Bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền trong nền kinh tế thị trường
Về loại hình bảo hiểm tiền gửi
Bảo hiểm tiền gửi thực chất là một loại hình bảo hiểm mà, theo đó nó bảo đảm nghĩa vụ chi trả trong tương lai các khoản tiền gửi cho người gửi tiền tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi các tổ chức này gặp rủi ro dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán cho người gửi tiền. Bảo hiểm tiền gửi, vì vậy, cần được coi là cam kết công khai của tổ chức bảo hiểm về tiền gửi đối với tổ chức tham gia loại hình bảo hiểm này trong việc hoàn trả (bao gồm phần gốc và lãi) cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia bảo hiểm này bị chấm dứt hoạt động hoặc mất khả năng thanh toán.
Như vậy, có thể nhận thấy hoạt động bảo hiểm tiền gửi là sự xác định và bảo đảm về mặt pháp lý cho các khoản tiền gửi (bao gồm cả gốc và lãi) đối với người gửi tiền tại các tổ chức nhận tiền gửi đã tham gia bảo hiểm. Trong sự vận hành của nền kinh tế thị trường thường tiềm ẩn vô vàn rủi ro đối với những chủ thể hoạt động kinh tế khác nhau nên hoạt động ngân hàng mặc dù giữ vai trò “xương sống” trong nền kinh tế cũng có nguy cơ đối mặt với những loại rủi ro khác nhau. Trong đó, có những rủi ro đặc trưng như rủi ro về đạo đức, rủi ro trong quản lý, rủi ro vì biến động lãi suất… Chính những rủi ro có thể xảy đến trong lĩnh vực ngân hàng là tiền đề cho sự hình thành của hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Về góc độ kinh tế - xã hội, hoạt động bảo hiểm tiền gửi mang đầy đủ bản chất của hoạt động bảo hiểm. Đó là sự “phân tán” rủi ro thông qua cơ chế “số lớn bù số ít”(1). Rủi ro trong hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (tổ chức nhận tiền gửi của cá nhân, tổ chức trong xã hội) là tiền đề của hoạt động bảo hiểm tiền gửi .
Hình thức pháp lý của quan hệ bảo hiểm tiền gửi
Về hình thức pháp lý của quan hệ bảo hiểm tiền gửi gồm: i) “Hợp đồng bảo hiểm tiền gửi” và: ii) Giấy Chứng nhận bảo hiểm tiền gửi. Hợp đồng Bảo hiểm tiền gửi là một trong các loại hợp đồng tự nguyện về bảo hiểm. Mặc dù hiện nay vẫn tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về “hợp đồng bảo hiểm” nhưng về quan hệ và nguyên tắc phổ biến thì Hợp đồng Bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, còn bên bảo hiểm phải trả một khoản tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm(2). Hợp đồng Bảo hiểm tiền gửi là công cụ chứng minh tình trạng được Bảo hiểm tiền gửi của một tổ chức thành viên. Nói cách khác, Hợp đồng Bảo hiểm tiền gửi là hình thức pháp lý chứng minh việc có bảo hiểm tiền gửi của một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Là một loại hợp đồng bảo hiểm - hợp đồng dân sự, vậy nên Hợp đồng Bảo hiểm tiền gửi mang những đặc điểm chủ yếu của loại Hợp đồng Bảo hiểm nói chung(3) như là loại hợp đồng chuyển dịch rủi ro; hợp đồng dịch vụ, nên nghĩa vụ phát sinh từ Hợp đồng Bảo hiểm là nghĩa vụ có điều kiện. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, Hợp đồng Bảo hiểm tiền gửi có những điểm đặc thù:
Một là, các chủ thể trong Hợp đồng Bảo hiểm tiền gửi gồm tổ chức thực hiện và tổ chức tham gia. Chủ thể của Hợp đồng Bảo hiểm tiền gửi không phải là bất kỳ chủ thể quan hệ pháp luật nào mà là chủ thể được xác định bởi pháp luật về bảo hiểm tiền gửi quy định. Trong đó, tổ chức thực hiện là tổ chức tài chính đặc thù được thành lập nhằm thực hiện các chính sách công của Nhà nước trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Còn chủ thể tham gia bảo hiểm tiền gửi chỉ bao gồm các tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính nhận tiền gửi của các đối tượng gửi tiền trong xã hội nhằm thực hiện một hoặc nhiều hoạt động ngân hàng, trong đó có hoạt động nhận tiền gửi của khách hàng để kinh doanh tiền tệ.
