Xác định rõ trách nhiệm trong việc để xảy ra sai phạm về đất đai và nâng cao hiệu quả các quy định về phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng
21:04, ngày 18-09-2012
TCCSĐT - Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 11, ngày 18-9-2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn giám sát báo cáo về kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai và thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Theo Báo cáo kết quả giám sát, từ năm 2003 đến năm 2010, trung bình hàng năm số đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai hằng năm chiếm gần 70%. Trong thời gian này, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm 1.052 vụ việc tồn đọng, bức xúc kéo dài khiếu nại, tố cáo về đất đai, đạt 66,7%.
Trong quản lý đất đai, nội dung khiếu nại tố cáo đối với các quyết định hành chính chủ yếu tập trung vào khiếu nại tố cáo các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chiếm 70%). Khiếu nại các quyết định hành chính về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chiếm 20%. Khiếu nại các quyết định hành chính về cấp, thu hồi Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 10%.
Báo cáo của đoàn giám sát cũng cho thấy nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại tố cáo về đất đai có nhiều nhưng chủ yếu là do sự bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai; những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành các quyết định hành chính; sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai; sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ công chức.
Thảo luận về kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung của báo cáo. Tuy nhiên, các ý kiến đóng góp đề nghị Báo cáo cần làm rõ đối tượng, chủ thể giám sát. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, kết quả giám sát đã cho thấy, tình hình khiếu nại tố cáo về đất đai đang diễn ra rất nghiêm trọng, liên quan trực tiếp đến nhiều lĩnh vực trong đời sống nhân dân. Kết quả này cũng đã phản ánh nhiều sai sót trong lĩnh vực quản lý hành chính về đất đai cần được nhanh chóng chấn chỉnh, hoàn thiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, việc thiếu vai trò của các bộ, ngành chức năng trong việc quản lý, giám sát các văn bản quản lý hành chính về đất đai ở địa phương cũng dẫn đến hiệu quả quá trình kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo của nhân dân ở cấp tỉnh, thành phố còn yếu kém, lơi lỏng. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực này. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng đề nghị Báo cáo cần làm rõ một trong những nguyên nhân của tình trạng này là nạn tham nhũng về đất đai. Vấn đề định giá đất và bồi thường đất đai khi thu hồi chưa thỏa đáng cũng là nguyên nhân dẫn tới khiếu nại, tố cáo.
Cũng đề cập đến nguyên nhân của các khiếu nại tố cáo về đất đai, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, chính việc ban hành giá đất tại các địa phương khác nhau; hay giải quyết việc làm cho người dân khi bị thu hồi đất còn bất cập; việc đền bù đất của các cơ quan, doanh nghiệp không thống nhất, cũng góp phần làm nảy sinh khiếu kiện của người dân. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, hiện nay người dân rất ít đến Tòa hành chính để khởi kiện quyết định hành chính của cơ quan nhà nước bởi năng lực của các thẩm phán về vấn đề này chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều vụ đã xét xử nhưng không thi hành án được. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên có chương trình giám sát, kiểm tra thực tế đời sống người dân sau thu hồi đất để hoàn thiện chính sách về lĩnh vực này.
Đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm để xảy ra các sai phạm trong quản lý hành chính Nhà nước về đất đai, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị, cơ quan soạn thảo Báo cáo cần chỉ ra rõ cấp độ, phạm vi sai phạm và phải xác định rõ trách nhiệm của những người có hành vi sai phạm, và việc xử lý những cá nhân, tổ chức này.
** Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Theo các đại biểu, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã tạo lập khung pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của các tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu. Việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức đơn vị; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức đã phát huy tác dụng, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và kiềm chế tham nhũng trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước. Tuy nhiên, qua sơ kết triển khai thực hiện, nhiều quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cũng như chủ trương, quan điểm chỉ đạo trong nghị quyết, văn kiện của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng và các yêu cầu trong những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Quan điểm, nguyên tắc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng theo hướng củng cố, nâng cao hiệu quả của các quy định về phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng và coi đây là nhiệm vụ then chốt, nhất là việc đẩy mạnh công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước, gắn với các biện pháp nâng cao trách nhiệm giải trình của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Dự án Luật sửa đổi liên quan tới các nội dung như: Tăng cường công khai, minh bạch trong các lĩnh vực quản lý, nhất là lĩnh vực ngân sách nhà nước (bao gồm cả thu chi và phân bổ ngân sách); quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; quản lý tập đoàn, tổng công ty nhà nước; việc tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, quản lý cán bộ; quy định cụ thể hơn trong việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập theo hướng từng bước mở rộng diện kê khai, tăng cường công khai bản kê khai tài sản, thu nhập và trách nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và một số vấn đề khác…Dự án Luật sửa đổi gồm 8 chương và 110 điều.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Tư pháp tán thành với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng trên cơ sở tổng kết, đánh giá một cách kỹ lưỡng, sâu sắc việc thi hành Luật phòng, chống tham nhũng trong 6 năm qua.
Thảo luận về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập (Điều 52), loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Luật sửa đổi chỉ nên quy định việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc, công tác. Loại ý kiến thứ hai đề nghị để thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X), cần quy định việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cả nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc, công tác và nơi cư trú.
Theo dự án luật, trước mắt nên thực hiện việc công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người kê khai thường xuyên làm việc. Sau một thời gian nhất định sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả của việc công khai này rồi mới thực hiện việc công khai tại nơi cư trú. Mặt khác, việc công khai tại nơi cư trú cần phải được quy định rất chặt chẽ, tránh lạm dụng vào các mục đích tiêu cực. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đánh giá quy định như dự án luận vẫn còn mang tình hình thức. Đại biểu nhấn mạnh điều quan trọng trong kê khai tài sản là phải kiểm soát được nguồn thu nhập.
Quy định về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 48), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước tán thành với nội dung dự án luật, đối tượng kê khai tài sản, thu nhập bao gồm người có nghĩa vụ kê khai theo quy định hiện hành, đồng thời bổ sung thêm những cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên. Qua tổng kết 05 năm triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa đi vào thực chất. Để khắc phục tình trạng này, trước mắt mở rộng từng bước về diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai, nhưng quan trọng là phải có các biện pháp tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả hơn, trách hình thức. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng chưa nên mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, “cần đảm bảo thực chất trong việc này”- Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về vai trò và trách nhiệm của báo chí, Khoản 4, Điều 101 dự án luật quy định: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”. Một số ý kiến tán thành với cơ quan thẩm tra cho rằng, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh tùy tiện trong việc yêu cầu báo chí, phóng viên cung cấp thông tin về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng thì cần quy định ngay trong dự án luật về cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin cũng như những loại thông tin, tài liệu mà báo chí, phóng viên có nghĩa vụ phải cung cấp khi có yêu cầu.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung phân tích, đánh giá về phạm vi sửa đổi, tính khả thi của dự án luật; quy định về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng…/.
Việt Nam ủng hộ nỗ lực nâng cao vai trò của AIPA  (18/09/2012)
Đảng đoàn Quốc hội thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)  (18/09/2012)
Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn: Bước đột phá mới của tỉnh Đồng Nai  (18/09/2012)
Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở ở tỉnh Vĩnh Phúc  (18/09/2012)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên