TCCSĐT - Tiếp tục phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, ngày 13-11-2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đăng đàn, giải trình các vấn đề đại biểu và cử tri cả nước quan tâm.

Tập trung xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn vay

Sáng 13-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã giải trình các vấn đề đại biểu và cử tri cả nước quan tâm, trong đó tập trung vào các vấn đề nợ xấu, thị trường tiền tệ, vàng và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp...

 
 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Ảnh: VGP

Là người chất vấn đầu tiên, đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đặt ra vấn đề trách nhiệm xử lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước việc giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với thế giới, cũng như việc xử lý số vàng tồn đọng trong dân.

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, thị trường vàng hoàn toàn bỏ ngỏ, không ai quản lý thị trường vàng miếng. Tuy nhiên, từ khi ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 25-5-2012, cộng với Nghị định 95/2001/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng, hiện tượng nhập lậu vàng qua biên giới rất lớn trước đây hầu như đã được ngăn chặn một cách rất cơ bản. Không còn hiện tượng nhập lậu vàng qua biên giới như trước đây nữa. Thể hiện trên thực tế là từ tháng 4 trở lại đây, thị trường ngoại tệ, tỷ giá hết sức ổn định.

 

Thừa nhận việc giá vàng trong nước hiện nay có lúc cao hơn thế giới tới hơn 3 triệu đồng một lượng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trên thực tế, mặc dù chênh lệch giá vàng giữa trong nước và quốc tế lớn như vậy nhưng không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô của chúng ta, vì nó không ảnh hưởng đến tỷ giá; do vậy, không ảnh hưởng đến chỉ tiêu giá cả cũng như lạm phát của đất nước, trong khi Luật Giá thì quy định vàng miếng không thuộc diện đối tượng phải bình ổn giá. “Do đó, tôi cho rằng, không có lý do gì phải bình ổn giá vàng tại thời điểm này, kể cả về mặt tác động đối với kinh tế vĩ mô cũng như bản chất của vàng miếng”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.

 

Liên quan đến số vàng còn tồn trong dân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện con số này được ước tính khoảng 250 - 300 tấn, do động thái mua vào của các tổ chức tín dụng kể từ ngày 25-5 đến 25-10-2012 đã mua vào khoảng hơn 60 tấn vàng.

 

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, lượng vàng còn tồn này là một nguồn lực rất lớn (mỗi tấn vàng tương đương khoảng 50 triệu USD), cần được huy động để phục vụ phát triển kinh tế. Việc các ngân hàng mua vào hơn 60 tấn kể từ đầu năm cũng đã giải phóng ra thị trường khoảng 3 tỷ USD để phục vụ cho nền kinh tế năm nay. “Nếu không phải để bảo đảm thanh khoản cuối năm, có lẽ trong cả năm nay, ngân hàng sẽ phải mua vào trên 80 tấn vàng”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết.

 

Trước băn khoăn của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) và nhiều đại biểu khác về xử lý nợ xấu và trách nhiệm của ngành Ngân hàng trong quản lý nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, thực tế, nợ xấu của hệ thống ngân hàng không phải là bây giờ mà từ tháng 8-2011.

 

Theo số liệu của tổ chức tín dụng, đến 30-9-2012, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 4,93%, nhưng theo đánh giá của NHNN, tỷ lệ nợ xấu khoảng 8,82%. Nợ xấu cũng liên tục tăng từ năm 2008 đến nay. Cụ thể, năm 2008 nợ xấu tăng 74%, năm 2009 tăng khoảng 27%, năm 2010 tăng khoảng 41%, đến năm 2011 tăng 64% và từ đầu năm đến nay, qua 10 tháng, nợ xấu tăng khoảng 66%.

 

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nợ xấu tăng cao như hiện nay là do 5 nhóm nguyên nhân chính: Do các tổ chức tín dụng cho vay vốn; do doanh nghiệp đi vay; do cơ chế, chính sách; do môi trường điều kiện trong và ngoài nước trong từng thời kỳ; cuối cùng là do công tác thanh tra, giám sát.

 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, phía ngân hàng thương mại có trách nhiệm trước tiên và trách nhiệm lớn nhất. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, lỗi của các tổ chức tín dụng trong việc để “bong bóng” tăng trưởng tín dụng quá nóng là dễ dãi trong đánh giá chất lượng tín dụng, do đó, họ phải cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp; đã có 252 nghìn tỷ đồng nợ được cơ cấu lại.