Hai là, Hợp đồng Bảo hiểm tiền gửi là sự thỏa thuận giữa tổ chức thực hiện hoạt động bảo hiểm tiền gửi và tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Như vậy, hai bên trong Hợp đồng Bảo hiểm tiền gửi đều thể hiện ý chí của mình nhằm xác lập một quan hệ Hợp đồng Bảo hiểm tiền gửi dựa trên những quy định của pháp luật về hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Ba là, về mục đích tham gia Hợp đồng Bảo hiểm tiền gửi: đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì việc tham gia giao kết Hợp đồng Bảo hiểm tiền gửi nhằm “ủy quyền” cho tổ chức thực hiện hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Bên bảo hiểm tiền gửi thực hiện chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền trong trường hợp rủi ro xảy ra khi mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng thanh toán.
Còn đối với tổ chức thực hiện hoạt động bảo hiểm tiền gửi, hành vi giao kết Hợp đồng Bảo hiểm tiền gửi nhằm thực hiện các mục tiêu chính sách công của Nhà nước, trong đó có mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp tổ chức này mất khả năng thanh toán cho người gửi tiền.
Bốn là, về quan hệ nghĩa vụ bảo hiểm tiền gửi, đó là các chủ thể có những quyền và nghĩa vụ trong quan hệ bảo hiểm tiền gửi. Cụ thể, tổ chức thực hiện hoạt động bảo hiểm tiền gửi có nghĩa vụ chi trả tiền cho người thụ hưởng từ hoạt động bảo hiểm tiền gửi khi xảy ra sự kiện bảo hiểm tiền gửi. Người thụ hưởng trong quan hệ nghĩa vụ bảo hiểm tiền gửi là cá nhân hoặc tổ chức có tài khoản tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia giao kết hợp đồng bảo hiểm tiền gửi.
ii) Giấy Chứng nhận bảo hiểm tiền gửi, là hình thức pháp lý của loại hình bảo hiểm tiền gửi mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo cách thức bắt buộc(4). Theo đó, pháp luật quy định rõ loại tổ chức nhận tiền gửi nào phải tham gia bảo hiểm; thủ tục tham gia bảo hiểm; điều kiện cấp, thu hồi Giấy Chứng nhận bảo hiểm và chủ thể có thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy Chứng nhận bảo hiểm tiền gửi… Tổ chức tài chính nhận tiền gửi phải thực hiện các thủ tục pháp lý để được cấp Giấy Chứng nhận bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo đảm và thúc đẩy sự ổn định, an toàn trong hoạt động ngân hàng của quốc gia. Các quy định về cấp Giấy Chứng nhận bảo hiểm tiền gửi thể hiện tính chất quan hệ hành chính.
Hiện nay không nhiều quốc gia quy định việc tham gia bảo hiểm tiền gửi theo cách thức tự nguyện, song, hợp đồng bảo hiểm tiền gửi đã và đang trở thành hình thức pháp lý của quan hệ bảo hiểm tiền gửi trong pháp luật về hoạt động bảo hiểm của một số quốc gia. Dựa trên các quy định pháp luật về hoạt động, việc giao kết hợp đồng bảo hiểm tiền gửi sẽ tạo cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện hoạt động bảo hiểm tiền gửi thực hiện nghĩa vụ đối với người gửi tiền tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Đồng thời, đó cũng là phương tiện pháp lý ghi nhận và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện hoạt động bảo hiểm tiền gửi và tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Như vậy, người gửi tiền sẽ được bảo đảm quyền và lợi ích khi có những sự cố rủi ro xảy đến.
Xây dựng cơ chế pháp lý cho bảo hiểm tiền gửi
Trước đây, thực tiễn hoạt động ngân hàng tại nhiều nước cho thấy, tiền gửi tại các tổ chức là những khoản tiền do cá nhân hoặc pháp nhân gửi tại các tổ chức nhận tiền gửi để đầu tư, hoặc vì lý do an toàn hoặc để cất trữ. Hiện nay, việc xác định các loại tiền gửi được bảo hiểm ngày càng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, việc phân biệt tổ chức nhận tiền gửi được bảo hiểm với công ty tài chính khác ngày càng trở nên phức tạp. Chẳng hạn, sự phát triển của khoa học công nghệ cho phép các tổ chức tài chính và phi tài chính chào bán các sản phẩm có đặc điểm như tiền gửi truyền thống tại các tổ chức nhận tiền gửi. Các công ty bảo hiểm thương mại hoặc các quỹ tương hỗ đều có thể tham gia hệ thống chi trả tại một số nước khác, khi đó cũng đưa ra các sản phẩm tương tự các loại tiền gửi truyền thống. Xu thế toàn cầu hoá trong hoạt động tài chính làm cho các tổ chức nhận tiền gửi ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động. Do đó, vấn đề xác định tư cách thành viên đòi hỏi cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Trong quá trình xây dựng quy tắc xác định chủ thể tham gia bảo hiểm tiền gửi, các quốc gia thường phải nghiên cứu một loạt yếu tố tác động khác nhau như: mức độ cạnh tranh giữa các tổ chức tài chính đang hoạt động trong nền kinh tế; vai trò của các tổ chức tài chính đó đối với sự tồn tại và phát triển của hệ thống tài chính quốc gia; sự tồn tại và hoạt động của cơ chế giám sát và điều hành nhằm giám sát hoạt động của các tổ chức thành viên; nguyên tắc đa dạng hoá thành viên nhằm phân tán rủi ro cho hệ thống bảo hiểm tiền gửi; nguy cơ phản ứng dây chuyền trong trường hợp tổ chức nhận tiền gửi bị đổ vỡ; các quy định pháp luật về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức thực hiện bảo hiểm tiền gửi đối với các tổ chức nhận tiền gửi; các hoạt động của cá nhân, hộ gia đình và chủ thể khác là chủ sở hữu các tài khoản thanh toán và tiết kiệm.
