Ngày 18-9 năm nay, Hạ viện Hoa Kỳ lại thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm 2007 với ký hiệu HR3096. Dự luật này đã đưa ra những thông tin hoàn toàn sai trái về tình hình Việt Nam, ảnh hưởng tới chiều hướng phát triển tích cực hiện nay của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Đây lại là một hành động tiếp tục vi phạm nhân quyền thô bạo nữa, vì Dự luật HR3096 đã không chỉ vu cáo Việt Nam mà còn ngang nhiên can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, một quốc gia có chủ quyền, đang có quan hệ bình đẳng và ngày càng tốt đẹp với Hoa Kỳ trên trường quốc tế.

“Nhân dân Việt Nam đã kiên trì đấu tranh trong nhiều thập kỷ vừa qua để giành lại các quyền độc lập, tự do và dân chủ. Hiến pháp Việt Nam quy định rõ Nhà nước tôn trọng và bảo đảm tất cả các quyền kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, dân sự của nhân dân, trong đó có các quyền tự do tôn giáo, ngôn luận, báo chí, thông tin, hội họp, lập hội. Sau hơn 20 năm Đổi mới, với sự hưởng ứng và đóng góp tích cực của mọi người dân, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, thực hiện công bằng xã hội, phát huy dân chủ, nâng cao mức sống và bảo đảm các quyền và tự do của nhân dân, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.”[1]

Mọi người còn nhớ, vào năm 2001, Dự luật nhân quyền cho Việt Nam ký hiệu HR 2833 do dân biểu Chris Smith trình ra Hạ viện và được thông qua gần như với đa số tuyệt đối 410 phiếu thuận và 1 phiếu chống. Tuy nhiên, khi Hạ viện chuyển dự luật này sang Thượng viện thì đã bị Thượng nghị sĩ John Kerry không đồng ý đưa ra Thượng viện biểu quyết.

Hành động thiếu thiện chí lần này diễn ra vào lúc mối quan hệ hai nước đang có những bước tiến quan trọng, khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã bước vào giai đoạn hoạt động có hiệu quả, khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Dự luật HR3096 phản ánh thực chất ý đồ của một nhóm người thù địch với Việt Nam ở Hoa Kỳ đang tìm cách phá hoại tiến trình bình thường hóa giữa Việt Nam với Hoa Kỳ. Họ lầm tưởng rằng cứ tìm cách đổ vấy cho người khác vi phạm nhân quyền thì có thể tảng lờ hoặc rửa được tội lỗi cho mình? Có lẽ không đơn giản như vậy! Chỉ cần bình tâm suy xét một chút là dư luận có thể dễ dàng nhận ra sự thật về vấn đề nhân quyền.

Nếu như Hạ viện Mỹ không thông qua Dự luật nhân quyền về Việt Nam vừa rồi thì nhân dân Việt Nam chắc không nhắc lại những chuyện đã xảy ra trong quá khứ làm gì. Nhiều người trong chính giới Hoa Kỳ hẳn vẫn không quên, trong suốt hơn 40 năm thù địch Việt Nam, kể từ năm 1950 - Hoa Kỳ chính thức ủng hộ Pháp xâm lược Việt Nam đến ngày 11 tháng 7 năm 1995 - Hoa Kỳ tuyên bố công nhận ngoại giao và bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, chỉ riêng Hoa Kỳ đã trực tiếp làm cho hơn 3 triệu người Việt Nam phải hy sinh và hàng triệu người khác bị tàn tật, phải chịu di hại của chiến tranh, của chất độc màu da cam do quân đội Hoa Kỳ rải xuống Việt Nam. Không dừng lại ở đó, sau năm 1975, Hoa Kỳ tiếp tục chính sách thù địch chống Việt Nam, thực hiện bao vây cấm vận Việt Nam làm cho nhân dân Việt Nam vốn đã khốn khó do phải khắc phục hậu quả chiến tranh do Hoa Kỳ để lại, lại càng khó khăn hơn.

Và ngày nay, trong khi nhân dân Việt Nam liên tục đạt được những thành tích về mọi mặt được chính giới và đông đảo dư luận Hoa Kỳ thừa nhận, thì những người soạn thảo Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm 2007 chẳng những đã không cổ vũ mà còn tìm cách tiếp sức cho bọn phản động đội lốt tôn giáo, cấp tiền để kích động một số người dân khiếu kiện nhằm vu khống Nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền...