 

Tuy nhiên, theo khẳng định của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nếu quyết tâm xử lý thì nợ xấu có thể chững lại và không tăng nữa. Vấn đề nợ xấu có thể giải quyết được nhưng không phải dễ dàng.

 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, vừa rồi, NHNN đẩy mạnh hoạt động thanh tra, giám sát của các tổ chức tín dụng cho  thấy, ở nhiều tổ chức tín dụng, chủ yếu là tổ chức tín dụng cổ phần nhỏ, yếu kém thì tình hình chất lượng tín dụng rất nguy hiểm. Có những tổ chức tín dụng chỉ báo cáo nợ xấu khoảng 1,2 % hoặc tổ chức tín dụng nào rõ ràng nhất chỉ hơn 3%, nhưng khi vào thanh tra, giám sát và làm kiên quyết thì có những tổ chức tín dụng có nợ xấu lên đến vài chục phần trăm. Theo đó, NHNN đã kiên quyết yêu cầu các tổ chức tín dụng này phải trích lập dự phòng. “Chúng tôi xử lý nghiêm minh, đúng theo tính chất. Nếu có sai phạm về kinh tế phải xử lý theo pháp luật về kinh tế, trong đó chủ yếu tạo điều kiện để có biện pháp khắc phục những hậu quả kinh tế đã gây ra” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa giải pháp.

 

Trước băn khoăn của nhiều đại biểu về giải pháp cụ thể để tăng trưởng tín dụng, bởi trong thực tế, nhiều doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn rất khó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu rõ, hiện tăng trưởng tín dụng hết sức khó khăn. Ở đây, phải tính cả hai phía. Trước đây, do tăng trưởng tín dụng dễ dãi quá thì nợ xấu gia tăng, hiệu quả của nền kinh tế thấp. Đến bây giờ, các ngân hàng cũng hết sức khó khăn. Do vậy, nếu họ đưa ra một đồng vốn họ phải bảo đảm chắc chắn thu lại được, cho nên cũng phải hết sức kiểm soát chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sau nhiều năm vất vả tình hình tài chính cũng trở nên hết sức khó khăn. Do vậy, hai bên rất khó gặp nhau.

 

Đứng dưới góc độ quản lý vĩ mô, theo Thống đốc Nguyễn văn Bình, biện pháp đưa ra là phải cân đối được cả hai lĩnh vực trên, không được làm cho nợ xấu gia tăng, không được suy giảm chất lượng tín dụng, nhưng phải làm sao tín dụng có thể tăng được hài hòa. Theo đó, giải pháp về lãi suất là một giải pháp quan trọng, giải pháp thứ hai là tháo gỡ nợ xấu của các doanh nghiệp; có tháo gỡ nợ xấu của các doanh nghiệp thì các doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được nguồn vốn. Đó cũng là những giải pháp căn cơ để giúp các doanh nghiệp khôi phục được tình hình tài chính và tiếp tục được hoạt động sản xuất, nhưng phải là sản xuất - kinh doanh có hiệu quả.

 

Cũng chỉ giải quyết nợ xấu mới khơi được vòng luẩn quẩn doanh nghiệp không vay được vốn dù lãi suất đã giảm, vì các ngân hàng ngại nợ xấu. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, ngân hàng và doanh nghiệp phải dựa vào nhau chứ ngân hàng không bỏ doanh nghiệp. Phía các ngân hàng cũng đang hết sức quyết tâm, “đang đốt đuốc tìm doanh nghiệp tốt”.

 

Tiếp tục làm rõ những vấn đề của lĩnh vực xây dựng

 

Tiếp tục Phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, sáng 13-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã làm rõ thêm những vấn đề về quản lý thị trường bất động sản; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tái cơ cấu các nhà máy xi-măng; an toàn đập thủy điện sông Tranh…

 
 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời phỏng vấn của báo chí
sau khi kết thúc phần trả lời chất vấn tại hội trường. Ảnh: TTXVN

Trả lời chất vấn của đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) liên quan đến vấn đề an toàn Thủy điện sông Tranh 2, Bộ trưởng cho biết: Thủy điện sông Tranh 2 tuân thủ các quy trình về kiểm tra chất lượng, từ khâu khảo sát thiết kế đã có tư vấn độc lập của Nhật Bản kiểm tra khẳng định an toàn.