Trên cơ sở nghiên cứu các yếu tố tác động và mối liên quan giữa các yếu tố ấy, pháp luật về hoạt động bảo hiểm tiền gửi sẽ quyết định bổ sung hoặc loại trừ tổ chức nhận tiền gửi nào đó ra khỏi hệ thống bảo hiểm tiền gửi của quốc gia. Khi tổ chức thực hiện bảo hiểm tiền gửi được thiết lập, vấn đề trọng tâm là xác định vị thế của tổ chức thực hiện bảo hiểm tiền gửi trong hệ thống tài chính và hệ thống giám sát thống nhất của quốc gia cũng như phải xác định và hạn chế những rủi ro tiềm năng cho tổ chức thực hiện hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Pháp luật về hoạt động của Việt Nam quy định các tổ chức tín dụng phải tham gia bảo hiểm tiền gửi thực hiện các thủ tục pháp lý để được cấp Giấy Chứng nhận bảo hiểm tiền gửi. Chủ thể có thẩm quyền cấp Giấy Chứng nhận bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Thủ tục cấp Chứng nhận bảo hiểm tiền gửi là thủ tục hành chính được phát sinh giữa bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Giấy Chứng nhận bảo hiểm tiền gửi là căn cứ pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật bảo hiểm tiền gửi giữa các bên.
Việc cấp Giấy Chứng nhận bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có ý nghĩa rất quan trọng đối với các chủ thể tham gia hoạt động ngân hàng cũng như đối với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ. Thời điểm tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhận được ghi trong Giấy Chứng nhận bảo hiểm , quan hệ pháp luật bảo hiểm được phát sinh giữa các bên. Đây là cơ sở pháp lý khẳng định người gửi tiền tại các tổ chức nhận tiền gửi được một tổ chức tài chính của Nhà nước bảo đảm. Mặt khác, từ thời điểm được cấp Giấy Chứng nhận bảo hiểm, tổ chức nhận tiền gửi có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ của mình, tuân thủ hoạt động giám sát của tổ chức thực hiện hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Như vậy, pháp luật về hoạt động bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quy định các tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi theo hình thức bắt buộc là hợp lý. Bởi vì, hoạt động bảo hiểm tiền gửi luôn gắn với mục tiêu chính sách công của Nhà nước. Ngoài ra, quy định đó sẽ tránh được tình trạng tổ chức tín dụng “yếu, kém” mới tham gia bảo hiểm tiền gửi, còn tổ chức tín dụng hoạt động tốt, quản lý có hiệu quả thường từ chối tham gia bảo hiểm tiền gửi. Từ đó, sẽ tránh rủi ro lựa chọn nhầm lẫn của đối tượng tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Hoạt động bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, một số tổ chức tín dụng đã thành lập, chính thức đi vào hoạt động (trong đó có hoạt động nhận tiền gửi) nhưng sau đó mới thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm tiền gửi. Để khắc phục “khiếm khuyết” này, Luật Bảo hiểm tiền gửi được ban hành ngày 18-6-2012 đã sửa đổi. Theo đó, tổ chức tín dụng phải tham gia bảo hiểm tiền gửi trước khi tiến hành hoạt động, thay thế quy định trước khi tiến hành hoạt động nhận tiền gửi. Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến thủ tục xác lập quan hệ bảo hiểm tiền gửi trên các nội dung sau đây:
1. Cần bổ sung quyền hạn của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng về thẩm định điều kiện của các tổ chức tín dụng trước khi tiến hành hoạt động nói chung và hoạt động nhận tiền gửi nói riêng, nhất là đối với các tổ chức tín dụng bị đánh giá có nguy cơ rủi ro cao.
