Những điểm nhấn kinh tế Thủ đô 9 tháng đầu năm 2012
1. Những chỉ báo tích cực
Vượt lên nhiều khó khăn, kinh tế Thủ đô trong 9 tháng đầu năm 2012 đạt được nhiều kết quả ấn tượng, với những điểm nhấn sau:
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố cao hơn 1,5 lần so với bình quân chung của cả nước. Ước GDP của thành phố tăng 8,5% trong quý III, cao hơn mức tăng 7,9% của quý II và 7,3% của quý I/2012 (GDP cả nước quý I/2012 tăng 4,00%, quý II tăng 4,66% và quý III tăng 5,35%). Tính chung 9 tháng đầu năm 2012, GDP của Hà Nội tăng 7,9% (kế hoạch năm là tăng10 - 10,5%; 9 tháng đầu năm 2011 tăng 9,4%), trong đó, khu vực dịch vụ tăng 8,9%, công nghiệp - xây dựng tăng 8%, nông - lâm - thủy sản giảm 0,6%.
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 12,9%. Khu vực được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước có tốc độ tăng thấp nhất do các dự án, công trình được đầu tư từ nguồn ngân sách và nguồn vốn ODA gặp nhiều khó khăn. Khối doanh nghiệp ngoài nhà nước gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận vay vốn tín dụng do lãi suất cao và không đáp ứng được điều kiện vay của các ngân hàng.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 20,7%, (nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng hơn 10,2%), cao hơn mức tăng 4,7% cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu tăng 5,3%. Từ quí II năm 2012 trở đi, xuất khẩu có xu hướng phục hồi ở tất cả các khu vực kinh tế do xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm tăng, cùng với việc tăng giá và lượng của một số mặt hàng.
2. Khó khăn và triển vọng
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trên, kinh tế Thủ đô còn đối diện với một số khó khăn, cụ thể:
Thu - chi ngân sách nhà nước:. Tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm của thành phố ước đạt 92.275 tỷ đồng, bằng 63,1% chỉ tiêu dự toán mà Hội đồng nhân dân thành phố giao; chi ngân sách ước đạt trên 31 nghìn tỷ, bằng 58,7% dự toán giao. Hai chỉ tiêu này đều khá thấp so với mọi năm và phản ánh tình hình chung trong cả nước.
Sản xuất công nghiệp và xây dựng quý III tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trong số 21 sản phẩm công nghiệp chủ lực có tới 15 sản phẩm giảm sản lượng, trong đó có những sản phẩm giảm trên 45% như lắp ráp ô tô (giảm 56,4%), sản xuất động cơ điện (giảm 45,6%), máy công cụ (giảm 45,8%).
Giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tính chung 9 tháng đầu năm giảm 0,6% (6 tháng đầu năm giảm 2,9%).
Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng 9 tháng đầu năm tăng 8% (đóng góp 3,7% vào mức tăng chung), thấp hơn so với tốc độ tăng của 9 tháng đầu năm 2011. Sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do lãi suất ngân hàng còn ở mức cao, chi phí đầu vào tăng, sức mua giảm, tiêu thụ chậm, lượng hàng tồn kho cao. Vì vậy, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng 9 tháng đầu năm 2012 có tốc độ tăng không bằng cùng kỳ các năm trước.
Giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ tăng 8,9% (đóng góp 4,3% vào mức tăng chung). Các ngành khối hành chính sự nghiệp như quản lý nhà nước, giáo dục, văn hoá, y tế… có tốc độ tăng khá.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm của Hà Nội còn nhiều hạn chế, được 231 dự án với tổng số vốn đăng ký là 919 triệu USD (bằng 88% so với cùng kỳ năm 2011), trong đó, số dự án cấp mới 155 dự án với vốn đầu tư đăng ký là 579 triệu USD; 76 dự án tăng vốn với vốn đầu tư đăng ký là 340 triệu USD. Nhiều dự án cấp mới của năm 2012 là các dự án trong lĩnh vực dịch vụ, không sử dụng đất, vốn đầu tư quy mô vừa và nhỏ (dưới 1 triệu USD). Ngoài ra, diện tích đất tại các khu công nghiệp để thu hút nhà đầu tư mới không còn nhiều, các khu công nghiệp mới mở gặp nhiều khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, vì vậy chưa có mặt bằng “sạch” để thu hút các nhà đầu tư. Vì vậy, vốn đầu tư đăng ký mới 9 tháng đầu năm 2012 chỉ tập trung vào một số dự án tăng vốn (cải tiến máy móc thiết bị), số dự án đăng ký mới chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất có sử dụng đất rất hạn chế. Đến nay, Hà Nội có 2.312 dự án còn hiệu lực trên toàn địa bàn với tổng vốn đăng ký là 20,4 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện ước đạt 6,97 tỷ USD (đạt 30%). Trong số đó, có hơn 1.700 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Hà Nội chiếm 5,09% vốn đầu tư đăng ký của cả nước, đứng vị trí thứ 5 sau các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Khánh Hoà, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.