 

Sau khi đập đưa vào sử dụng có vấn đề thấm nước, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước đã cùng Bộ Công Thương, chủ đầu tư, nhà tư vấn tập trung để xử lý. Hội đồng Nghiệm thu nhà nước đã chủ động và yêu cầu chủ đầu tư thuê tư vấn độc lập khác kiểm tra toàn diện và kết luận đập an toàn cả về chất lượng thi công và chất lượng nền móng, có khả năng chịu được động đất với gia tốc nền 150cm2, có thể chịu đến gia tốc nền 220cm2.

 

Những trận động đất, rung chấn ở khu vực Bắc Trà My tuy đều nhỏ hơn mức 5,5 độ richter nhưng người dân lo lắng nên quan điểm của Chính phủ và Hội đồng Nghiệm thu nhà nước là phải tập trung xử lý mọi vấn đề liên quan đến an toàn, coi đây là nhiệm vụ số 1, thực hiện yêu cầu an dân. Khi dân còn lo lắng sẽ không tích nước. Hội đồng Nghiệm thu nhà nước đã đề nghị Thủ tướng chưa cho tích nước đập Thủy điện sông Tranh.

 

Chính phủ cũng đã cho phép yêu cầu Viện Vật lý địa cầu, Bộ Khoa học - Công nghệ mời các nhà tư vấn có kinh nghiệm trên thế giới đánh giá toàn diện về động đất và địa chất khu vực Bắc Trà My. Hiện nay, các nhà địa chất của Nga đã đến sông Tranh, sắp tới là các nhà địa chất Ấn Độ, Nhật Bản, sẽ nghiên cứu, đánh giá toàn diện để khẳng định động đất khu vực này không thể vượt quá 5,5 độ richter. Đồng thời, tuyên tuyền để người dân yên tâm. Khi đó, mới cho tích nước.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thông tin thêm với Quốc hội: Chính phủ đã cử các đoàn công tác do các Phó Thủ tướng dẫn đầu khảo sát trực tiếp tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2. Mặc dù thông số kỹ thuật cho thấy, hiện vẫn yên tâm nhưng vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, khẳng định tính an toàn của đập.

 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng phải tuyên bố rõ ràng về vấn đề này, bởi người dân không quan tâm đến các con số mà chỉ lo lắng việc có thể yên tâm ở lại hay phải dời đi chỗ khác? Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Bà con hoàn toàn yên tâm ở lại, không phải đi đâu hết!”, dù nước tràn có đến mức 161m cao trình, công trình cũng “gần như tuyệt đối an toàn.” Chỉ còn những yếu tố đặc biệt như nếu động đất cao hơn 5,5 độ richter cần phải nghiên cứu tiếp.

 

Mặc dù vậy, lời khẳng định của Bộ trưởng chưa khiến đại biểu Ngô Văn Minh và cả Chủ tịch Quốc hội thấy yên tâm. Trong phần phát biểu lần hai, đại biểu Ngô Văn Minh bày tỏ băn khoăn: “Yên tâm sao được khi các nhà khoa học trong nước, chưa nói đến nước ngoài vẫn còn có ý kiến khác nhau. Nhà khoa học người bảo yên tâm nhưng cũng nhiều nhà khoa học bảo không yên tâm”. Đại biểu phản ánh, dân không thể yên tâm trước tình trạng rung lắc cả ngày. Đại biểu đề nghị phải xử lý vấn đề này để các nhà khoa học có chung một tiếng nói. “Dân và Quốc hội không biết tin nhà khoa học nào? Nếu chẳng may sự cố vỡ đập xảy ra, ai là người đầu tiên chịu trách nhiệm?” - đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Theo chứng minh của các nhà khoa học, đến nay, có thể yên tâm cộng thêm việc chưa tích nước, chưa gây tác hại gì nên đồng bào tạm thời có thể yên tâm. Tuy nhiên, còn vấn đề động đất, hiện đã mời các nhà khoa học của các nước có kinh nghiệm tiếp tục nghiên cứu, nếu thấy rằng động đất cũng không có tác động lớn, mới cho tích nước. Khi đó mới kết luận cuối cùng.

 

Chính phủ đã đưa ra giải pháp quá độ, tạm thời chưa tích nước, để đồng bào ở lại và có những biện pháp an toàn; các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu vấn đề động đất, rà soát tổng thể. Việc dừng hay tiếp tục công trình sẽ được quyết định khi có kết luận nghiên cứu về động đất...

Trả lời chất vấn của đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) về những tham mưu của Bộ Xây dựng góp phần tái cấu trúc nhanh nền kinh tế, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Tái cấu trúc có 3 trụ cột, trong đó trụ cột về hạ tầng được đánh giá là một trong những yếu tố quyết định để tạo môi trường và các cơ sở vật chất phát triển kinh tế. Bộ Xây dựng đã cùng với các bộ, ngành hữu quan tham mưu những công trình hạ tầng quan trọng, trong đó có những công trình hạ tầng về giao thông, quản lý đô thị… Hiện nay, những vấn đề này đã ra được lồng ghép vào các quy hoạch như: quy hoạch của Thủ đô Hà Nội, quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh, quy hoạch các tỉnh, các địa phương…

 

Bộ trưởng cho biết, trong tái cấu trúc lại các doanh nghiệp của ngành xây dựng cần tập trung tái cấu trúc lại sản phẩm, khuyến khích những ngành nghề chính; những ngành nghề không khuyến khích cần có lộ trình để thoái vốn và có lộ trình để cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng theo yêu cầu của Chính phủ.

 

Bộ trưởng nhấn mạnh: Bộ đặc biệt quan tâm đến việc sắp xếp, tổ chức, bố trí nhân sự; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để các doanh nghiệp hoạt động đúng theo quy định của pháp luật, đồng thời đầu tư có hiệu quả.

 

Phân tích những nguyên nhân của tình trạng đầu tư xây dựng dàn trải như hiện nay, Bộ trưởng cho biết, hiện nay đang có 54.000 công trình đang thực hiện. Theo báo các các địa phương, để rà soát lại toàn bộ những công trình và tổng nguồn vốn phải điều chỉnh tăng lên là hơn 8 nghìn tỷ. Bộ trưởng đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng trong xây dựng, trong đó có nguyên nhân nhiều công trình chưa có vốn cũng bố trí đầu tư hoặc nguồn vốn chưa đủ nhưng cũng bố trí đầu tư để mong những năm sau tiếp tục có vốn chứ không căn cứ vào nguồn vốn cụ thể. Một nguyên nhân nữa, theo Bộ trưởng, do chất lượng công tác quy hoạch chưa tốt, đầu tư quá nhiều công trình…

 

Báo cáo với Quốc hội về hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ quản lý, Bộ trưởng Trình Đình Dũng cho biết, các công ty này cũng đang trong tình trạng khó khăn như tình trạng chung hiện nay. Bộ đang tập trung để xử lý các vấn đề, trước mắt sẽ rà soát lại tất cả các khoản nợ để phân loại khoản nợ nào có thể xử lý được, khoản nợ nào không thể xử lý được và khoản nợ nào cần phải có thời gian mới giải quyết được.

 

Kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã trả lời cụ thể, đầy đủ các vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn.

 

Theo Chủ tịch Quốc hội, đánh giá chung của Quốc hội và Chính phủ, quản lý thị trường bất động sản là vấn đề lớn bởi tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản tác động xấu tới nền kinh tế, gây ra ách tắc đối với sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng và cả một số lĩnh vực khác. Tình trạng này tạo ra sự tồn đọng đối với các loại vật liệu xây dựng và một số loại vật liệu của các ngành công nghiệp, tạo nên khó khăn trong hàng loạt doanh nghiệp đầu tư trong xây dựng cũng như doanh nghiệp vật liệu xây dựng; tác động tới hệ thống mạch máu ngân hàng và gây nợ xấu rất lớn.

 

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần có nhiều giải pháp để làm ấm lên thị trường bất động sản. Trước hết là giải quyết cân đối cung cầu; tập trung rà soát tất cả các dự án bất động sản đang tồn đọng, tồn kho căn hộ, nhà, đất bỏ hoang… để quyết định cho làm tiếp, đình chỉ hay dừng thi công. Cùng đó, cơ cấu lại thị trường một cách cân đối cung - cầu để có điều chỉnh cần thiết đối với quy hoạch, thiết kế các khu đô thị và các chủng loại thị trường nhà ở, nhà cho thuê, khu thương mại, khu công nghiệp, khu đô thị, khu chung cư.