2. Xây dựng quy định cơ chế phối hợp giữa bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, ngân hàng như Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, qua đó quy định thời hạn cụ thể để thực hiện cơ chế phối hợp nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức tín dụng đủ điều kiện tham gia bảo hiểm tiền gửi hoặc xử lý theo hướng tái cơ cấu đối với tổ chức này. Căn cứ cơ sở đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quyết định việc cấp Giấy Chứng nhận bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức tín dụng.
3. Bổ sung, hoàn thiện chế tài pháp lý theo hướng nghiêm khắc đối với tổ chức tín dụng vi phạm nghĩa vụ tham gia bảo hiểm tiền gửi như vi phạm quy định về thực hiện cấp, cấp đổi, niêm yết Giấy Chứng nhận bảo hiểm tiền gửi. Quy định mức phạt tiền đủ mạnh để răn đe, ngăn ngừa đối với tổ chức tín dụng vi phạm. Có như vậy mới góp phần bảo đảm thực thi nghiêm túc pháp luật về hoạt động bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền cũng như tránh tổn thất quỹ bảo hiểm tiền gửi do rủi ro nhầm lẫn đối tượng tham gia bảo hiểm tiền gửi.
4. Trong nền kinh tế thị trường, sự phát triển của các tổ chức tài chính phi ngân hàng có vai trò khá quan trọng trong hoạt động ngân hàng do cung cấp các dịch vụ tiền gửi hay các dịch vụ tương tự và chịu sự giám sát an toàn ở mức độ phù hợp. Những chế tài phù hợp về sự tham gia của các tổ chức tài chính phi ngân hàng sẽ bảo đảm sự bình đẳng giữa các tổ chức cung cấp sản phẩm tương tự tiền gửi. Đồng thời, góp phần duy trì sự ổn định của ngành tài chính thông qua việc mở rộng hệ thống giám sát hợp nhất cho cả những tổ chức nhận tiền gửi này. Do đó, pháp luật không quy định hạn chế việc tham gia bảo hiểm tiền gửi của các chủ thể này. Vì vậy, cần bổ sung các quy định mới để tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức tài chính khác có thể tham gia bảo hiểm tiền gửi theo hình thức tự nguyện. Về thẩm quyền của các chủ thể quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính, Ngân hàng cùng với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thẩm định các điều kiện của tổ chức tài chính tự nguyện tham gia bảo hiểm và thẩm định hợp đồng bảo hiểm tiền gửi cùng những nội dung chế tài pháp lý có liên quan.
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, cơ chế thị trường ngày càng phát triển và hoàn thiện cùng với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực tiễn hoạt động tài chính, ngân hàng ở Việt Nam trong những năm tới được dự báo là sẽ trở nên rất đa dạng. Việc tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức tài chính tự nguyện tham gia bảo hiểm tiền gửi không chỉ góp phần bảo vệ quyền lợi của cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch tài chính cũng cần tiếp tục được hoàn thiện trên cơ sở an toàn và vững chắc của những chế tài luật pháp phù hợp; đồng thời phải hướng đích là góp phần gia tăng quỹ bảo hiểm tiền gửi để tiến tới tự cân đối mà không sử dụng ngân sách Nhà nước trong chi trả bảo hiểm tiền gửi cho đối tượng được thụ hưởng./.
____________________
(1) Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam: Từ điển thuật ngữ kinh doanh BH. Hà Nội, 2002.
(2) Quốc hội (2005): Bộ Luật dân sự, Hà Nội, 2005.
(3)Phạm Văn Tuyết: Bảo hiểm và kinh doanh bảo hiểm theo pháp luật Việt Nam, NXB Tư pháp, Hà Nội, 2007, tr.73-81.
(4) Lê Thị Kim Xuân (2007): “Minh bạch hóa chính sách BHTG qua Chứng nhận BHTG”, Thông tin bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Số 2, tháng 01 năm 2007, tr.16.
Trường Hạ sĩ quan xe tăng I: 40 năm xây dựng và trưởng thành  (30/08/2012)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam  (30/08/2012)
Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nam Định tiến hành kiểm điểm tập thể, cá nhân Ban Thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)  (30/08/2012)
Hoạt động kỷ niệm Quốc khánh 2-9 ở nước ngoài  (30/08/2012)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Chủ tịch JICA  (30/08/2012)
Tăng cường, thúc đẩy hợp tác quốc phòng Việt Nam - Ô-xtrây-li-a  (30/08/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên