các giá trị loài người... Các bạn đứng đầu ở chiến hào tiền tuyến vì nhân phẩm và vì các quyền dân tộc của mỗi dân tộc. Không ai được phép quên điều đó”.

 

Thắng lợi to lớn của chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” không những góp phần tạo ra bước ngoặt của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược trên mặt trận ngoại giao, buộc Chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri ngày 27-01-1973 và rút hết quân Mỹ về nước, mà còn góp phần tạo cơ sở vững chắc để quân và dân ta tiếp tục thực hiện lời di huấn của Bác Hồ là “đánh cho ngụy nhào”, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử để thống nhất đất nước.

 

40 năm đã trôi qua, nhưng âm hưởng của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 vẫn vang vọng mãi như một khúc tráng ca bất tử của thế kỷ XX. Những bài học kinh nghiệm quý báu Đảng ta về chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, về phát huy sức mạnh chính trị - tinh thần, về phối hợp và hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa các lực lượng, về đấu tranh quân sự để hậu thuẫn kịp thời, đắc lực cho mặt trận đấu tranh ngoại giao, về tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế... để làm nên chiến thắng lịch sử vẻ vang này, vẫn giữ nguyên giá trị trong nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

--------------------------                                             

([1]) Máy bay chiến lược B 52, còn được gọi là “Siêu pháo đài bay B 52” - là máy bay chiến đấu hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ vào thời điểm đó, có tải trọng vũ khí: 18 - 30 tấn bom, có thể mang 12-20 quả tên lửa hành trình ALEM hoặc 8 tên lửa hành trình (tàng hình) ACM, 4 pháo 20mm hoặc một pháo 20mm 6 nòng (gấp 10 lần so với máy bay cường kích); bay ở độ cao tối đa 16.765m, thông thường 10.000 - 13.000m; tầm bay xa: 12.000 - 16.000km, có thể bay liên tục 9 giờ không cần tiếp dầu, nếu được tiếp dầu có thể bay nhiều giờ hơn hoặc vượt chặng đường 18.000 - 20.000km. Đến nay, B 52 đã qua 8 lần cải tiến, là vũ khí chiến lược, được trang bị tên lửa hành trình loại A6M-86B để tiến công từ xa với cự ly 2.500km.