 

Nhấn mạnh trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong quản lý ngành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Xây dựng cần làm tốt hơn việc rà soát Luật Xây dựng, các nghị định về quản lý xây dựng, chất lượng xây dựng để có chỉnh sửa theo hướng tăng cường quản lý công tác chuyên môn về xây dựng, bảo đảm từ thiết kế tới thi công, nghiệm thu, quyết định cho công trình đưa vào sử dụng; rà soát bảo đảm chất lượng nhà thầu, kiểm soát để đảm bảo thiết kế, thi công tốt hơn, công tác nghiệm thu chặt chẽ hơn…

 

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tiêu cực, tham nhũng, rút ruột công trình là một nguyên nhân lớn, nghiêm trọng không những làm chất lượng công trình kém mà còn làm hư hỏng đội ngũ cán bộ. Do đó, cần tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm điểm sâu sắc.

 

Diễn đàn Quốc hội “nóng” về việc quản lý giá thuốc

Cuối giờ chiều 13-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời hàng loạt các câu hỏi về những vấn đề đang gây nhiều bức xúc trong công tác chăm sóc sức khỏe của người dân như: bất cập trong quản lý đã khiến giá thuốc bị đẩy cao, tác động của việc tăng viện phí, thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh...

 
 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu: Phạm Xuân Thường (Thái Bình), Trương Văn Vở (Đồng Nai) chất vấn Bộ trưởng Y tế về việc vì sao thuốc qua đấu thầu lại đắt hơn giá thị trường trong khi lẽ ra phải rẻ hơn? Thực trạng cùng một địa phương nhưng mỗi cơ sở khám, điều trị lại bán thuốc với giá khác nhau với mức độ chênh lệch lớn?...

 

“Với tư cách là đơn vị chủ quản, thái độ của Bộ Y tế như thế nào trước nghịch lý này?” - trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, giá thuốc đã bị đẩy cao so với mức niêm yết trung bình từ 10-20%.

 

Liệt kê một loạt các nguyên nhân, Bộ trưởng cho biết: Giá thuốc khi tới tay bệnh nhân đã phải đi lòng vòng qua nhiều khâu trung gian; công ty dược bắt tay với thầy thuốc để kê đơn biệt dược hưởng chênh lệch; kết quả đấu thầu tại cơ sở khám chữa bệnh cao hơn giá niêm yết bên ngoài... đã tạo nên thực trạng trên.

 

Về việc giá thuốc sau khi đấu thầu lại cao hơn với giá niêm yết đã kê khai trước đó, Bộ trưởng cho biết, nguyên nhân xuất phát từ những quy định bất hợp lý trong thông tư, quy định đấu thầu giá thuốc. Quy định chỉ chia nhóm thuốc theo công dụng chứ không chia theo xuất xứ.

 

Tự chỉ ra một bất cập lớn của ngành, người đứng đầu ngành Y tế cả nước cho rằng, quy định cho các đơn vị khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế quản lý giá thuốc là không hợp lý, vì như vậy, chẳng khác gì “vừa đá bóng, vừa thổi còi” vì Bộ vừa sản xuất, vừa kê thuốc, vừa quản lý giá thuốc. Bộ trưởng thẳng thắn: Không nên để tình trạng này tiếp tục diễn ra. Bộ Y tế chỉ nên quản lý về chuyên môn, bảo đảm đủ thuốc đến tay người bệnh.

 

Để giải quyết căn cơ thực trạng này, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành Thông tư chia các nhóm thuốc thành xuất xứ khác nhau trên cơ sở kỹ thuật; đồng thời quy định giá đấu thầu phải thấp hơn giá trước đó kê khai để quản lý. Bộ Y tế cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập Ủy ban đấu giá quốc gia về thuốc với sự tham gia của liên ngành: Tài chính, Bảo hiểm xã hội, Y tế để bảo đảm cân đối, xem xét và đưa ra giá thấp nhất.