Số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong 9 tháng năm 2012 giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có 11,5 nghìn doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là 64,1 nghìn tỷ đồng, bằng 68% về số doanh nghiệp và 54% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng đầu năm 2012, có 730 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể và 1.900 doanh nghiệp làm thủ tục tạm ngừng kinh doanh.
Dự kiến 9 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 5,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 7,5%. Đóng góp nhiều nhất vào tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm nay là nhóm hàng thủ công mỹ nghệ (tăng 31,7%), linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi (tăng 31,1%), điện tử (tăng 21,9%)… Một số nhóm hàng xuất khẩu giảm so cùng kỳ là: hàng nông sản (giảm 6,2%), than đá (giảm 37,5%)… Một số thị trường xuất khẩu lớn của Hà Nội hiện nay là Trung Quốc (chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu), Mỹ: 13%, Nhật Bản: 12%. Dự kiến kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn 9 tháng đầu năm 2012 giảm 5,6% so cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu địa phương giảm 0,3%. Hầu hết các nhóm hàng nhập khẩu đều giảm so cùng kỳ năm trước, như máy móc, thiết bị phụ tùng (giảm 19,8%), vật tư nguyên liệu (giảm 3,2%)… Trong nhóm vật tư nguyên liệu, có 2 mặt hàng nhập khẩu tăng là phân bón (tăng 14,6%), hoá chất (tăng 15,4%). Một số thị trường nhập khẩu lớn của Hà Nội trong 9 tháng đầu năm là Trung Quốc (chiếm 27% tổng kim ngạch nhập khẩu), Mỹ và Nhật Bản 12%.
Dự kiến 9 tháng đầu năm 2012, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội là 7.491,4 ngàn lượt, tăng 12,2%, trong đó khách quốc tế 1.144,6 ngàn lượt (tăng 28%), khách nội địa 6.346,8 ngàn lượt (tăng 9,8%).
Khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 38,9%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 38,2%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 39,8%, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 39,1%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 39,1%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 37,9% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2012 tăng 2,47 % so với tháng trước, tăng 6,49% so cùng kỳ và cao hơn mức tăng chung cả nước. Có 10/11 nhóm hàng tiêu dùng có chỉ số giá tăng. Tăng cao nhất là nhóm giáo dục (tăng 34,06%) do việc tăng học phí ở các trường phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Hà Nội và các trường mẫu giáo, mầm non tư thục. Tiếp đến là nhóm giao thông (tăng 3,67%) do việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào cuối tháng 8. Nhóm có chỉ số tăng cao thứ 3 là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 2,16%) do giá gas và dầu hoả tăng. Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,12%. Giá gạo trên thị trường trong tháng khá ổn định. Giá thực phẩm tăng vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh do sức mua của người dân tăng trong khi nhiều tiểu thương nghỉ bán hàng nên nguồn cung nhiều mặt hàng giảm và bị gián đoạn. Chỉ số giá vàng tăng 4,76% so với tháng trước; giá đô la Mỹ tăng 0,03%. Nhìn chung, giá cả thị trường 9 tháng đầu năm 2012 đã hạ nhiệt hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt có 3 tháng chỉ số giảm so tháng liền trước đó (tháng 4 giảm 0,03%; tháng 6: 0,17%, tháng 7: 0,29%). Tháng 8 chỉ số giá tăng trở lại với mức tăng không nhiều (tăng 0,57% so với tháng trước). Tháng 9 mức tăng 2,47% là tháng có chỉ số tăng cao nhất từ tháng 4-2011 đến nay. Chỉ số giá bình quân 9 tháng đầu năm 2012 tăng 9,24% so với cùng kỳ năm trước (năm 2011 tốc độ này là 17,76%), thấp hơn mức tăng chung cả nước (tháng 9-2012 CPI cả nước tăng 2,2% so với tháng trước đó và tăng 6,48% so với tháng 9-2011, tăng 5,13% so với tháng 12-2011 và CPI bình quân trong 9 tháng đầu năm 2012 đã tăng 9,96% so với cùng kỳ năm 2011).