Chắc nhiều người còn nhớ, thượng nghị sỹ Hoa Kỳ - ông John Kerry - trước đây, đã từng chỉ huy đội quân viễn chinh Mỹ xâm lược Việt Nam và đã được thưởng Bội tinh của Tổng thống Hoa Kỳ, cách đây không lâu, đã thú nhận rằng chính ông đã chỉ huy đơn vị của mình giết hại hàng mấy chục người Việt Nam vô tội, toàn là phụ nữ và trẻ con. Không hiểu những người soạn thảo Dự luật HR3096 có liệt kê những hoạt động trên vào danh mục vi phạm nhân quyền không? Chẳng có ai không dám chắc chắn rằng, sẽ có một ngày nào đó, do bức xúc về tinh thần hay lương tâm cắn rứt mà những người đã từng tàn sát nhân dân Việt Nam ở Mỹ Lai (Sơn Mỹ) hay ở nhiều nơi khác trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trước đây, sẽ công khai về tội lỗi và sự day dứt ám ảnh của mình!!! Lúc đó thật khó nghĩ cho những ai soạn thảo Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm 2007!

Còn Việt Nam thì sao? Mọi người đều biết, ngay từ những ngày đầu của Chính quyền nhân dân, Việt Nam đã cứu các phi công của Hoa Kỳ trong đội quân Đồng minh bị quân đội Nhật Bản bắn rơi; trong cuộc kháng chiến cứu nước, Nhà nước Việt Nam lại có chính sách đối xử nhân đạo đối với tù, hàng binh của Hoa Kỳ, chính sách mà đáng ra tù, hàng binh Hoa Kỳ không được hưởng vì Chính phủ Hoa Kỳ không chính thức tuyên chiến với Việt Nam. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ năm 1995, Việt Nam lại tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tìm kiếm hài cốt và những người mất tích của Hoa Kỳ vì mục đích hoàn toàn nhân đạo, không đòi hỏi kèm theo bất kỳ điều kiện nào. Với chính sách đại đoàn kết dân tộc, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã khoan hồng, đại lượng với tất cả những ai đã cộng tác với phía Hoa Kỳ chống lại dân tộc, kể cả những người có nhiều nợ máu; sau chiến tranh còn tạo điều kiện cho những ai có nguyện vọng đoàn tụ gia đình tại Hoa Kỳ ra đi một cách thuận lợi và hợp pháp, những người có tài năng vẫn được trọng dụng ở mọi cấp chính quyền, đoàn thể cả ở cấp trung ương... Cuộc "tắm máu" đã không hề diễn ra như dự báo của bộ máy tuyên truyền của Hoa Kỳ hồi đầu năm 1975, há chẳng phải là nhân quyền hay sao?

Những tiến bộ trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ những năm gần đây đã tạo thuận lợi mới, tạo cơ sở cho sự tin cậy lẫn nhau, cùng nhau "gác lại quá khứ, hướng về tương lai" chẳng lẽ không phải là thành tích nhân quyền sao? Để cho hai nước, hai dân tộc, nhất là nhân dân Việt Nam được sống yên bình, mưu cầu hạnh phúc chẳng lẽ lại không được các nhà soạn thảo Dự luật HR3096 quan tâm hay sao? Vì thế, cái gọi là "Dự luật nhân quyền Việt Nam năm 2007" do Hạ nghị viện Hoa Kỳ thông qua ngày 18 tháng 9 năm 2007, thực chất là một hành vi thiếu thiện chí của một nhóm người chống đối Việt Nam, cố tình cản trở quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Nếu cơ quan lập pháp và hành pháp ở Hoa Kỳ cứ để tình hình trên tiếp tục diễn ra hàng năm, e rằng sẽ tạo ra những tiền lệ xấu trong quan hệ hai nước và quan hệ quốc tế, vô hình trung cho phép một số người chống đối viện cớ những chỉ tiêu nhân quyền phi lý để vi phạm chủ quyền của Việt Nam, làm phương hại đến quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang ngày càng tốt lên. Thực chất những điều ghi trong Dự luật nhân quyền Việt Nam năm 2007 là hoạt động thù địch không phù hợp với sự nỗ lực bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Đâu là nhân quyền hẳn đã rõ.

Mong rằng, chính giới Mỹ nhìn nhận vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam một cách toàn diện, khách quan trong bối cảnh lịch sử, tôn trọng các đặc thù kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam trên tinh thần hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, không để những dự luật hay những bản báo cáo không phù hợp với chuẩn mực quốc tế và danh dự của Hoa Kỳ tiếp diễn thêm nữa. Như vậy, chắc chắn sẽ có lợi hơn cho sự phát triển quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, hai dân tộc và nhân dân hai nước./.



[1] Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng trả lời TTXVN ngày 19-9-2007