 

Bên cạnh đó, Bộ cũng ban hành quy định quy chế kê đơn thuốc, hạn chế dùng biệt dược để thống nhất áp dụng trên cả nước. Tuy nhiên, các giải pháp dù khá mạnh dạn nhưng chưa tạo đột phá vì vẫn chưa minh bạch được mọi khâu. Luật Dược đang xây dựng hướng tới quy định thuốc là mặt hàng thiết yếu (cũng như xăng dầu) cần phải có bộ chuyên ngành quản lý giá (Bộ Tài chính) đảm nhiệm, Bộ trưởng kết thúc vấn đề.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu xung quanh tác động của việc tăng giá dịch vụ y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giãi bày: Qua nhiều nhiệm kỳ, 8 lần Bộ Y tế có ý định trình tăng giá dịch vụ nhưng vẫn không được. Bộ trưởng khẳng định việc tăng giá sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho những người nghèo, người tham gia Bảo hiểm Y tế, trẻ em dưới 6 tuổi.

 

Theo Bộ trưởng, cần tiến tới một giai đoạn như các nước đã bảo hiểm toàn dân. Tức là người bệnh chỉ biết chữa bệnh và bệnh viện chỉ biết chăm sóc, việc thanh toán tiền là giữa cơ quan trả tiền là bảo hiểm xã hội và cơ quan thực hiện nhiệm vụ đó là bệnh viện.

 

Bộ trưởng cũng thông tin thêm, đối với cơ sở khám chữa bệnh, sau nhiều cuộc giao ban, các giám đốc bệnh viện đều khẳng định: Nếu không thay đổi giá dịch vụ, bệnh viện công không tồn tại được.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Huỳnh Tấn Dương (Hải Dương) về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, Bộ trưởng Bộ Y tế xác nhận: Tình trạng này ngày càng trầm trọng, nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Có tỉnh, tỷ lệ trẻ trai/trẻ gái ra đời hiện đã chênh đến mức 130/100. Đáng chú ý là việc chọn giới tính thai nhi không chỉ thể hiện ở lần sinh con thứ 3 trong các gia đình mà ở ngay lần sinh đầu tiên sau một vài tuần đầu.

 

Bộ trưởng thẳng thắn nói: “Việc này dẫn đến hệ quả, thế hệ tới đây, nhiều đàn ông không lấy được vợ”. Hiện tượng buôn bán phụ nữ qua biên giới đã tác động đến Việt Nam từ hệ quả của hiện tượng lệch giới tính tương tự ở các nước lân cận. Đây không phải là nguyên nhân xã hội mà đơn thuần do nguyên nhân văn hóa, tư tưởng, nguyên nhân là các ông đàn ông muốn có con trai nối dõi tông đường.

 

Trả lời về phương cách giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính, Bộ trưởng cho rằng, Bộ Y tế chỉ có thể là xử phạt hành vi siêu âm lựa chọn giới tính thai nhi; tổ chức kiểm tra. Bộ trưởng Y tế đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát việc này ngay tại địa phương mình, đồng thời đề nghị các cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là các cơ quan truyền thông, cả xã hội phải tích cực vào cuộc hơn nữa.

 

Cũng trong phần trả lời chiều nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời một số câu hỏi của các đại biểu xung quanh công tác quản lý tiền chất, quản lý hoạt động khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài.

 

* Trước đó, sáng 12-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn, trả lời chất vấn trực tiếp của 23 lượt đại biểu Quốc hội của 19 tỉnh, thành phố; tập trung vào các nội dung như: Việc xử lý hàng tồn kho, hàng giả, hàng nhái, thương hiệu lúa gạo, phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, về vấn đề thủy điện, xăng dầu…

 

* Tiếp đó, chiều 12-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn của 13 lượt đại biểu Quốc hội ở 8 tỉnh, thành phố về các vấn đề như: Thị trường bất động sản, chất lượng các công trình xây dựng, quy hoạch và quản lý đô thị, dân cư, khu công nghiệp…

 

Trong quá trình chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh tham gia giải trình làm rõ một số nội dung liên quan.

 

* Theo kế hoạch, ngày 14-11-2012, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, tiếp tục chất vấn và nghe trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ. Phiên họp sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước cùng theo dõi. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án Luật Phòng, chống khủng bố và Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh./.