Tổng nguồn vốn huy động tháng 9-2012 đạt 851.647 tỷ đồng, tăng 1,09% so với tháng 8 và tăng 3,63% so với tháng 12-2011, cao hơn mức trung bình cả nước, tiền gửi tiết kiệm tăng 2,5% và 17,11%, tiền gửi thanh toán tăng 0,2% và 2,95%, phát hành giấy tờ có mệnh giá tăng 0,15% và giảm 34,7%. Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 9-2012 đạt 617.521 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 5,35% so với tháng 12-2011, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,9% và 5,31%, dư nợ trung và dài hạn tăng 0,1% và 5,42%.
3. Những giải pháp trọng tâm vượt qua khó khăn trong năm 2012
Nhìn chung, tình hình kinh tế Thủ đô 9 tháng đầu năm 2012 có nhiều khó khăn, nhưng đang có sự cải thiện trong vài tháng gần đây. Ðể hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, Hà Nội đã và đang tập trung thực hiện hiệu quả 9 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ chủ yếu và 2 khâu đột phá của Thành ủy, Nghị quyết 07/2011/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố và tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính: Chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; Đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ; Tăng cường công tác quy hoạch, quản lý trật tự đô thị, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; tập trung tháo gỡ khó khăn về lãi suất ngân hàng, ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thực hiện các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường quản lý vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ; Ngân hàng nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội đang tích cực phấn đấu giải ngân nhanh gói cho vay 10.000 tỷ đồng với lãi suất tối đa 15%/năm như đã dự kiến. Nghiên cứu và đề xuất cơ chế đặc thù cho các dự án thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xây dựng quy định mới về quản lý đầu tư trên địa bàn, trong đó quy định định kỳ xây dựng danh mục các dự án để công khai kêu gọi đầu tư, tập trung cho 4 lĩnh vực ưu tiên năm 2012 (1 dự án đầu tư xây dựng bệnh viện chất lượng cao, 1 dự án đầu tư xây dựng trường đại học chất lượng cao, 1 đến 2 trường dạy nghề chất lượng cao và 1 khu công nghiệp. Phân công, ủy quyền cho giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, ký cấp mới/điều chỉnh/thu hồi đối với các doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư nước ngoài thuộc diện đăng ký đầu tư nhằm đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Hoàn tất thủ tục phê duyệt các dự án đã đăng ký hiện có trên địa bàn…
Thành phố đã tích cực thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như tổ chức các cuộc tiếp xúc, trao đổi trực tiếp, bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, tiếp tục mở rộng hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, thực hiện các giải pháp tài chính - tín dụng theo tinh thần Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ. Tính đến 12-6-2012, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã giãn, giảm, gia hạn 5.150 tỷ đồng tiền thuế cho hơn 70.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội; trong đó có khoảng 3.000 tỷ đồng là gia hạn nộp tiền sử dụng đất sang năm 2013; khoảng 1.000 tỷ đồng là từ khoản giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; khoảng 500 tỷ đồng là gia hạn số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 đến 10-5-2012 chưa nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp vận tải đường thủy, sản xuất sắt, thép, xi măng, doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bất động sản (hạn nộp 2-1-2013); 150 tỷ đồng từ giảm 50% tiền thuê đất của các doanh nghiệp đủ điều kiện và 500 tỷ đồng là thuế giá trị gia tăng kỳ tháng 6-2012 của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Trên tinh thần cầu thị và chủ động vượt khó của lãnh đạo thành phố cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn, hy vọng kinh tế Thủ đô sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn trong những tháng cuối năm 2012./.
Liên hợp quốc và Mỹ hoan nghênh thỏa thuận hòa bình tại Phi-líp-pin  (09/10/2012)
Bước đi nhằm tìm kiếm những biện pháp hỗ trợ giúp tăng trưởng của các nền kinh tế bớt ảm đạm  (09/10/2012)
Phép thử đối với các ứng cử viên tổng thống Mỹ  (09/10/2012)
Trao đổi kinh nghiệm công tác dân vận với cán bộ Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước  (09/10/2012)
Trung đoàn Thủ đô, Ngày về lịch sử  (09/10/2012)
Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 – 2020  (09/10/2012)
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên